Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Một số kết quả và bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

14/02/2020

     Thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 26/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2986/QĐ-BNN-VPĐP ngày 12/7/2017 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017 - 2020, Trung ương Hội Cựu Chiến binh (CCB) Việt Nam được giao thực hiện Đề án thí điểm mô hình tuyên truyền viên (TTV) BVMT cấp xã trong xây dựng NTM. Từ năm 2018, Đề án được triển khai tại 3 tỉnh: Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La và đến nay đã đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần vào công cuộc BVMT, xây dựng NTM ở các địa phương.

     Triển khai thực hiện Đề án và những kết quả nổi bật

     Trên cơ sở Kế hoạch của Trung ương Hội, Hội CCB các tỉnh đã tổ chức triển khai khảo sát, lựa chọn đơn vị xây dựng mô hình TTV cấp xã tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình và Sơn La. Theo đó, mỗi tỉnh chọn 2 mô hình cấp xã, là những xã chưa đạt chuẩn NTM và không phải xã đạt dưới 5 tiêu chí (bao gồm xã Xuân Phong và Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; xã Hợp Thành và Hồng Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn; xã Chiềng Ngần và Hủa La, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La). Việc xây dựng điểm với số lượng hợp lý, không dàn trải, phù hợp với lực lượng của CCB; đơn vị điểm không quá khó khăn, cũng không quá dễ dàng, sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm.

     Về việc lựa chọn đội ngũ TTV, mỗi xã 1 mô hình, mỗi mô hình chọn 6 TTV, trong đó Tổ trưởng phải là CCB có uy tín, còn các thành viên có thể là những đối tượng khác, không nhất thiết phải là CCB. Yêu cầu TTV phải là người nhiệt tình, trách nhiệm, khả năng diễn thuyết rõ ràng, mạch lạc. Các địa phượng lựa chọn TTV cơ bản đều là cán bộ của các đoàn thể, do đó công tác tuyên truyền BVMT khá thuận lợi.

     Công tác xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động cũng được thực hiện bài bản. Trước hết, yêu cầu Hội CCB 3 tỉnh báo cáo với UBND tỉnh và huyện, xã lựa chọn các Sở có liên quan như: NN&PTNT, TN&MT, Thông tin và Truyền thông để phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ; yêu cầu mỗi xã được lựa chọn xây dựng quy chế vận hành (quy chế do Trung ương Hội phối hợp với Hội CCB tỉnh hướng dẫn; Tổ trưởng TTV mô hình cấp xã trực tiếp xây dựng và thông qua UBND xã ký ban hành). Bên cạnh đó, đề nghị UBND xã ra Quyết định thành lập Tổ TTV (hoạt động theo quy chế và kế hoạch cụ thể do UBND xã phê duyệt). Đây là những nội dung quan trọng, làm cơ sở pháp lý để vận hành mọi hoạt động của đội ngũ TTV.

     Cùng với đó, trước khi đi vào hoạt động Tổ TTV, Trung ương Hội xây dựng kế hoạch tập huấn chung và Hội CCB từng tỉnh sẽ trực tiếp xây dựng kế hoạch rồi tổ chức hội nghị tập huấn cho đội ngũ TTV cũng như lãnh đạo địa phương có mô hình thí điểm TTV với số lượng 60 người/tỉnh. Chương trình tập huấn dựa theo nội dung trong tài liệu của Bộ TN&MT biên soạn, Bộ NN&PTNT cung cấp, cơ bản về BVMT theo tiêu chí xây dựng NTM và phương pháp tuyên truyền; giáo viên do cán bộ của Sở TN&MT và Sở NN&PTNT từng tỉnh giới thiệu, nhằm đảm bảo chất lượng, đúng nội dung theo kế hoạch.

     Sau khi tổ chức tập huấn và hoàn thành quy chế, kế hoạch thực hiện của từng mô hình, từ ngày 1/4/2018, các tổ TTV đi vào hoạt động, chủ yếu lồng ghép truyên truyền trong các cuộc hội họp của chính quyền, đoàn thể, thông qua phương tiện truyền thông tại xã, thôn. Hết quý 2/2018, từng mô hình tổ chức họp rút kinh nghiệm tại xã lần 1; cuối quý 3/2018 họp rút kinh nghiệm lần 2 với sự tham dự của Cơ quan Trung ương Hội, tỉnh Hội, huyện Hội. Trên cơ sở đó, từng bước nâng cao chất lượng, phương pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Tháng 11/2018, Hội CCB các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La chủ trì tổ chức Hội thảo để thống nhất giải pháp tuyên truyền, vận hành, duy trì, nhất là giải pháp xã hội hóa TTV; đề xuất định mức bồi dưỡng cho đội ngũ TTV; sử dụng ngân sách xã hội hóa tại địa phương. Trong đó, Hội CCB tỉnh Hòa Bình đã chú trọng đến hình thức bề nổi của công tác truyên truyền; Hội CCB tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng dược video tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực.

 

CCB xóm Đồi, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vệ sinh đường làng, ngõ xóm

 

     Đầu năm 2019, Trung ương Hội CCB xây dựng kế hoạch sơ kết chung, CCB các tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết sau 1 năm thực hiện và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Thực hiện Kế hoạch của Trung ương Hội, tháng 8/2019, Hội CCB 3 tỉnh tổ chức Hội thi mô hình TTV cấp xã, nội dung về chuyển biến trong nhận thức của nhân dân địa phương thông qua việc tổ chức thu gom rác thải và thực hiện tiêu chí 17 trong xây dựng NTM; thi hình thức tuyên truyền (băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, phát thanh, truyền hình, video…) của từng mô hình. Mỗi TTV thực hiện 1 nội dung tuyên truyền bằng phương pháp thuyết trình. Thông qua Hội thi nhằm đánh giá kết quả đã thực hiện được trong thời gian qua và nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ TTV BVMT cấp xã, đồng thời thấy rõ những vấn đề còn tồn tại để khắc phục, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án thí điểm trong thời gian tới. Ngoài ra, Hội CCB các tỉnh, phối hợp với Hội CCB huyện có mô hình thí điểm tăng cường tổ chức kiểm tra mô hình hàng tháng, đôn đốc tiến độ theo kế hoạch; chuẩn bị báo cáo tổng kết kèm theo hồ sơ mô hình thí điểm làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

     Thông qua việc thực hiện các mô hình TTV BVMT cấp xã đã vận động được đông đảo người dân tích cực tham gia các hoạt động quét dọn, vệ sinh đường làng ngõ xóm, thôn, bản hàng tháng, hàng tuần; xây hố rác, thùng đựng rác tập trung ở khu dân cư, ngoài đồng ruộng; có ý thức thu gom rác thải, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, hạn chế vứt rác ra môi trường gây ô nhiễm. Không những thế, hình thức tuyên truyền tại mô hình được cải thiện, nhận thức của người dân về tự giác chấp hành và tham gia BVMT ngày càng nâng cao; đã hình thành được các tổ thu gom rác thải tại thôn, bản và hoạt động thường xuyên...

     Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định: Cán bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo chưa có kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên sâu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên bước đầu còn lúng túng; khả năng truyên truyền, thuyết phục của TTV cấp xã còn hạn chế, phương tiện, khẩu hiệu, pa nô, áp pích, tài liệu… sơ sài; hoạt động phân loại rác thải tại từng hộ gia đình và xây hố, bể thu gom rác thải nông thôn chưa có sự chuyển biến nổi bật; các tổ, đội thu gom rác thải nông thôn hoạt động chưa thực sự hiệu quả; tính hiệu quả, tính bền vững của Tổ TTV BVMT cấp xã chưa cao…

     Bài học kinh nghiệm và ý kiến đề xuất góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án

     Sau 2 năm thực hiện, Đề án thí điểm mô hình TTV BVMT cấp xã trong xây dựng NTM có một số điểm cần rút kinh nghiệm như: Vì đây là nội dung liên quan đến UBND các cấp, đến các ngành, đoàn thể và nếp sống sinh hoạt của nhân dân địa phương, vì vậy, ngay từ đầu phải báo cáo với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể để có sự đồng thuận, chỉ đạo của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Xây dựng mô hình điểm cần phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ trực tiếp theo dõi, nghiên cứu chỉ đạo cụ thể, bám sát cơ sở, theo từng nội dung truyên truyền đến từng mô hình và cá nhân TTV; lựa chọn đơn vị xây dựng điểm không chọn địa phương đã đạt chuẩn NTM, không chọn địa phương đạt dưới 5 tiêu chí vì nếu chọn địa phương thuận lợi hoặc quá khó khăn sẽ dẫn đến việc triển khai, rút ra kết quả, bài học kinh nghiệm thiếu tính thực tiễn. Nên chọn đội ngũ TTV là những người có uy tín, khả năng diễn thuyết rõ ràng, trách nhiệm với công việc với số lượng hợp lý, không quá ít cũng không quá nhiều người.

     Đồng thời, trong quá trình triền khai thực hiện cần nghiên cứu, có chính kiến rõ ràng, đề xuất những vấn đề cụ thể về nội dung, phương pháp truyên truyền và kinh phí hỗ trợ theo hướng xã hội hóa. Những nội dung liên quan đến UBND các cấp, các ngành, đoàn thể cần có ý kiến của lãnh đạo, các cơ quan chức năng. Ngoài ra, đây là nội dung thí điểm cần được nghiên cứu, xem xét nghiêm túc, khoa học, khách quan, không vì thành tích, vì phong trào đơn thuần trước mắt, từ đó có chính kiến đề xuất chính xác, đúng thực tiễn trong điều kiện hiện nay.

     Cùng với đó, dựa vào hiệu quả của hoạt động mô hình thí điểm Tổ TTV BVMT cấp xã, không nên thành lập Tổ TTV cấp xã riêng biệt, mà tổ chức theo hướng giao cho các hội, đoàn thể cấp xã thực hiện nhiệm vụ TTV BVMT, trong đó, mỗi hội viên, đoàn viên là 1 TTV, Chi hội trưởng tại cơ sở là Tổ trưởng TTV hoạt động theo Kế hoạch tuyên truyền hàng năm do Chủ tịch, Bí thư các đoàn thể cấp xã xây dựng, Chủ tịch UBND xã phê duyệt. Xem đây là một trong những nội dung thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của hội, đoàn thể. Mặt trận Tổ quốc là cơ quan trung tâm theo dõi chỉ đạo chung về nội dung này đối với các hội đoàn thể. Mọi công tác bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền do từng địa phương hỗ trợ về chi bồi dưỡng, hỗ trợ tài liệu, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tờ rơi, hội thi, phát thanh, truyền hình… Đề xuất sử dụng nguồn ngân sách địa phương và ngân sách do thu phí BVMT tại địa phương; mức bối dưỡng mỗi tháng từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng/1 TTV (nếu có).

     Đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo chung Đề án, đánh giá kết luận vì ở cơ sở cấp xã hiện nay đã hình thành nhiều tổ chức, do vậy chỉ nên gắn nội dung TTV BVMT phù hợp cho các tổ chức đã có thì sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không cho các xã nợ các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí 17 để được công nhận đạt chuẩn NTM; Bộ TN&MT trực tiếp chỉ đạo nội dung cụ thể tiêu chí 17 trong xây dựng NTM và hỗ trợ chuyên môn, tài liệu, trang bị, phương tiện về BVMT nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về thu gom rác thải, BVMT nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả nước và ở từng địa phương với thời lượng nhiều hơn, thời gian lâu hơn.

 

                  Phạm Bá Yến

Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn