Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Hiện trạng môi trường khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang) - Hướng tới sự phát triển bền vững

10/02/2020

     Tóm tắt: Hiện nay, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), môi trường là một trong những vấn đề cần được quan tâm. Đặc biệt, sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD) ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, gây nên sự biến động môi trường tự nhiên cho khu vực. Gia tăng nhiễm mặn các vùng đất thấp và cửa sông ven biển; nước mặt và ngầm có biểu hiện ô nhiễm: Mn, Zn, Pb và vật chất hữu cơ; nước biển ven đảo có biểu hiện ô nhiễm dầu, rác thải, kim loại nặng; môi trường đất và trầm tích cũng có nguy cơ ô nhiễm các kim loại nặng… Do đó, nghiên cứu các yếu tố môi trường tại khu kinh tế (KKT) Phú Quốc là hết sức cần thiết, là cơ sở đưa ra các giải pháp phù hợp BVMT nhằm phát triển bền vững (PTBV) KKT Phú Quốc.

     Từ khóa: Môi trường, PTBV, Phú Quốc

  1. MỞ ĐẦU

     PTBV đã trở thành xu thế chung toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới. Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV được Đại hội đồng Liên hợp quốc (154 quốc gia thành viên) thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại New York, Mỹ, trong đó Việt Nam đã đưa ra 3 vấn đề lớn của PTBV là kinh tế, xã hội và môi trường. Các vấn đề này có mối quan hệ mật thiết và tác động lẫn nhau trong thế cân đối thống nhất của PTBV. Do đó, muốn PTBV KKT Phú Quốc ngoài việc phát triển KT - XH cần phải tính đến vấn đề môi trường.

     Vấn đề môi trường ở Phú Quốc đang là vấn đề nóng và trong tình trạng đáng báo động hiện nay. Ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất/trầm tích tại khu vực nghiên cứu diễn ra ngày càng trầm trọng do tác động nhân sinh từ các hoạt động phát triển KT – XH, cùng với tác động của tự nhiên như BĐKH, NBD. Do đó, việc nghiên cứu các yếu tố môi trường hết sức cần thiết, là cơ sở để đưa ra các giải pháp phù hợp BVMT nhằm PTBV KKT Phú Quốc.

     2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

     2.1. Phương pháp thu thập, tổng hợp tài liệu

Đây là phương pháp nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được của một số công trình nghiên cứu về môi trường nước, đất/trầm tích, không khí ở khu vực nghiên cứu như: Đào Mạnh Tiến [6] , Phạm Văn Thanh [7]  và được trình bày trong Quy định kỹ thuật của Bộ TN&MT [2] . Từ đó xác định kế hoạch nghiên cứu bổ sung, đánh giá toàn diện hơn về hiện trạng môi trường vùng nghiên cứu.

     2.2. Phương pháp khảo sát thực địa

     Tiến hành điều tra bổ sung, lấy các loại mẫu môi trường nước, đất/trầm tích ven biển, không khí ở các vị trí khác nhau tại khu vực trên đảo và biển ven đảo Phú Quốc nhằm bổ sung dữ liệu khảo sát mới nhất và đảm bảo độ tin cậy. Mẫu không khí được đo và ghi thông số kỹ thuật trực tiếp tại hiện trường, các loại mẫu đất/trầm tích đều được bảo quản trong túi polimer 2 lớp và mẫu nước bảo quản trong các chai nhựa, có etiket sau đó được mang đi phân tích trong phòng thí nghiệm theo yêu cầu nghiên cứu.

     2.3. Cơ sở đánh giá chất lượng môi trường

     Để đánh giá chất lượng môi trường tại khu vực nghiên cứu cần dựa trên:

  • Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng đất (QCVN 03: 2015/BTNMT) và Quy chuẩn Quốc gia về trầm tích (QCVN 43: 2012/BTNMT) để đánh giá chất lượng đất/trầm tích khu vực ven biển và biển ven bờ.
  • Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT: 2015/BTNMT); QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn để đánh giá chất lượng môi trường nước và không khí khu vực nghiên cứu

     3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

     3.1. Đánh giá hiện trạng môi trường KKT Phú Quốc

     3.1.1 Môi trường nước

       Môi trường nước khu vực nghiên cứu bao gồm: nước mặt lục địa, nước dưới đất và nước biển ven bờ.

     Môi trường nước mặt lục địa

     Chương trình quan trắc nước mặt lục địa được Trung tâm Quan trắc TN&MT Kiên Giang thực hiện với tần suất 2 lần/năm vào mùa khô (tháng 3) và mùa mưa (tháng 9), nhằm theo dõi diễn biến chất lượng nước thay đổi, báo cáo kết quả quan trắc cho Sở TN&MT và Tổng cục Môi trường, phục vụ công tác quản lý môi trường trên địa bàn Tỉnh. Kết quả phân tích được so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT: 2015/BTNMT) bao gồm các chỉ tiêu: pH, nhu cầu oxy hòa tan (DO), nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5), nhu cầu oxy hóa hóa học (COD), tổng rắn lơ lửng (TSS), Nitrit, Nitrat, Amoni, Clorua, Sắt tổng và tổng Coliform. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm của tỉnh Kiên Giang [1] , kết quả quan trắc chất lượng nước mặt vùng Phú Quốc từ năm 2011 - 2015 được thể hiện ở Bảng 1.

     Bảng 1. Thông số kỹ thuật quan trắc môi trường nước mặt KKT Phú Quốc

Thông số

Đơn vị

Kết quả quan trắc trung bình

Phân tích và đánh giá

DO

mg/l

4,2 – 9,2 (mùa khô)

4,11 - 5,6 (mùa mưa)

Giá trị DO tương đối cao và có xu hướng ổn định qua các năm

COD

mg/l

7,68 - 32,64 (mùa khô)

9,12 - 46,06 (mùa mưa)

Đa số các giá trị đều vượt quy chuẩn cho phép và biến động không nhiều qua các năm

BOD5

mg/l

6,09 - 20,12 (mùa khô)

7,72 - 32,55 (mùa mưa)

Đa số đều có giá trị vượt quy chuẩn cho phép, tuy nhiên mức độ vượt không cao và biến động không nhiều qua các năm

Nitrit (NO2)

mg/l

0,001 - 0,021mg/l

Tại vị trí Cầu Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc nồng độ Nitrit vào mùa khô các năm hầu như vượt mức cho phép

Nitrat (NO3)

mg/l

0,1 - 4mg/l

Thấp hơn nhiều so với mức cho phép. Giá trị Nitrat­ của vùng dao động tương đối ổn định qua các năm

Amoni (NH4+)

mg/l

0,18mg/l - 0,32mg/l

Hầu hết đều trong giới hạn cho phép. Tại vị trí Cầu Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc nồng độ Amoni cao hơn vị trí còn lại

Coliforms

MPN hoặc

CFU/100 ml

4 - 390.000

Giá trị tổng Coliforms dao động rất mạnh tùy thời điểm lấy mẫu.

 

     Một số thông số kỹ thuật môi trường khác như pH có tính trung tính với giá trị dao động từ 5 - 8 do đây là nước biển vùng ven bờ, nên giá trị Clorua khá cao, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nồng độ sắt (Fe) đều nằm trong giới hạn cho phép. Nhìn chung, nước mặt lục địa của huyện đảo Phú Quốc chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ (DO, COD, BOD5), vi sinh (Coliforms). Ngoài ra, kết quả khảo sát bổ sung còn cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm Mn, Zn và Pb ở khu vực xã Cửa Cạn, dầu thải ở khu vực thị trấn Dương Đông và khu vực rạch Hàm thuộc xã Hàm Ninh do nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nước thải sinh hoạt không được xử lý đã và đang thải trực tiếp ra các dòng sông, kênh, rạch trên địa bàn.

      Môi trường nước dưới đất

     Kết quả đánh giá chất lượng nước tại các công trình nghiên cứu gồm 10 công trình tại tỉnh Kiên Giang của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam [3]  phân tích cho thấy: Trong số 19 chỉ tiêu hóa lý được đánh giá theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT, có đến 12 chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép, bao gồm: F, NO3, N, As, Cd, Pb, Cr, Cu, Zn, Mn, Hg, Fe tổng và Se. Còn lại 7 chỉ tiêu vượt giới hạn, cụ thể như sau:

Chỉ tiêu

Giá trị đo được

Số trường hợp vượt giới hạn cho phép

Mức vượt cao nhất so với giới hạn cho phép

pH

7,28 - 8,98

1

1,06 lần

Độ cứng

210,00 - 3.025,00 mg/l

7

6,05 lần

Chất rắn tổng số

0,60 - 10,70g/l

8

7,12 lần

NH4_N

0,00 - 5,47mg/l

4

54,69 lần

Clorua

58,49 - 5.956,00mg/l

8

23,82 lần

NO2_N

0,01 - 3,66mg/l

6

3,66 lần

SO4

36,02 - 1.201,00mg/l

1

3,00 lần

     Môi trường nước biển ven bờ

     Theo mục đích sử dụng, nước biển ven bờ tại huyện đảo Phú Quốc được chia thành 2 nhóm để so sánh với 2 cột tương ứng của QCVN 10-MT: 2015/BTNMT (cột Vùng bãi tắm thể thao dưới nước - nhóm 1 và cột các nơi khác - nhóm 2).

      Nước biển ven bờ vùng nhóm 1 của KKT Phú Quốc có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Giá trị COD của nước biển dao động trong khoảng 5,18 - 11,74mg/l, đều vượt quy chuẩn nhưng mức độ vượt thấp từ 1,3 - 2,94 lần so với giá trị giới hạn. Ngoài ra, giá trị pH cũng có xu hướng tăng theo thời gian dao động trong khoảng 6,3 - 8,77; đồng thời sắt tổng và TSS lại có xu hướng giảm trong cả hai mùa mưa và khô cho thấy, nước biển ven bờ nhóm 1 đang có xu hướng kiềm hóa. Hàm lượng DO ổn định qua các năm và dao động trong khoảng 4,3 - 6,8mg/l, đều trong giới hạn cho phép. Nhìn chung, chất lượng nước biển ven bờ nhóm 1 của khu vực tương đối tốt.

     Nước biển ven bờ vùng nhóm 2 của Phú Quốc có dấu hiệu ô nhiễm, bởi phèn sắt (Fe) và vi sinh (Coliforms). Tuy nhiên, ô nhiễm này chỉ mang tính thời điểm và cục bộ tại một vài vị trí do lượng thức ăn dư thừa tích lũy từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển và chất thải chưa được xử lý hiệu quả. Qua diễn biến chất lượng nước theo thời gian và theo mùa cho thấy, giá trị pH và COD có xu hướng tăng lần lượt dao động từ 6,1 - 8,68 và 2,97 - 26,85 mg/l, trong khi hàm lượng DO có xu hướng giảm trong khoảng 4,05 - 7,58mg/l. Điều này cho thấy chất lượng nước biển ven bờ nhóm 2 đang chiều hướng xấu đi.

     3.1.2 Môi trường đất/trầm tích

     Môi trường trầm tích của khu vực nghiên cứu không bị ô nhiễm kim loại nặng, tuy nhiên, có rất nhiều vùng dị thường nằm ven theo bờ biển, gồm những nguyên tố: Mg, Mn, Cu, Pb, Zn, Cd, Sb, As, B, Br, I, SO42-, và NO-. Ngoài ra, vùng trầm tích ven bờ có liều chiếu tương đương H < 0,2mSv/năm, ngoại trừ khu vực gần mũi Đá là 0,2 < H < 0,5mSv/năm. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều vùng có dị thường các nguyên tố phóng xạ từ bậc 1 đến bậc 3 (kali, urani và thori). Việc tồn lưu các chất thải do hoạt động giao thông vận tải và do các hoạt động KT - XH tại KKT Phú Quốc theo thời gian trong tương lai sẽ gây ô nhiễm đất/trầm tích vùng ven bờ. Ngoài ra, các vùng đất thấp và cửa sông ven biển gia tăng nhiễm mặn do ảnh hưởng của BĐKH, NBD.

     3.1.3 Môi trường không khí

          * Bụi

          Nhìn chung các giá trị bụi tại khu vực KKT Phú Quốc luôn đạt giá trị dưới 200µg/m3, còn khá thấp và chỉ đạt giá trị cao tại một số điểm có công trình xây dựng do ảnh hưởng của quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cho phát triển KT - XH. Việc các phương tiện giao thông vận chuyển vật liệu xây dựng gây bụi khiến cho giá trị bụi tại các nút giao thông như đường Dinh Bà, đường Nguyễn Văn Cừ tăng lên bất thường trong một khoảng thời gian ngắn.

          * Khí SO2, NO2, CO

          Theo kết quả quan trắc năm 2016, giá trị CO tại các vị trí trên đảo đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT (30.000µg/m3). Nhìn chung, giá trị CO trong KKT Phú Quốc có giá trị thấp và chưa có hiện tượng ô nhiễm thông số CO. Giá trị NO2 trung bình giờ tại tất cả vị trí dao động trong khoảng 33µg/m3 đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT. Giá trị NO2 trung bình trong 1 ngày không có sự biến động lớn. Giá trị thấp nhất tại khu vực Mũi Hạnh. Tương tự với khí SO2, các giá trị giao động trong khoảng 37µg/m3. Tuy đã có nhiều hoạt động KT - XH diễn ra trên khu vực đảo, nhưng nhìn chung, các giá trị khí độc vẫn nằm trong mức cho phép của QCVN và chưa có xu hướng thay đổi theo thời gian [5].

          * Tiếng ồn

          Vì là khu vực có các hoạt động chủ yếu là du lịch, dịch vụ, lại là hòn đảo cách khá xa đất liền, nên hoạt động giao thông vận tải nơi đây diễn ra thường xuyên với mật độ lớn như Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc và Bến phà Thạch Giới, cảng Bãi Vòng. Kết quả quan trắc tiếng ồn tại 3 khu vực nút giao thông đô thị, nút giao thông khu vực sân bay Phú Quốc và nút giao thông khu vực bến phà Thạch Giới từ 63,6 dBA đến 77,5 dBA, một số giá trị không đạt QCVN 26:2010/BTNMT (70 dBA) trong liên tục 24h. Đạt giá trị cao nhất tại khu vực sân bay Phú Quốc. Tại các nút giao thông đô thị, hầu hết các giá trị đều đạt QCVN 26:2010/BTNMT (70 dBA).

     3.1.4 Nhận xét và đánh giá

     Nguồn nước trên lục địa của KKT Phú Quốc đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn do hiện tượng BĐKH, NBD trong những năm gần đây. Thêm vào đó, khu vực này còn có dấu hiệu ô nhiễm Mn, Zn, Pb và hữu cơ. Do chất lượng nước mặt trên đảo đang xấu đi nên chất lượng nước ngầm cũng dần bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, vùng nước biển ven bờ cũng có nguy cơ ô nhiễm và ô nhiễm dầu thải, rác thải và các kim loại nặng.

          Mặc dù khu vực nghiên cứu không bị ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường trầm tích, nhưng có rất nhiều vùng dị thường nằm ven theo bờ biển do tồn lưu các chất thải từ hoạt động giao thông vận tải và hoạt động KT - XH khác theo thời gian. Dự báo trong tương lai các chất thải này sẽ gây ô nhiễm đất/trầm tích vùng ven bờ.

Về chất lượng không khí, các giá trị khí độc SO2, NO2, CO vẫn nằm trong mức cho phép của QCVN và chưa có xu hướng thay đổi theo thời gian tại KKT Phú Quốc.

Có thể thấy được, quá trình phát triển KT - XH tại KKT Phú Quốc đã gây ra những hệ quả ô nhiễm môi trường cho khu vực, ảnh hưởng đến mục tiêu PTBV. Do đó, cần thiết phải đưa ra các giải pháp BVMT mang tính khả thi cao nhằm đảm bảo PTBV KKT Phú Quốc

     3.2. Các giải pháp BVMT hướng tới mục tiêu PTBV KKT Phú Quốc

     3.2.1. Giải pháp pháp lý

          - Tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý trong việc quản lý khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên và BVMT.

- Kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về BVMT.

     3.2.2. Giải pháp tài chính

  • Huy động các nguồn vốn cho công tác BVMT như trích phần trăm doanh thu sản xuất của các doanh nghiệp cho công tác BVMT thường xuyên.
  • Xây dựng quỹ môi trường vì mục tiêu PTBV KKT Phú Quốc nhằm đầu tư nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả.
  • 3.2.3. Giải pháp khoa học và công nghệ

- Tuyên truyền, nâng cao ý thức BVMT hệ sinh thái trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

- Tăng cường nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ xử lý rác thải và nước thải ứng dụng trên địa bàn KKT Phú Quốc.

     3.2.3. Giải pháp giáo dục, trong đó có giáo dục cộng đồng

  •  Nâng cao ý thức tự giác BVMT biển đảo cho cộng đồng địa phương và du khách.
  • Tổ chức các phong trào dọn vệ sinh vào các ngày cuối tuần tại các cơ quan ban ngành, xã, thị trấn; phát động phong trào không xả chất thải trong toàn thể cộng đồng,  hạn chế sử dụng túi ni lông - chai nhựa. Tổ chức cho các đoàn viên, thanh niên làm sạch môi trường biển.

     4. KẾT LUẬN

     Phú Quốc là một trong 15 KKT ven biển của nước ta đã và đang phát huy vai trò, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH không chỉ cho địa phương, mà còn tỉnh Kiên Giang và các vùng lân cận. Tuy nhiên, quá trình phát triển KT - XH của Phú Quốc vẫn chưa thực sự bền vững, bởi vấn đề môi trường còn nhiều bất cập. Kết quả nghiên cứu cho thấy, môi trường nước trên đảo và biển ven đảo đang xấu đi và đứng trước nguy cơ ô nhiễm. Môi trường trầm tích có tồn lưu các chất thải từ hoạt động giao thông vận tải và hoạt động KT - XH khác theo thời gian. Chất lượng không khí vẫn nằm trong mức cho phép của QCVN và chưa có xu hướng thay đổi theo thời gian tại KKT Phú Quốc. Nghiên cứu cũng đề xuất được 4 nhóm giải pháp BVMT hướng tới PTBV bao gồm: giải pháp pháp lý, gải pháp tài chính, giải pháp khoa học và công nghệ, giải pháp giáo dục.

 

Phạm Văn Thanh, Đặng Thị Hương, Nguyễn Thị Bình

Hội Địa chất Biển Việt Nam

Đào Hương Giang

Đại học Kinh tế Quốc dân

Công Minh Vương

Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển bền vững

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 3/2019)

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Kiên Giang 5 năm, 2011 - 2015. Sở TN&MT Kiên Giang, xuất bản năm 2016.
  2. Bộ Công nghiệp (nay là Bộ TN&MT), 2001. Nội dung cơ bản của công tác điều tra địa chất, khoáng sản địa chất môi trường và tai biến địa chất biển ven bờ Việt Nam. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), Hà Nội.
  3. Chất lượng nước dưới đất tỉnh Kiên Giang, 2015. Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam.
  4. Đào Hương Giang (2015). Báo cáo chuyên đề “Đặc điểm hiện trạng môi trường biển của các đảo và nhóm đảo điển hình” thuộc đề tài NCKH cấp Nhà nước mã số BĐKH 50/11-15 “Nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH đối với một số đảo, nhóm đảo điển hình của Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó”. Bộ Tài nguyên Môi trường, 2015.
  5. Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, 2015. Báo cáo môi trường tỉnh Kiên Giang năm 2015.
  6. Đào Mạnh Tiến, 2010. Nghiên cứu đánh giá khả năng tích luỹ các chất gây ô nhiễm trong môi trường trầm tích ven bờ biển Việt Nam”, mã số KC.09.21/06-10 thuộc chương trình KHCN cấp nhà nước. Lưu trữ Bộ Khoa học và Công nghệ.
  7. Phạm Văn Thanh và nnk, 2015. Nghiên cứu đánh giá tác động BĐKH đến quy hoạch sử dụng không gian của một số đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó; thí điểm cho khu kinh tế mở Nhơn Hội, Bình Định. Mã số BĐKH-23/11-15. Lưu trữ Bộ TN&MT, 2015.
  8. Phạm Văn Thanh (2015). Báo cáo chuyên đề “Hiện trạng và dự báo môi trường trầm tích biển ven đảo do BĐKH tại các đảo, nhóm đảo theo kịch bản phát thải trung bình cho các năm 2030, 2050” thuộc đề tài NCKH cấp Nhà nước mã số BĐKH 50/11-15 “Nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH đối với một số đảo, nhóm đảo điển hình của Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó”. Bộ Tài nguyên Môi trường, 2015
  9.  

STATE OF THE ENVIRENMENT OF SPECIAL ECONOMIC ZONE OF PHU QUOC TOWARDS SUSTAINABLE DEVELOPMENT

Pham Van Thanh, Dang Thi Huong, Nguyen Thi Binh

Association of marine geology Vietnam

Dao Huong Giang

National Economics University

Công Minh Vương

Iustitue of Resources and Envivoment Development

     Abstract: Currently, the environment is one of the alarming issues due to pollution by socio-economic activities, especially the impact of climate change and sea level rise, increasing in intensity, degree and frequency of natural disasters causing the environment degeadation. Lowland and coastal estuaries have suffered from salt intrusion. Surface and underground waters are polluted by Mn, Zn, Pb and organic matter. Onshore waters are polluted by oil pollution, waste and heavy metals. Soil and sediment are also at risk of contamination of heavy metals. Therefore, studying the environmental factors is very necessary, is the basis for offering appropriate solutions to protect the environment for sustainable development of Phu Quoc EZ.

     Key words: Envirenment, sustainable development, Phu Quoc.

 

 

Ý kiến của bạn