Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh

09/10/2019

Nguyễn Văn Phước1, Nguyễn Thị Thu Hiền2

1Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG HCM

2Hội Nước và Môi trường TP.HCM

 

TÓM TẮT

     Bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực từ Bà Rịa -  Vũng Tàu (BR - VT) đến Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh (HCM) được xây dựng dựa trên hướng dẫn của NOAA (National Oceanic and Atmospheric Administration). Kết quả cho thấy, vùng đường bờ khu vực vịnh Gành Rái, đặc biệt là khu vực Long Sơn, Phước Hòa, khu vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các vùng ngập mặn và vùng trung triều các huyện Tân Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu, các khu vực rừng ngập mặn (RNM) ven sông Thị Vải - Cái Mép, sông Dinh, cửa sông Ray; khu vực đường bờ và vùng lõi RNM Cần Giờ là những nơi có chỉ số nhạy cảm môi trường (ESI) rất cao.

Từ khóa: Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ, bản đồ nhạy cảm môi trường.

1. Mở đầu

    BR-VT nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường địa giới chung dài 16,33 km với TP.HCM ở phía Tây; 116,51 km với Đồng Nai ở phía Bắc; 29,26 km với Bình Thuận ở phía Đông. BR -VT có bờ biển dài 305,4 km và trên 100.000 km2 thềm lục địa. Hoạt động kinh tế của tỉnh trước hết là tiềm năng dầu khí với 93% tổng trữ lượng dầu mỏ và 16% tổng trữ lượng khí thiên nhiên của cả nước, được Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển quốc gia và quốc tế hiện đại, nằm trong vùng trọng điểm của Chương trình du lịch quốc gia. Ngoài lĩnh vực khai thác dầu khí, BR - VT còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển của cả nước. Với lợi thế phát triển như vậy, nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu tại địa bàn tỉnh BR - VT rất cao và thực tế đã có nhiều vụ tai nạn va đâm tàu chở dầu xảy ra gây thiệt hại không nhỏ cho môi trường và kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Thêm vào đó, do có nhiều sông giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và TP.HCM, đặc biệt lại là các sông lớn nằm trong các tuyến đường thủy có mật độ lưu thông rất cao như sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Thị Vải, nên nguy cơ bị tác động từ các sự cố ven biển của tỉnh lại càng cao khi có thêm các nguồn thải không thuộc địa bàn tỉnh. [5]

    Cần Giờ là huyện ven biển, nằm về phía Đông Nam TP.HCM, trung tâm huyện là thị trấn Cần Thạnh, cách thành phố khoảng 50 km theo đường bộ, với chiều dài từ Bắc xuống Nam của huyện là 35 km, từ Đông sang Tây là 30 km, có hơn 20 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện là 70.445,34 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích toàn thành phố. Huyện Cần Giờ có địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam với độ chênh lệch không lớn, dòng cát ven biển Cần Giờ và một số gò đất hoặc cồn cát rải rác cao từ 0 - 2 m so với nước biển[1]. Huyện Cần Giờ với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng về mức độ sinh học, động, thực vật, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và đây cũng là lá phổi xanh của TP.HCM. Do đó, Cần Giờ được xem là khu vực nhạy cảm của TP.HCM và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu sự cố xảy ra.

    Mục tiêu của nghiên cứu này là xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường (BĐNCMT) vùng ven biển từ BR - VT đến Cần Giờ, dựa trên phương pháp tiếp cận của NOAA nhằm phục vụ cho việc nhận diện những khu vực có nguy cơ thiệt hại cao và những khu vực nhạy cảm cao cần được ưu tiên phòng ngừa và bảo vệ.

2. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường chủ yếu dựa trên Hướng dẫn phân loại chỉ số nhạy cảm môi trường của NOAA (National Oceanic and Atmospheric Administration) [3].

 

Hình 1. Nguyên tắc xây dựng Bản đồ nhạy cảm môi trường

 

    Các bước cơ bản để xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường gồm:

  • Khảo sát hiện trạng môi trường và các hoạt động KT-XH;

  • Thiết lập nguyên tắc xác định chỉ số nhạy cảm môi trường (Environmental Sensitivity Index - ESI) theo hướng dẫn của NOAA;

  • Xác định ESI đường bờ theo hướng dẫn của NOAA;

  • Xác định ESI khu vực gần bờ và tài nguyên thiên nhiên (trứng cá và cá con, cỏ biển, rạn san hô và bãi bùn…) cho từng lớp chuyên đề;

  • Xác định ESI khu vực trên bờ và tài nguyên con người sử dụng cho từng lớp chuyên đề;

  • Sử dụng phần mềm Mapinfo và chương trình ESI Maps tích hợp các lớp bản đồ để xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường.

 

Hình 2. Xác định chỉ số nhạy cảm đối với đường bờ

 

Hình 3. Xác định chỉ số nhạy cảm đối với tài nguyên gần bờ

 

Hình 4. Xác định chỉ số nhạy cảm đối với tài nguyên trên bờ

 

 

   Các lớp bản đồ chuyên đề được xây dựng làm nguồn cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường gồm các lớp dạng điểm, dạng đường và dạng vùng (Bảng 1). Các lớp bản đồ chuyên đề này được chồng lớp để tạo bản đồ nhạy cảm môi trường hoàn chỉnh bằng phần mềm ESI Maps.

 

Bảng 1. Các lớp chuyên đề của bản đồ nhạy cảm môi trường

Lớp dạng đường

Lớp dạng vùng

Lớp dạng điểm

Lớp đường bờ

Lớp nông nghiệp

Lớp thảm thực vật

Các động vật biển

Lớp giao thông

Lớp diêm nghiệp

Lớp thảm rong biển

Cảng biển, bến tàu

Lớp sông ngòi

Lớp NTTS

Lớp trứng cá - cá con

Bãi tắm

Lớp địa hình

Lớp dân cư

Lớp ngư trường cá - tôm

Kho xăng, dầu

Lớp ranh giới

Lớp rừng ngập mặn

Lớp khu bảo tồn/Khu dự trữ sinh quyển

Di tích văn hóa/lịch sử

 

Lớp KCN

Lớp khu du lịch

 

 

    Mức độ nhạy cảm môi trường được phân loại thành 6 mức độ, được đánh ký hiệu số từ 1 đến 6, tương ứng với mức độ nhạy cảm môi trường từ thấp đến rất cao. Trên BĐNCMT, mức độ nhạy cảm môi trường của đường bờ, tài nguyên gần bờ và trên bờ được thể hiện qua các mã màu ở Hình 5.

 

Hình 5. Mã màu thể hiện mức độ nhạy cảm môi trường của đường bờ (dạng đường), tài nguyên gần bờ và tài nguyên trên bờ (dạng vùng)

 

3. Kết quả nghiên cứu

    Bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực từ BR - VT đến Cần Giờ -TP. HCM được thành lập dựa trên tổng hợp các bản đồ môi trường thành phần (đường bờ, tài nguyên gần bờ và tài nguyên trên bờ).

3.1. Kết quả xác định chỉ số nhạy cảm môi trường (ESI)

a. Đường bờ

    Kết quả xác định đường bờ dựa trên khảo sát môi trường tự nhiên và KT - XH cùng với đánh giá biến động địa chất, diễn biến đường bờ và lớp phủ thực vật, đường bờ khu vực. [1], [4], [5].

 

Bảng 2. Kết quả xác định đường bờ khu vực BR – VT, Cần Giờ

Bà Rịa – Vũng Tàu

Cần Giờ

Kiểu đường bờ

Ký hiệu

Minh họa

Kiểu đường bờ

Ký hiệu

Minh họa

Đường bờ rừng ngập mặn

(ESI = 6)

10D

 

Đường bờ rừng ngập mặn

(ESI = 6)

10D

 

Đường bờ dạng cát mịn đến trung bình(ESI = 4)

3A

 

Đường bờ dạng bãi triều lộ (bãi biển)

(ESI = 3)

7

 

Đường bờ nhân tạo (bờ kè đá)(ESI = 1)

1B

 

Đường bờ nhân tạo (bờ kè đá)

(ESI = 1)

1B

 

Đường bờ đá hở

(ESI = 1)

1A

 

Đường bờ bãi triều khuất (bãi bòi dọc sông)

(ESI = 5)

9A

 

Đường bờ thấp có phủ thực vật (bờ sông)

(ESI = 5)

9B

 

Đường bờ thấp có phủ thực vật (bờ sông)

(ESI = 5)

9B

 

Đường bờ khuất có kè cứng (nhân tạo)

(ESI = 1)

8B

 

Đường bờ khuất có kè cứng (nhân tạo)

(ESI = 1)

8B

 

 

b. Tài nguyên gần bờ

Môi trường sống gần bờ

    Thảm cỏ biển phân bố ở khu vực ngoài khơi xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, có tác dụng chắn sóng và làm sạch nước biển, và là nơi cư trú của 140 loài rong biển, 3 loài giun nhiều tơ, 29 loài nhuyễn thể, 9 loài giáp xác.

    Ngoài ra, tài nguyên gần bờ của khu vực còn có 101 loài tảo thuộc 3 ngành: Tảo khuê (Bacillariophyta); Tảo giáp (Phyrrophyta); Tảo lam (Cyanophyta). Trong đó tảo khuê chiếm 88%, Tảo lam 7% và Tảo giáp 5% tổng số loài [7].

    Chỉ số ESI của nguồn tài nguyên này được đánh giá là 5.

Khai thác tài nguyên

    Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng, đã xác định được 668 loài cá, thuộc 316 giống và 132 họ sinh sống trong các khu vực cửa sông và ven biển BRVT. Một số vùng khai thác nổi bật [8]:

  • Ngư trường cá nổi: Vùng biển Vũng Tàu

  • Bãi mực: Ngoài khơi Hàm Tân - Vũng Tàu, phía Đông đảo Côn Sơn (Vụ Bắc)

  • Bãi tôm Nam Vũng Tàu: Diện tích khoảng 2.744 km2, độ sâu đánh bắt không quá 35m.

    Nguồn lợi các loài thuỷ hải sản ở đất ngập nước Cần Giờ là vô cùng to lớn vì nơi đây có hệ thống sông rạch chằng chịt và chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều. Sự phân huỷ các vật liệu hữu cơ của các loài ngập mặn là nguồn thức ăn và nơi nuôi dưỡng sự lớn lên của tất cả các dạng ấu trùng của các loài thuỷ hải sản. Với hơn có 66 loài cá có giá trị kinh tế trung bình 10 loài có giá trị kinh tế cao và 3 loài có giá trị kinh tế rất cao. Có hơn 27 loài giáp xác kinh tế bao gồm 8 loài giáp xác có giá trị kinh tế cao. [7]

  • Nguồn lợi tôm biển: Phân bố ở độ sâu trên 50m ở phía Bắc Cần Giờ, nơi có chất đáy là cát lẫn vỏ sò.

  • Nguồn lợi cua biển: Vùng ven biển có độ sâu nhỏ hơn 30m, độ mặn lớn hơn 20‰, phân bố ven biển, cửa sông và rừng ngập mặn

  • Cá nổi (ngoài khơi): Khai thác ở vùng nước ven bờ chiếm 60 - 70%.

  • Cá đáy (vùng nước sâu): Mật độ trung bình 92,73 cá thể/m2; khối lượng 5,6 g/m2

    Chỉ số ESI khu vực khai thác tài nguyên được đánh giá rất cao (ESI từ 5 - 6 tùy theo tầng nước) do nguồn tài nguyên này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chất lượng nước biển.

 Tài nguyên sinh vật

    Số loài chim trong khu vực rừng ngập mặn tỉnh BR-VT khá phong phú với 36 loài chim, trong đó có 6 loài rất phổ biến, chúng kiếm ăn trên các bãi triều dọc theo bờ sông Thị Vải và Gò Gia. Có 6 bộ động vật có vú bao gồm: thú Guốc chẵn, Gặm nhấm, Linh dương, Ăn sâu bọ, Ăn thịt, Lagomorpha, Demoptera và Pangolin-Pholidota đã được xác định trong khu vực tỉnh. Trong các bộ trên có 11 loài đã được xác định trong khu vực rừng ngâp mặn.

    Theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, RNM Cần Giờ có hơn 157 loài thực vật, 70 loài thủy sinh và động vật không xương sống, 137 loài cá, 130 loài chim và 19 loài thú. Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ còn hình thành những

    khu bảo tồn riêng biệt như sân chim, đầm dơi, đảo khỉ, đầm cá sấu. Ngoài ra, một số loài sinh vật phổ biến thường được tìm thấy ở đây như rái cá, sâm đất cá đù, cá dứa, chim điên điển, cò, vạc, heo rừng, khỉ, nai, trong đó rái cá nằm trong sách đỏ Việt Nam.

    Tài nguyên sinh vật tại vùng rừng nhập mặn BR - VT và khu vực Cần Giờ không có sức chống chịu cao đối với các điều kiện bất thường nên dễ bị tác động và chịu ảnh hưởng nặng nề nếu có sự cố xảy ra, đặc biệt là đối với các loài quý hiếm cần được bảo tồn trong danh sách đỏ.

c. Tài nguyên trên bờ

Rừng ngập mặn (RNM)

    Tỉnh BR - VT hiện có 5.113 ha RNM, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Tân Thành là 2.640 ha và TP.Vũng Tàu 1.890 ha, còn lại có ở rải rác các huyện như Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Côn Đảo (diện tích không lớn, khoảng 30ha nhưng rất đa dạng). [5]

    TP.HCM có tổng diện tích RNM là 75.740ha (khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ), trong đó vùng lõi là 4.721 ha, vùng đệm 41.139 ha và vùng chuyển tiếp 29.880 ha. Vùng RNM Cần Giờ là vùng rất nhạy cảm về mặt sinh thái dễ bị tác động bởi ô nhiễm của các hoạt động sản xuất công nghiệp và các sự cố. 

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ số ESI của rừng ngập mặn tại vùng lõi khu vực Cần Giờ là 6, tại các khu vực khác: ven sông Thị Vải - Cái Mép, huyện Tân Thành, TP. Vũng Tàu ven sông Dinh, cửa sông Ray, xã Lộc An và Phước Thuận là 5.

Cửa sông

    Tỉnh BR-VT có 3 cửa sông gồm: Thị Vải - Cái Mép, sông Cửa Lấp, cửa Lộc An. Trong đó, khu vực Thị Vải - Cái Mép là khu vực tập trung các hoạt động công nghiệp và cảng biển, sông Cửa Lấp và cửa Lộc An là vùng cửa sông liền kề cửa biển, có RNM nối Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu. [5]

    Khu vực Cần Giờ với 3 cửa sông: sông Xoài Rạp, sông Ngã Bảy, sông Đồng Tranh. Các khu vực này thuộc vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, đồng thời có bãi triều rộng lớn và có hoạt động đánh bắt thủy sản và nuôi trồng khu vực ven triều. [7]

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ số ESI của khu vực Cửa Lấp và cửa Lộc An – tỉnh BR - VT là 4. ESI khu vực Thị Vải – Cái Mép (BR - VT), sông Xoài Rạp và sông Đồng Tranh thuộc xã Lý Nhơn và Long Hòa (huyện Cần Giờ) là 5, do đặc điểm khu vực có nhiều vùng ngập triều, có năng suất sinh học cao, tập trung nhiều vi sinh vật vàcác loại tảo biển, đồng thời đây cũng là khu vực kiem ăn của một số loài chim, cò nên chịu nhiều sự tác động của sự cố.

Cảng

    Khu vực BR-VT tập trung nhiều cảng cá, cảng biển lớn như: Cảng Cát Lở, Cảng Bến Đầm, Cảng Lộc An, Cảng Phước Tỉnh. Các cảng này được đánh giá ESI là 4.

    Các bến cá và bến neo đậu tàu thuyền như các làng cá, cảng cá (Bến Cầu Tàu, bến Long Hải, bến Phước Hải, Bến Lội, bến Bãi Trước, bến Lò Than), được xác định chỉ số ESI là 2.

Các bãi tắm và khu du lịch

    Các địa phương có tiềm năng phát triển các bãi biển du lịch trên địa bàn Tỉnh BR-VT bao gồm: TP.Vũng Tàu (48,1km chiều dài bờ biển), các xã ven biển của huyện Long Điền (150km), huyện Đất Đỏ (18km), huyện Xuyên Mộc (31km). Khu vực Cần Giờ do đặc trưng bờ biển chủ yếu là bùn sét, nên khu vực chỉ có 1 bãi tắm 30/4 có thể tắm được.

    Dựa vào các tiêu chí xác định chỉ số ESI đối với tài nguyên con người sử dụng, chỉ số ESI của các khu du lịch tại khu vực có giá trị là 4, riêng đối với các vị trí bãi tắm được đánh giá ở mức khá cao (ESI = 5) do có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi có sự cố xảy ra.

Dân cư

    Dân cư chủ yếu bằng thượng mại – du lịch, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Các hoạt động này bị ảnh hưởng do sự cố sẽ dẫn đến hệ quả ảnh hưởng đến thu nhập và hoạt động sống của người dân. Do đó, dân cư ở đây có khả năng bị ảnh hưởng gián tiếp từ sự cố.

    Các làng chài, khu vực nuôi trồng thủy sản và kinh doanh du lịch sẽ bị ảnh hưởng khi xảy ra sự cố. Chỉ số ESI đối với các khu vực làng chài ven biển là 4, khu vực dân cư có giá trị là 3. Các khu vực khác được đánh giá có giá trị ESI là 2.

Khu công nghiệp (KCN)

    Các KCN tỉnh BR-VT phân bố dọc lưu vực sông Thị Vải, với các cầu cảng hàng hoá. Các hoạt động này cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sự cố. Chỉ số nhạy cảm lớp KCN được đánh giá ở mức trung bình (ESI= 3).

Kho xăng dầu

    Theo kết quả nghiên cứu, chỉ số nhạy cảm môi trường đối với các kho lưu chứa xăng dầu trên bờ được đánh giá từ 2 – 3.

Nuôi trồng thủy sản

    Hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ven bờ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường ven biển.

    Khu vực nuôi trồng thủy sản ở các vùng ngập mặn và vùng trung triều ở các huyện Tân Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu [6] là những nơi có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, ESI đối với các khu vực này có giá trị từ 4 - 5.

    Các khu vực nuôi trồng thủy sản ở huyện Cần Giờ là khu vực rất nhạy cảm với sự thay đổi về môi trường nước, do hoạt động nuôi trồng sử dụng trực tiếp nguồn nước biển. Khi có sự cố xảy ra nếu  không có biện pháp ứng phó kịp thời thì có thể gây ra thiệt hại nặng đến kinh tế và cuộc sống của người dân. ESI được đánh giá ở mức cao (ESI = 5).

Phát triển nông nghiệp

    Hoạt động canh tác nông nghiệp của vùng BR – VT, Cần Giờ nằm sâu trong nội đồng và sử dụng nguồn nước ngọt, vì thế không bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố dầu tràn. Chỉ số ESI của lớp nông nghiệp trong khvực ven biển là 2.

Diêm nghiệp

   Ruộng muối của tỉnh BR-VT tập trung nhiều nhất ở xã An Ngãi, huyện Long Điền; phường 11 - 12, TP. Vũng Tàu; xã Tân Hòa, Phước Hòa - huyện Tân Thành và phường Phước Trung - TP. Bà Rịa, với tổng diện tích 14.660 ha (2015).

     Huyện Cần Giờ - TP.HCM, nghề muối phổ biến ở các xã Lý Nhơn, Thạnh An, Long Hòa, trong đó Lý Nhơn là xã có truyền thống làm muối của huyện.

     Hoạt động diêm nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự cố do sử dụng trực tiếp nguồn nước biển làm nguyên liệu chính. Hoạt động này sẽ bị ngưng trệ do nước tháo ra và đồng muối bị ô nhiễm cho đến khi xử lý xong ô nhiễm, nếu không có thể gây ô nhiễm đất. Chỉ số ESI của lớp diêm nghiệp ở mức 5.

 

Hình 6. Phân khu chức năng khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ


Hình 7. Bản đồ chỉ số nhạy cảm môi trường khu vực BR - VT, Cần Giờ

 

3.2. Kết quả xác định các khu vực nhạy cảm

 

STT

Khu vực

Chỉ số ESI

1

Tỉnh BR-VT

 

1.1

Vùng cửa sông, ven biển

 

 

Khu vực ven vịnh Gành Rái (đặc biệt là khu vực Long Sơn, Phước Hòa)

6

 

Vùng cửa sông (Thị Vải - Cái Mép, sông Cửa Lấp và cửa Lộc An)

5

1.2

Rừng ngập mặn và vùng đất ngập nước

 

 

+ Rừng ngập mặn ven sông Thị Vải - Cái Mép, huyện Tân Thành;

+ Rừng ngập mặn ven sông Dinh, thành phố Vũng Tàu;

+ Rừng ngập mặn cửa sông Ray, xã Lộc An và Phước Thuận.

5

 

Khu nuôi trồng thủy sản ở các vùng ngập mặn và vùng trung triều ở các huyện Tân Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu.

5

 

Khu sản xuất diêm nghiệp (xã An Ngãi, huyện Long Điền; phường 11 - 12, TP. Vũng Tàu; xã Tân Hòa, Phước Hòa - huyện Tân Thành và phường Phước Trung - TP. Bà Rịa)

5

1.3

Vùng bờ của BR - VT

(Khu vực bãi tắm, cảng cá)

4

2

Cần Giờ (TP.HCM)

 

2.1

Vùng lõi và vùng đệm của khu dữ trữ sinh quyển Cần Giờ

6

2.2

Khu vực sản xuất diêm nghiệp (Lý Nhơn, Thạnh An, Long Hòa,), khu vực NTTS thủy sản, vùng ngập triều cửa sông Soài Rạp, Đồng Tranh

5

 

4. Kết luận

- Mục tiêu của nghiên cứu này là xây dựng bản đồ môi trường nhạy cảm đường bờ khu vực ven biển từ BR-VT đến Cần Giờ.

- Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, Cần Giờ là khu vực có nhiều khả năng chịu tác động với mức độ nhạy cảm môi trường khá cao do mức độ đa dạng sinh học cao, tập trung nhiều hoạt động nhân sinh dọc đường bờ. Dựa vào bản đồ phân loại có thể nhận dạng được các khu vực có những nguồn tài nguyên được đánh giá có giá trị cao và cần được chú ý bảo vệ như: Khu du lịch, hệ sinh thái rừng ngập mặn, các khu nuôi trồng thủy sản,…Do đó huyện cần có các phương án chủ động phòng ngừa các sự cố, giảm tối đa thiệt hại tới môi trường tự nhiên và đời sống của người dân.

- Tại BR - VT, khu vực ven bờ vịnh Gành Rái, cửa sông, kênh, rạch chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ triều, tài nguyên rừng ngập mặn, đất nuôi trồng thuỷ sản cũng như khu bảo tồn rừng được đặt ở vị trí hàng đầu trong thứ tự ưu tiên bảo vệ do môi trường sống của các sinh vật thuỷ sinh ở đây rất phong phú và đa dạng, chúng có giá trị cao về mặt sinh thái và kinh tế.

    Như vậy, bản đồ nhạy cảm môi trường là một công cụ tích hợp hữu ích trong kế hoạch ứng phó sự cố của khu vực. Bản đồ cung cấp các thông tin về môi trường vùng sông, cửa biển nhằm phục vụ cho việc nhận diện những khu vực có nguy cơ xảy ra ô nhiễm cao, những khu vực nhạy cảm cao cần được ưu tiên phòng ngừa và bảo vệ kịp thời.

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2019)

Lời cảm ơn

    Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số B2017-24-01.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Nguyên Khôi, Phạm Thị Lợi, Hoàng Trang Thu, Nguyễn Văn Hồng, Xây dựng bản đồ môi trường đường bờ ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn huyện Cần Giờ, Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ - Khoa học Tự nhiên, 2019, 3(1): 29-37.

  2. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - BQL rừng phòng hộ Cần Giờ, Phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái RNM Cần Giờ.

  3. National Oceanic and Atmostpheric Administration (NOAA). Environmental sensitivity index guidelines version 3.0.2002.

  4. Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo cáo đề xuất danh mục các khu vực phải  thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, 4/2018.

  5. Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh BR-VT, 10/2016.

  6. Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020.

  7. Tống Xuân Tám, Nguyễn Thị Như Hân, "Nghiên cứu thành phần loài và đặc điểm phân bố cá ở hệ sinh thái rừng Cần Giờ TP. HCM," Tạp chí Khoa học - ĐH sư phạm TP.HCM, pp. 133-148, Feb. 2015.

  8. Nguyễn Đức Sĩ, Nguyễn Như Toàn, Vũ Như Tân, Giáo trình địa lý kinh tế nghề cá, 2014.

 

ENVIRONMENTAL SENSITIVITY MAPSOF THE AREA FROM BA RIA VUNG TAU PROVINCE TO CAN GIO DISTRICT- HCMC

Nguyen Van Phuoc1, Nguyen Thi Thu Hien2

1. Institute for Environment and Resources, VNU; 2. HoChiMinh City Association Of Water and Environment

ABSTRACT

    The environmental sensitivity map of the area from BaRia Vung Tau to Can Gio – HCMC is based on the National Oceanic and Atmospheric Administration (NOAA) guidelines, which show that the coastline of Ganh Rai Bay, especially Long Son and Phuoc Hoa areas, aquaculture area in the saline and tidal areas of Tan Thanh, Long Dat, Xuyen Moc and Ba Ria, Vung Tau, areas of mangrove forests along Thi Vai - Cai Mep river, Dinh river, Ray river, as well as Con Dao marine resources; The area of the coastline and the core zone of Can Gio core zone are very high environmental sensitivity indexes (ESI).

Keywords: Ba Ria – Vung Tau, Can Gio, environmental sensitivity map.

Ý kiến của bạn