Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 22/01/2025

Đánh giá rủi ro của các sự cố môi trường ứng dụng trong công tác của lực lượng cảnh sát nhân dân

05/07/2017

     Theo lý thuyết về hệ thống, thế giới khách quan trên Trái đất bao gồm các hệ thống có các cấu trúc, tính chất và quy mô khác nhau, từ những hệ thống vô cơ đơn giản cho đến hệ thống nhân văn phức tạp. Các hệ thống này xuất hiện, tiến hóa, suy thoái, tan rã… theo những quy luật riêng. Đây là những hệ động lực mà sự tiến hóa của nó không thể xác định được bằng các định luật vật lý. Các hệ thống này có tính chất nhiễu loạn hoặc hỗn độn. Trên cơ sở lý thuyết hệ thống, xem xét một hệ thống xảy ra SCMT, từ một tác động ban đầu (sự kiện nguồn) lên hệ thống đầu tiên dẫn đến thay đổi các tính chất, đặc trưng và các mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành bên trong hệ thống làm biến đổi hệ thống đầu tiên thành hệ thống mới. Quá trình biến đổi này tiếp diễn dẫn đến sự thay đổi hệ thống đầu tiên thành các hệ thống tiếp theo cho đến hệ thống cuối cùng tương ứng với trạng thái tan rã. Quá trình này gọi là hiệu ứng Domino.

     Theo Luật BVMT năm 2014, SCMT là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi bất thường của thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng.

     Thông thường các SCMT xảy ra theo 3 giai đoạn cơ bản (bắt đầu, lan truyền, kết thúc). Giai đoạn bắt đầu tính từ khi một sự kiện bắt đầu xảy ra sự cố. Giai đoạn lan truyền là giai đoạn sự kiện ban đầu hoặc một số sự kiện khác (độc lập hoặc liên quan) xảy ra duy trì hoặc tăng cường sự cố ban đầu. Giai đoạn kết thúc là giai đoạn một sự kiện hoặc một số sự kiện nào đó xảy ra làm ngừng sự cố lại hoặc giảm bớt cường độ sự cố đến khi chấm dứt.

     Rủi ro là sự kết hợp giữa xác suất hoặc tần suất xảy ra một sự cố hoặc tần suất xảy ra mối nguy hiểm nhất định và mức độ hậu quả xảy ra rủi ro đó.

     Rủi ro (Risk) = Xác suất xảy ra sự cố (Probability)*Hậu quả sự cố (Consequence)

     Xác suất là khả năng xảy ra sự kiện nào đó được đo bằng xác suất (dự đoán) xảy ra sự kiện. Có thể được biểu diễn bằng số sự kiện xảy ra trong một năm (tần suất).

 

 

     Đánh giá rủi ro là quá trình tìm hiểu những rủi ro có thể, xây dựng những biện pháp kiểm soát để thực thi công việc một cách hiệu quả nhất, an toàn nhất nhằm hạn chế đến mức tối đa các sự cố có thể xảy ra cho con người, hư hại về tài sản, thiết bị và tổn thương môi trường.

     Bản chất của việc đánh giá rủi ro là công việc phân tích, thu thập thông tin, thử nghiệm và trả lời các câu hỏi: có tồn tại các mối nguy hiểm hay không? Nếu có xảy ra thì nguyên nhân là gì? Xác suất xảy ra điều đó là bao nhiêu? Nếu có xảy ra sự cố thì thiệt hại (tác động) sẽ là gì? Để ngăn ngừa rủi ro, hạn chế khả năng xảy ra rủi ro thì cần phải làm gì? Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố và hạn chế hậu quả xảy ra ở mức thấp nhất?

     Trả lời những câu hỏi trên là công việc đi giải các bài toán logic. Từ việc giải quyết, dự kiến các sự cố gì có thể xảy ra đến việc xem xét, tìm ra các nguyên nhân dẫn đến sự cố, tính toán xác suất có thể xảy ra và hậu quả của sự cố có thể gây ra. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch nhằm ứng phó với sự cố có thể xảy ra.

     Thứ nhất, dự kiến các SCMT gì có thể xảy ra hay nói cách khác là nhận biết các nguy cơ. Có 4 phương pháp cơ bản áp dụng để xác định, nhận biết các nguy cơ về SCMT.

 

 

     Phương pháp liệt kê các nguy cơ (HC) là liệt kê dưới dạng một bảng vấn đề hay khu vực tại đó có tiềm ẩn các nguy cơ. Việc liệt kê có thể thực hiện ngay trong giai đoạn thiết kế hoặc có thể thực hiện trước quá trình hoạt động dự án.

     Phương pháp khảo sát nguy cơ (HS) là công việc khảo sát hoặc thống kê các nguy cơ có tính bản chất. Việc khảo sát này là đi tìm câu trả lời của một số câu hỏi và cho điểm một cách tương đối trên Bảng. Số điểm xếp loại cuối cùng có thể xem là sự phân loại tương đối các nguy cơ liệt kê.

     Phương pháp HAZOP (Hazard And Operability Study) là phương pháp tự do đặt các giả thiết đối với các khiếm khuyết hay sự cố có thể xảy ra. Về bản chất thì đó là sự xác định những sai lệch có khả năng vượt ra ngoài những tiêu chuẩn hoạt động đủ mức an toàn thông thường và hậu quả của sự sai lệnh khỏi mức bình thường sẽ dẫn đến những trục trặc về mặt an toàn hay vận hành nào đó. HAZOP được dùng để xác định những hành động cần thiết trong việc xử lý với các trục trặc của hệ thống.

     Phương pháp cây sự kiện (hay cây sự cố) là phương pháp suy diễn để xác định cách thức mà từ nguy cơ có thể trở thành sự cố hoặc tai nạn thực. Phương pháp này bắt đầu bằng một tai nạn hoặc sự kiện cụ thể, từ đó phát triển những kịch bản có thể gây tai nạn trước khi xảy ra sự kiện hoặc sau khi xảy ra sự kiện.

     Đây là 4 phương pháp cơ bản để nhận biết, dự đoán SCMT có thể xảy ra. Điều quan trọng trong quản trị rủi ro là phải phát triển được các kịch bản. Kịch bản rủi ro là mô tả một kết quả kết hợp giữa các hậu quả theo thời gian và hành động dẫn đến hậu quả không mong muốn.

     Cần thiết phải xây dựng các kịch bản khác nhau, các hướng xảy ra các sự cố. Trên cơ sở đó, xây dựng các kế hoạch ứng phó với các kịch bản đã xây dựng (ngăn ngừa sự cố, xử lý sự cố nếu diễn ra, quan trắc sau sự cố). Với mỗi kịch bản SCMT phát triển cần thiết phải tính toán sơ bộ chi phí/lợi ích khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo kế hoạch xây dựng. Sự phát triển các kịch bản này cần xác định đúng bản chất sự kiện nguồn cũng như xác định một cách cụ thể và hầu hết các điều kiện khác.

 

 

     Theo Khoản 3, Điều 6, Luật Phòng chống thiên tai 2013 quy định: Công an nhân dân là một trong những lực lượng chủ công trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, có nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Theo đó, Văn phòng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn - Bộ Công an được thành lập tại Quyết định số 2118/QĐ-BCA-H41 ngày 20/6/2011 là cơ quan chuyên trách trong tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Công an các đơn vị, địa phương; hướng dẫn Công an các đơn vị địa phương xây dựng phương án phòng chống thiên tai, bão lũ; hoàn thành việc tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực công tác ngành Công an.

     Đặc thù của SCMT là có thể xảy ra bất ngờ, chính vì vậy, cần chủ động hạn chế và giảm thiểu tác hại của sự cố, hay nói cách khác công tác phòng ngừa là vô cùng quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu.

     Đối với các khu vực, cơ quan, nơi tiềm ẩn nguy cơ SCMT thì công tác phòng ngừa cần thiết phải triển khai các hoạt động sau:

     Một là, điều tra, thống kê về các nguồn, nguy cơ gây SCMT tại các cơ sở, lập kế hoạch phòng ngừa và xây dựng phương án ứng phó. Hoạt động này có thể sử dụng 4 phương pháp đánh giá rủi ro: phương pháp liệt kê các nguy cơ; phương pháp khảo sát nguy cơ; phương pháp HAZOP; phương pháp cây sự kiện.

      Hai là, lắp đặt trang thiết bị dụng cụ, phương tiện ứng phó SCMT.

     Ba là, đào tạo, huấn luyện, xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó SCMT hoặc lực lượng kiêm nhiệm công tác này. Thường xuyên tham gia diễn tập ứng phó SCMT.

     Bốn là, tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn lao động, làm tốt công tác bảo quản nguyên, nhiên liệu, hóa chất vật liệu nổ, hóa chất vật liệu nổ, các nguồn bức xạ và thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên.

     Năm là, có trách nhiệm thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện kịp thời biện pháp để loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố khi phát hiện có dấu hiệu SCMT.

     Các hoạt động này thực hiện nhằm đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

     Khi xảy ra SCMT, công tác ứng phó của lực lượng Cảnh sát cần chủ động kịp thời, nhanh chóng nhằm hạn chế, ngăn chặn sự lan truyền tác nhân nguy hiểm, kiểm soát tình hình, giảm tối đa thiệt hại về con người, tài sản và môi trường. Sau công tác ứng phó thì công tác khắc phục sự cố là bước tiếp theo nhằm giảm thiểu các tác động nguy hiểm của sự cố đối với con người, tài sản và nhanh chóng khôi phục lại môi trường, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Có thể bao gồm các hoạt động cơ bản sau:

     Một là, đánh giá nhanh thiệt hại, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, thống kê nhu cầu cứu trợ khẩn cấp, cung cấp lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, bố trí nơi ở tạm.

     Hai là, hỗ trợ dịch vụ y tế, phòng chống dịch bệnh cho khu vực bị ảnh hưởng.

     Ba là, hỗ trợ nguồn lực để khôi phục lại cơ sở hạ tầng, nhà ở, các công trình nhà ở, cấp điện, cấp nước…

     Bốn là, thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường khu vực bị ảnh hưởng, triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp nhất cho xử lý ô nhiễm trước mắt và lâu dài.

     Năm là, đánh giá tổng hợp tình hình tác động môi trường, xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

     Tất cả những vấn đề nêu trên đặt ra cho công tác phòng ngừa và ứng phó, khắc phục SCMT của lực lượng Công an nhân dân một trách nhiệm lớn, một khối lượng công việc phức tạp đòi hỏi lực lượng chuyên trách có kiến thức chuyên môn cơ bản, có các giải pháp và phương án phòng ngừa, kế hoạch diễn tập, ứng phó, khắc phục SCMT. Bên cạnh lực lượng địa phương tại chỗ, lực lượng cơ động sẵn sàng chi viện và hỗ trợ cho người, khu vực xảy ra sự cố về người, phương tiện, giải pháp ứng phó và cũng là đầu mối cho sự phối hợp với các đơn vị trong toàn lực lượng Công an, với các đơn vị ngành ngoài, hình thành một mạng lưới phòng ngừa, cảnh báo và phối hợp ứng phó khắc phục với các loại SCMT■

 

Chu Xuân Đức 

Bùi Phương Thảo

1Khoa Cảnh sát môi trường  - Học viện Cảnh sát nhân dân

(Tạp chí Môi trường số chuyên đề I năm 2017)

Ý kiến của bạn