Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Vấn đề bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh

27/12/2021

I. Thực hiện Quy hoạch môi trường (QHMT) nhằm mục đích lồng ghép vấn đề môi trường vào các quy hoạch phát triển cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh - Lý luận và thực tiễn

Kinh nghiệm quốc tế về thực hiện QHMT

    Mặc dù định nghĩa, quan niệm về QHMT giữa các nước, các tổ chức quốc tế, thậm chí giữa các đơn vị, địa phương trong từng quốc gia có sự khác biệt, tùy thuộc vào nhu cầu mức độ gắn kết môi trường, quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế  - xã hội (KT - XH) nhưng QHMT đã được luật hóa tại nhiều nước trên thế giới.

    Tại Hoa Kỳ, các dự án đầu tư phát triển đều phải có QHMT tuân theo quy định cấp liên bang hoặc cấp bang, hoặc cấp thành phố. Quá trình xem xét về tác động môi trường và khả năng giảm thiểu luôn được thực hiện trong tất cả các quy hoạch.

    Đối với mỗi dự án, người lập QHMT có sự thỏa thuận đầy đủ các quy định về môi trường với Cơ quan BVMT của cấp liên bang, cấp tiểu bang và cấp thành phố. Một quy trình nghiêm ngặt về môi trường được thực hiện để kiểm tra tác động và khả năng giảm thiểu đối với bất kỳ dự án xây dựng nào. Tùy thuộc vào quy mô và tác động của dự án, một đánh giá môi trường rộng lớn được biết đến như một tác động môi trường (EIS), và phiên bản ít rộng hơn là đánh giá môi trường (EA). Thủ tục làm theo hướng dẫn của Đạo luật chính sách quốc gia về môi trường (NEPA), Luật Kiểm định chất lượng môi trường (SEQRA) Cơ quan kiểm định chất lượng môi trường (CEQR) của thành phố, các cơ quan liên bang hay tiểu bang khác.

    Hiệp hội các Chuyên gia về môi trường (AEP) là một tổ chức phi lợi nhuận bao gồm cả khoa học môi trường, quản lý tài nguyên, quy hoạch môi trường và các ngành nghề khác góp phần vào lĩnh vực này. AEP có ảnh hưởng lớn đến nhiều tổ chức khu vực khác trên khắp nước Mỹ. Nhiệm vụ là cải thiện các kỹ năng kỹ thuật của các thành viên; tổ chức này là dành riêng cho việc "tăng cường, bảo trì và bảo vệ môi trường thiên nhiên và con người". Từ khi thành lập vào giữa năm 1970 tổ chức này có liên quan chặt chẽ với việc duy trì Đạo Luật Chất lượng môi trường California (CEQA), do California là một trong những bang của Hoa Kỳ đầu tiên áp dụng một khuôn khổ pháp lý toàn diện để quản lý việc đánh giá môi trường chính sách công và đánh giá dự án.

    Philippin, QHMT được đưa vào Luật (Luật Cộng hòa số 10587) với định nghĩa chi tiết, rõ ràng về mục tiêu, nội dung, yêu cầu của lĩnh vực này. Luật đưa ra QHMT như là "một nghệ thuật đa ngành và khoa học phân tích, xác định, làm rõ, hài hoà, quản lý và điều tiết việc sử dụng và phát triển tài nguyên đất và nước, cho sự phát triển của cộng đồng bền vững và các hệ sinh thái". Đôi khi được gọi là quy hoạch đô thị và khu vực, quy hoạch thành phố, quy hoạch quốc gia, hoặc quy hoạch các khu định cư của con người.

    Theo Luật Công hòa, nội dung của QHMT là cung cấp dịch vụ, chuyên môn ở dạng tư vấn kỹ thuật về chuẩn bị quy hoạch, nâng cao năng lực, giảm sát và đánh giá các vấn đề sau: (i) khung phát triển cấp quốc gia, vùng hoặc địa phương và kế hoạch sử dụng đất phù hợp; (ii) Phân vùng và lập cơ sở phát lý cho phát triển, quản lý và bảo vệ, bảo tồn, phục hồi. Kiểm soát các vấn đề môi trường đất, nước, không khí và tài nguyên thiên nhiên; (iii) Quy hoạch và phát triển các tỉnh, thành phố, vùng; (iv) Quy hoạch phát triển các điểm có mục đích chuyên dùng như các khu kinh tế, vùng sinh thái, khu du lịch, khu dân cư. Luật cũng quy định người làm QHMT phải được đăng ký và cấp giấy phép. Chính phủ Philippin đã lập Ban QHMT để quản lý về QHMT và cấp phép cho những người làm QHMT. Đơn vị chuyên trách lập QHMT của nước này là Viện các nhà quy hoạch môi trường (PIEP).

    Nam Xứ Wales mới, nỗ lực đầu tiên để kết hợp đánh giá và BVMT thành luật quy hoạch bắt đầu vào năm 1974 với việc bổ nhiệm một Ủy ban Kế hoạch và Môi trường để xem xét lại hệ thống sử dụng, đất chủ yếu ở đô thị. Vào năm 1980, QHMT và đánh giá môi trường (Đạo luật EP & A) có hiệu lực. Đạo luật EP & A kết hợp một hệ thống của Nhà nước, khu vực và cấp độ địa phương yêu cầu các cơ quan kiểm soát liên quan xem xét các tác động đến môi trường (cả tự nhiên và xây dựng) đưa ra các đề xuất phát triển hoặc sử dụng đất thay đổi. Trong  EP & A, phát triển đòi hỏi phải có về tác động môi trường (SEE) hoặc Đánh giá tác động môi trường (REF) chi tiết các tác động đến cả môi trường tự nhiên và con người. Song song với sự phát triển này là việc thành lập một hệ thống pháp lý (Tòa án Đất đai và Môi trường để phân xử tranh chấp). Đạo luật EP & A đã được sửa đổi theo thời gian, mang lại cho chính quyền quyền hạn lớn hơn để xác định chính sách của sự phát triển không những đối với các dự án đặc biệt lớn có tầm quan trọng của Nhà nước, mà còn để kết hợp các luật môi trường cụ thể, chẳng hạn như Đạo Luật Bảo tồn Loài bị đe dọa năm 1995.

    Ốtxtrâylia, vào thập kỷ 1960, bảo vệ tài nguyên được quan tâm trong QHMT. Trong giai đoạn 1960-1980, QHMT tập trung vào các vấn đề tài nguyên và môi trường; Giai đoạn 1970-1980, QHMT tập trung vào vấn đề BVMT. Từ năm 1980, QHMT hướng tới lồng ghép quản lý tài nguyên và đến nay QHMT ở Ốtxtrâylia chú trọng gắn kết sử dụng đất, môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Hiện tại các bang của Ốtxtrâylia đều ban hành các Luật về quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch phát triển, trong đó yêu cầu phải gắn kết các vấn đề môi trường vào quy hoạch.

    Tại bang Victoria, Ốtxtrâylia, Luật Quy hoạch và Môi trường năm 1987 (Đạo luật PAE) đã tạo ra một quá trình mà toàn tiểu bang cùng nhau lập kế hoạch. Quy định Kế hoạch Victoria (VPP) có trong các mục tiêu của toàn tiểu bang “bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo và duy trì các quá trình sinh thái và tính đa dạng di truyền”. Để đạt được những mục tiêu này, VPP đã đưa ra một số các khung chính sách tổng thể, bao gồm cả việc xác định các giá trị môi trường quan trọng và tài sản, chẳng hạn như “bảo vệ lưu vực, đường thủy và nước ngầm”, “khu vực ven biển”, “bảo tồn động thực vật bản địa và động vật”. Dưới mức này, đồ án quy hoạch địa phương xác định đất sử dụng qua khu xác định, cũng xác định đất bị ảnh hưởng bởi các tiêu chí khác, được gọi là “lớp”. Lớp phủ bao gồm các thông số môi trường như “Ý nghĩa môi trường”, “Bảo vệ thực vật”, “Quản lý xói mòn” và “Quản lý cháy rừng”.

    Trung Quốc, vào năm 2001 Học viện Quy hoạch Môi trường (CAEP) thuộc Bộ BVMT Quốc gia (SEPA) đã được thành lập. Học viện này đã lập các nguồn tài liệu có giá trị về chính sách, nghiên cứu và QHMT. CAEP có nhiệm vụ cung cấp và hỗ trợ dịch vụ về QHMT, chính sách môi trường và tư vấn cho Chính phủ và các doanh nghiệp về quản lý môi trường của các dự án. Từ khi thành lập đến năm 2014, đơn vị này đã thực hiện trên 50 dự án quy hoạch cấp Nhà nước, quy hoạch 30 lưu vực sông và 20 dự án hợp tác quốc tế.

Thực hiện Quy hoạch BVMT ở Việt Nam

    Theo Đặng Trung Thuận (2016), vào cuối thập niên 1980, Cục Môi trường thuộc Bộ TN&MT đã đầu tư nghiên cứu về QHMT với các đề tài: (i) Nghiên cứu về phương pháp luận về QHMT (1998); (ii) QHMT sơ bộ đồng bằng sông Hồng (1999); (iii) Nghiên cứu xây dựng QHMT đồng bằng sông Cửu Long (1999). Trong thời gian này, QHMT thành phố Hà Nội được tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ đã hoàn thành.

    Sang thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, nhiều đề tài, dự án, công trình nghiên cứu về QHMT đã được thực hiện như: nghiên cứu vấn đề QHMT vùng lãnh thổ, lấy Hạ Long - Quảng Ninh làm ví dụ; Dự án nghiên cứu mẫu QHMT thị xã Bắc Ninh với sự tài trợ của Canada; Nghiên cứu xây dựng QHMT phục vụ cho phát triển bền vững (PTBV) vùng Đông Nam bộ. Các nghiên cứu này đã đặt nền móng về cơ sở khoa học và thực tiễn cho QHMT ở các cấp độ khác nhau tại Việt Nam.

    Do yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý, BVMT, đảm bảo PTBV và do tính cấp thiết của vấn đề QHMT, trong chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước 2001-2005 về BVMT và phòng tránh thiên tai đã có hai đề tài về QHMT, đó là: (1) Nghiên cứu xây dựng QHMT phục vụ phát triển KT - XH vùng đồng bằng sông Hồng; (2) Nghiên cứu xây dựng QHMT vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hai đề tài này đã thu được những kết quả quan trọng mang tính lý thuyết về phương pháp luận QHMT.

    Việc triển khai ứng dụng QHMT ở Việt Nam được thực hiện thông qua nhiều đề tài, dự án tại các tỉnh, thành phục vụ phát triển KT - XH địa phương theo hướng PTBV, cụ thể: QHMT TP. Huế, TP. Thái Nguyên, vùng Đông Nam bộ, tỉnh Quảng Ngãi, TP. Hải Dương, TP. Đà Nẵng, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Cà Mau, tỉnh Bến Tre, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh An Giang, tỉnh Tiền Giang và TP. Hà Nội.

    Theo Tổng cục Môi trường (2019), trong công tác quy hoạch đang thiếu sự lồng ghép các yêu cầu bảo vệ và quản lý môi trường, tài nguyên một cách bài bản trong các quy hoạch phát triển QHPT, thiếu quy hoạch thống nhất trong công tác BVMT. Các bộ ngành và địa phương đã xây dựng các QHPT khác nhau. Tuy nhiên, các quy hoạch này chưa thể hiện rõ các nội dung về quản lý và BVMT tự nhiên, sinh thái, môi trường sống đối với từng vùng, từng lĩnh vực và hoạt động cụ thể.

    Theo Bùi Cách Tuyến và nnk (2014), hiện nay các loại hình QHPT chưa có sự gắn kết giữa định hướng phát triển KTXH với các yêu cầu về quản lý và BVMT tự nhiên, sinh thái, môi trường sống và các giá trị bảo tồn văn hóa lịch sử. Trên thực tế đã có sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa các QHPT dẫn đến sự phá vỡ cân bằng giữa BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử văn hóa và sự lãng phí, kém hiệu quả trong công tác quy hoạch.

    Môi trường là phạm trù không gian quan trọng, mang ý nghĩa mở và không thể chia cắt theo địa giới hành chính. Chính vì vậy, công tác quản lý và BVMT đòi hỏi có sự thống nhất theo không gian và vùng lãnh thổ từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, các nội dung về quản lý và BVMT phải được xác lập tổng hợp để thực hiện một cách thống nhất trong cả nước và giữa các ngành, lĩnh vực phát triển làm cơ sở phân tích, đề xuất định hướng, giải pháp phát triển hài hòa lợi ích giữa các địa phương và các ngành, lĩnh vực. Với các phân tích nêu trên, việc thực hiện quy hoạch BVMT có vai trò rất quan trọng, tạo động lực và hành lang cho các hoạt động phát triển đảm bảo hài hòa 3 trụ cột KT-XH- môi trường.

     Quy hoạch BVMT có vai trò quan trọng đối với các quy hoạch phát triển, cụ thể: Tạo cơ sở giúp các quy hoạch phát triển có định hướng phù hợp với QHMT; Đưa ra các định hướng phát triển phù hợp với môi trường nền và diễn biến môi trường trong kỳ quy hoạch; Thực hiện sắp xếp, bố trí các hoạt động, biện pháp BVMT cho các vùng lãnh thổ; Giảm chi phí và thời gian lập quy hoạch phát triển.

     Như vậy, quy hoạch BVMT không có mâu thuẫn và chồng chéo với các QHPT. Với các mục tiêu và nội dung của quy hoạch BVMT, việc hỗ trợ và hậu thuẫn làm tăng sự thống nhất giữa các quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển ngành trong một vùng quy hoạch trên cơ sở các nội dung và định hướng về quản lý môi trường là rất rõ ràng.

    Các quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch vườn quốc gia, rừng phòng hộ cũng đang có những bất cập và tác động ngược trở lại với hiện trạng và định hướng phát triển KT-XH. Vì vậy, cần có phân vùng và định hướng cụ thể các tiêu chí quản lý, bảo vệ và bảo tồn để hài hòa giữa mục tiêu của các quy hoạch bảo tồn, phát triển rừng với thực trạng và QHPT của các ngành, lĩnh vực. Quy hoạch BVMT sẽ làm chức năng kết nối quá trình thực hiện các định hướng, giải pháp phát triển và bảo tồn. Bên cạnh đó, quy hoạch  BVMT sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng các giải pháp khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn và bố trí hạ tầng xử lý môi trường phù hợp với quá trình thực hiện các phương án phát triển, đảm bảo PTBV.

II. Các văn bản pháp lý về thực hiện quy hoạch BVMT quốc gia, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh

    Ở Việt Nam, các vấn đề môi trường đã và đang đặt ra sự lựa chọn đầy khó khăn trong quá trình phát triển. Quá trình phát triển KT-XH phải được kế hoạch hóa, trong đó các mục tiêu môi trường phải được ưu tiên hàng đầu nhằm xác định các giải pháp có hiêu quả nhất để KT-XH đạt được mục tiêu PTBV. Vì vậy, vấn đề môi trường đã được luật hóa rấ rõ ràng trong các văn bản pháp luật của Nhà nước ta. Cụ thể như:

    Luật BVMT năm 1993: Trong Luật BVMT năm 1993, tại Điều 3, Chương I đã quy định: “Nhà Nước thống nhất quản lý BVMT trong phạm vi cả nước, lập quy hoạch BVMT, xây dựng tiềm lực cho hoạt động BVMT ở Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, việc lập  quy hoạch BVMT từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh theo Điều 3 của Luật chưa được thực hiện sau khi Luật BVMT chính thức có hiệu lực. Nguyên nhân có thể do các cơ quan quản lý Nhà nước chưa đưa ra được hướng dẫn lập quy hoạch BVMT, nhất là các nội dung của quy hoạch BVMT.

    Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành TW Đảng: Tháng 6/1998 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong Chỉ thị có nội dung quan trọng là phải xây dựng tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch BVMT. Thực hiện nội dung này, Cục Môi trường thuộc Bộ KHCN & MT trước đây đã xây dựng Tầm nhìn đến năm 2020 về BVMT, Chiến lược quốc gia về BVMT đến năm 2010 và Kế hoạch hành động BVMT đến năm 2005. Tuy nhiên, kế hoạch BVMT quốc gia cũng chưa được xây dựng.

    Luật BVMT năm 2005: Đã có những sự điều chỉnh về quy định hoạt động BVMT, bao gồm: Các nguyên tắc BVMT; các chính sách của Đảng và Nhà nước về BVMT; các hoạt động BVMT được khuyến khích và hoạt động bị nghiêm cấm.

    Tại Chương III của Luật đã đưa ra những điều khoản mới về “Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết BVMT”. Đây là những điều khoản mới so với Luật BVMT năm 1993.

    Điều 14. Quy định đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; Điều 16. Quy định nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; Điều 18.  Quy định đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; Điều 20. Quy định nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, trong Luật BVMT năm 2005 vấn đề quy hoạch BVMT vẫn chưa được đưa vào.

    Luật BVMT năm 2014: Vào những năm đầu của thế kỷ 20, Bộ TN&MT nhận thấy sự cấp bách cần thực hiện  quy hoạch BVMT để đảm bảo phát triển hài hòa trên 3 trụ cột KT - XH - môi trường. Đây cũng là thời điểm chín muồi để luật hóa các nội dung liên quan đến quy hoạch BVMT.

    Việc đưa quy hoạch BVMT vào Luật BVMT năm 2014 có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quản lý, giám sát, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và bố trí hạ tầng xử lý môi trường gắn kết chặt chẽ với thực trạng môi trường và các hoạt động phát triển trong vùng quy hoạch.

    Tháng 6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT năm 2014, trong đó có đưa nội dung về quy hoạch BVMT. Quy hoạch BVMT được thực hiện thống nhất trong cả nước do Bộ TN&MT chủ trì có sự tham gia và đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương liên quan làm cơ sở để hài hòa giữa các mục tiêu phát triển và mục tiêu quản lý và BVMT.

    Trong Luật BVMT năm 2014 thuật ngữ quy hoạch BVMT được xác định: “Quy hoạch BVMT là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật BVMT gắn với hệ thống giải pháp BVMT trong sự liên quan chặt chẽ với quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH nhằm bảo đảm phát triển bền vững”.

    Định nghĩa về quy hoạch BVMT trong Luật BVMT năm 2014 có điểm tương đồng với quan niệm về QHMT của nhiều quốc gia trên thế giới, đó là QHMT để bảo tồn và phát triển, nhằm bảo đảm PTBV. Điểm khác là đã bổ sung thêm yêu cầu thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật BVMT gắn với hệ thống giải pháp BVMT.

    Nghị định số 18/2015/NĐ-CP được ban hành có thêm quy định về quy hoạch BVMT. Trong đó,  quy hoạch BVMT được lập phải phù hợp với QHPT KT - XH với kỳ đầu cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo hai cấp độ là quy hoạch BVMT cấp quốc gia và quy hoạch BVMT cấp tỉnh.

    Quy hoạch BVMT cấp quốc gia gồm những nội dung chính như: Diễn biến, mục tiêu quản lý môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; thực trạng môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; mục tiêu và các giải pháp bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; thực trạng phát thải khí và chất lượng môi trường không khí; mục tiêu và giải pháp quy hoạch đối với các hoạt động phát triển có nguồn phát thải khí lớn; thực trạng suy thoái, ô nhiễm môi trường đất; mục tiêu và các giải pháp phòng ngừa suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, phục hồi các vùng đất đã bị ô nhiễm, suy thoái; thực trạng ô nhiễm môi trường nước; mục tiêu và các giải pháp quản lý nước thải và BVMT nước...

    Quy hoạch BVMT cấp tỉnh được lập dưới hình thức báo cáo riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH. Cụ thể, đối với  quy hoạch BVMT cấp tỉnh dưới hình thức báo cáo riêng, phải thể hiện được các nội dung chính giống như quy hoạch BVMT cấp quốc gia với yêu cầu chi tiết hơn gắn với vị trí địa lý, điều kiện môi trường tự nhiên, KT - XH đặc thù của địa phương lập quy hoạch. Quy hoạch BVMT dưới hình thức lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH cấp tỉnh cũng có hình thức giống lập theo báo cáo riêng, trong đó, các nội dung về nguồn lực thực hiện quy hoạch BVMT, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch BVMT được lồng ghép vào các nội dung tương ứng của quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH.         

    Tuy nhiên, trong Nghị định này vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho việc lập quy hoạch BVMT nói chung.

    Luật Quy hoạch 2017: Tháng 11/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch theo Quyết định Luật số 21/2017/QH14. Trong phụ lục I của Luật: Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch BVMT là quy hoạch ngành thứ 38 thuộc mục III BVMT. Trong Nghị định số 37/2019/NĐ-CP “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch”, tại Điều 25, nội dung  quy hoạch BVMT quốc gia được quy định trong 5 khoản, cụ thể: Đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; tác động của biến đổi khí hậu; tình hình quản lý và BVMT; Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp BVMT; Định hướng phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quản lý chất thải; quan trắc và cảnh báo môi trường trong kỳ quy hoạch…

    Luật BVMT năm 2020: Tại Chương III, Điều 23, Luật BVMT năm 2020 quy định, căn cứ lập quy hoạch BVMT quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và Chiến lược BVMT quốc gia, kịch bản biến đổi khí hậu trong cùng giai đoạn phát triển; nội dung, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch BVMT quốc gia và thời kỳ quy hoạch BVMT quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Bộ TN&MT tổ chức lập quy hoạch BVMT quốc gia; chính phủ quy định việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch BVMT quốc gia.

    Điều  24, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch; Chính phủ quy định việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch tỉnh; Bộ TN&MT xây dựng và hướng dẫn nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, tỉnh; cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh xây dựng nội dung BVMT trong quy hoạch tỉnh.

    Quyết định số 274/QĐ-TTg về lập quy hoạch BVMT quốc gia: Ngày 18/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 274/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập “Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quyết định đã nêu nguyên tắc, mục tiêu, nội dung của  quy hoạch BVMT quốc gia như sau:

    Nguyên tắc lập quy hoạch BVMT phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, về phát triển KT-XH, BVMT;

     Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa đối tượng, nội dung  quy hoạch BVMT quốc gia và đối tượng, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH; chiến lược phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh; chiến lược BVMT  quốc gia bảo đảm PTBV đất nước; Đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế; tôn trọng và bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

    Mục tiêu lập quy hoạch BVMT: Xác định được các mục tiêu cơ bản, có tính chất chủ đạo, xuyên suốt nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên, kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, cacbon thấp và PTBV đất nước.

    Mặt khác, quy hoạch này hướng đến mục tiêu quản lý, sắp xếp, tổ chức không gian và sử dụng các thành phần môi trường và các yếu tố tài nguyên phù hợp với chức năng môi trường và điều kiện thiên nhiên, KT-XH của vùng lãnh thổ theo định hướng PTBV.

    Quy hoạch BVMT cấp quốc gia được xây dựng để tổ chức lập các kế hoạch dài hạn xây dựng hệ thống BVMT cấp quốc gia trên cơ sở điều tra, đánh giá môi trường, quản lý môi trường, dự báo xu thế diễn biến môi trường, biến đổi khí hậu; nhu cầu bảo tồn cũng như các nguồn lực có thể sử dụng.

    Quy hoạch BVMT quốc gia sẽ là căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu BVMT, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với QHMT.

    Kết quả chính của quy hoạch BVMT: Dự kiến  Quy hoạch BVMT cấp quốc gia sẽ được phân chia thành 3 vùng Quy hoạch BVMT. Các tiêu chí phân vùng môi trường sẽ được đồng bộ với quy định của Luật BVMT năm 2020.

    Cấp độ 1, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bao gồm: Khu dân cư tập trung, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng nước cấp cho mục đích sinh hoạt hoặc có các yếu tố, đối tượng nhạy cảm khác cần bảo vệ nghiêm ngặt.

    Cấp độ 2, vùng hạn chế tác động bao gồm vùng đệm của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng thuộc khu di sản thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực có đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rừng tự nhiên, rạn san hô, cỏ biển, thủy sinh quan trọng cần được bảo vệ.

    Cấp độ 3 là vùng khác còn lại trên địa bàn quản lý.

III. Trao đổi, thảo luận

    Lồng ghép những vấn đề môi trường vào quy hoach phát triển KT - XH  các cấp thông qua việc thực hiện Quy hoạch BVMT là một phương thức phổ biến rộng rãi, hợp lý trên thế giới cũng như ở nước ta. Tuy nhiên, đã có sự khác biệt về mục tiêu và nội dung của QHMT giữa các nước, các tổ chức quốc tế, thậm chí giữa các đơn vị, địa phương trong từng quốc gia, tùy thuộc vào yêu cầu mức độ gắn kết vấn đề môi trường với quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển KT - XH. Thực tiễn đã chứng minh: Để phát triển KT - XH đạt được sự bền vững và hài hòa với môi trường, trong công tác lập QHPT nhất thiết phải thực hiện QHMT. QHMT nhằm đưa ra những căn cứ khoa học và thực tiễn đúng đắn về điều kiện tự nhiên, sinh thái, môi trường để các nhà hoạch định sử dụng khi lựa chọn các phương án quy hoạch cũng như các giải pháp thực hiện QHPT sao cho phù hợp, hài hòa với 3 trụ cột KT - XH và môi trường của vùng lãnh thổ quy hoạch. Vì những lý do khách quan nêu trên, công việc lập QHMT trong quá trình lập QHPT đã được Luật hóa ở nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

    Ở nước ta trong các bộ Luật được Quốc hội ban hành như: Luật Quy hoạch năm 2017, Luật BVMT các năm 1993, 2005, 2014, 2020 các mục tiêu, nguyên tắc, nội dung của QHBVMT không ngừng được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn của đất nước. Đây chính là những căn cứ pháp lý quan trọng về môi trường để công tác lập QHPT các cấp, các ngành đạt hiệu quả cao, đáp ứng được mục tiêu PTBV.

    Trong thời gian tới, để các nội dung này trong Luật BVMT năm 2020 được triển khai vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra một hành lang pháp lý phù hợp, bao gồm cả nguồn lực thực hiện, trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát việc thực hiện  quy hoạch BVMT của các cấp, các ngành có liên quan. Hành lang pháp lý này được thể hiện thông qua Nghị định của Chính phủ về việc thực hiện các Điều, Khoản chi tiết về  quy hoạch BVMT và Thông tư hướng dẫn của Bộ TN&MT về các tiêu chí chung nhằm quản lý thống nhất về môi trường ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương, đưa ra quy trình thực hiện một số quy định mới trong Luật cụ thể: Chính phủ quy định việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch BVMT quốc gia; phân vùng môi trường trong quy hoạch tỉnh; Bộ TN&MT hướng dẫn xây dựng nội dung BVMT trong quy hoạch vùng; hướng dẫn xây dựng nội dung BVMT trong quy hoạch tỉnh

Tài liệu tham khảo

1. Hùng Võ, 2019, Quy hoạch BVMT quốc gia sẽ được phân vùng theo 3 cấp độ https://www.thiennhien.net/

2. Thủ tướng Chính phủ, 2020,  Quyết định số 274/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập “Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

3. Mai Trọng Thông, 2020, Một số vấn đề về quy hoạch BVMT quốc gia và nội dung quy hoạch vùng, tỉnh trong Luật BVMT năm 2020. Tạp chí Môi trường, số 12/2020

3. Đặng Trung Thuận, 2016, Quy hoạchBVMT . Cơ sở lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn, NXB Khoa học và Kỹ thuật

4. Tổng cục Môi trường, 2019, Quy hoạch BVMT phải đi đôi với quy hoạch phát triển. https://baotainguyenmoitruong.vn

5. Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Vũ Trung, Nguyễn Gia Cường, 2014, Quy hoạch BVMT: Sự thống nhất trong quản lý và tiền đề của phát triển bền vững, Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

6. Beer A 1977 ‘Environmental Impact Analysis: A Review Article’ Town Planning Review 48(4):389

7. Burchell RW and Listokin D 1975 The environmental impact handbook Center for Urban Policy Research, Rutgers, the State University, New Brunswick, N.J.

8. Conacher A & Conacher J., Environment planning & management in Australia, Oxford University Press, 2000

9. Eccles D & Bryant TL., 2007, Statutory planning in Victoria Federation Press,

10. Park H., 2010, NSW Planning Framework: History of Reforms

11. Republic Act No. 10587, Act regulating the Practice of Environmental Planning https://www.ecolex.org/

PGS.TS. Mai Trọng Thông

 Hội Địa lý Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Ý kiến của bạn