Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Vai trò của ngành Lâm nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường

07/06/2022

    Nhằm đánh giá những tác động của ngành Lâm nghiệp đối với đa dạng sinh học, bài viết phân tích vai trò và tác động của ngành Lâm nghiệp đối với đa dạng sinh học (ĐDSH), đồng thời đưa ra các mô hình thực hành tốt trong nước nhằm giảm áp lực lên ĐDSH. Bài viết dựa trên Báo cáo “Nghiên cứu phân tích đặc tính kinh tế của 2 lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản và Lâm nghiệp nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế bền vững, giảm áp lực lên ĐDSH tại Việt Nam”. Báo cáo đánh giá độc lập này là mộtt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc khuôn khổ Sáng kiến BIODEV2030 và được thực hiện bởi nhóm chuyên gia tư vấn độc lập tại Việt Nam.

Vai trò của ngành Lâm nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường

    Lâm nghiệp có đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp và sự phát triển kinh tế đất nước. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,01%. Tuy nhiên, những bất cập trong quản lý và sự thiếu giám sát, thực thi được coi là một trong các yếu tố quan trọng gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng. Ước tính 43% rừng ở Việt Nam bị mất do phá rừng để chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp [1].

    Tại Việt Nam, rừng được phân loại theo mục đích sử dụng (quản lý), gồm: (1) rừng đặc dụng (như trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh) được duy trì cho mục đích bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH; (2) rừng phòng hộ được duy trì cho các chức năng phòng hộ ở các lưu vực đầu nguồn hoặc ven biển; (3) rừng sản xuất được sử dụng để cung cấp gỗ và các lâm sản khác. Trong 3 loại rừng thì rừng đặc dụng được quan tâm và bảo vệ tốt nhất. Trong giai đoạn 2006 – 2020, diện tích rừng đặc dụng của Việt Nam được duy trì ổn định, ít thay đổi. Trong khi đó, diện tích rừng phòng hộ có chiều hướng giảm đi và diện tích rừng sản xuất có xu hướng tăng lên.

    Nhìn từ góc độ kinh tế, ngành Lâm nghiệp đã phát huy lợi thế và phát triển với tốc độ ổn định ở mức 4,87%/năm trong giai đoạn 2006 - 2020. Năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 14,7 tỷ đô-la, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, lớn thứ hai châu Á (sau Trung Quốc) và lớn thứ sáu trên thế giới [2]. Ngoài gỗ, ngành Lâm nghiệp còn cung cấp cho các cộng đồng và nền kinh tế nhiều loại lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có giá trị bao gồm 1.800 loài cây thuốc (với khoảng 1.800 loài thảo mộc có giá trị dược lý), 500 loài tinh dầu, 620 loài nấm, 820 loài tảo, 40 loài song mây, 76 loài cho nhựa thơm, 600 loài có tannin và 260 loài cho dầu béo. Bên cạnh gỗ và LSNG, các hệ sinh thái (HST) rừng của ngành Lâm nghiệp còn cung cấp nhiều dịch vụ HST có giá trị khác cho con người và nền kinh tế Việt Nam. Các HST rừng đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bao gồm: giảm xói mòn và bồi lắng đất, kiểm soát dòng chảy, lũ lụt; và điều hòa chất lượng nguồn nước. Đồng thời, HST rừng còn giúp ổn định khí hậu địa phương và khí hậu toàn cầu thông qua dịch vụ hấp thụ các-bon. Hơn nữa, dịch vụ HST/dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) do các HST rừng cung cấp đã được ghi nhận thông qua việc thực hiện chính sách chi trả cho DVMTR (PFES) tại Việt Nam. Kể từ khi áp dụng thực hiện vào năm 2010 đến nay, tổng số tiền thu được từ các bên sử dụng DVMTR là 16.746 tỷ đồng (bình quân 1.674 tỷ đồng/năm), tương đương với 95,3% ngân sách nhà nước và 18,5% tổng đầu tư của toàn xã hội vào ngành Lâm nghiệp. Đây là nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam, góp phần rất lớn vào việc giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước dành cho ngành Lâm nghiệp.

    Về xã hội, ngành Lâm nghiệp đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp, góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Hiện ngành Lâm nghiệp đang thu hút trên 20 triệu lao động tham gia vào các hoạt động trồng rừng, cung cấp nguyên liệu, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Hàng triệu hộ gia đình, cộng đồng dân cư trên cả nước được giao rừng và đất rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển, trong đó có hơn 250.000 hộ và 10.000 cộng đồng được chi trả DVMTR với số tiền bình quân lần lượt là 450.000 đồng/hộ/năm và 50 triệu đồng/cộng đồng/năm. Khoản thu nhập tăng thêm này rất có ý nghĩa đối với các hộ gia đình tham gia vào lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở khu vực miền núi và vùng sâu, vùng xa.

    Về môi trường, trong những năm qua, ngành Lâm nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn các HST rừng, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, từng bước cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ tác động do BĐKH gây ra. Độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng dần trong suốt thập kỷ qua, từ 39,5% năm 2010 lên 42,0% năm 2020 phần lớn nhờ công tác trồng rừng bổ sung.

Các khu rừng đặc dụng được bảo vệ cho mục đích bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH

Tác động của ngành Lâm nghiệp đối với môi trường

    Ở cấp độ vi mô, tác động trực tiếp của ngành Lâm nghiệp được tạo khi các thực hành sản xuất gỗ (trong chuỗi cung ứng gỗ) và thực hành quản lý bảo vệ rừng (trong chuỗi cung ứng DVMTR) ảnh hưởng đến các hệ sinh thái rừng (gây ra mất rừng và suy thoái rừng). Trong khi đó, tác động gián tiếp là kết quả của những thay đổi trong môi trường sống (như điều kiện đất đai, thủy văn hoặc vi khí hậu) và thành phần loài (do sự tương tác sinh học với thành phần loài khác, các loài thụ phấn, sâu bệnh…).

    Ở cấp độ vĩ mô, tác động của ngành Lâm nghiệp lên môi trường nói chung và ĐDSH nói riêng được xem xét qua tác động tổng hợp của một số yếu tố phát triển lên các chỉ số ĐDSH (sự khác nhau về độ phong phú tổng thể của loài - SRD). Với các số liệu về các trạng thái và diện tích các loại rừng theo từng năm thu thập được các nguồn khác nhau, có thể thấy trong giai đoạn 2006–2017, tổng diện tích rừng và ĐDSH có xu hướng ngược chiều nhau (do tổng diện tích rừng liên tục tăng trong khi đường ĐDSH lại đi xuống). Ngược lại, trong giai đoạn 2017–2020, tổng diện tích rừng và ĐDSH có mối quan hệ cùng chiều (cùng đi lên). Mối quan hệ này có thể được lý giải là trong giai đoạn 2006-2017, tổng diện tích rừng của Việt Nam tăng lên đều đặn nhưng chủ yếu tăng nhờ diện tích rừng trồng bổ sung (từ các chương trình 5 triệu ha rừng hay chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc), riêng rừng tự nhiên lại có xu hướng giảm nhẹ.

    Không giống như rừng trồng, rừng tự nhiên (đặc biệt rừng nguyên sinh) là nơi sinh sống của hầu hết các loài sinh vật trên cạn và là thành phần không thể thiếu để duy trì ĐDSH. Ngay cả khi rừng tự nhiên được quản lý không tốt thì ĐDSH trong rừng tự nhiên vẫn cao hơn so với rừng trồng. Do đó mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên sẽ khiến cho ĐDSH bị suy giảm mạnh. Ngược lại, việc mở rộng các diện tích rừng trồng sẽ dẫn đến việc áp dụng nhiều hơn các biện pháp lâm sinh không bền vững, trồng thuần loại chu kỳ ngắn, sử dụng nhiều hơn các loại hóa chất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), nước và năng lượng, gây ra các tác động xấu đến ĐDSH. Việc thay thế rừng tự nhiên bằng rừng trồng chắc chắn sẽ dẫn đến mất và suy thoái ĐDSH.

    Trong giai đoạn 2017-2020, với lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ năm 2017, các diện tích rừng tự nhiên được tập trung bảo vệ tốt hơn. Trong giai đoạn này, diện tích rừng tự nhiên của cả nước có sự tăng nhẹ. Cũng trong thời gian này, Việt Nam bắt đầu thực hiện các hiệp định thương mại liên quan đến gỗ nên các thực hành trong chuỗi cung ứng rừng trồng được cải thiện hướng tới việc tuân thủ tốt hơn các chỉ tiêu về môi trường, giúp giảm dần áp lực đối với ĐDSH. Bên cạnh đó, nguồn thu từ DVMTR có sự tăng trưởng đáng kể so với các năm trước đây. Nguồn thu này đã được chứng minh có hỗ trợ tốt cho công tác quản lý và sử dụng rừng bền vững tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Các thực hành tốt trong nước nhằm giảm áp lực lên ĐDSH

    Trong những năm gần đây, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau nhằm giảm thiểu tác động ngành với ĐDSH. Quản lý rừng bền vững được xem là cách tiếp cận chính của ngành để hạn chế mất mát ĐDSH. Quản lý rừng bền vững đạt được qua việc thực hiện các quy định của Chính phủ và tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất của quốc gia/quốc tế (thường đi kèm với các chương trình cấp chứng chỉ rừng). Chứng chỉ rừng được coi là một giải pháp mềm để thúc đẩy quản lý rừng bền vững. Trên thực tế, mức độ quản lý rừng bền vững thường được đo lường bằng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ, tuy nhiên, chứng chỉ không đồng nhất với quản lý bền vững do không phải tất cả các diện tích rừng được quản lý bền vững đều được cấp chứng chỉ.

    Tại Việt Nam, hệ thống chứng chỉ phổ biến nhất là FSC với 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Hệ thống này có 3 loại chứng chỉ, bao gồm: (i) Chứng chỉ Quản lý rừng (FSC-FM) cấp cho các đơn vị khai thác và trồng rừng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường, kinh tế và xã hội; (ii) Chứng chỉ Chuỗi hành trình sản phẩm (FSC-CoC) được cấp cho các đơn vị chứng minh được rằng các sản phẩm gỗ do đơn vị mình kinh doanh có nguồn gốc từ rừng đã được cấp chứng nhận; và (iii) Chứng nhận Gỗ có kiểm soát FSC (FSC-CW) cấp cho các đơn vị quản lý rừng hay sản xuất, chế biến, và thương mại những nguồn gỗ theo tiêu chuẩn của FSC. Gần đây, Việt Nam đã xây dựng riêng một bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, được công nhận bởi tổ chức Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) vào ngày 29/10/2020. Tính đến hết năm 2019, trên cả nước đã có 3 BQL rừng với 70.304 ha rừng tự nhiên đã được FSC cấp chứng chỉ gồm: BQL Đăk Tô, tỉnh Kon Tum (được cấp chứng chỉ năm 2014), BQL Trường Sơn/Long Đại, tỉnh Quảng Bình (được cấp chứng chỉ năm 2014) và BQL Đại Thành, tỉnh Đăk Nông (được cấp chứng chỉ năm 2015). Bên cạnh đó, 167.082 ha rừng trồng cũng đã được cấp chứng chỉ FSC (riêng năm 2019, 43.491 ha rừng trồng tại 11 địa phương và 15 chủ rừng đã được cấp chứng chỉ). Trong khi đó, đến hết năm 2020, trên cả nước có khoảng gần 300.000 ha rừng trồng được cấp chứng nhận PEFC [3].

    Bên cạnh rừng trồng có chứng chỉ thì rừng trồng gỗ lớn với các loài bản địa cũng được coi là một trong những thực hành tốt nhất để thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm giảm thiểu tổn thất ĐDSH ở Việt Nam vì các mô hình này giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của các loài ngoại lai vào các HST của địa phương, bảo tồn tài nguyên đất và nước đồng thời kiểm soát tốt việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình phát triển rừng. Đến hết năm 2020, trên cả nước đã có 126.175 ha chuyển đổi từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và 489.016 ha rừng gỗ lớn được trồng mới. Bài học kinh nghiệm ở tỉnh Quảng Ninh trong phát triển rừng trồng gỗ lớn cho thấy, để có thể phát triển thành công mô hình rừng trồng gỗ lớn trên diện rộng, cần có sự quyết tâm cao về mặt chính trị và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp từ tỉnh tới địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Có các chính sách hỗ trợ đồng bộ của các cơ quan chuyên môn (về giống cây, vốn, hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao nhận thức...) cho địa phương và cho người dân để khuyến khích chuyển đổi cơ cấu rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn; Có chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn (như TH True Milk) tham gia vào việc phát triển rừng trồng gỗ lớn; Có vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp/công ty lâm nghiệp nhà nước. Cụ thể như mô hình rừng trồng giổi xanh bản địa kết hợp trồng ba kích hay trà hoa vàng dưới tán rừng để làm mô hình trình diễn/minh họa cho tính hiệu quả về kinh tế - môi trường của các rừng trồng gỗ lớn để từ đó thuyết phục các hộ gia đình tham gia chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

    Phát triển kinh tế dưới tán rừng trồng nhằm nâng cao thu nhập cho những người làm nghề rừng hoặc sinh sống gần rừng là một thực hành tốt khác giúp giảm áp lực lên rừng. Mô hình trồng trà hoa vàng tại tỉnh Quảng Ninh là một mô hình tốt nhằm nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, qua đó, giúp giảm áp lực lên việc khai thác tài nguyên rừng. Trà hoa vàng là một loại LSNG được trồng xen kẽ dưới các tán rừng trồng (đặc biệt là rừng phòng hộ). Đây là loài có khả năng sinh trưởng tốt, mang lại thu nhập nhanh (sau khi trồng được 3 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch lá và 4-5 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch hoa), có giá trị kinh tế cao (khoảng 100 triệu đồng/ha/năm) nhưng cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, gồm: thị trường, điều kiện thổ nhưỡng, kỹ năng canh tác... Hiện tại, trà hoa vàng đang được trồng nhiều nhất ở huyện Ba Chẽ với diện tích hơn 200 ha. Kinh nghiệm trong việc đưa trà hoa vàng từ một loài cây mọc hoang trong rừng thành loài chủ lực trong phát triển kinh tế dưới tán rừng cho thấy, cần xác định được loài LSNG chủ lực, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và có thị trường ổn định để tập trung đầu tư phát triển (tránh việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả); Cần có chủ trương, chính sách nhất quán và sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc định hướng, hỗ trợ người dân trong quá trình phát triển các mô hình mới.

    Đối với các hệ sinh thái rừng tự nhiên, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng giúp cải thiện thu nhập cho những người làm nghề rừng, gắn bó với rừng có thể được thực hiện qua nhiều hình thức như: phát triển LSNG, phát triển du lịch sinh thái, đẩy mạnh thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Hiện nay, trên cả nước đã có nhiều mô hình thành công, tuy nhiên, nhiều BQL rừng (đặc biệt là các BQL RPH) cũng còn gặp khó khăn trong quá trình tìm ra hướng đi cho đơn vị mình. Cụ thể như BQL RPH Sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế) gặp nhiều khó khăn vì địa bàn quản lý phức tạp, người dân sinh sống xung quanh diện tích rừng do BQL quản lý đa số là dân nghèo, nhận thức về tầmquan trọng của rừng phòng hộ còn hạn chế… Để khắc phục các khó khăn này, BQL RPH Sông Hương đã tiến hành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 với các phương án nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từ các nguồn khác nhau; Chủ động tham gia chương trình phát triển rừng trồng cây gỗ lớn/cây bản địa giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế bằng việc sử dụng nguồn kinh phí của nhà nước kết hợp với nguồn thu từ diện tích rừng sản xuất mà BQL đang quản lý; Chủ động tham gia vào chương trình 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; Tạo điều kiện để tăng cường sinh kế cho người dân địa phương thông qua hoạt động thuê khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Một số kiến nghị về chính sách

    Quá trình xây dựng khung chính sách và quy hoạch định hướng cho các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung, phát triển ngành Lâm nghiệp nói riêng cần tính đến việc tiến hành đánh giá các tác động có thể có đối với ĐDSH và để đảm bảo tính nhất quán, tuân thủ bảo vệ ĐDSH, hài hòa giữa các mục tiêu phát triển và bảo tồn.

    Để đạt được mục tiêu kép (tăng trưởng kinh tế và bảo tồn ĐDSH) trong phát triển chuỗi cung ứng rừng trồng sản xuất, ngành nên đầu tư nâng cao cả năng suất (MAI) và chất lượng gỗ (giống gỗ chất lượng cao) của rừng trồng để cung cấp nguyên liệu đủ tiêu chuẩn để chế biến chuyên sâu và có giá trị gia tăng cao (đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ...).

    Các doanh nghiệp lâm nghiệp và các tổ chức sở hữu rừng (cộng đồng dân cư, thôn bản, nhóm hôn liền rừng, hội chủ rừng cùng nhau quản lý…) đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt chuỗi cung ứng rừng trồng theo hướng bền vững hơn, do đó, họ có thể góp phần tự nguyện thực hiện các biện pháp/can thiệp để giảm áp lực lên ĐDSH trong khi theo đuổi các mục tiêu kinh tế của mình. Điều này cũng cho thấy cần xây dựng chính sách rõ ràng để thúc đẩy tích tụ đất rừng sản xuất hoặc cơ chế hợp tác giữa các chủ rừng nhỏ và giữa chủ rừng với các doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị rừng trồng luân canh bền vững/lâu dài theo nguyên tắc kinh tế quy mô đề cao, rủi ro được giảm thiểu và lợi ích được chia sẻ, phân phối một cách minh bạch. Các cấp ngành và chính quyền địa phương cần đóng vai trò tạo điều kiện và hỗ trợ để thúc đẩy các quá trình này.

    Với các cam kết mới của Việt Nam tại COP 26 về sáng kiến bảo vệ rừng, nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050 và chuyển đổi sinh thái của hệ thống nông sản thực phẩm (bao gồm cả hệ thống rừng), ngành Lâm nghiệp cần xây dựng một lộ trình rõ ràng, chi tiết và các biện pháp, hoạt động chính sách cụ thể nhằm đạt được mục tiêu kép là phát triển kinh tế - xã hội của ngành và bảo tồn ĐDSH. Các biện pháp được đề xuất có thể bao gồm tăng năng suất và chất lượng gỗ (MAI), nâng cao diện tích rừng trồng luân canh dài ngày, năng suất của ngành, tăng cường đầu tư vào chế biến chiều sâu, giá trị gia tăng cao, tạo ra nhu cầu thị trường và sẵn sàng trả phí bảo hiểm phù hợp để đạt tiêu chuẩn bền vững được chứng nhận lâm sản, C-PFES và thị trường các-bon... Việc nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân sống dựa vào rừng bao gồm chủ rừng nhỏ lẻ, tổ chức kinh doanh rừng là trọng tâm trong khung/lộ trình lập kế hoạch này.

    Để đạt được đồng lợi ích và mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và cải thiện (không tạo áp lực lên ĐDSH) của ĐDSH trong chuỗi cung ứng rừng, ngành cần xây dựng một kế hoạch giám sát và đánh giá khả thi để đảm bảo rằng tất cả các can thiệp bền vững đã cam kết trong chuỗi cung ứng rừng được thực hiện nghiêm túc và thích hợp.

Tài liệu tham khảo:

[1] World Bank (2019), Forest Country Note – Vietnam, World Bank, Washington, DC

[2] GSO (2022), Statistical data, assessed on 15 February 2022 at https://www.gso.gov.vn/px-web 2/?pxid=V0645&theme=N%C3%B4ng%2C%20l%C3%A2m%20nghi%E1%BB%87p%20v%C3%A0%20th%E1%BB%A7y%20s%E1%BA%A3n.

[3] MARD (2020), Forestry Development Strategy in period 2021-2030, vision to 2050, Technical Report, Hanoi, Vietnam.

Nguyễn Thị Nga

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

Ý kiến của bạn