Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Ứng phó sự cố môi trường biển trước đại dịch Covid-19

16/11/2021

    Trong hoàn cảnh thông thường, các sự cố môi trường vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã làm gia tăng số lượng các sự cố môi trường. Đó chính là lý do chúng ta luôn cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các kịch bản sự cố nhằm giảm thiểu hậu quả đối với môi trường.

Sự cố môi trường có xu hướng gia tăng trong diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19

    Đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua đã làm cho chúng ta tập trung hầu hết mọi nguồn lực cho việc đối phó với dịch bệnh. Do đó, việc tập trung cho hoạt động chống dịch Covid-19 cùng với nhiều quy định liên quan đã gây ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, thậm trí cả đối với ngành y tế (khám chữa bệnh, phẫu thuật đối các bệnh nhân không nhiễm virus Corona, xử lý lượng rác thải lây nhiễm tăng đột biến do dịch Covid-19…). Doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu-hóa chất trình lên cơ quan quản lý, nhưng việc thẩm định phê duyệt bị dừng khi dịch Covid-19 bùng phát. Doanh nghiệp cần lắp đặt trang bị ứng phó sự cố sẵn sàng tại chỗ nhưng không thể thực hiện được do bị tắc nghẽn liên quan đến giao thông vận tải. Thêm vào đó, công tác kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố môi trường của cơ quan quản lý phải dừng lại, việc đào tạo, tập huấn diễn tập ứng phó sự cố cho doanh nghiệp cũng không thể triển khai trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh. Những yếu tố nêu trên là nguyên nhân dẫn đến gia tăng sự cố môi trường. Bên cạnh đó, hành động lợi dụng quy định giãn cách xã hội để xả thải độc hại một cách có chủ ý nhằm tiết kiệm chi phí của một số cá nhân, doanh nghiệp cũng làm gia tăng các sự cố môi trường.

    Nguy cơ sự cố môi trường còn gia tăng bởi sự biến động mạnh mẽ của giá xăng dầu. Vào khoảng giữa năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu giảm sâu dẫn đến các doanh nghiệp tận dụng tất cả các bồn sẵn có có thể không đảm bảo an toàn để tích trữ xăng dầu, các khu neo đậu tàu thuyền biến thành các kho chứa dầu di động tiềm ẩn rủi ro rất lớn, trong khi mọi lực lượng chức năng đều dồn sự tập trung vào hoạt động chống dịch.

Ứng phó sự cố môi trường trong tâm dịch Covid-19

    Thời gian qua, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) liên tục nhận được các cuộc gọi báo tin về sự cố xảy ra trong những ngày dịch và phải đối mặt với vấn đề, đó là “khả năng qua được các trạm kiểm dịch để đến được hiện trường ứng phó sự cố kịp thời”. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra căng thẳng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, để tiếp cận được hiện trường, Trung tâm đã phải di chuyển qua nhiều chốt chặn, thực hiện nhiều quy trình khắt khe, nhưng với phương châm của Trung tâm SOS sẽ luôn có mặt tại hiện trường sớm nhất để hạn chế tối thiểu hậu quả của sự cố tới môi trường biển, vì thế, các nhân viên đã có mặt bằng mọi cách.

Ứng phó sự cố tràn dầu trong đêm tại Đà Nẵng

    Ứng phó sự cố trong điều kiện thông thường đã gặp nhiều khó khăn, nhưng ứng phó trong khi cả nước đặt nhiệm vụ chống dịch Covid-19 lên hàng đầu thì còn khó khăn gấp bội. Vì thế, Trung tâm SOS luôn thực hiện đúng phương châm 4 tại chỗ trong ứng phó (trang thiết bị tại chỗ, nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ). Hoạt động tăng cường nguồn lực ứng phó sự cố cho các địa phương vào giai đoạn dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ, phương tiện di chuyển do không được xếp vào các hoạt động cấp thiết. Trung tâm phải chờ đợi nhiều ngày để xin thủ tục, mất gấp đôi hoặc gấp ba thời gian di chuyển so với thông thường.

    Bên cạnh đó, sự cố môi trường xảy ra không chỉ trên biển, mà còn ở trên đường giao thông, khu công nghiệp, nông nghiệp, khu dân cư, sâu trong đất, trong mạch nước ngầm, trong giếng tại các tỉnh thành như Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Nam, Đồng Nai… Trong 2 năm (2020 – 2021), Trung tâm SOS đã tham gia ứng cứu gần 30 sự cố môi trường (trong tổng số 133 sự cố tính đến tháng 11/2021) tại các tỉnh: Quảng Ninh (tháng 3 - 5/2020, tháng 10/2021); Yên Bái (tháng 5/2021); Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Nam (tháng 8 - 10/2021). Đặc biệt, vào khoảng 13 giờ 10 phút ngày 16/10/2021 tại khu vực bến Cái Vĩnh, xã Vĩnh Trung, TP. Móng Cái, tàu chở dầu mang số hiệu 06 - QN-8112 của Công ty CP Kim Thủy bị chìm. Khi tàu bị chìm, trên tàu đang chở 47 tấn dầu DO chở từ Móng Cái ra. Nhận được tin báo, Trung tâm SOS chi nhánh Quảng Ninh đã phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương tiến hành trục vớt tàu bị nạn, thu gom và xử lý dầu vương, đồng thời cũng sẵn sàng các phương án xử lý tiếp theo (nếu có) đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài hiểm nguy liên quan đến ứng phó sự cố tại hiện trường, những người lính của Trung tâm SOS còn phải đối mặt với hiểm nguy bị lây nhiễm virus Corona, nhất là giai đoạn giữa năm 2020, Trung tâm SOS tăng cường công tác chủ động rà soát các điểm nguy cơ tại cảng, tại các khu neo đậu tàu thuyền, khu chuyển tải, tiếp xúc với các thuyền viên nước ngoài khi chưa có vaccine.

    Trong mùa dịch, sự cố liên quan tới tràn dầu và hóa chất trên biển vẫn xảy ra với những kịch bản khó lường không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, có nhiều sự cố không được giải quyết triệt để do yếu tố dịch bệnh. Đây là vấn đề được các nhà quản lý, các chuyên gia môi trường hết sức quan tâm trong các hội thảo diễn ra tại Liên bang Nga gần đây. Tại Việt Nam, những bài học kinh nghiệm thực tế đang được đúc rút để kịp thời điều chỉnh hoạt động phòng chống dịch song song với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó các sự cố môi trường.

Nhiều hoạt động thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid-19

    Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, quy định giãn cách xã hội phải tuân thủ ở mức cao nhất, nhưng các lớp tập huấn kĩ năng ứng phó sự cố môi trường do dầu cho địa phương và doanh nghiệp vẫn được triển khai bằng hình thức trực tuyến. Theo kế hoạch hàng năm, Trung tâm vẫn lên các chương trình, bài giảng phù hợp để vừa kết hợp hình thức đào tạo trực tuyến, vừa đào tạo thực tế trên các địa bàn cho phép. Với những chương trình đào tạo tập huấn trực tuyến trong diễn biến căng thẳng của đại dịch Covid 19, Trung tâm tập trung vào nhiều bài tập mang tính thực tiễn từ các sự cố. Mục tiêu đưa ra chính là chất lượng trong đào tạo, để các học viên có thể trực tiếp tham gia vào ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở trước khi đội ứng phó chuyên nghiệp đến hỗ trợ. Tháng 10/2021, Trung tâm đã tham gia diễn tập “Phòng thủ dân sự ứng phó siêu bão và tìm kiếm cứu nạn” được tổ chức tại Quảng Ninh, trong đó có nội dung quan trọng liên quan tới diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Với sự tham gia của Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 3, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và sự quan tâm của nhiều các đơn vị trực thuộc tỉnh, cuộc diễn tập phòng thủ dân sự được tổ chức với quy mô rộng, các tình huống thiết thực, những phương án được đưa ra hợp lý. Tham gia cuộc diễn tập phòng thủ dân sự, Trung tâm SOS đã được phối hợp phụ trách phần ứng phó sự cố tràn dầu trên biển do thiên tai gây ra. Mong rằng, dù ở các tình huống diễn tập hay trong thực tế, sự cố môi trường sẽ được kiểm soát tốt nhất để tránh hậu quả nghiêm trọng.

    Đồng thời, các hoạt động từ tọa đàm trực tuyến, đào tạo tập huấn trực tuyến, diễn tập liên quan tới hoạt động ứng phó sự cố môi trường, lao vào tâm dịch để ứng cứu sự cố… đều được tổ chức để tất cả các địa phương, cơ sở được trang bị kiến thức, có thiết bị vật tư sẵn sàng chủ động ứng phó tại chỗ sự cố xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào và bất cứ địa bàn nào trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Diễn tập phòng thủ dân sự tại Quảng Ninh năm 2021

    Có thể nói, BVMT cần bắt đầu từ nhận thức. Nhận thức đó sẽ chi phối các hành động cụ thể, từ trang bị hiểu biết cho mình thông qua các hoạt động đào tạo, huấn luyện, diễn tập để có kĩ năng, đầu tư trang bị để sẵn sàng ứng phó sự cố, không gây hậu quả đối với sức khỏe con người và môi trường. Đó chính là hành trình bền bỉ và ý nghĩa nhất và vấn đề này chưa bao giờ giảm đi sức nóng, sự quan tâm cho dù giữa đại dịch Covid-19.

Phạm Văn Sơn

Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam

Ý kiến của bạn