Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Từng bước xây dựng sàn giao dịch tín chỉ các bon tại Việt Nam

02/08/2021

     Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu (BĐKH) và sẽ thực hiện trách nhiệm quốc gia trong ứng phó với BĐKH toàn cầu, chủ yếu thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm những cam kết đóng góp bắt buộc về giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Một trong những cách thức thực hiện “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA) là NAMA tạo tín chỉ. Với những tiềm năng và cơ hội để thực hiện NAMA, Việt Nam đang từng bước mở rộng con đường tham gia thị trường trao đổi tín chỉ các bon, trong đó có sàn giao dịch tín chỉ các bon.

     NAMA tạo tín chỉ là các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK tại các nước đang phát triển, theo đó, lượng KNK phát thải giảm được đo đếm, kiểm chứng, quy đổi chuyển thành các tín chỉ các bon để mua bán, trao đổi trên thị trường trong nước và quốc tế. Nghị định thư Kyoto đã tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của một loại thị trường đặc biệt - thị trường các bon. Từ khi được thiết lập, thị trường các bon không ngừng lớn mạnh, gia tăng nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia. Đến nay, thị trường các bon được xem là công cụ chính để giảm phát thải KNK.

     Ngày 1/1/2005, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thành lập thị trường buôn bán khí thải, là mô hình đầu tiên trên thế giới để trao đổi, buôn bán khí CO2 và 5 loại khí thải khác gây hiệu ứng nhà kính (viết tắt là EU - ETS). Đến nay, EU - ETS là hệ thống thương mại hóa khí các bon lớn nhất trên thế giới. Giá bán tín chỉ các bon cũng khác nhau tùy vào thị trường, lĩnh vực và khu vực. Tại thị trường các bon trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto, các tổ chức mua tín chỉ các bon ở châu Âu áp đảo cả về lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Trong khi tại thị trường các bon tự nguyện, ngoài châu Âu với 47% thị phần thì Bắc Mỹ cũng tham gia giao dịch với khối lượng và giá trị lớn chiếm 41% thị phần, tiếp theo là châu Úc (4%), châu Á (4%), Mỹ La Tinh (2%) và châu Phi (1%). Theo Ngân hàng Thế giới, thị trường các bon trong tương lai sẽ rất phức tạp, phụ thuộc vào cam kết của các nước phát thải lớn và các cơ chế sửa đổi để phù hợp vào điều kiện quốc gia và cam kết quốc tế. Giá bán tín chỉ các bon bình quân được dự báo từ 6 - 8 euro/tấn CO2e.

     Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham gia thị trường các bon không chỉ là chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm KNK mà còn là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít các bon, phát triển bền vững. Mặt khác, Chiến lược quốc gia về BĐKH của Việt Nam đã xác định trên quy mô toàn cầu, đang dần hình thành các chính sách về giảm nhẹ phát thải KNK có thể tạo ra các rào cản mới trong thương mại. Nếu các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, không có lựa chọn phù hợp, hài hòa chính sách quốc gia với quốc tế thì không vượt được qua rào cản do chưa có đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để sản xuất ra hàng hóa đủ điều kiện tham gia thị trường  hàng hóa các bon thấp. Tại Hội nghị lần thứ 10 của Đại Hội đồng Chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường các bon” tổ chức đầu tháng 11/2014 tại Chi-lê, Đoàn công tác của Việt Nam đã trình bày đề xuất Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam” (VNPMR). Với sự đồng thuận tuyệt đối của đại diện 32 quốc gia tham dự, đề xuất Dự án VNPMR chính thức được thông qua.

 Việt Nam thí điểm xây dựng tạo tín chỉ các bon trong lĩnh vực sản xuất thép

      Với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Dự án VNPMR được triển khai nhằm mục tiêu tăng cường năng lực xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với NAMA. Với thí điểm NAMA tạo tín chỉ các bon trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn, Dự án góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và trọng tâm là các mục tiêu cụ thể được xác định trong Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các bon ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, đây là hai lĩnh vực có tiềm năng phát thải các bon lớn, phương pháp tính toán mức độ giảm phát thải các bon đã được xác định và kiểm chứng, đồng thời đã ban hành được một số chính sách quản lý chung đối với hai lĩnh vực này. Những hoạt động thí điểm trong lĩnh vực sản xuất thép và quản lý chất thải rắn được thực hiện ở một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh sẽ là bài học kinh nghiệm tốt để nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện các chính sách, công cụ quản lý nhà nước về NAMA.

     Từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết để thực hiện Thỏa thuận Pari về BĐKH. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải KNK so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế. Đặc biệt, phát triển thị trường tín chỉ các bon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật  BVMT năm 2020. Như vậy, doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, tuy nhiên, chi phí không hề nhỏ. Đối tượng mua đầu tiên là những hãng hàng không, bởi từ năm sau, những hãng hàng không phải tuân thủ Cơ chế giảm và bù đắp các bon (CORSIA) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế và theo quy định của Liên minh châu Âu. Nếu không thể giảm phát thải, họ có thể mua tín chỉ các bon để bù đắp lượng phát thải của mình.

     Thực tế, tín chỉ các bon đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm nay, khi Việt Nam triển khai các Dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Nghị định thư Kyoto, và gần đây là một số dự án hợp tác với đối tác quốc tế để trao đổi tín chỉ phát thải như Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải từ rừng vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Dự án khí sinh học trong chăn nuôi… Rõ ràng, Việt Nam sản xuất được tín chỉ các bon và đã bán được, nhưng những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Do đó, một sàn giao dịch mà trong đó thể hiện tổng thể những giao dịch tín chỉ các bon của Việt Nam, có bên mua, bên bán đang được Công ty CP Tân Nguyên xây dựng thử nhiệm. Mục tiêu nhằm thể hiện những nỗ lực của Việt Nam thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Pari về BĐKH, đồng thời, tạo sân chơi để khối doanh nghiệp có thể cùng tham gia với nỗ lực của Nhà nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước có thể thông qua đây để đánh giá về thị trường, cũng như có một công cụ hỗ trợ quản lý các giao dịch tín chỉ của Việt Nam. Đây là sản phẩm đã được giới thiệu tại sự kiện Công nghệ quốc gia Techfest năm 2020, hướng tới xây dựng một sàn giao dịch giữa bên nhà máy/doanh nghiệp (bên phát thải) và chủ đầu xanh/lao động sạch (bên giảm thải) dựa trên công nghệ Blockchain 4.0 dành cho các loại hàng hóa đặc biệt như: Tín chỉ các bon, Chứng chỉ xanh, Trái phiếu xanh. Ví dụ như nếu một nhà máy có chỉ số phát thải cao hơn mức quy định thì nhà máy đó sẽ bị phạt tiền nếu vượt mức quy định. Nhưng nếu họ mua tín chỉ các bon để bù đắp phần chênh lệch sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể.

     Theo đó, sàn giao dịch sẽ có hệ thống đo đạc, kiểm đếm (MRV) và làm bảng tính của một dấu chân các bon của cá nhân/hộ gia đình. Còn đối với công ty có hệ thống chuẩn của thế giới có 2 thị trường: Tuân thủ, được thực hiện chặt chẽ do Liên hợp quốc đặt ra các quy chuẩn từ trước đến nay, những phát thải sẽ được đo đếm cẩn thận, có người chuyên môn xác minh; tự nguyện, thị trường này đơn giản hơn nhưng nó được tính thêm giá của đa dạng sinh học cộng thêm tạo công ăn việc làm cho người trông rừng. Chẳng hạn như một người trồng rừng hoặc 1 người xử lý rác ngoài giá trị giảm CO2 còn thêm giá trị sinh kế cho người dân đa dạng sinh học. Quá trình tạo ra chứng chỉ được công nhận giúp có thêm một khoản thu nhập, giảm phát thải và được các bên khác mua lại các chứng chỉ xanh hay đạt được những điểm xanh thông qua việc chuyển đổi phát thải, thì điểm xanh đó có thể đổi lấy quà hoặc bán cho bên khác mua lại.

     Trong sàn giao dịch các bon, mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có một lượng vốn tín chỉ các bon đều có thể tham gia sàn giao dịch. Vấn đề hiện nay là làm thế nào xác thực được tín chỉ các bon, bởi đây là loại hàng hóa “không định hình”? Dự kiến vào cuối năm 2021, sàn sẽ bắt đầu thực hiện các giao dịch. Đây chỉ là nơi thể hiện giao dịch chứ không có chức năng đăng ký chứng thực. Sàn sẽ ưu tiên các tín chỉ đã có xác nhận của cơ quan nhà nước, hoặc một tổ chức quốc tế. Trong thời gian này, Công ty CP Tân Nguyên sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp để họ thấy được lợi ích khi tham gia mua bán tín chỉ các bon. Đặc biệt, Công ty cũng cập nhật thông tin các bên đang tạo nguồn tín chỉ lên sàn, những giao dịch họ đã có nhằm tạo uy tín cho tín chỉ của Việt Nam và thể hiện giá trị, sự cam kết của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

     Sàn giao dịch tín chỉ các bon được kỳ vọng sẽ trở thành một môi trường thuận lợi cho giao dịch tín chỉ các bon, đồng thời, thúc đẩy các giải pháp giảm thải khí thải KNK, hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. 

ThS. Nguyễn Thị Trà

Công ty CP Tân Nguyên

ThS. Cù Thị Lan Anh

Trường Đại học Hòa Bình

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2021)

 

Ý kiến của bạn