Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Từ nghiên cứu tới chính sách về vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội

09/03/2021

     Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trước đó, tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí đến năm 2020 với tầm nhìn tới năm 2025 đề cập việc xác định và theo dõi các nguồn ô nhiễm và giám sát chất lượng không khí ở tất cả các cấp - sẽ góp phần phổ biến các hành động hướng đến cải thiện chất lượng không khíĐể có chính sách đúng đắn trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí (ÔNKK) không thể thiếu những nghiên cứu về các nguồn gây ra ÔNKK. Dưới đây là một số ý kiến của người viết về nghiên cứu nguồn ÔNKK và chính sách để giảm thiểu ÔNKK ở Hà Nội.

     Nghiên cứu nguồn ÔNKK ở Hà Nội

     Nhiều nhà khoa học đã nêu ra những thiếu hụt và hạn chế về nghiên cứu nguồn thải khí thải gây ÔNKK ở Hà Nội, đặc biệt trong việc kiểm kê nguồn thải. Kiểm kê nguồn thải là việc làm cần thiết tuy nhiên việc này không đơn giản, rất tốn kém tiền bạc và thời gian thực hiện. Một số nguồn ô nhiễm có thể biến động hàng năm, do đó cần kiểm kê nguồn thải định kỳ để giảm thiếu sai số tính toán.

     Ngoài những sai số khó tránh khỏi trong việc kiểm kê, thì việc kiểm kê mới chỉ cung cấp bức tranh về nguồn thải trực tiếp. Các chất ô nhiễm sau khi thoát ra ngoài ống khói sẽ chịu những tác động mạnh từ các quá trình lý-hóa trong khí quyển. Do đặc trưng bụi từng nguồn có tính chất khác nhau dẫn tới tác động của các quá trình khí quyển này lên từng loại bụi cũng khác nhau.

     Vì vậy, ngoài việc nâng cao công tác kiểm kê nguồn thải, chúng ta cần tiến hành kết hợp với các phương pháp xác định nguồn khác, đặc biệt cần đi kèm với các đo đạc về hệ số phát thải cũng như đặc trưng về thành phần hóa học của nguồn thải chính để phục vụ cho việc chạy các mô hình phân bổ nguồn thải sau này.

     Một cách thực tế, chúng ta khó có thể đòi hỏi một nghiên cứu có thể chỉ ra được chính xác sự đóng góp của từng nguồn gây ô nhiễm, mà phải có sự tổng hợp của rất nhiều nghiên cứu với các phương pháp tiếp cận khác nhau. Việc kiểm kê, đánh giá nguồn thải gây ô nhiễm cần làm thường xuyên để đánh giá sự hiệu quả của các chính sách cũng như phát hiện các nguồn mới.

     ÔNKK không chỉ có bụi PM2.5

     Ngoài ô nhiễm bụi mịn (PM2.5), chúng ta cần chú ý các nguồn ô nhiễm cho các chất ô nhiễm khác, đặc biệt các khí SO2, NOx, và VOCs, là tiền chất của bụi thứ cấp. Nồng độ bụi thô (PM2.5-10) ở Hà Nội vẫn còn cao nên cần quản lý nguồn bụi này. Hàm lượng những hợp chất nguy hiểm có khả năng gây ung thư như kim loại nặng hay các hợp chất vòng thơm (PAHs) là cũng cần được lưu ý đo đạc, đặc biệt từ các khu công nghiệp và làng nghề.

     Nhiều nhiên cứu chỉ ra rằng, các hạt bụi thứ cấp chiếm một tỉ trọng lớn trong thành phần bụi, do đó nghiên cứu cơ chế hình thành bụi thứ cấp như bụi hữu cơ hình thành từ các SVOCs là cần thiết. Trong đó, một tỉ trọng khá lớn từ bụi thứ cấp là ammonium sulfate1, do đó chúng ta cần có bức tranh đo đạc toàn vùng cho khí SO2, đặc biệt từ các khu công nghiệp, nhà máy điện than, sản xuất gạch, hoặc các làng nghề dùng than làm nhiên liệu.

     ÔNKK xuyên biên giới giữa các tỉnh/thành và quốc gia

     Ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội có hiện tượng ô nhiễm vùng rất lớn, do đó nếu chỉ có những chính sách, biện pháp, hành động ở riêng khu vực Hà Nội thì chắc chắn không thể xử lý được triệt để, cần có những chính sách, phối hợp hành động liên vùng, liên tỉnh, đồng bộ với các địa phương xung quanh, đặc biệt từ các tỉnh phía Đông đồng bằng Bắc bộ.

     Những nghiên cứu cần tiến hành thường xuyên ở Hà Nội và các địa phương xung quanh để có đánh giá tính hiệu quả của các chính sách hiện hành cũng như sự biến đổi hoặc xuất hiện của các nguồn phát thải khí thải mới. Ví dụ: sự xuất hiện của các lò đốt rác thủ công ở các địa phương xung quanh Hà Nội, hay các khu công nghiệp mới.

Hính 1. Ảnh hưởng nguồn từ xa tới bụi mịn Hà Nội theo phương pháp qũy đạo nồng độ trọng số 2

     Sự đóng góp đáng kể của nguồn ô nhiễm từ xa cũng đòi hòi cần phải có thêm những nghiên cứu cộng tác cùng các quốc gia láng giềng như Trung Quốc (hình 1). Hình trên cho ta thấy ảnh hướng đáng kế của lượng bụi từ Trung Quốc và từ đồng bằng sông Hồng lên nồng độ bụi ở Hà Nội trong mùa đông. Trên thế giới cũng đã phát triển nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau cho bài toán phân bổ nguồn địa phương, vùng và vận chuyển dài hạn. Chúng ta cần ứng dụng các phương pháp đó để phân bổ từng loại nguồn địa phương, vùng hay lan truyền từ các quốc gia khác.

      Từ nghiên cứu tới chính sách về ÔNKK ở Hà Nội

     Với những lý do trên, chúng ta không thể trông chờ một nghiên cứu hoàn hảo về nguồn ÔNKK rồi mới thi hành các chính sách. Dựa trên những bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu trước đó ở Hà Nội, đặc biệt từ các nghiên cứu xác định nguồn tại điểm tiếp nhận, chúng ta đã có một số bức tranh sơ bộ về thành phần hóa học chính của bụi và các nguồn đóng góp lớn hiện nay. Theo đó, các nguồn sơ cấp lớn có thể kể tới là hoạt động đốt sinh khối/than, ô nhiễm từ xa, hoạt động công nghiệp, sinh hoạt, giao thông, bụi đường/crustal3. Bụi thứ cấp hữu cơ và amoni sunfat cũng đóng góp không nhỏ trong thành phần bụi mịn.  

     Các nguồn ô nhiễm bụi chính ở Hà Nội có tỉ lệ khá tương đồng nên cần áp dùng đồng thời nhiều chính sách, không nên chỉ tập chung vào một nguồn. Ví dụ, giao thông là một nguồn đóng góp quan trọng, tuy nhiên đợt phong tỏa thành phố do Covid-19 cho thấy dù lượng giao thông giảm tới hơn 60% thì vẫn có những đợt ô nhiễm không khí. Chúng ta cũng cần có thêm những nghiên cứu về cơ chế hình thành và chính sách các đợt ô nhiễm bụi kéo dài này. Ở Bắc Kinh để giảm thiểu ô nhiễm ở những đợt ô nhiễm nặng, họ đã cấm đốt ngoài trời và hạn chế lưu lượng giao thông.

     Cộng thêm những kinh nghiệm từ các thành phố khác trên thế giới (đặc biệt về nguồn giao thông), tôi nghĩ chúng ta đã có thể xây dựng những chính sách phù hợp, ví dụ như các chính sách về nâng cao tiêu chuẩn phát thải khí thải cho phương tiện giao thông cơ giới hay chất lượng xăng dầu. Một số biện pháp gần đây như xóa bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội hay kiểm tra khí thải xe máy là cần thiết, tuy nhiên cũng cần phải có những đánh giá về sự hiệu quả tác động của các chính sách này lên chất lượng không khí.

     Những nghiên cứu liên ngành về ảnh hưởng của ÔNKK, đặc biệt từ góc độ kinh tế, năng lượng, sức khỏe và xã hội là quan trọng để có được những chính sách hiệu quả và phù hợp nhất với tình hình hiện tại của đất nước.

TS.Vũ Tuân

Nghiên cứu viên cao cấp về chất lượng không khí

 Đại học hoàng gia Luân - Đôn, Anh Quốc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2021)

 

     Tài liệu tham khảo:

     [1]. Weagle et al., 2018. Global Sources of Fine Particulate Matter: Interpretation of PM2.5 Chemical Composition Observed by SPARTAN using a Global Chemical Transport Model.  Environmental Science & Technology, 52 (20) 11670, 2018.

     [2]. Ly et al., 2021. The effects of meteorological conditions and long-range transport on PM2.5 levels in Hanoi revealed from multi-site measurement using compact sensors and machine learning approach. J. Aerosol Science, 152, 105716.

     [3]. Philip et al. 2017. Anthropogenic fugitive, combustion and industrial dust is a significant, underrepresented fine particulate matter source in global atmospheric models. Environ. Res. Lett. 12, 044018, 2017.

 

Ý kiến của bạn