Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thực hiện cam kết COP 26: Bối cảnh thế giới năm 2022

01/04/2022

    Năm 2022 là năm khởi đầu các quốc gia chuẩn bị thực hiện cam kết tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 26 (gọi tắt là COP 26). Bài viết này tổng hợp, phân tích bối cảnh thế giới trong năm 2022 có ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện cam kết COP 26.

Một số cam kết quan trọng tại COP 26

    Khoảng 150 quốc gia chiếm gần 90% lượng phát thải khí nhà kính và trên 90% GDP toàn cầu đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Hơn 100 quốc gia (chiếm 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu) đã tham gia cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020. Gần 50 quốc gia đã ký tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch vào thập kỷ 30 và 40 của thế kỷ này. Mặc dù chưa được như kỳ vọng nhưng những cam kết này đánh dấu bước chuyển biến đáng kể trong nỗ lực toàn cầu giảm phát thải khí nhà kính.

Các đại biểu tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow, Anh, ngày 8/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thuận lợi

    Trong năm 2022, Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) sẽ công bố Báo cáo Đánh giá khí hậu được thực hiện 6 năm một lần ở bình diện toàn cầu. Báo cáo tổng hợp này gồm 3 báo cáo chuyên đề: (1) Tác động, thích ứng và tổn thương; (2) Giảm nhẹ BĐKH; (3) Tổng hợp BĐKH 2022. Đây là các tài liệu quan trọng nhấn mạnh tính cấp thiết của các hành động tức thì và quyết liệt trong giải quyết các thách thức khí hậu. Cũng trong năm 2022, các nước được kỳ vọng là sẽ tiếp tục trình nộp Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật nhằm phản ánh các cam kết tại COP 26.

    Tháng 6/2022, Hội nghị Stockhom+50 sẽ được  Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức tại Thụy Điển. Hội nghị đánh dấu 50 năm thành lập UNEP và là diễn đàn đánh giá nỗ lực toàn cầu bảo vệ môi trường kể từ Hội nghị quốc tế đầu tiên về môi trường. 2022 cũng là mốc kỷ niệm 30 năm của Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio 1992, nơi khai sinh của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH. Các sự kiện này sẽ tạo đà thuận lợi thuận lợi cho nỗ lực chung thực hiện cam kết COP 26.

Thách thức

    Tuy nhiên, trường quốc tế đầu năm 2022 đã có một số diễn biến có thể ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện cam kết COP 26.

    Thứ nhất, nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng đột biến do phục hồi kinh tế sau COVID đang khiến các nước sử dụng năng lượng nhiều như Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu đối mặt với thiếu hụt năng lượng. Thiếu hụt này càng nặng nề hơn khi các đợt rét đậm kéo dài ở châu Âu tiếp tục làm cạn kiệt các nguồn khí đốt hiện có.

    Thứ hai, cuộc chiến Nga-Ukraina đã tạo thêm cú sốc đẩy giá dầu, khí đốt và than lên mức cao kỷ lục. Nga là nước xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới, cung ứng khoảng 10% lượng dầu cho thế giới và hơn 50% lượng khí đốt cho nhiều nước châu Âu. Cuộc chiến Nga-Ukraina và các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga đang làm giảm đáng kể nguồn cung năng lượng hóa thạch từ quốc gia này. Do giảm nguồn cung dầu và khí từ Nga, nhiều nước châu Âu đã phải tăng sử dụng than và hạt nhân để phát điện. Nhiều quốc gia châu Á cũng đang tăng cường điện than để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng. Khả năng là thiếu hụt năng lượng sẽ còn tiếp tục trong năm 2022, chưa nói là có thể kéo dài sang 2023 và một số năm tiếp theo.

Tác động đến thực hiện cam kết COP 26

    Thiếu hụt năng lượng sẽ khiến các nước đặt ưu tiên vào việc đảm bảo an ninh năng lượng. Các giải pháp ngắn hạn bao gồm tăng công suất các nhà máy điện hiện có, và tăng khai thác và dự trữ than, dầu, khí. Tăng phát thải trong ngắn hạn là điều khó tránh khỏi. Trước mắt, các quốc gia có thể sẽ chững lại trong việc đẩy nhanh, đẩy mạnh cảm kết giảm phát thải.

    Tuy nhiên, về lâu dài, các thách thức tạm thời có thể sẽ là những động lực đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Ví dụ như châu Âu đang lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào nhập khí từ Nga thông qua chuyển đổi từ hệ thống sưởi bằng khí đốt sang hệ thống bơm nhiệt dùng điện tái tạo. Đức đã ngừng dự án nhập khí từ Nga Nordstream 2 và cân nhắc đẩy nhanh các dự án điện gió ngoài khơi.

    Giá năng lượng hóa thạch khi tăng đến một mức độ nhất định (còn gọi là “giá nghẽn” hay choke price) sẽ tạo cú hích để chuyển tiêu dùng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đây là điểm chuyển đổi năng lượng cốt yếu. Giá thành điện gió và điện mặt trời đang giảm nhanh chóng, giảm tới 80% với điện mặt trời và 40% với điện gió trên bờ trong giai đoạn 2010 - 2019. Điểm chuyển đổi sẽ diễn ra sớm hơn khi giá năng lượng hóa thạch tăng nhanh hơn. Vì vậy, có thể nhận định rằng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo sẽ tiếp diễn, tạo cơ sở để đạt được các cam kết COP 26.

    Tóm lại, mặc dù có những thách thức trong ngắn hạn song nỗ lực toàn cầu chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính sẽ vẫn được duy trì. Với Việt Nam, cần tiếp tục xây dựng và thực hiện các giải pháp thực hiện cam kết COP 26, đồng thời chuẩn bị cho kịch bản giá năng lượng tăng. Cần coi điện gió và mặt trời là nguồn năng lượng chiến lược dài hạn. Tận dụng hỗ trợ quốc tế về tài chính và kỹ thuật sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu cam kết COP 26.

TS. Đỗ Nam Thắng

Đại học quốc gia Ôxtrâylia

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022)

 

Ý kiến của bạn