Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thúc đẩy chính sách phù hợp, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số nền nông nghiệp Việt Nam

17/09/2021

     Ngày 16/9/2021, Hiệp hội CropLife châu Á và CropLife Việt Nam đã tham dự Tọa đàm với chủ đề Hoàn thiện Hệ sinh thái cho chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam - Sự kiện nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ thực tế ảo. Tại Tọa đàm, Tiến sỹ Tan Siang Hee, đại diện CropLife đã làm rõ hơn khái niệm “Hệ sinh thái nông nghiệp bền vững”; triển vọng ứng dụng các giải pháp nông nghiệp tiên tiến và chia sẻ các thách thức cần giải quyết để hướng tới chuyển đổi nông nghiệp số tại Việt Nam. Tham gia Tọa đàm còn có các diễn giả và chuyên gia đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA); các tập đoàn nông nghiệp lớn trong nước và quốc tế.

Tiến sỹ Tan Siang Hee tham gia toạ đàm "Hoàn thiện hệ sinh thái cho chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam"

     Trao đổi tại Tọa đàm, Tiến sỹ Tan Siang Hee cho biết, một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững luôn gắn liền với việc ứng dụng cái giải pháp nông nghiệp tiên tiến một cách có trách nhiệm. Các giải pháp nông nghiệp tiên tiến ở đây bao gồm toàn bộ các công cụ, giải pháp ứng dụng trong chuỗi giá trị thực phẩm: Từ những giải pháp về chọn tạo giống cây trồng, bảo vệ thực vật và dinh dưỡng cho cây trồng; cho tới các phương thức kỹ thuật giúp tối ưu hoá hiệu quả canh tác và quản lý đồng ruộng cho nông dân (như định vị GPS, dữ liệu đồng ruộng, máy bay không người lái drone, bản đồ số…) và các giải pháp thông minh hỗ trợ chuỗi sản xuất-chế biến, cung ứng và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng - số hóa có thể coi là một trong các giải pháp. Trong Chiến lược phát triển hệ sinh thái nông nghiệp thông minh – bền vững, nông dân luôn đóng vai trò trung tâm và họ cần phải được trang bị kịp thời, đầy đủ tất cả các công nghệ sẵn có, biết cách vận hành và sử dụng các công nghệ đó một cách có trách nhiệm.

Ảnh 2: Chuỗi sản Nông nghiệp Thông minh sẽ bao gồm Chọn tạo giống thông minh (Smart Breeding); Sản xuất nông nghiệp thông minh

(Smart Agriculure) và Phân phối và chế biến Thông minh (Smart Distribution and Processing).

     Các diễn giả đều khẳng định phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, đồng thời đưa ra một số điều kiện để Việt Nam có thể hiện thực hoá được mục tiêu này bao gồm: nâng cao cơ sở hạ tầng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nông nghiệp; thay đổi tư duy và thói quen canh tác từ mô hình nhỏ lẻ theo hướng hiện đại hoá; chuẩn bị nguồn lực tài chính và tiếp cận mọi công nghệ cần thiết….Bên cạnh đó, Tiến sỹ Tan Siang Hee nhấn mạnh về vai trò quyết định của nông dân trong mọi mô hình chuyển đổi nông nghiệp. Ông cho rằng: “Chỉ khi nông dân thực sự hiểu được lợi ích của công nghệ, họ mới có thể làm chủ và phát huy tối đa lợi ích của chúng.”

     Theo một khảo sát công bố gần đây bởi tổ chức CropLife Châu Á, khi hỏi 130 nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam, có 42% trong số họ cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. Nếu nhìn nhận đây là một tỷ lệ chưa cao, thì có thể đó là dấu hiệu cho thấy nông dân trong nước có thể tò mò nhưng không thực sự chắc chắn về số hóa là gì và làm thế nào để nắm bắt. Tuy nhiên nếu nhìn ở một góc độ khác, khi so với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Vì vậy, có thể thấy rằng nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực. Đây là cơ hội rất lớn cho các đối tác trong chuỗi sản xuất thực phẩm – nông nghiệp tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới; triển khai các chương trình đào tạo tập huấn để nông dân hiểu và sử dụng các công nghệ đó một cách hiệu quả, an toàn và bền vững với mục tiêu đảm bảo cơ hội tiếp cận và tăng tỷ lệ ứng dụng công nghệ vào canh tác thực tiễn. Theo kinh nghiệm triển khai tại một số nước có mô hình canh tác nhỏ tương tự Việt Nam, khi bắt đầu, các dự án thường được triển khai với quy mô nhỏ ở một vùng cụ thể, trên đối tượng cụ thể, và khi thành công của dự án đó được chứng minh, chính nông dân sẽ giúp lan toả hiệu quả của công nghệ – đây là phương thức tác động hiệu quả nhất để nông dân các vùng khác mở rộng ứng dụng công nghệ với quy mô lớn hơn.

     Trong những năm qua, Hiệp hội CropLife và các công ty thành viên đã phối hợp với  Chính phủ và các cơ quan quản lý trong nước giới thiệu và hỗ trợ nông dân ứng dụng các giải pháp khoa học trong nông nghiệp. Một số các dự án tiêu biểu như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp để tăng năng suất và giúp cây trồng có khả năng thích ứng cao với dịch hại và điều kiện khí hậu bất lợi. Song song với đó, hiệp hội và các thành viên luôn không ngừng đổi mới và giới thiệu những sản phẩm, giải pháp bảo vệ thực vật tiên tiến cũng như tiến hành các lớp tập huấn để nông dân có thể sử dụng các sản phẩm đó một cách có trách nhiệm trong suốt 10 năm qua. Bên cạnh đó, CropLife Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & PTNT) để hoàn thiện các cơ sở dữ liệu trực tuyến của các sản phẩm BVTV cũng như những ứng dụng tra cứu trực tuyến giúp nông dân có thể dễ dàng tìm kiếm, nhận dạng sản phẩm và có các hướng dẫn sử dụng sản phẩm trên các cây trồng cụ thể.

     Từ năm 2019 trở lại đây, các công ty thành viên của CropLife cũng là những đơn vị tiên phong triển khai các mô hình thí nghiệm sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc BVTV trên một số cây trồng. Công nghệ Drone/ UAV tích hợp nhiều kỹ thuật như lên bản đồ (mapping), theo dõi tình hình phát triển của cây trồng và các vấn đề cây trồng gặp phải, vận hành phun thuốc, giám sát hoạt động tưới tiêu cho cây cũng như chăn thả gia súc.

     Những kết quả bước đầu qua các mô hình thử nghiệm trên lúa và một số cây ăn quả, việc ứng dụng drone để phun thuốc BVTV tại Việt Nam đã cho thấy các ưu điểm nổi bật như: giảm công lao động; giảm thời gian phun, giảm lượng nước sử dụng và đặc biệt là giảm thời gian tiếp xúc trực tiếp với thuốc trong quá trình chuẩn bị và phun thuốc trong khi vẫn đảm bảo được hiệu quả, độ phủ và mức độ bảo vệ cây trồng cao.

     Trong thời gian tới, CropLife Việt Nam và các thành viên tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, các trung tâm khảo nghiệm tại địa phương và nhiều đơn vị cung cấp thiết bị để tiến hành các mô hình khảo nghiệm với quy mô lớn hơn, sử dụng nhiều loại thuốc hơn, tại nhiều địa bàn và trên nhiều loại cây trồng: ví dụ với các cây trồng chính như lúa; cây công nghiệp như cà phê, điều; cây ăn quả như nhãn, xoài, dưa hấu; các cây trồng khác như lạc, thông… Kết quả của những mô hình này sẽ là cơ sở quan trọng giúp Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng quy trình kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn cho việc vận hành drone trong phun thuốc BVTV tại Việt Nam, sớm đưa công nghệ này vào thực tiễn sản xuất.

Ví dụ một số nền tảng, giải pháp nông nghiệp số cung cấp bởi các công ty thành viên CropLife

     Kết luận buổi Tọa đàm, Tiến sỹ Tan Siang Hee nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kịp thời hoàn thiện hệ thống chính sách để đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ mới, bao gồm công nghệ số trong nông nghiệp: “Vận hành một hệ thống chính sách trên nền tảng khoa học, rõ ràng và tiếp thu các nghiên cứu và dữ liệu quốc tế là điều kiện kiên quyết để phát triển và chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hoá và bền vững.”

     Tọa đàm lần này là một trong các hoạt động chính xung quanh diễn đàn chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam với chủ đề của năm 2021: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19” được tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam và Báo điện tử tin nhanh VnExpress. CropLife Việt Nam là một trong các đơn vị tài trợ và đồng hành của chương trình.

Nam Hưng

 

Ý kiến của bạn