09/07/2025
Ngày 9/7/2025, tại Hà Nội, Trung tâm Viện công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITCV) phối hợp cùng Học viện Năng lượng tái tạo - RENAC (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Sự kiện ra mắt Dự án “Ngân hàng Xanh - Nâng cao năng lực cho tài chính năng lượng xanh và khí hậu”. Đây là dịp để các bên liên quan tìm hiểu chi tiết về mục tiêu của Dự án cũng như các cơ hội đào tạo, học bổng sẽ triển khai từ nay đến năm 2026.
Phát biểu khai mạc, TS. Phùng Văn Đông, Giám đốc điều hành AITCV cho biết, Sự kiện ra mắt Dự án Dự án “Ngân hàng Xanh - Nâng cao năng lực cho tài chính năng lượng xanh và khí hậu” đánh dấu sự khởi động các hỗ trợ của quốc tế cho Việt Nam về khí hậu, năng lượng xanh. Không chỉ trao tặng các suất học bổng, Dự án còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu một số sáng kiến điển hình, tiêu biểu như lớp đào tạo trực tuyến “Phát triển và kinh tế dự án hydro xanh”; đào tạo trực tuyến “Áp dụng Tài chính năng lượng xanh - các dự án quy mô nhỏ” (AGEF Quy mô nhỏ); đào tạo hỗn hợp “Chuyên gia tài chính năng lượng xanh - các dự án quy mô nhỏ” (GEFS quy mô nhỏ); đào tạo trực tuyến “Áp dụng phát triển dự án năng lượng xanh” (AGEPD); đào tạo hỗn hợp “Nhà phát triển dự án chuyên gia tài chính năng lượng xanh” (GEPDS)… giúp mọi đối tượng tham gia Dự án có điều kiện học tập, nâng cao hiểu biết, từ đó có những hành động thiết thực, cụ thể, hướng đến xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp. “Dự kiến sẽ có hơn 100 suất học bổng toàn phần cho các khóa học chuyên sâu như hydrogen xanh, tài chính năng lượng quy mô nhỏ, phát triển dự án, chương trình “Train-the-Trainer” và chuyến tham quan học tập tại Đức” - TS. Phùng Văn Đông chia sẻ.
Quang cảnh Sự kiện ra mắt Dự án “Ngân hàng Xanh - Nâng cao năng lực cho tài chính năng lượng xanh và khí hậu”
Tại Sự kiện, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe chuyên gia đến từ RENAC, AITCV, Viện Chiến lược, Chính sách NN&MT, Bộ NN&MT… trình bày tham luận xoay quanh một số nội dung chính: Giới thiệu Dự án “Ngân hàng xanh - Nâng cao năng lực cho tài chính năng lượng xanh và khí hậu”; cơ hội tài chính xanh, tài chính khí hậu, tài chính các-bon; thực tiễn Ngân hàng xanh hiện nay tại Việt Nam; tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ theo quan điểm của Fls; chia sẻ về huy động vốn cho các dự án năng lượng tái tạo…
Giới thiệu về Dự án “Ngân hàng Xanh - Nâng cao năng lực cho tài chính năng lượng xanh và khí hậu”, ông Hans Farías Munoz - RENAC cho biết, Dự án nằm trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) do Bộ Kinh tế và hành động khí hậu Liên bang Đức (BMWK) ủy quyền tài trợ. Tại Việt Nam, RENAC đã ký thỏa thuận hợp tác cùng IFC - Liên minh các Ngân hàng thương mại xanh, nhằm thúc đẩy triển khai sáng kiến này trong lĩnh vực tài chính. Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ nâng cao năng lực cá nhân và thể chế trong hệ sinh thái ngân hàng - tài chính, từ đó thúc đẩy phát triển, thực thi các giải pháp tài chính khí hậu và năng lượng tái tạo. Thông qua các khóa đào tạo toàn diện được cung cấp, các chuyên gia, nhà phát triển dự án và nhà hoạch định chính sách sẽ có được kiến thức về tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo (RE) và hiệu quả năng lượng (EE). Bên cạnh đó, Dự án hướng đến nâng cao kỹ năng, năng lực của nhân sự, các tổ chức tại các quốc gia đối tác thực hiện để tài trợ cho dựu án RE, EE, hydro xanh, lưu trữ. Dự án cũng hướng đến việc thiết lập chương trình xây dựng năng lực bền vững cho ngân hàng, nhà đầu tư, nhà phát triển dự án tại các quốc gia đối tác. Tính đến thời điểm hiện tại, hai giai đoạn của Dự án đã được triển khai thành công tại Đông Nam Á, Mỹ Latinh; dự kiến giai đoạn 3 của Dự án sẽ diễn ra từ năm 2024 - 2026.
Các đại biểu tham dự Sự kiện chụp ảnh lưu niệm
Dự án có hai ưu tiên: (i) Đăng ký Bản tin Ngân hàng xanh nhằm cập nhật thông tin mới nhất về các giai đoạn ứng dụng, dấu mốc quan trọng của dự án và những sự kiện chính thông qua Bản tin Ngân hàng xanh 2 năm/một lần; (ii) Đối tác Dự án nhắm thực hiện chuyển giao kiến thức về nguyên tắc cơ bản liên quan đến kỹ thuật, kinh tế của các dự án RE, EE, hydro xanh và lưu trữ, cùng với đánh giá kinh tế của chúng, để tăng đầu tư, tài trợ từ các ngân hàng phát triển, ngân hàng thương mại, vốn tư nhân, vốn đầu tư mạo hiểm, quỹ cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư tổ chức. Đồng thời, chuyển giao kiến thức, tạo điều kiện kết nối mạng lưới để tiếp cận các công cụ tài trợ biến đổi khí hậu của Đức và quốc tế, chẳng hạn như Quỹ Khí hậu xanh, nhằm tăng cường cơ hội tài trợ tại địa phương cho RE, EE bằng cách tích hợp các nguồn tài trợ quốc tế.
Các đối tượng tham gia Dự án sẽ được cung cấp kiến thức chuyên môn cụ thể về công nghệ năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, cũng như các chương trình đánh giá, giảm thiểu rủi ro phù hợp. Bên cạnh đó, việc phát triển công cụ tài chính của khu vực tư nhân để giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ được thúc đẩy và sự sẵn sàng tận dụng các hạn mức tín dụng quốc gia với chương trình giảm thiểu biến đổi khí hậu quốc tế sẽ được tăng lên. Ngoài ra, kiến thức về các quỹ giảm thiểu biến đổi khí hậu quốc tế hiện có và cơ hội tiếp cận có sẵn cũng sẽ được phổ biến.
Gia Linh