Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sinh thái và bài học giữ gìn vệ sinh môi trường trong bối cảnh dịch bệnh

07/03/2022

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mỗi lời nói, hành động của Người đều hướng tới lợi ích thiết thực của đồng bào, hướng tới sự hài hòa giữa con người, xã hội với thiên nhiên. Sinh thời, Người luôn xác định, BVMT chính là bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cuộc sống bền vững của nhân dân, điều này được thể hiện rõ nét thông qua đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như những bài viết, câu chuyện, phong trào, lời khuyên răn… của Người đối với nhân dân, cán bộ.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về BVMT sinh thái

Xây dựng môi trường sống trong sạch là vấn đề cốt yếu trong BVMT

    Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân của một số bệnh thường gặp chính là người dân chưa biết cách BVMT, giữ gìn môi trường sống trong sạch, lành mạnh. Khi về thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Sơn La vào thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nói: “Ở đây đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột, bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ”. Người căn dặn: “Mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ? Sạch sẽ là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm” (1). Người rất chú ý tới việc nâng cao nhận thức về môi trường cho mọi người: “Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân... làm cho đồng bào hiểu rõ: Phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch thì mới khỏe; sức càng khỏe thì lao động sản xuất càng tốc” (2). Người cũng đặc biệt quan tâm giáo dục vệ sinh cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Một trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng là “giữ gìn vệ sinh thật tốt” (Thư gửi Thiếu niên nhi đồng năm 1961 và bổ sung nội dung vào năm 1965). Năm 1947, trong tác phẩm “Đời sống mới” (bút danh Tân Sinh), Người đã nêu hai phương diện của môi trường là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Về môi trường tự nhiên, Người viết: “về vệ sinh, đường xá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt” (3).

    Để giúp nhân dân hiểu rõ về vai trò quan trọng của BVMT, Người đưa công tác vệ sinh phòng bệnh vào phong trào thi đua yêu nước. Năm 1958, Người phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước (phong trào diệt ruồi, muỗi)”. Người nhấn mạnh: “Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều tật bệnh, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi muỗi, để tiêu diệt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân” (4). Phong trào do Người khởi xướng được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Và cho đến ngày ra đi, một trong những nội dung quan trọng của bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người cũng không quên nhắc đến vấn đề môi trường sinh thái. Người viết: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”... Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn” (Di chúc năm 1968).

Trồng cây xanh là góp phần BVMT, làm sạch không gian sống

    Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cải thiện môi trường sinh thái thì phải trồng cây, “vì lợi ích mười năm phải trồng cây”. Người kêu gọi: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”. Người quan niệm rằng, trồng cây không chỉ là công việc nông - lâm đơn thuần, mà lấy việc trồng, bảo vệ cây xanh là đòn bẩy, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc BVMT sinh thái. Ngay từ những ngày đầu tại căn cứ địa Việt Bắc, trên những chặng đường kháng chiến gian khổ, nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường giản dị với tranh, tre, lá, nứa, cây rừng... và có thêm một mảnh đất để tăng gia trồng rau. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến, Người vẫn chủ trương bảo vệ rừng, dựa vào địa hình thiên nhiên để xây dựng căn cứ bí mật, phục vụ công cuộc trường kỳ kháng chiến. Khi cán bộ tìm chỗ dựng nhà, Người căn dặn phải chọn những nơi bảo đảm các tiêu chí “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui” (5). Đến địa điểm mới, Người cùng cán bộ bắt tay ngay vào việc cuốc đất, trồng cây, vừa để cải thiện đời sống, vừa để hòa nhập với thiên nhiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra các công trình vệ sinh của nhân dân xã Nam Chính (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), ngày 15/2/1965

    Mỗi lần đi thăm các địa phương, đơn vị, trường học, Người cũng lưu ý đến vấn đề trồng cây, không chỉ để BVMT mà còn góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Năm 1957, nhân chuyến Người về thăm Quảng Bình, Tỉnh ủy đã tổ chức buổi liên hoan văn nghệ chào mừng tại bãi cát trống ven biển. Cuối buổi, Người đứng dậy, nói: “Để kỷ niệm tối vui của bác cháu ta, Bác đề nghị mỗi cháu ở đây phải trồng một cây phi lao chắn gió”. Mọi người hưởng ứng, xin được trồng 2 cây. Người đồng ý và căn dặn: “Nhưng phải đảm bảo trồng cây nào cũng sống và xanh tốt. Các cháu nhớ báo cáo tình hình cho Bác biết”. Đặc biệt, từ năm 1959 đến đầu năm 1969, Người đã viết 7 bài viết kêu gọi trồng cây, trong mỗi bài, Người đều đưa ra dẫn chứng về lợi ích của việc trồng cây: Vừa có tính kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Như trong bài Tết trồng cây đăng trên Báo Nhân Dân số 2082 ngày 28/11/1959, Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng t­ươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...” (6). Ngày 9/5/1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, Hải Ninh (nay là Quảng Ninh), Người căn dặn: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp” (7). Ngày 1/1/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” đăng trên Báo Hà Đông, Người chỉ rõ: “Xây dựng nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng nhiều cây tốt để lấy gỗ, chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống sói mòn...” (8). Đồng thời, Người cũng đưa ra một lộ trình cụ thể: “… Mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 - 1965 (năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn...”. Sáng ngày 11/1/1960, trong không khí Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhân dân Thủ đô Hà Nội đã tham gia trồng cây ở Công viên hồ Bảy Mẫu. Người nói “Mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau…”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, các tầng lớp nhân dân đã tham gia tích cực và tạo thành một phong trào trồng cây sâu rộng. Sau 5 năm (1960 -1965), toàn miền Bắc trồng được hơn 575 triệu cây các loại, trong đó có hơn 200 triệu cây trồng ven biển bảo vệ đê. Đồng thời, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình về phong trào trồng cây như: Hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vĩnh Quang; các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Để kịp thời động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể tiêu biểu, khi đọc báo, thấy có những tin, bài viết về gương người tốt, việc tốt trong trồng cây, Người đánh dấu lại và thưởng huy hiệu. Phong trào Tết trồng cây từ đó lan rộng trong toàn dân, trở thành nếp sống mới, một phong tục, tập quán tốt đẹp, một kế hoạch dài lâu cho Đảng và Nhà nước.

    Không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây, gây rừng, Người còn chỉ rõ những hậu quả, thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác tài nguyên thiên nhiên không hợp lý. Người thẳng thắn phê bình, nhắc nhở: “Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông. Có đúng không? Sau này đường xá tốt, bến sông làm tốt, đưa gỗ ấy về xuôi bán, hay bán ra nước ngoài, đó là của đồng bào đấy… Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng, là bạc, là máy móc cả” (9). Trong bức thư đề ngày 11/4/1964 gửi Đại hội Hợp tác xã và Đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, Người căn dặn: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng, tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ, mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội, hạn hán. Vì vậy, đồng bào miền núi, trung du, cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình” (10).

Bài học giữ gìn vệ sinh môi trường trong bối cảnh dịch bệnh

    Dịch bệnh được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam rất sơ lược, suốt trong “Đại Việt sử ký toàn thư” (từ khởi thủy đến năm 1789), chỉ đề cập đến 9 lần xảy ra dịch bệnh, lần đầu vào năm 1100 (Lý Nhân Tông, năm Canh Thìn). Dưới thời nhà Nguyễn, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Chỉ riêng trong “Đại Nam thực lục” đã ghi chép gần 70 trận dịch lớn nhỏ trong thời gian 75 năm (từ năm 1820 - 1895). Đặc biệt, vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), theo Báo cáo của Bộ Hộ: “Bệnh dịch phát ra từ mùa thu sang mùa đông, bắt đầu từ Hà Tiên, sau đó đến Bắc Thành, tổng cộng số người chết là 206.835 người” (11). Trận dịch này, các nguồn tư liệu đều không ghi chép rõ là bệnh gì nhưng qua việc nhà vua cho xuất kho bạch đậu khấu cấp phát để trừ dịch thì có thể đoán đây là dịch tả. Nguồn lây nhiễm của trận đại dịch được cho là xuất phát từ phương Tây, có lẽ thông qua các thuyền buôn của Tây Dương vào buôn bán tại các cảng ở Nam Kỳ.

    Tiếp đó, vào năm Tự Đức thứ hai (1849), đại dịch tả và sốt rét xuất hiện trở lại với những báo cáo đầu tiên của các tỉnh thuộc khu vực Bắc Kỳ, sau đó nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh, thành phố, liên tiếp các tấu trình gửi về triều đình báo cáo tình hình dịch bệnh tại địa phương. Tuy nhiên, dịch thực sự bùng phát mạnh bắt đầu từ tháng 12/1849 tại các tỉnh: Bình Định, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tĩnh, Sơn Tây, Quảng Bình, Hải Dương, Quảng Yên. Tổng kết của Bộ Hộ vào đầu năm 1850, trận đại dịch này “các hạt Nam, Bắc tổng số người chết là 589.460 người”. Về sau, dưới chế độ thực dân phong kiến, nhân dân ta thiếu sự chăm sóc về y tế và chưa hiểu rõ vấn đề vệ sinh phòng bệnh nên số người chết khi dịch bệnh xảy ra là rất lớn. Năm 1902 - 1903, Hà Nội bị dịch hạch, bệnh này còn nguy hiểm hơn dịch tả, làm nhiều người chết. Tiếp đó, năm 1937, tại Bắc Kỳ, bệnh dịch tả đã giết chết 75.000 người… Nhưng khủng khiếp nhất trong lịch sử dịch bệnh Việt Nam là năm 1945. Trong công trình nghiên cứu về nạn đói năm 1945 của GS. Văn Tạo và GS. Furuta Moto (người Nhật) thì dân chúng miền Bắc không chỉ chết vì đói mà còn rất nhiều người chết do dịch bệnh. Theo số liệu của Tòa Khâm sứ Hà Nội, tháng 5/1945, trong số gần 2 triệu người chết đói thì có tới 400.000 người chết vì dịch bệnh.

    Bởi vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh. Trong chuyến thăm xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (Ngày 15/2/1965), Người đã đến tận công trình vệ sinh, giếng nước, nhà tắm của các gia đình xã viên. Người khen ngợi: “Nam Chính là kiểu mẫu trong công tác vệ sinh phòng bệnh, từ chỗ uống nước ao tù, đến nay, 416 gia đình đã có 369 cái giếng, 416 hố xí hợp vệ sinh, 82 nhà tắm, 22 tủ thuốc... Kết quả là bệnh tiêu chảy, đậu mùa, toét mắt đã chấm dứt”. Trong chuyến thăm này, Người đưa ra vấn đề vệ sinh phòng bệnh thành Phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Bên cạnh đó, để giữ gìn môi trường sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn cán bộ: “Cần giáo dục cho nhân dân biết giữ vệ sinh. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân. Với nhân dân, Người ân cần kêu gọi: “Mọi người từ già trẻ, trai gái, đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe” (12).

    Khi đất nước thống nhất, nhằm thực hiện Di huấn của Người về vấn đề BVMT sinh thái, Đảng ta đã nêu rõ: “Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ lãnh đạo các cấp về BVMT. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng và tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường”. Đồng thời, đưa nội dung BVMT vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư; quản lý, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái; chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch; chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH; tích cực tham gia, phối hợp cùng cộng đồng quốc tế hạn chế tác động tiêu cực của BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất...” (13). Cùng với đó, Việt Nam cũng chủ động tham gia các hội nghị đối tác về chống BĐKH tại Copenhaghen - Đan Mạch và nhiều hội nghị quốc tế khác liên quan đến BVMT; hệ thống pháp luật về BVMT từng bước được hoàn thiện như: Luật BVMT, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, cùng nhiều văn bản dưới Luật… Các hình thức tuyên truyền về BVMT cũng ngày càng phong phú, đa dạng, như ra bản tin, đưa vào quy ước, hương ước cộng đồng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường, liên hoan phim về môi trường... Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn tiếp tục duy trì Phong trào Tết trồng cây - truyền thống tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại.

    Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác BVMT, đó là nạn phá rừng xảy ra nghiêm trọng, độ che phủ rừng ngày càng giảm đi; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề thủ công ngày càng tăng; dân số tăng nhanh cũng gây ra áp lực đối với hệ sinh thái nói chung; việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, có nguy cơ biến nước ta thành bãi thải cho hàng hóa kém chất lượng, không thân thiện với môi trường… Đặc biệt, trong bối cảnh nhân loại đang phải đối diện với diễn biến khó lường, phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng... Điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, đời sống, sự tăng trưởng kinh tế đất nước, đòi hỏi mỗi người phải quán triệt một cách sâu sắc hơn ý nghĩa của việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đó là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, nhân dân, nhưng cơ bản nhất là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội, vì vậy, mỗi cá nhân, nhất là thế hệ trẻ phải nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của môi trường, từ đó đổi mới tư duy, thực sự coi BVMT là trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể được đặt trong trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, vận động người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia BVMT thông qua những hành động nhỏ nhất như: Trồng nhiều cây xanh; xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, ăn ở hợp vệ sinh; hạn chế sử dụng đồ dùng bằng kim loại, nhựa, túi ni lông, thay vào đó là các vật dụng thân thiện với môi trường…

Tài liệu tham khảo

 (1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.321.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.119.

(4) Trần Văn Giàu: Vĩ đại một con người, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.73.

(5) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2006, tr.302.

(6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.487, 354, 357.

(9), (10) https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tu-ban-quan-ly-lang/5554-tu-quan-diem-ho-chi-minh-ve-bao-ve-moi-truong-ban-ve-trach-nhiem-ca-nhan-trong-bao-ve-moi-truong-hien-nay.html

(11), (12) https://ct.qdnd.vn/the-thao/nho-loi-bac-day-526846

(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.221 - 222.

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Ngọc

Học viện Chính trị Công an nhân dân

Vũ Thị Hiền

Đại học TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)

Ý kiến của bạn