Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nâng cao hiệu quả xử lý các vụ vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã ở khu vực Tây Nguyên

10/05/2022

    Tây Nguyên vốn được xem là thiên đường của các loài hoang dã ở Đông Dương, nơi có các hệ sinh thái đa dạng, tập trung nhiều loài động, thực vật, đặc biệt là các loài đặc hữu, những loài quý hiếm, nguy cấp có giá trị bảo tồn cao. Chính sự phong phú về loài khiến khu vực này trở thành một trong những điểm nóng về săn bắt và buôn bán trái pháp luật ĐVHD.

Tình hình vi phạm và những khó khăn trong công tác phòng chống buôn bán ĐVHD

    Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng), có tổng diện tích tự nhiên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, với khoảng 5,6 triệu người. Tây Nguyên là một trong những khu vực có giá trị lớn về đa dạng sinh học ở Việt Nam với nhiều loài động thực vật quý hiếm như voi châu Á, voọc chà vá chân xám, cầy vằn… Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, hiện nay trong vùng có 1.253 cơ sở, trại nuôi động vật hoang dã với số lượng 58.302 cá thể (có 216 cơ sở đã được cấp mã số). Trong đó động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm là 34.562 cá thể; động vật thông thường 22.510 cá thể; 32 cá thể gấu và loài khác 1.188 cá thể.

    Tuy vậy, thiên nhiên Tây Nguyên đang bị tổn hại và suy giảm nghiêm trọng dưới sự tác động, khai thác của con người. Trong những năm qua, tình hình vận chuyển, buôn bán, nuôi, nhốt, săn, bắt ĐVHD trên địa bàn khu vực Tây Nguyên ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Số liệu thống kê các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD cho thấy, từ năm 2016 đến 3 tháng đầu năm 2022 là 266 vụ, tịch thu hơn 316 cá thể, trong đó 16 cá thể quý hiếm. Các báo cáo nghiên cứu nội bộ của WWF khu vực cho thấy, quần thể các loài móng guốc và thú mồi của hổ ở Rừng Đặc dụng Mondulkiri giáp ranh với Bình Phước, Đắk Nông, Đắc Lắc, Gia Lai giảm hơn 70% trong vòng hơn 40 năm qua, có sự can dự của buôn bán trái pháp luật xuyên biên giới qua địa bàn các tỉnh này.

    Mặc dù vậy, số lượng các vụ vi phạm về ĐVHD bị truy cứu trước Tòa án và kết thúc bằng án hình sự còn khiêm tốn, chưa tương xứng với thực trạng số lượng các vụ vi phạm được phát hiện và các loài ĐVHD đang bị suy giảm nghiêm trọng ở những khu rừng đặc dụng nằm trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, toàn khu vực Tây Nguyên có 69 vụ vi phạm, trong đó có 40 vụ đã được xử lý, với 36 vụ bị xử phạt hành chính và 4 vụ bị truy tố trách nhiệm hình sự (đã khởi tố hai vụ/một bị can). Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Đắk Nông có số vụ vi phạm nhiều nhất với 38 vụ về săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép; tổng số vụ đã được xử lý là 34 vụ, trong đó có 30 vụ bị xử phạt hành chính và 4 vụ bị xử lý hình sự. Những con số này cho thấy, chỉ có 5% trong tổng số vi phạm bị truy cứu trước tòa và chưa có số vụ nào kết thúc bằng án hình sự đến thời điểm này. Có thể thấy, hiệu quả của công tác xử lý và phòng ngừa các vi phạm về bảo vệ ĐVHD của hệ thống pháp luật còn chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng vi phạm gây suy giảm nghiêm trọng quần thể ĐVHD trong khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là khu vực biên giới với Lào và Campuchia.

Cơ quan chức năng Lâm Đồng kiểm tra, bắt giữ hàng chục cá thể động vật hoang dã

    Dọc theo đường biên giới tiếp giáp các nước Lào và Cam-pu-chia là các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, nơi sinh sống của gần 4 triệu người với 47 dân tộc, cuộc sống dựa nhiều vào tài nguyên rừng, trong đó có ĐVHD. Do thiếu hiểu biết về pháp luật, lại được thúc đẩy bởi thị trường người tiêu dùng các món ăn đặc sản thịt rừng nên tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép ĐVHD vẫn xảy ra, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú.

    Trong quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD, của các cơ quan thực thi pháp luật khu vực Tây Nguyên còn hạn chế trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm về ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm do các nhà hàng ăn uống đã lợi dụng quy định thông thoáng trong phát triển gây nuôi, nhốt động vật thông thường mà biến tướng, trà trộn tiêu thụ thịt các loài ĐVHD với động vật gây nuôi các loại. Để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chính do lợi nhuận lớn từ việc buôn bán ĐVHD mang lại lợi nhuận rất lớn, nên các đối tượng hoạt động vô cùng tinh vi, sẵn sàng chống trả lại người thi hành công vụ để tẩu thoát khi bị phát hiện. Các đối tượng vận chuyển, buôn bán ĐVHD thường là các đối tượng làm thuê vận chuyển để được hưởng tiền công; khi phát hiện bắt giữ tang vật, phương tiện vi phạm hầu hết không tìm ra được chủ hàng. Do vậy, không xử lý được các đối tượng cầm đầu vận chuyển, buôn bán ĐVHD.

    Bên cạnh khó khăn kiểm soát tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép ĐVHD của cộng đồng người dân địa phương, lực lượng kiểm lâm khu vực Tây Nguyên còn gặp những vướng mắc trong thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD. Hệ thống pháp luật về bảo tồn ĐVHD về cơ bản đã đầy đủ, nhưng còn chồng chéo, thiếu thống nhất, gây không ít khó khăn cho các cán bộ kiểm lâm hiểu và áp dụng chính xác theo các quy định đã ban hành. Lực lượng kiểm lâm có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ các loài hoang dã, nhưng trên thực tế hầu hết cán bộ chưa qua các lớp đào tạo chuyên ngành về quản lý, bảo vệ ĐVHD. Do vậy, họ gặp khó khăn trong việc nhận dạng loài và tình trạng của loài trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm. Những lý do như vậy có thể dẫn đến nguy cơ lọt tội hoặc áp dụng  những khung hình phạt chưa đúng người, đúng tội.

Đề xuất một số kiến nghị

    Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và trở thành thành viên của Công ước CITES và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó quy định hai điều (Điều 234 và Điều 244) liên quan đến tội phạm ĐVHD với mức phạt tù tối đa lên tới 15 năm hoặc phạt tiền tối đa 5 tỷ đồng đối với cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân. Với quy định nghiêm khắc này, BLHS được cho là công cụ pháp lý vững chắc để xử lý tội phạm ĐVHD. Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành để xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã được ban hành nhằm thực hiện các khuyến nghị của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như đáp ứng được công tác đấu tranh, xử lý tội phạm về vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

    Tuy nhiên, công tác đấu tranh, xử lý các hành vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm của các cơ quan bảo vệ pháp luật đôi lúc chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời nên số vụ phát hiện, xử lý chưa nhiều, mức hình phạt tuyên còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, giáo dục phòng ngừa. Công tác giám định hầu hết các tỉnh, không có tổ chức giám định (Giám định viên), chỉ một số tỉnh có giám định tư pháp theo vụ việc dẫn đến một số vụ việc cần có kết quả giám định nhanh để xử lý nhưng không có nên làm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, vụ án. Việc giám định khoa học (ADN) phải mang đến giám định tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nên việc đưa mẫu vật đi giám định gặp nhiều khó khăn như khâu bảo quản, phương tiện vận chuyển; chi phí giám định lớn. Trình độ, năng lực của một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán vẫn còn hạn chế dẫn đến khi xử lý vụ việc, vụ án còn chậm và còn có những nhận thức khác nhau không thống nhất về định tội danh và khung hình phạt. Từ những khó khăn và bất cập nêu trên xin đề xuất một số kiến nghị:

    Một là, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật quy định về bảo vệ ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm đến các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ, công chức và đảng viên;

    Hai là, liên ngành tư pháp Trung ương cần quan tâm đầu tư kinh phí cho các cơ quan thực thi pháp luật nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác nắm tình hình để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm.

    Ba là, Quốc hội, Ủy ban thường vụ của Quốc hội xem xét, nghiên cứu sớm ban hành văn bản quy định bắt buộc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần phải có một giám định viên để giám định vụ, việc nhằm xử lý nhanh các vụ, việc về vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm khi có phát sinh. Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết để hiểu và áp dụng thống nhất đối với trường hợp xử lý vật chứng như: Ngà voi, sừng tê giác…thì không được tịch thu tiêu hủy mà giao cho cơ quan chuyên môn quản lý để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.

    Bốn là, đối với điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán cần phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, nghiên cứu, cập nhật các thông tin, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm về ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm, để áp dụng vào thực tiễn được đúng quy định của pháp luật tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người không phạm tội.

    Năm là, cán bộ được giao nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm về ĐVHD phải có kỹ năng nhận dạng các loài ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm để nhanh chóng xác định loài ĐVHD bắt giữ, nhằm giải quyết các vụ, việc nhanh chóng. Đồng thời, cần phải học hỏi để tìm hiểu về kỹ năng nhận diện loài ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm thông qua các trang mạng trực tuyến hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh, ví dụ: công cụ “giamdinhloai” do WCS phát triển với phiên bản trực tuyến và ngoại tuyến.

    Sáu là, Chủ tịch UBND các tỉnh có đường biên giới, cần tăng cường ký kết với các tỉnh có chung đường biên giới Vương Quốc Camphuchia về nội dung quy chế hợp tác, trao đổi tình hình, phối hợp giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, trao đổi, thông tin trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm về ĐVHD, vận động nhân dân biên giới hai nước chấp hành và thực hiện nghiêm các Nghị định về Quy chế quản lý biên giới. Đại diện các tỉnh hai nước có chung đường biên giới thường xuyên duy trì chế độ gặp gỡ định kỳ, trao đổi thông tin, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm về ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Lê Anh Xuân

Hội Luật gia Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

Ý kiến của bạn