Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nâng cao hiệu quả phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

03/03/2022

    Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 334 giấy phép khai thác khoáng sản (trong đó, 45 giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi và 289 giấy phép khai thác khoáng sản đá; 66 giấy phép khai thác khoáng sản đất; 04 giấy phép khai thác khoáng sản quặng; 07 dự án nạo vét luồng đường thủy). Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 209 mỏ khoáng sản đang hoạt động (Yên Định: 41 mỏ, Nghi Sơn: 20 mỏ, Ngọc Lặc: 16 mỏ, Nông Cống: 14 mỏ, Hà Trung: 15 mỏ, Vĩnh Lộc: 13 mỏ, Cẩm Thủy: 12 mỏ,…). Loại khoáng sản chủ yếu là cát, sỏi, phân bố tập trung tại các tuyến sông như: sông Mã, sông Chu, sông Tào,… thuộc địa bàn thành phố Thanh Hóa và các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy. Đất, đá phân bố chủ yếu các huyện đồng bằng trung du và miền núi.

    Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp, các cơ quan, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tại một số thời điểm công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa chặt chẽ; công tác đấu tranh, xử lý chưa nghiêm minh, quyết liệt; việc kiểm tra xử lý thuế, gian lận thương mại trong kinh doanh khoáng sản còn nhiều hạn chế, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông, đất làm vật liệu san lấp; một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; một số đối tượng khai thác trái phép nhỏ lẻ thường không tuân theo quy luật, khai thác theo kiểu “chộp giật” lợi dụng ban đêm, ngày mưa gió, ngày nghỉ lễ, sử dụng thuyền nhỏ nhưng lắp máy có công suất lớn, thời gian hút diễn ra nhanh.

    Theo thống kê của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021 đã phát hiện, xử lý 597 vụ, 654 đối tượng, xử phạt: 18.898.397.000 đồng về các hành vi vi phạm về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm. Trong đó, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản là 299 vụ (chiếm 51,2%), 329 đối tượng, xử phạt: 5.264.000.000 đồng. Như vậy, số lượng các hành vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản chiếm tỷ lệ lớn nhất, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 100 vụ với hơn 100 đối tượng.

Công an huyện Thiệu Hóa kiểm tra tàu khai thác của ông Nguyễn Văn Sơn ngày 1/4/2021

    Điển hình, ngày 1/4/2021 Công an huyện Thiệu Hóa đã tiến hành kiểm tra bắt giữ đối tượng Ngô Văn Sơn (sinh năm 1989, trú tại phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn) và Trần Văn Tuấn (sinh năm 1973, trú tại phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa) đang khai thác cát trái phép trên tuyến sông Chu qua địa bàn xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa. Trước đó, ngày 9/12/2020, đối tượng Tần Văn Tuấn đã bị Công an huyện Thiệu Hóa xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Công an huyện Thiệu Hóa đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật, phương tiện và đối tượng cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa để khởi tố, điều tra theo quy định pháp luật.

Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh

- Nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân về phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản còn hạn chế. Chưa hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực khoáng sản; thực hiện không đúng các nội dung được quy định trong giấy phép; quá chú trọng vào lợi nhuận mà không chú trọng vào công tác bảo vệ môi trường; không tố giác, tố cáo kịp thời các đối tượng có hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản cho cơ quan chức năng.

- Một số quy định pháp luật có liên quan đến phòng, chống vi vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực khoáng sản còn nhiều bất cập, hạn chế. Điển hình, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trong quá trình giải quyết vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản đang gặp khó khăn, vướng mắc về nơi tạm giữ phương tiện giao thông thủy vi phạm, xử lý phương tiện vi phạm bị tịch thu.

- Quá trình triển khai thực hiện các đối tượng tổ chức cảnh giới, theo dõi lực lượng chức năng nên khi mới triển khai đã bị lộ lọt,.. Trong khi phương tiện (tàu thuyền) phục vụ kiểm tra, bắt giữ, xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi trái phép lòng sông còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các chủ thuyền không hợp tác với cơ quan chức năng khi được thuê, mượn, trưng dụng phương tiện vì sợ bị trả thù cá nhân.

- Công tác quản lý, thăm dò, cấp phép khai thác mỏ trên các tuyến đường thủy nội địa chưa tuân thủ đầy đủ theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa dẫn đến sự chồng lấn giữa các dự án nạo vét luồng và dự án khai thác mỏ nê không đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn

    Một là, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân trong phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

    Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về công tác BVMT trong lĩnh vực khoáng sản. Các điểm mới có liên quan đến BVMT trong lĩnh vực khoáng sản như: Luật BVMT năm 2020 tại Điều 67. BVMT trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí quy định: Tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường; các phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi khai thác khoáng sản; biện pháp lưu giữ, vận chuyển đối với khoáng sản có tính độc hại, khoáng sản có chất phóng xạ, chất độc hại, chất nổ. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định về chi tiết một số điều của Luật BVMT tại Mục 2. Cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản quy định: lập, thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hoàn trả tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Ngoài ra, tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả tuyên truyền các nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 03/CT-TTg của Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản có liên quan đến BVMT trong lĩnh vực khoáng sản.

    Hai là, tiếp tục hoàn thiện một số quy định của pháp luật có liên quan đến công tác xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

    Các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện “Tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính” quy định tại Điều 48. Vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ, mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản). Vì hiện nay, nhiều đối tượng sử dụng phương tiện thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép là tàu, thuyền (gắn các thiết bị khai thác là máy nổ và vòi hút), đồng thời các phương tiện này cũng là nhà ở của các người dân. Mặt khác, đối với việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính, Luật quy định “Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Quy định này cũng tương đối khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, nhất là đối với những vụ việc có tang vật, phương tiện lớn như khai thác, kinh doanh khoáng sản khi tiến hành tạm giữ hoặc tịch thu nhưng chưa bố trí được bến bãi, nhân lực để tạm giữ tang vật, phương tiện.

    Thứ ba, thực hiện có hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống các hành vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

    Xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản như: lực lượng Cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải và các ban ngành khác nhằm tạo ra hành lang pháp lý thực hiện quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, tranh sự chồng chéo trong phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra và kiểm tra, giám sát, xử lý việc chấp hành pháp luật về khoáng sản để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và áp dụng các chế tài phù hợp nhằm đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật. Thường xuyên tiến hành công tác sơ kết, tổng kết quan hệ phối hợp trong phòng, chống vi phạm pháp luật về khoáng sản. Qua đó, chỉ ra được những ưu điểm, những hạn chế, thiếu sót và đưa ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả quan hệ phối hợp trong thời gian tới.

    Thứ tư, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công vụ liên quan đến lĩnh vực khoáng sản.

    Tăng cường hoạt động thanh tra hoạt động cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật, điều tra và xử lý nghiêm các cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản hoặc bao che, tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tổ chức mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Ngoài ra, trang cấp thêm các loại thiết bị phương tiện kỹ thuật như: các thiết bị ghi âm, ghi hình; phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, tàu, thuyền, cano…), các loại thiết bị thu, bảo quản mẫu vật môi trường, khoáng sản và kinh phí phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng máy móc; xây dựng các kho tàng, bến bãi đủ điều kiện để tập kết, tạm giữ các phương tiện vi phạm.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo Tổng kết tình hình vi phạm pháp luật về môi trường của Phòng CSMT Công an tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2019 - 2021;

2. Báo cáo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa;

3. Luật BVMT năm 2020;

4. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định về chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Nguyễn Thế Vinh

 Học viện Cảnh sát nhân dân

Đào Đình Thơ

Công an tỉnh Thanh Hóa

Ý kiến của bạn