Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Một số vấn đề liên quan tới chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam và đề xuất giải pháp trong thời gian tới

07/06/2022

    Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất thải rắn (CTR) ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề môi trường bức xúc. Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý về CTR. Để có một bức tranh tổng quan về các vấn đề liên quan tới CTR sinh hoạt (CTRSH) tại Việt Nam từ quá trình phát sinh, thu gom, xử lý cũng như hệ thống quản lý, bài viết sẽ phân tích xu hướng xử lý rác thải, hệ thống các luật và quy định để thực thi các mục tiêu, các hoạt động và chương trình liên quan, cũng như xu hướng công nghệ (từ khâu xử lý trung gian đến hệ thống xử lý cuối cùng) trong thời gian qua.

1. Tình hình phát sinh và đặc điểm CTR ở Việt Nam

    Lượng CTRSH phát sinh ở Việt Nam hiện nay khoảng 23,6 triệu tấn/năm, trong đó CTRSH đô thị hơn 35.000 tấn/ngày và CTRSH nông thôn hơn 28.000 tấn/ngày. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 25% tổng lượng CTR phát sinh trên toàn quốc. Các vùng kinh tế trọng điểm bao gồm vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là các khu vực phát sinh CTRSH lớn nhất. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2019, chỉ số phát sinh CTRSH đô thị bình quân trên đầu người tại vùng trung du miền núi phía Bắc là cao nhất với 1,20 kg/người/ngày; tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với 1,17 kg/người/ngày; thấp nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 0,82 kg/người/ngày. [2]

    Dự báo giai đoạn sắp tới, ước tính lượng CTRSH ở các đô thị tăng trung bình 10-16% mỗi năm, lượng CTR xây dựng chiếm 10-15% CTR đô thị; đến năm 2025, CTR y tế phát sinh trên cả nước khoảng 33.500 tấn/năm. Đây là kết quả của quá trình tăng dân số, kết hợp với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến sự gia tăng phát sinh chất thải. Theo các quy hoạch quản lý CTR lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - sông Đáy, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, dự báo đến năm 2030, tổng lượng CTRSH, xây dựng, công nghiệp làng nghề phát sinh tại lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Nhuệ -sông Đáy và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ lần lượt là 74.200 tấn/ngày, 20.150 tấn/ngày và 53.420 tấn/ngày.  [5]

    CTRSH của Việt Nam có đặc trưng là độ ẩm cao (dao động trong khoảng 65 - 95%), độ tro khoảng 25 - 30% (khối lượng khô), tổng hàm lượng chất rắn bay hơi (TVS - Total Volatile Solid) dao động trong khoảng 70 - 75% (khối lượng khô), nhiệt lượng thấp (dao động trong khoảng 900 - 1.100 Kcal/kg khối lượng ướt). Thành phần chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm thải) trong CTRSH của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn các thành phần khác và thành phần này đang thay đổi theo chiều hướng giảm dần. Từ năm 1995, thành phần chất thải thực phẩm chiếm tỷ lệ rất cao (80 - 96%) nhưng đến năm 2017 thành phần này giảm xuống còn khoảng 50 - 70%; điều này thể hiện sự thay đổi lối sống của cư dân đô thị là nhanh và tiện lợi. [7,8]

    Bên cạnh CTRSH, nhiều loại CTR khác cũng đang gia tăng nhanh trong thời gian qua như CTR xây dựng, công nghiệp, y tế, nông nghiệp. CTR xây dựng được ước tính chiếm khoảng 25% khối lượng CTR tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 12-13% tại các địa phương khác như An Giang, Bắc Giang, Hải Phòng. CTR công nghiệp phát sinh chủ yếu từ các khu, cụm công nghiệp và đạt khoảng 8,1 triệu tấn vào năm 2016. Chất thải nguy hại công nghiệp thường chiếm 15-20% lượng CTR công nghiệp, phát sinh chủ yếu ở các ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, hóa chất. CTR y tế phát sinh khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 - 50 tấn là chất thải nguy hại. CTR nông nghiệp hàng năm gồm khoảng 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón; 76 triệu tấn rơm rạ và 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi. [5]

    Hiện nay, một số loại CTR đang là vấn đề môi trường mới nổi như CTR xây dựng, chất thải điện tử và chất thải nhựa trên biển. Theo một nghiên cứu quốc tế, lượng chất thải điện tử trên toàn cầu ước vào khoảng 45 triệu tấn, trong đó lượng phát sinh ở Việt Nam đạt khoảng 141.000 tấn năm 2016 và tiếp tục gia tăng.

    Chất thải nhựa trên biển đang là mối quan tâm lớn của cả thế giới hiện nay do các tác động đến hệ sinh thái biển. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 4 nước thải nhiều chất thải nhựa trên biển nhất (sau Trung Quốc, Inđônêxia và Philipin) với ước tính khoảng 0,28-0,73 tấn/năm. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2012 thì tỷ lệ chất thải nhựa ở các nước thu nhập trung bình thấp (như Việt Nam) chiếm khoảng 12% tổng số CTR đô thị, còn theo ước tính của Bộ TN&MT, tỷ lệ chất thải bao bì, túi ni lông trung bình tại bãi chôn lấp CTRSH chiếm khoảng từ 6 - 8%. [6]

2. Thực trạng công tác thu gom và xử lý CTR

    Thu gom CTR: Đối với CTRSH đô thị, với quá trình xã hội hóa việc thu gom và vận chuyển CTRSH, hoạt động thu gom CTRSH thu được những kết quả tốt. Tỷ lệ thu gom đã tăng theo từng năm từ 78% năm 2008, tỷ lệ thu gom năm 2010 đạt 81%, năm 2011 đạt 82%, năm 2012 đạt 83%, năm 2013 đạt 83,5- 84%, năm 2017 đạt 85,5% và lên 92% năm 2019 [6]. Dịch vụ thu gom đã được mở rộng tới các đô thị loại V. Các đô thị đặc biệt, đô thị loại I đạt tỷ lệ thu gom khu vực nội thành cao, thấp nhất là Cần Thơ đạt 95,5% và cao nhất là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đạt 100%. Hình thức thu gom phổ biến nhất tại các đô thị là thu gom tại nhà, bên cạnh các hình thức thu gom theo cụm dân cư và thu gom tại các vị trí công cộng.

    Tại khu vực nông thôn, việc thu gom CTRSH còn nhiều khó khăn. Theo các báo cáo của Bộ TN&MT [6] và Bộ Xây dựng [9], tỷ lệ thu gom CTRSH tại khu vực nông thôn mới đạt trung bình khoảng 65%. Tỷ lệ thu gom tại các vùng nông thôn ven đô hoặc thị trấn, thị tứ đạt tỷ lệ cao hơn, khoảng 60-80%, còn tại một số nơi vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ thu gom chỉ đạt dưới 10%.

    Tái chế: Tỷ lệ tái chế CTRSH ở Việt Nam hiện vẫn còn thấp, khoảng 8-12% CTRSH đô thị và 3,24% đối với CTRSH vùng nông thôn [1]. Một số công nghệ tái chế chất thải như chế biến phân vi sinh, viên nhiên liệu hay đốt thu hồi năng lượng cũng đã được triển khai. Hiện cả nước có khoảng 35 cơ sở xử lý CTR bằng công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ, điển hình như ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương [5]. Bên cạnh đó là các hoạt động tái chế phi chính thức ở các làng nghề được phát triển như tái chế nhựa ở Minh Khai (Hưng Yên), tái chế chì ở Chỉ Đạo (Hưng Yên), tái chế giấy ở Văn Phong (Bắc Ninh), tái chế chất thải điện tử ở Văn Môn (Bắc Ninh)... đang gây ô nhiễm môi trường.

    Việc chế biến, thu hồi năng lượng từ chất thải mới chỉ bước đầu được triển khai mặc dù tiềm năng rất lớn. Hiện có một số dự án đốt chất thải thu hồi năng lượng (Quảng Bình, Hà Nam, Bình Dương, Hà Nội), 1 dự án nhà máy nhiệt điện đốt trấu; 1 dự án phát điện từ chất thải phân gia súc, gia cầm và 6 dự án điện bã mía. [5]

    Công nghệ xử lý, tiêu hủy CTRSH: Việt Nam có đầy đủ các nhóm công nghệ, từ công nghệ truyền thống chôn lấp đến công nghệ hiện đại đốt rác tạo năng lượng. Hiện nay, phương pháp chính trong xử lý, tiêu hủy CTR vẫn là chôn lấp; ước tính 70-75% CTRSH đang được xử lý theo phương pháp này.

    Tới năm 2019, trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến compost và 904 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt CTRSH để thu hồi năng lượng phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý. Trong các cơ sở xử lý CTRSH, có 78 cơ sở cấp tỉnh, còn lại là các cơ sở xử lý cấp huyện, cấp xã, liên xã. [6]

    Trên tổng khối lượng CTRSH được thu gom, khoảng 71% (tương đương 35.000 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bã thải từ các cơ sở chế biến compost và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); 16% (tương đương 7.900 tấn/ ngày) được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% (tương đương 6.400 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp đốt.

3. Các vấn đề và thách thức chính về quản lý CTR

    Mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song công tác quản lý CTR hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. CTR chưa được phân loại tại nguồn; các biện pháp giảm thiểu phát sinh chưa được áp dụng mạnh mẽ; tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn còn thấp và chưa có chuyển biến tích cực; việc tái chế còn lạc hậu, công nghệ xử lý chính vẫn đang là chôn lấp. Những vấn đề trên đã và đang ảnh hưởng đến người dân sống gần các khu xử lý CTR, cụ thể như sự phản ứng của người dân ở gần bãi rác Nam Sơn (Hà Nội); huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) hay ở Quãng Ngãi vì ô nhiễm do bãi rác gây ra. Ngoài ra, còn xảy ra hiện tượng trượt lở tại một số bãi rác nằm ở vùng đồi núi, thung lũng đã gây ra thiệt hại đối với hệ sinh thái trên cạn và dưới nước (bãi rác ở Đà Lạt).

    Nguyên nhân là do việc triển khai thực thi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về CTR vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, các chế tài quy định về xử phạt đối với các vi phạm về quản lý CTR chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý CTR đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm. Ðầu tư cho công tác quản CTR còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế do thiếu nguồn lực tài chính. Công tác xã hội hóa hiện còn yếu do thiếu các quy định phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư. [3,5,9]

    Vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý CTR tối ưu vẫn đang là bài toán thách thức đối với các nhà quản lý và các nhà khoa học trong khi hiện chưa có mô hình công nghệ xử lý CTRSH hoàn thiện đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Các công nghệ xử lý CTR của Việt Nam chưa thực sự hiện đại và đang có quy mô nhỏ [10]. Hầu hết công nghệ xử lý CTR nhập khẩu không phù hợp với thực tế CTR tại Việt Nam do chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của CTRSH thấp, độ ẩm không khí cao… Còn các công nghệ xử lý CTR chế tạo trong nước chưa đồng bộ và hoàn thiện nên chưa thể phổ biến và nhân rộng. [5,9]

    Hơn nữa, hoạt động tái chế CTR còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, phi chính thức ở các làng nghề, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan BVMT địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, Nhà nước chưa có quy định về tiêu chuẩn lựa chọn thiết bị, công nghệ xử lý phù hợp. [5,9]

4. Các điểm mới trong hệ thống chính sách và pháp luật về CTR

    Trong giai đoạn trước, hệ thống quản lý nhà nước về CTR, đặc biệt là CTRSH còn nhiều bất cập và hạn chế. Trước tình hình đó, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo và ban hành các văn bản như: Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR (Quyết định số 491/QĐ-TTg); Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR (Chỉ thị số 41/CT-TTg); Quyết định số 1560/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 41/CT-TTg…

    Luật BVMT năm 2020 đã dành 6 Điều quy định về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH. Các quy định này định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải; thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu CTRSH phát sinh tại nguồn. Đồng thời, quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý CTRSH. Theo đó:

Đưa các quy định và chế tài cụ thể về phân loại CTR

    Theo quy định tại Luật BVMT năm 2020, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao như: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; Chất thải thực phẩm và CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…

    CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo quy định không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Đối với các loại CTR khác thì phải được chứa đựng trong bao bì do UBND quy định để thu gom, tái chế. Như vậy, những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định.

    Đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom CTRSH và công bố rộng rãi. Phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại CTRSH đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT.

Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn để xử lý CTRSH

    Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH; hướng dẫn mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn; hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sẽ dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính.

    UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Thực hiện giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý CTRSH trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.

Đưa ra các tiêu chí về công nghệ xử lý CTR sinh hoạt

    Luật BVMT năm 2020, Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT đã bước đầu đưa ra các tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH, theo đó, trong thời gian tới không khuyến khích cơ sở xử lý CTRSH có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu trên địa bàn cấp xã; không khuyến khích sử dụng công nghệ chôn lấp CTRSH, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý CTRSH. Việc này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

    Đặc biệt, Luật đã đưa ra quy định cụ thể nội dung về cải tạo, phục hồi môi trường đối với bãi chôn lấp CTRSH. Để thực hiện việc này, Luật quy định chủ đầu tư, chủ xử lý CTRSH có trách nhiệm ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

5. Kết luận

    Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam phải đối mặt với tốc độ phát sinh CTR gia tăng nhanh. Việt Nam hiện đã thực hiện tốt quá trình thu gom CTRSH ở đô thị, với tỷ lệ thu gom cao, tuy nhiên, tỷ lệ tái chế còn thấp và công nghệ xử lý còn lạc hậu. Đối với CTRSH ở nông thôn, quá trình thu gom và xử lý vẫn mang tính tự phát ở các địa phương, tạo ra nhiều sức ép tới môi trường tại khu vực này. Bên cạnh đó, chất thải nhựa đang dần trở thành là vấn đề lớn đối với nước ta.

    Các thách thức chính mà Việt Nam đang phải đối mặt đó là thiếu nguồn tài chính cho vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; thiếu công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu về BVMT; gặp khó khăn, vướng mắc trong thiết kế và quản lý hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải… Bên cạnh đó, năng lực thể chế trong lập kế hoạch, giám sát và thực thi chính sách, pháp luật quản lý CTR còn bất cập, hạn chế trong cơ cấu tổ chức, phân công trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương; trong sự hợp tác giữa các tỉnh/TP.

    Trong khoảng 20-30 năm qua, tư duy về quản lý CTR trên thế giới đã có nhiều thay đổi: từ “tiêu hủy” đến “quản lý” đến “quản lý tổng hợp”; từ “chất thải” đến “coi chất thải là tài nguyên”; từ nền “kinh tế tuyến tính” (linear economy) sang “nền kinh tế tuần hoàn” (circular economy). Trong bối cảnh BĐKH đang gia tăng như hiện nay, tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, trong đó có quản lý tổng hợp CTRSH là các biện pháp mới, cần được đánh giá và triển khai ở Việt Nam trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT (2018). Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiên Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

2. Bộ TN&MT (2011). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia – CTR.

3. Bộ TN&MT (2015), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2011-2015.

4. Bộ TN&MT (2016). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-Môi trường đô thị.

5. Bộ TN&MT (2017), Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia - Quản lý CTR.

6. Bộ TN&MT. (2019). Báo cáo về quản lý CTRSH.

7. Hoàng Minh Giang và cộng sự (2017)

8. CENTEMA, 2017

9. Bộ Xây dựng (2017), Báo cáo thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

10. Hiền N.T. và cộng sự (2015), Báo cáo đánh giá hiện trạng áp dụng công nghệ xử lý chât thải nguy hại và CTRSH tại Việt Nam, Hội nghị Môi truờng toàn quốc lần thứ IV, Bộ TN&MT.

11. Bảo Bình (2021), Những điểm mới về quản lý CTRSH trong Luật BVMT năm 2020, Tạp chí Môi trường.

Phạm Hoàng Giang, Trần Yêm

            Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022)

Ý kiến của bạn