Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Lợi ích của áp dụng thị trường các-bon

06/09/2021

    Thị trường các-bon là một công cụ kinh tế thuộc nhóm định giá các-bon (carbon pricing). Theo cơ chế này, Nhà nước xác lập tổng hạn ngạch phát thải các-bon rồi phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp có phát thải; sau đó thiết lập thị trường các-bon và cho phép các doanh nghiệp được phép mua bán, chuyển nhượng hạn ngạch phát thải. Nhà nước sẽ giám sát hạn ngạch phát thải. Doanh nghiệp cần tuân thủ đúng theo hạn ngạch phát thải, nếu không sẽ bị xử phạt. Thị trường các-bon là sự kết hợp giữa nhà nước và thị trường trong quản lý phát thải. Nhà nước quản lý hạn ngạch phát thải, trong khi thị trường tự điều tiết giá chuyển nhượng hạn ngạch phát thải (hay còn gọi là giá các-bon).

    Giống với thuế các-bon, thị trường các-bon giúp chuyển đổi nền kinh tế theo hướng ít các-bon, tiến tới không các-bon. Thông qua áp dụng thị trường các-bon, các dạng năng lượng hóa thạch phát thải các-bon sẽ trở nên đắt đỏ hơn và được thay thế bởi các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới đang ngày một rẻ hơn. Ô nhiễm môi trường không khí và biến đổi khí hậu (BĐKH) do phát thải khí nhà kính nhờ đó sẽ được giảm nhẹ. Luật BVMT năm 2020 đã luật hóa thị trường các-bon. Bài viết phân tích các lợi ích tiềm năng của thị trường các-bon nhằm góp phần triển khai công cụ này một cách hiệu quả.

Lợi ích về đạt mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

    Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học quốc gia Australia, nếu Việt Nam áp dụng giá các-bon 1,8 đô la Mỹ/tấn CO2, bắt đầu từ năm 2022, tăng 10%/năm, thì đến năm 2030 có thể đạt được mục tiêu giảm 5,5% lượng phát thải trong lĩnh vực năng lượng so với kịch ban thông thường. Đây là mục tiêu đặt ra trong bản cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mà Việt Nam cam kết thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về BĐKH.

     Hiện tại Việt Nam có tốc độ gia tăng phát thải CO2 nhanh nhất trong các nước ASEAN, ở mức khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2010-2019. Tỷ trọng CO2 trong năng lượng sử dụng là 0.058 tấn CO2/GJ, cao hơn các nước trong khu vực như Philippines (0.051), Inđônêxia (0.049),  Thái Lan (0.042). Tỷ trọng các-bon trên một đơn vị GDP tăng mạnh từ 0.27 năm 2019 đến 0,37 năm 2019. Áp dụng thị trường các-bon sớm sẽ giúp cải thiện được tình trạng đáng báo động này.

Lợi ích về môi trường và BĐKH

     Định giá các-bon tạo động lực cho doanh nghiệp giảm phát thải các-bon cho tới khi chi phí biên của giảm phát thải ngang bằng với giá các-bon. Nhờ giảm phát thải các-bon, hiệu ứng khí nhà kính sẽ giảm, dẫn đến các lợi ích của giảm BĐKH. Nói cách khác, định giá các-bon sẽ giảm được các thiệt hại do BĐKH gây nên như dâng mực nước biển, lũ lụt, hạn hán, và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

     Định giá các-bon cũng sẽ dẫn đến giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí đi kèm với đốt nhiên liệu hóa thạch như SOx, NOx, và bụi mịn. Cũng theo nghiên cứu nói trên của Đại học quốc gia Australia, áp dụng giá các-bon 1,8 đô la Mỹ/tấn CO2, bắt đầu từ năm 2022, tăng tới 4 đô la năm 2030 thì trong giai đoạn 2020-2030 có thể giảm được 47.000 tấn bụi tổng, 34.000 tấn bụi PM10, 33.000 tấn bụi PM2.5, 23.000 tấn NOx, và 78.000 tấn SOx. Qua đó sẽ đem lại các lợi ích của giảm ô nhiễm không khí, trong đó quan trọng nhất là cải thiện sức khỏe người dân. Các lợi ích đi kèm của giảm phát thải khí nhà kính được ước tính là 21 đô la/tấn CO2 cắt giảm.

 Lợi ích về kinh tế

     Theo lý thuyết kinh tế, thị trường các-bon giúp đạt mục tiêu giảm phát thải với mức chi phí thấp nhất. Thị trường các-bon trong ngắn hạn có thể gây giảm lợi thế cạnh tranh của một số ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng ít có khả năng gây tác động tiêu cực đến tổng thể nền kinh tế trong dài hạn. Ngược lại, nó có thể mang lại hiệu ứng tích cực nếu doanh thu từ bán đấu giá hạn ngạch phát thải được sử dụng để bù đắp cho việc giảm thuế thu nhập cũng như tăng đầu tư công. Nghiên cứu về thị trường các-bon của châu Âu (EU) chỉ ra rằng mức giá các-bon 20 đô la/tấn CO2 không gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, áp dụng thị trường các-bon ở Việt Nam không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế về dài hạn, bởi giá trị tô (chênh lệch giữa giá bán và tổng chi phí khai thác) của dầu thô, than và khí đốt của Việt Nam  chỉ chiếm khoảng 2,6% GDP. Qua giảm gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm, năng suất lao động cũng sẽ được cải thiện, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

     Thị trường các-bon sẽ giúp chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Các ngành năng lượng không các-bon như gió, mặt trời, thủy điện tích năng sẽ có cơ hội phát triển. Quan trọng là sẽ tránh được tình trạng lãng phí nếu đầu tư vào các nhà máy điện than bây giờ để rồi trong 10-15 năm tới các nhà máy này có thể trở nên lạc hậu vì không cạnh tranh được về giá với các dạng năng lượng mới. Việc áp dụng thị trường các-bon sẽ giúp thúc đẩy đầu tư theo hướng bền vững trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19.

     Ngoài ra, thị trường các-bon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, ví dụ như Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam. Hiện EU đang cân nhắc áp thuế các-bon cho các sản phẩm nhập khẩu từ quốc gia không có thuế hoặc thị trường các-bon, bắt đầu từ 2023. Hàng hóa của Việt Nam sẽ không vướng phải rào cản này khi Việt Nam có thị trường các-bon.

Lợi ích về xã hội

    Thị trường các-bon có tiềm năng góp phần ổn định trật tự xã hội do giảm ô nhiễm, đặc biệt là giúp giải quyết được sự bất bình đẳng xã hội do các nhóm thu nhập thấp thường chịu nhiều thiệt hại về ô nhiễm không khí hơn. Thị trường các-bon giúp quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra sớm hơn và suôn sẻ hơn. Ngoài ra, sự phát triển của các ngành năng lượng mới cũng góp phần tạo việc làm. Tuy nhiên, băn khoăn thường gặp khi cân nhắc áp dụng thị trường các-bon là liệu thị trường các-bon có gây ảnh hưởng nhiều đến nhóm thu nhập thấp thông qua tăng giá năng lượng hay không. Để giải quyết vấn đề này, nhà nước có thể áp dụng trợ cấp trực tiếp cho hộ thu nhập thấp. Phương án khác là thiết kế giá điện theo dạng bậc thang với giá thấp những đơn vị điện tiêu thụ ban đầu, tăng dần lũy kế, nhằm hỗ trợ hộ thu nhập thấp duy trì sử dụng điện vào những mục đích tối thiểu. Về lâu dài, các dạng năng lượng mới sẽ trở  nên rẻ hơn và sẵn có hơn. Vì vậy các trợ cấp này sẽ không cần kéo dài.

Lợi ích về ngoại giao

     Áp dụng thị trường các-bon thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH. Việt Nam được đánh giá là khá tích cực trong hội nhập quốc tế như tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đóng góp duy trì an ninh, trật tự khu vực Biển Đông, tuân thủ sớm các quy định quốc tế về báo cáo liên quan đến môi trường và BĐKH. Nếu thiết kế và vận hành thị trường các-bon sớm và hiệu quả, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện sự tích cực của mình và sẽ là mô hình cho các nước đang phát triển tham khảo. Vị thế trên trường quốc tế sẽ tiếp tục được tăng cường.

     Tóm lại, áp dụng thị trường các-bon sẽ đem lại lợi ích tổng thể về môi trường, kinh tế - xã hội và ngoại giao. Nhà nước cần sớm tổ chức xây dựng và vận hành thị trường các-bon để hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng này.

TS. Đỗ Nam Thắng

Đại học quốc gia Ôxtrâylia

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2021)

Ý kiến của bạn