Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Kinh nghiệm quốc tế trong xác định khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đến khu dân cư

24/01/2022

    Quá trình vận hành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ luôn tiềm ẩn các rủi ro, nguy cơ về môi trường đối với con người, đặc biệt là dân cư sinh sống quanh vị trí đặt các cơ sở sản xuất. Do đó, Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là các nước phát triển như Anh, Italy, Ôxtrâylia, Canađa… đã ban hành các quy định về khoảng cách an toàn môi trường (KCATMT) giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh với khu dân cư nhằm đảm bảo nguồn phát sinh chất thải từ các hoạt động sản xuất không làm ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống người dân. Nhận thức được vai trò quan trọng của KCATMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, Việt Nam cũng đã quy định cụ thể các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng phải áp dụng KCATMT đối với khu dân cư tại Luật BVMT năm 2020 (Khoản 2, khoản 4 Điều 53). Để có thể đề xuất các giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong quá trình xác định KCATMT phù hợp đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh theo quy định đã được ban hành, bài viết nhằm rà soát, phân tích, đánh giá các quy định khác nhau của các nước trên thế giới về KCATMT giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu dân cư sinh sống quanh khu vực nhạy cảm.

1. Khái niệm khoảng cách an toàn về môi trường

    KCATMT là một phép đo quan trọng để kiểm soát các mối nguy cơ của các nhà máy, cơ sở sản xuất phải có một khoảng cách nhất định giữa nơi lắp đặt cơ sở có nguy cơ với các khu vực sử dụng đất cho các mục đích khác nhau. Cơ quan BVMT Tây Ôxtrâylia (2005) đưa ra định nghĩa về khoảng cách an toàn (separation distance) là “Khoảng cách ngắn nhất giữa ranh giới của khu vực có thể được sử dụng cho mục đích sử dụng đất công nghiệp và ranh giới của khu vực có thể được sử dụng bởi mục đích sử dụng đất nhạy cảm”. Về bản chất, do khoảng cách an toàn là khoảng cách tối thiểu cần đảm bảo nên thực tế những khoảng cách lớn hơn khoảng cách an toàn sẽ được khuyến nghị để việc phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro có hiệu quả cao hơn. Mặt khác, tùy thuộc vào tính chất, quy mô, loại chất thải của nguồn gây ô nhiễm, cũng như đặc điểm của khu vực chịu tác động mà khoảng cách an toàn cũng sẽ được tính toán, cân nhắc ở các khoảng cách khác nhau.

    Như vậy, về cơ bản “KCATMT được hiểu là khoảng cách tối thiểu cần đảm bảo giữa một khu vực có nguy cơ gây ra ô nhiễm (cơ sở công nghiệp, kinh doanh, kho tàng…) và khu vực sử dụng đất nhạy cảm (khu dân cư, trường học, vui chơi…) để phòng ngừa, giảm thiểu các rủi ro, thiệt hại có thể có tới cộng đồng dân cư”.

2. Kinh nghiệm quy định khoảng cách an toàn về môi trường của một số quốc gia trên thế giới

    Tại Ôxtrâylia

    Ở Ôxtrâylia, các bang và vùng lãnh thổ xây dựng các quy định riêng về KCATMT với các khu vực sử dụng đất nhạy cảm với các ô nhiễm môi trường trên phạm vi lãnh thổ của mình. Năm 2005, Cơ quan BVMT (EPA) tại Ôxtrâylia đã xây dựng hướng dẫn về khoảng cách an toàn giữa các khu công nghiệp và các khu vực đất sử dụng (khu dân cư) nhằm cung cấp giải pháp cho các cơ quan chính phủ, cộng đồng và các bên liên quan về các yêu cầu tối thiểu trong quản lý môi trường nhằm đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ khi thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường.

    Cụ thể, KCATMT được tính từ “ranh giới hoạt động” của cơ sở (nguồn phát thải) tới nơi sử dụng đất nhạy cảm (ví dụ khu dân cư). Nguồn phát thải được xác định bao gồm các khu công nghiệp (KCN), khu thương mại, hoạt động khu vực nông thôn và các cơ sở hạ tầng. Các loại hình phát thải bao gồm tiếng ồn và các loại phát thải trong không khí (khí, bụi và mùi). Thông thường, tác động môi trường sẽ giảm dần khi tăng dần về khoảng cách, do đó nếu như các khu công nghiệp hoặc các ngành công nghiệp có những tác động môi trường được đánh giá là không thể chấp nhận, thì cần thiết phải thiết lập vùng đệm (buffer area) để phân tách khu vực sản xuất và khu vực đất ở, đất sử dụng. Các khu vực chịu tác động tiêu cực từ phát thải tại các KCN sẽ phụ thuộc vào các yếu tố cụ thể như phạm vi hoạt động, quy trình sản xuất, kiểm soát phát thải…

    Với mỗi loại hình công nghiệp sẽ có đề xuất khoảng cách cho phép khác nhau. Hiện có 18 khu công nghiệp đã được EPA quy định khoảng cách an toàn môi trường, ví dụ như: công nghiệp dịch vụ, công nghiệp độc hại, cơ sở sản xuất điện, nhà máy xử lý nước thải… Đối với một số ngành, phạm vi khoảng cách an toàn chung được chỉ định. Những ngành khác, KCATMT chung không được áp dụng và khoảng cách an toàn cụ thể cần phải được xác định theo từng trường hợp. Sau đây là một số quy định KCATMT tại Tây Ôxtrâylia:

+ Với loại hình sản xuất dệt may có thể gây tác động về mùi, bụi, tiếng ồn, khoảng cách an toàn được đề xuất là 500 m;

+ Các cơ sở sản xuất nhôm có thể gây rủi ro môi trường, ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, khoảng cách an toàn được đề xuất là 1.500 - 2000 m;

+ Các cơ sở sản xuất thuốc trừ sâu, khoảng cách an toàn được đề xuất là 300 - 1000 m phụ thuộc vào phạm vi…

    Mỹ

    Nhằm cung cấp thời gian và không gian để giảm thiểu các các tác động xấu đến sức khỏe con người hoặc môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố phát tán nhiều bang tại Mỹ yêu cầu xây dựng các vùng đệm giữa các cơ sở quản lý chất thải và các khu vực áp dụng mục đích sử dụng đất lân cận khác, chẳng hạn như trường học, bệnh viện, khu vui chơi công cộng… Có một số khu vực khác cần xem xét thiết lập vùng đệm, bao gồm các môi trường sống quan trọng, đất công viên, đường công cộng và các địa điểm lịch sử hoặc khảo cổ.

    Đối với ô nhiễm nguồn nước, kích thước vùng đệm sẽ liên quan trực tiếp đến 4 lợi ích chính bao gồm: (1) Duy trì chất lượng nước ngầm xung quanh; (2) Ngăn ngừa sự di chuyển của chất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực; (3) Bảo vệ nguồn cung cấp nước uống; (4) Giảm thiểu sự phiền toái đối với các khu vực xung quanh. Ví dụ, để hạn chế các rủi ro về ô nhiễm nguồn nước, Chính phủ Mỹ đã xác định  khoảng cách an toàn từ các khu vực nhà ở hoặc tòa nhà đến khu vực nhạy cảm là 150 m.

    Đối với ô nhiễm không khí, Bang California khuyến cáo về khoảng cách môi trường đối với một số hoạt động phát sinh ô nhiễm không khí (các khoảng cách này chỉ là khuyến cáo - cần cân nhắc việc sử dụng đất hài hòa và đánh giá rủi ro đối với sức khỏe nếu cần thiết) ví dụ như khu vực có mật độ giao thông cao nên có khoảng cách an toàn là 150 m, khu vực đặt trạm xăng nên có KCATMT là 100 m, khu vực đường sắt nên có khoảng cách an toàn là 300 m.

    Hồng Kông

    Chính phủ Hồng Kông đã ban hành Sách trắng về “Ô nhiễm ở Hồng Kông” tập trung vào quy hoạch môi trường, trong đó Chương về “Tiêu chuẩn và Hướng dẫn Quy hoạch Hồng Kông (HKPSG) cung cấp hướng dẫn về việc đưa các vấn đề về môi trường vào quá trình lập kế hoạch phát triển cả khu vực công và tư nhân. Hướng dẫn đã tích hợp các nội dung và đưa ra các giải pháp hạn chế tác động cũng như đề xuất khoảng cách phù hợp từ các nguồn phát thải đến các khu vực đất quy hoạch có yếu tố nhạy cảm bao gồm: khu vực sử dụng đất công nghiệp, khu vực dân cư, cơ sở vận tải, khu vực Chính phủ, khu vực lò mổ và khu vực thương mại. Các yếu tố môi trường tác động nhạy cảm được xem xét bao gồm chất lượng không khí, tiếng ồn, rác thải, nước thải và hệ sinh thái. Hồng Kông đã xác định 12 khu vực có nguy cơ ô nhiễm, các đối tượng chịu tác động trực tiếp và xây dựng khoảng cách an toàn tối thiểu đối với từng nguồn ô nhiễm.

Bảng 1. Quy định khoảng cách an toàn môi trường tại Hồng Kông

STT

Nguồn ô nhiễm

Khu vực nhạy cảm

Khoảng cách vùng đệm tối thiểu (mét)

1

Nhà công nghiệp nhiều tầng

Khu dân cư, trường học

100 m

2

Nhà công nghiệp nhiều tầng

Khu vực thương mại

30 m

3

Khu vực công nghiệp

Bệnh viện

500 m

4

Ống khói KCN

Khu vực nhạy cảm

500 m

5

Ống khói KCN

Tòa nhà cao tầng

200 m

6

Ống khói KCN

Không gian mở[i]

10 – 100m

7

Lò mổ

Khu vực nhạy cảm và khu vực thương mại

200 - 300 m (nếu có hoặc không có khu tái chế phụ phẩm động vật)

8

Lò đốt rác nông thôn

Khu vực nhạy cảm

100 m

9

Nguồn phát tán mùi

Khu vực nhạy cảm

200 m

10

Khu vực có bụi bẩn

Khu vực nhạy cảm

100 m

11

Đường cao tốc

Không gian mở

20 m

12

Đường cao tốc

Khu dân cư

300 m hoặc

50 m (nếu có sàng lọc, giám định)

Nguồn: Cục Quy hoạch, Chính phủ Hồng Kông (2014)

    Singapore

    Singapore đã phân chia quy định KCATMT với 4 loại hình công nghiệp khác nhau, cụ thể:

+ Với các ngành công nghiệp sạch, không cần vùng đệm giữa ranh giới khu công nghiệp sạch và khu dân cư.

+ Các ngành công nghiệp nhẹ, ít nhất 50 m giữa ranh giới khu công nghiệp nhẹ và tòa nhà dân cư gần nhất; không cần vùng đệm giữa bất kỳ cơ sở công nghiệp thực phẩm và cơ sở công nghiệp nhẹ nào. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp thực phẩm có thể làm phát sinh bất kỳ khí thải nào, chẳng hạn như mùi, khói, hơi nước, nên được bố trí trong các khu thực phẩm hoặc trong các khu đất tư nhân do các cơ quan có thẩm quyền liên quan chỉ định hoặc phê duyệt.

+ Các ngành tổng hợp, ít nhất 100 m giữa ranh giới khu công nghiệp chung và tòa nhà dân cư gần nhất; ít nhất 100 m giữa ranh giới của bất kỳ cơ sở công nghiệp thực phẩm nào và cơ sở công nghiệp tổng hợp phi thực phẩm. Khi có yêu cầu của các cơ quan liên quan, việc đánh giá rủi ro phải được thực hiện bởi các chuyên gia đánh giá độc lập có thẩm quyền để đảm bảo không gây ra bất kỳ nguy cơ ô nhiễm nào cho các ngành công nghiệp thực phẩm gần đó.

+ Các ngành đặc biệt, ít nhất 500 m giữa ranh giới khu công nghiệp đặc biệt và tòa nhà dân cư gần nhất; ít nhất 100 m giữa bất kỳ cơ sở công nghiệp thực phẩm nào và cơ sở công nghiệp đặc biệt. Khi có yêu cầu của các cơ quan liên quan, đánh giá rủi ro do một chuyên gia đánh giá độc lập có thẩm quyền thực hiện để đảm bảo không gây ra bất kỳ nguy cơ ô nhiễm nào cho bất kỳ ngành công nghiệp thực phẩm nào gần đó.

    Đối với các ngành công nghiệp đặc biệt như: Nhà máy lọc dầu, hóa dầu và sản xuất hóa chất, cơ sở xử lý chất thải công nghiệp độc hại, nên bố trí ít nhất 1 km từ ranh giới KCN đến khu dân cư hoặc cơ sở công nghiệp thực phẩm gần nhất.

3. Bài học về việc xác định loại hình cơ sở cần áp dụng khoảng cách an toàn môi trường cho Việt Nam

    Trên cơ sở rà soát kinh nghiệm quốc tế trong việc quy định các loại hình cơ sở cần áp dụng KCATMT cũng như đối tượng chịu tác động nằm trong khu vực nhạy cảm, một số bài học hỗ trợ quá trình xây dựng KCATMT tại Việt Nam như sau:

    Thứ nhất, để có thể xác định các KCATMT phù hợp cần phải dựa trên các tiêu chí đánh giá. Theo đó, cần căn cứ vào quy mô, loại hình cơ sở sản xuất cũng như đặc điểm của khu vực nhạy cảm để làm tiêu chí xác định. Một cách khái quát nhất, có 2 nhóm tiêu chí chính, bao gồm nhóm tiêu chí liên quan tới loại hình cơ sở sản xuất (ví dụ thuộc nhóm công nghiệp nhẹ, trung bình, hay nặng), chất thải phát sinh, nguy cơ sự cố...; nhóm tiêu chí thứ hai liên quan tới khu vực nhạy cảm cần thiết lập khoảng cách an toàn với cơ sở sản xuất (ví dụ khu dân cư, bệnh viện, trường học, đường giao thông...) và đặc điểm của khu vực tiếp nhận về dân cư, địa hình, khí hậu...

    Thứ hai, cần tiến hành rà soát, cập nhật, cụ thể hóa các quy định về khoảng cách an toàn trong các văn bản, quy chuẩn, tiêu chuẩn…về quy hoạch, xây dựng, y tế - sức khỏe, môi trường liên quan để phù hợp với điều kiện hiện nay.

    Thứ ba, nghiên cứu, phân tích, phát triển phương pháp tính toán khoảng cách an toàn môi trường với các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn trong các trường hợp cụ thể để làm căn cứ xác định khoảng cách an toàn môi trường, phù hợp với đặc điểm, điều kiện quốc gia.

    Thứ tư, cập nhật, ban hành danh mục các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm nước, không khí; danh mục phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo thông lệ quốc tế, tức là theo các mức nhẹ, vừa và nặng để làm căn cứ xác định các khoảng cách an toàn chung cần đảm bảo.

    Thứ năm, phân định rõ vai trò của các cơ quan chức năng liên quan, xác định đầu mối chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý và hướng dẫn liên quan tới KCATMT đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Environmental Protection Agency (EPA), 2005, Guidance for the assessment of environmental factor – Separation Distances between industrial and sensitive land uses

2. EIGA (2007), Determination of safety distances, IGC Doc 75/07/E, http://www.eiga.org/pdf/Doc 75 07 E.pdf, 2007.

3. California Environmental Protection Agency, California Air Resources Board (2005), Air quality and land use handbook: a community health perspective

4. The Government of the Hong Kong special Administrative region (2014), HongKong planning standards and guidelines.

ThS. Nguyễn Trung Thuận

 Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh, ThS. Nguyễn Thế Thông

 Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn