Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hội nghị COP 26: Cần biến những cam kết thành hành động

01/11/2021

    Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nhanh và khốc liệt khắp mọi khu vực, quốc gia thì một nền kinh tế xanh với ưu tiên về năng lượng sạch đang hình thành, nhưng chưa đủ nhanh để đạt mức phát thải bằng không vào năm 2050. Do vậy, các chính phủ cần cam kết mạnh mẽ và tham vọng hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,50C (Thỏa thuận Paris) tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) đang diễn ra ở Glasgow, Vương quốc Anh.

    Một nền kinh tế năng lượng sạch và xanh đang hình thành trên khắp thế giới khi điện mặt trời, điện gió, xe điện, các thiết bị tiết kiệm năng lượng và các công nghệ các-bon thấp phát triển mạnh mẽ. Cách thời điểm diễn ra Hội nghị COP 26 chưa đầy 5  tháng, báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới 2021 (WEO-2021) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, tiến độ phát triển năng lượng sạch vẫn còn quá chậm để khống chế lượng khí thải toàn cầu về mức phát thải ròng bằng không. Báo cáo đã phân tích rõ ràng về cách thức và con đường có thể tạo ra cơ hội tốt để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C và tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

    Ngay cả khi điện mặt trời và điện gió ngày càng được sử dụng phổ biến với tốc độ phát triển nhanh, mức tiêu thụ than trên thế giới vẫn tăng mạnh trong năm nay, đẩy lượng khí thải carbon dioxide (CO2) lên mức tăng hàng năm lớn thứ hai trong lịch sử. Báo cáo WEO-2021 giải thích rõ ràng những gì đang bị đe dọa và những cam kết giảm phát thải của các chính phủ cho đến nay có ý nghĩa như thế nào đối với lĩnh vực năng lượng và khí hậu. Và nó đặt ra những việc cần phải làm để vượt lên trên những cam kết đã công bố đó hướng tới một quỹ đạo sẽ đạt mức phát thải ròng bằng không trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này - Kịch bản Không phát thải ròng vào năm 2050 từ báo cáo mang tính bước ngoặt của IEA được công bố vào tháng 5, phù hợp với hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C.

    Cũng như Kịch bản phát thải bằng không vào năm 2050, báo cáo WEO-2021 đưa ra hai kịch bản để hiểu rõ hơn về cách ngành năng lượng toàn cầu có thể phát triển trong ba thập kỷ tới.

(1) Kịch bản chính sách: dựa trên các biện pháp năng lượng và khí hậu mà các chính phủ đã áp dụng cho đến nay, cũng như các sáng kiến ​​chính sách cụ thể đang được phát triển. Trong kịch bản này, hầu như toàn bộ mức tăng trưởng thuần về nhu cầu năng lượng đến năm 2050 được đáp ứng bởi các nguồn phát thải thấp, nhưng khiến lượng phát thải hàng năm vẫn ở mức hiện nay. Do đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn tăng lên và đạt 2,60C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100.

(2) Kịch bản các cam kết: dựa trên các cam kết đạt phát thải ròng bằng không mà các chính phủ đã công bố cho đến nay. Trong kịch bản này, nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh vào năm 2025 và lượng khí thải CO2 toàn cầu giảm 40% vào năm 2050. Tất cả các lĩnh vực đều có lượng phát thải giảm, trong đó lĩnh vực điện là ngành lớn nhất. Mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2100 được giữ ở mức khoảng 2,10C. Trong kịch bản này, điện than không còn chiếm ưu thế về tăng trưởng mạnh. Sự sụt giảm của điện than sẽ được đẩy nhanh hơn nữa sau khi Trung Quốc công bố cam kết đạt phát thải bằng không vào năm 2060 và cắt giảm đầu tư hoặc không đầu tư thêm vào các dự án điện than tại nước ngoài. Điều này giúp giảm được tổng cộng khoảng 20 tỷ tấn khí thải CO2 cho đến năm 2050 - tương đương với tổng lượng khí thải của Liên minh châu Âu khi đạt mức phát thải bằng không vào năm 2050.

    Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, triển vọng cho ngành điện than đi xuống nhanh hơn nữa trong Kịch bản cam kết, do gần đây, Trung Quốc tuyên bố chấm dứt hỗ trợ xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài. Động thái này có thể dẫn đến việc hủy bỏ các dự án đã lên kế hoạch.

    Sự khác biệt giữa các kết quả trong Kịch bản cam kết và Kịch bản phát thải bằng không vào năm 2050 là rất rõ ràng, cho thấy sự cần thiết phải có những cam kết tham vọng hơn nếu thế giới muốn đạt tới mức phát thải bằng không vào giữa thế kỷ này. Các biện pháp tự chi trả, chẳng hạn như nâng cao hiệu quả, hạn chế rò rỉ khí đốt, hoặc lắp đặt điện gió hoặc điện mặt trời sẽ giúp giảm hơn 40% mức phát thải. Những khoản đầu tư cũng tạo ra những cơ hội kinh tế rất lớn như tạo ra một thị trường cho tuabin gió, tấm pin mặt trời, pin lithium-ion, máy điện phân và pin nhiên liệu trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2050, có quy mô tương đương với thị trường dầu mỏ hiện tại. Ngay cả trong hệ thống năng lượng điện khí hóa, vẫn còn cơ hội lớn cho các nhà cung cấp nhiên liệu để sản xuất và cung cấp khí các-bon thấp. Chỉ tính trong Kịch bản cam kết đã công bố, sẽ có thêm 13 triệu lao động sẽ được tuyển dụng trong lĩnh vực năng lượng sạch và các lĩnh vực liên quan vào năm 2030, trong khi con số đó tăng gấp đôi trong Kịch bản phát thải bằng không vào năm 2050.

    Ngoài ra, từ ngày 31/10/2021, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại Glasgow để tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu cho COP 26, hội nghị quan trọng nhất kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015. Các tổ chức vì môi trường trên thế giới đang kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện các hành động khẩn cấp, táo bạo để đạt được một kết quả tham vọng trong hội nghị tại Glasgow, điều sẽ giúp chúng ta đi đúng định hướng hạn nhằm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 1,5°C. Tại COP 26, mục tiêu phát thải bằng không là một trong những mục tiêu đáng chú ý và nhận được sự quan tâm của các nước. Trước những diễn biến ngày càng nhanh và sự gia tăng tần suất của các thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, thế giới kỳ vọng COP 26 là cơ hội cuối cùng để chúng ta cùng chung tay hành động vì khí hậu, môi trường, sức khỏe toàn hành tinh. Do đó, ngày càng có nhiều các quốc gia đã đưa ra các cam kết đầy tham vọng về mục tiêu này, cụ thể: Hiện tại đã có 70% nền kinh tế toàn cầu cam kết về phát thải bằng không. Trong 198 nước tham gia UNFCCC đã có 140 nước đã cam kết phát thải bằng không, 133 quốc gia cam kết đạt mục tiêu vào năm  2050, 7 quốc gia cam kết đạt mục tiêu vào năm  2060 (như TQ, Nga, Myanma…).

    Việc tiến tới phát thải bằng không là một xu thế tất yếu không thể tránh khỏi. Điều này đòi hỏi các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam cần có sự chuẩn bị và sẵn sàng để đón nhận những cơ hội và thách thức đem lại ngay sau khi cộng đồng quốc tế cùng thông qua các hành động vì khí hậu tại COP 26. Một số hành động được kỳ vọng tại Hội nghị như sau:

Giữ vững mục tiêu đạt được mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5°C

    Mục tiêu 1,5°C của Thỏa thuận Paris được coi là ngưỡng sống còn đối với những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ - đặc biệt là chính phủ các quốc gia G20 - đều phải củng cố Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) hướng tới mục tiêu 1,5°C. Các chính phủ cần có trách nhiệm thu hẹp khoảng cách còn lại tại COP 26, bằng cách yêu cầu tất cả các quốc gia - đặc biệt là những quốc gia chưa củng cố NDC của mình - khẩn trương quay lại bàn đàm phán để nâng cao tham vọng. Thế giới có thể sẽ không thể chờ đợi cho đến chu kỳ cập nhật NDC tiếp theo diễn ra vào năm 2025, khi nhiệm vụ đã trở nên khó khăn và ta khó có thể hoàn thành. Các chính phủ cần làm việc với những lĩnh vực phát thải nhiều nhất để thống nhất một loạt các thỏa thuận phụ tại COP 26 về các vấn đề bao gồm chấm dứt điện than và ngăn chặn nạn phá rừng. Các mục tiêu cần được thực hiện và những cam kết cần phải được biến thành hành động.

Thực hiện cam kết tài trợ 100 tỷ đô la trước thềm hội nghị tại Glasgow

    Để xây dựng lòng tin cần thiết cho cuộc đàm phán quan trọng ở Glasgow, các nhà lãnh đạo phải tận dụng Hội nghị thượng đỉnh G20 nhằm thực hiện tốt cam kết hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo hơn. Liên quan tới các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, các tổ chức vì môi trường kêu gọi thực hiện kế hoạch phân bổ tài chính từ các quốc gia giàu có để tăng cường nguồn tài chính vì khí hậu, nhằm thực hiện cam kết cung cấp 100 tỷ đô la mỗi năm cho đến năm 2025. Đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo đảm bảo rằng, 50% số tiền trong cam kết này được sử dụng để tài trợ cho các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ưu tiên thích ứng và bảo vệ con người khỏi các tác động của khí hậu

    Các tổ chức vì môi trường kêu gọi cần ưu tiên những hành động thích ứng với biến đổi khí hậu hơn là ưu tiên chính trị, và để tiếng nói của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu làm trọng tâm ở Glasgow. Ngoài ra, do các nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc khẩn trương thực hiện các hành động nhằm giảm thiểu phát thải cũng như cung cấp hỗ trợ thích ứng đầy đủ, Tổn thất và thiệt hại hiện đã trở thành vấn đề thực tế đối với các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu - các nhà lãnh đạo đang thất bại về mặt đạo đức và chính trị nếu họ không hành động.

 

Đỗ Tuấn Đạt

Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

Ý kiến của bạn