Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hoạt động công nghiệp trên địabàn tỉnh Nam Định trước sức ép về bảo vệ môi trường

22/12/2020

     Nam Định là tỉnh ven biển phía Nam đồng bằng Bắc bộ với 72 km đường bờ biển, có tổng diện tích tự nhiên là 166.856,52 ha và mật độ dân số cao (1.067 người/km2) đứng thứ 7 khu vực đồng bằng sông Hồng, thứ 8 toàn quốc. Những năm qua, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm song dân số đô thị có xu hướng gia tăng, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, các làng nghề, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã làm cho  môi trường ngày càng bị tác động.

     Tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển 9 KCN theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Văn bản số 2343/TTg-KTN ngày 24/11/2014 về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Nam Định đến năm 2020, Văn bản số 747/TTg-CN ngày 18/6/2020 về việc đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Nam Định. Các KCN được quy hoạch gồm KCN Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Hồng Tiến, Mỹ Thuận, Trung Thành, Xuân Kiên, Việt Hải và KCN Rạng Đông, trong đó có 3 KCN đã đi vào hoạt động gồm KCN Hòa Xá (tỷ lệ lấp đầy là 100%), KCN Mỹ Trung (tỷ lệ lấp đầy là 29%) và KCN Bảo Minh (tỷ lệ lấp đầy là 99,6%). Tại 3 KCN này có 177 dự án đầu tư của 153 nhà đầu tư thứ cấp; trong đó có 45 dự án của 41 nhà đầu tư nước ngoài; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 là 4.555 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994); giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 220 triệu USD.

     Bên cạnh đó, tỉnh còn có 20 CCN đã thành lập và có 19 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 334,71 ha, trong đó có một số CCN làng nghề được hình thành nhằm thu hút các cơ sở sản xuất trong làng nghề và BVMT như CCN Xuân Tiến, Vân Chàng, La Xuyên, Tống Xá, Hải Minh... Trong đó, 17 CCN có tỷ lệ lấp đầy 100% gồm: La Xuyên, Trực Hùng, Trung Thành, An Xá, Nghĩa Sơn, huyện lỵ Xuân Trường, Hải Phương, Vân Chàng, Yên Xá, Xuân Tiến, Thị trấn Cổ Lễ, Quang Trung, Hải Minh, đóng tàu thị trấn Xuân Trường, Cát Thành, Nam Thị trấn Lâm, Đồng Côi. Có 2 CCN có tỷ lệ lấp đầy đạt từ 50 - 70%, gồm: Xuân Bắc, Thịnh Long. Tháng 8/2020 UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt thành lập 24 CCN với tổng diện tích 495,21 ha (bổ sung thêm 4 CCN gồm CCN Yên Dương 50 ha; CCN Hải Vân 10,7 ha; CCN Thanh Côi 49,8 ha; CCN Yên Bằng 50 ha).

     Ngoài ra, Nam Ðịnh cũng là một trong những địa phương được mệnh danh là mảnh đất trăm nghề, với nhiều làng nghề truyền thống, có sản phẩm đa dạng và tinh xảo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong đó, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động và tạo thu nhập trong khu vực nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 142 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề có các hoạt động công nghiệp như làng nghề sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, đúc đồng Ý Yên…

     Trong thời gian qua, ngành công nghiệp góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng ngành công nghiệp năm 2019 chiếm 40,23% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm (2015 - 2019) đạt khoảng 14,2%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra (13 - 14%/năm). Năm 2019, toàn tỉnh có 35.142 cơ sở sản xuất công nghiệp với tổng số lao động khoảng 207.000 người. Sản xuất công nghiệp của tỉnh đa dạng về ngành nghề, phong phú về sản phẩm trong đó có ngành dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện, điện tử vẫn là những ngành mũi nhọn có tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh. Trong giai đoạn 2015 - 2019, tỷ trọng ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử tăng bình quân 16,7%/năm và chiếm 23%; ngành dệt may, da giày tăng bình quân 14%/năm và chiếm 49% giá trị sản xuất công nghiệp.

Hệ thống xử lý nước thải tại KCN Bảo Minh, tỉnh Nam Định

     Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất công nghiệp đã phát sinh chất thải rắn, nước thải, khí thải gây tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí và con người. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp phát sinh khí thải chủ yếu từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch sản xuất sẽ phát thải bụi, khí thải như NOx, CO, SO2... Đồng thời, hoạt động sản xuất như cơ khí, tái chế kim loại, nhựa, hóa chất, dược phẩm, dệt nhuộm... sẽ phát sinh hơi mùi, khí thải, bụi đặc trưng của từng loại hình sản xuất. Ngoài ra, còn một lượng bụi, khí thải cũng phát sinh vào môi trường không khí là từ hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, sản phẩm. Toàn bộ bụi, khí thải xả thải vào bầu khí quyển một lượng rất lớn gây ra các bệnh về đường hệ hô hấp cho con người. Trong đó có các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet nếu xâm nhập sâu vào phổi, máu, gây các bệnh hô hấp, vô sinh…, bên cạnh đó tiếng ồn ảnh hưởng đến tai, gây đau đầu, stress… Ngoài ra, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra mưa axit, mưa đá, biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, hiệu ứng nhà kính… làm mất cân bằng và suy thoái các cấu trúc loài.

     Trong quá trình hoạt động sản xuất của các KCN, CCN, làng nghề cũng như việc mở rộng phát triển của các ngành công nghiệp như hóa chất, dệt nhuộm, dược phẩm, nhựa, tái chế kim loại, cơ khí, thiết bị điện, điện tử, sửa chữa ô tô, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm.... làm tăng số lượng, quy mô hoạt động dẫn đến gia tăng lượng nước thải phát sinh. Nước thải từ các cơ sở sản xuất với nhiều loại hình khác nhau nếu không được xử lý triệt để đạt Quy chuẩn môi trường sẽ tăng mức độ ô nhiễm môi trường nước. Các chất ô nhiễm xâm nhập vào môi trường nước sẽ xuất hiện các chất, hợp chất lạ ở dạng lỏng hoặc rắn, gây độc hại đối với con người và động vật. Đồng thời giảm sự đa dạng sinh học trong môi trường. Trong tất cả các dạng ô nhiễm, ô nhiễm nước được đánh giá là có tốc độ lan truyền và quy mô ảnh hưởng đến sự sống lớn nhất.

     Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định, khối lượng nước thải từ khu xử lý nước thải tập trung của KCN Hòa Xá hàng ngày thu gom và xử lý là 4.500 m3/ngày đêm; KCN Bảo Minh là 7.000 m3/ngày đêm; CCN An Xá khoảng 1.200 m3/ngày. Trong đó có 8 cơ sở sản xuất phát sinh trên 1.000 m3 gồm Công ty CP TCE Vina Denim (hoạt động trong KCN Hòa Xá) hoạt động sản xuất dệt nhuộm phát sinh nước thải 4.000 m3/ngày đêm; Công ty TNHH Youngone Nam Định hoạt động sản xuất giặt may (hoạt động trong KCN Hòa Xá) phát sinh nước thải 3.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nhuộm -Tổng công ty CP dệt may Nam Định (hoạt động trong KCN Hòa Xá) hoạt động nhuộm, phát sinh nước thải 1.700 m3/ngày đêm; Công ty CP dệt lụa Nam Định hoạt động dệt nhuộm (hoạt động trong KCN Hòa Xá) phát sinh nước thải 2.000 m3/ngày đêm; Công ty CP dệt nhuộm Sunrise Việt Nam (hoạt động trong KCN Bảo Minh) hoạt động sản xuất dệt nhuộm, phát sinh nước thải 4.686 m3/ngày đêm. Ngoài ra, còn các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, CCN và nằm trong các làng nghề phát sinh nước thải sản xuất với khối lượng phát sinh tương đối lớn, tuy nhiên hiện nay chưa có số liệu thống kê khối lượng nước thải phát sinh từ những khu vực này.

     Việc xây dựng mới, mở rộng các KCN, CCN thu hút nhiều cơ sở sản xuất, đồng thời, làm thu hẹp đến diện tích đất nông nghiệp. Trong quá trình hoạt động sản xuất của các cơ sở làm phát sinh chất thải rắn công nghiệp, CTNH, nước thải. Một số cơ sở phát sinh lượng CTNH lớn chủ yếu hoạt động trong các khu, CCN, như: Công ty CP TCE Vina Denim (phát sinh khoảng 32.200 tấn); Công ty TNHH Youngone Nam Định (phát sinh khoảng 530 tấn), Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định (phát sinh khoảng 565 tấn CTNH/năm)…). Năm 2018 khối lượng CTNH phát sinh tại 106 cơ sở khoảng 37.516,428 tấn; Khối lượng chất thải rắn công nghiệp hiện tại chưa có thống kê khối lượng phát sinh trên địa bàn tỉnh. Trong chất thải nguy hại (CTNH), nước thải có chứa các thành phần độc hại nếu không được thu gom xử lý theo quy định phát tán hoặc đổ thải ra môi trường đất làm cho môi trường đất ô nhiễm (đất bị chai cứng, mất chất dinh dưỡng,..), ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển động thực vật sống trong đất, đời sống của cộng đồng dân cư.

     Nhằm hạn chế tình trạng trên, khí thải của các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN được thu gom xử lý tại nguồn phát sinh. Tại đơn vị sản xuất các mặt hàng sợi bông đã áp dụng công nghệ xử lý khí thải theo quy trình: Điều không thông gió tại xưởng sản xuất, lọc và nén bụi bông tái chế tái sử dụng, điều hòa và làm mát không khí. Tại các đơn vị sản xuất các mặt hàng cơ khí và các đơn vị có sử dụng sơn dung môi đã có biện pháp xử lý khí thải tại nguồn, tuy nhiên chưa xử lý triệt để hơi mùi, khí thải phát sinh. Đối với các cơ sở sử dụng than và các nhiên liệu khác để hoạt động lò hơi đều đã xây dựng ống khói có hệ thống lắng, lọc bụi trước khi xả thải. Hầu hết các cơ sở trong KCN đều đã xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước thải và nước mưa riêng biệt; đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sơ bộ hoặc xử lý đạt QCVN 40:2011 cột B trước khi đưa về Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN để xử lý đạt QCVN 40:2011 cột A trước khi thải ra ngoài môi trường. Riêng KCN Hòa Xá có 1 cơ sở là Công ty CP TCE Vina Denim đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương miễn trừ đấu nối 2.900 m3/ngày và đã được Tổng cục Thủy lợi cấp phép xả nước thải.

     Với chất thải rắn thông thường, hầu hết các cơ sở đã thực hiện việc thu gom, phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt và hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định. Còn CTNH được các cơ sở tự thu gom, lưu giữ tạm thời tại kho chứa và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, việc bố trí kho lưu giữ của một số cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; sự hiểu biết về quản lý và tác hại của CTNH tại các cơ sở còn hạn chế. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong các KCN đã thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ nhưng một số cơ sở thực hiện chưa đầy đủ thông số và tần xuất quan trắc; kết quả quan trắc giám sát môi trường của một số cơ sở còn có thông số chưa đạt quy chuẩn cho phép.

     Bên cạnh đó, các KCN, CCN, cơ sở sản xuất đã chú trọng đầu tư kinh phí cho công tác BVMT nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một số cơ sở đầu tư còn mang hình thức chống đối. Các CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định được xây dựng, hình thành trước khi Luật BVMT năm 2014 được ban hành, với diện tích quy hoạch nhỏ, các CCN thường không được đầu tư đồng bộ về công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT. Trong quá trình hoạt động, các chủ đầu tư CCN mới chỉ quan tâm đến việc thu hút đầu tư, khai thác hạ tầng CCN nên chưa thực sực coi trọng và đề cao công tác BVMT. Một số CCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa bố trí cán bộ chuyên trách về môi trường.

     Để phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp, mở rộng các KCN, CCN theo hướng bền vững, giảm thiểu những áp lực lên môi trường, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, CCN đã được quy hoạch theo hình thức xã hội hóa; Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng KCN Rạng Đông đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật (như: Điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông…) để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; Khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Thuận; xúc tiến các thủ tục thành lập KCN, đô thị, dịch vụ Hồng Tiến. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh  sẽ xây dựng mới 6 CCN với tổng diện tích 128,1 ha; bổ sung 9 CCN với tổng diện tích 250 ha vào quy hoạch và mở rộng 23 CCN với tổng diện tích 426,7 ha. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích, ưu đãi xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng và công trình BVMT trong các KCN, CCN, làng nghề nhất là hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung…

Phan Văn Phong

Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nam Định

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

Ý kiến của bạn