Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hiện trạng chất lượng nước các lưu vực sông giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước thời gian tới

02/03/2022

    Việt Nam là quốc gia có tài nguyên nước mặt dồi dào, hệ thống sông ngòi khá dày đặc với khoảng 3.450 sông suối có chiều dài hơn 10 km, trong đó có 13 sông lớn và 310 sông liên tỉnh nằm trong 8 lưu vực sông (LVS) lớn. Tài nguyên nước mặt khoảng 830 - 840 tỷ m3/năm, tuy nhiên, chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam, còn lại là nước từ các dòng sông liên quốc gia chảy vào. Trữ lượng nước biến động theo mùa, khoảng 80% lượng nước phát sinh trong mùa mưa; nhưng trong mùa khô, lưu lượng nước trên các sông giảm mạnh, thậm chí có nơi bị khô kiệt  vì vậy, đã tác động tiêu cực đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước các LVS nói chung, tại một số dòng sông lớn nói riêng.

    Trên cơ sở kết quả Chương trình quan trắc môi trường các LVS thuộc chương trình quan trắc quốc gia và các chương trình quan trắc của các địa phương giai đoạn 2016 - 2020 thông qua chỉ số chất lượng nước (VN_WQI) và giá trị các thông số đặc trưng cho chất lượng môi trường nước mặt, bài viết phân tích, đánh giá về hiện trạng ô nhiễm nước trên các LVS, đặc trưng cho điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội (KT-XH) của từng vùng, bao gồm: LVS Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai, Mê Công (Cửu Long) và 2 LVS thuộc LVS Hồng - Thái Bình đang được quan tâm là LVS Cầu và LVS Nhuệ - sông Đáy trong giai đoạn 2016 - 2020, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm kiểm soát, giảm thiếu ô nhiễm môi trường nước trong thời gian tới. 

Chất lượng nước sông Ngũ Huyện Khê (đoạn cầu Đào Xá) thường xuyên bị ô nhiễm vào mùa khô

1. Chất lượng nước các LVS giai đoạn 2016 - 2020

    Trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự nỗ lực quản lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, phần lớn chất lượng nước trên các LVS lớn như: LVS Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Mê Công duy trì ở mức tốt. Nhiều sông, đoạn sông, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

    Kết quả tính toán giá trị WQI dựa trên kết quả quan trắc trung bình năm giai đoạn 2016 - 2020 trên 9 LVS cho thấy, chất lượng môi trường nước trên các LVS ở nước ta chủ yếu ở mức “tốt” đến “trung bình”, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý. Tuy nhiên, cục bộ vẫn còn tồn tại một số khu vực chất lượng nước ở mức kém song đã có sự cải thiện đáng kể so với nhiều năm trước như đoạn sông Cầu trước khi vào TP. Thái Nguyên; đoạn sông Nhuệ qua địa phận Hà Nội, đoạn chảy qua chợ Đông Ba trên sông Hương…). Mức “ô nhiễm” ghi nhận phần lớn trên các đoạn sông chảy qua khu vực có hoạt động KT- XH phát triển, điển hình như đoạn qua nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (Hình 1).

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường

Hình 1. Tỷ lệ chỉ số WQI theo các mức tại các điểm quan trắc thuộc các LVS giai đoạn 2016 - 2020

     Đối với các điểm nóng về môi trường nước trên các LVS Hồng-Thái Bình, LVS Cầu, LVS Nhuệ - sông Đáy hay trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hiện vẫn chưa được cải thiện, cụ thể:

    Tại LVS Hồng-Thái Bình, điểm nóng nhất về ô nhiễm chất lượng nước là hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải (hệ thống thủy nông của các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương, có chiều dài là 200 km). Trong những năm gần đây, hệ thống này bị ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường năm 2019 cho thấy trên 90% các vị trí quan trắc trên hệ thống có các thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Mức độ ô nhiễm đặc biệt gia tăng vào mùa khô (vào tháng 10 - 12) do hệ thống thủy nông đóng để trữ nước cho tưới tiêu, gây tình trạng nước bị ứ đọng. Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do phải tiếp nhận một lượng quá lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… chưa được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống.

    Trên LVS Nhuệ - sông Đáy, các sông thuộc nội thành Hà Nội (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) là các điểm nóng ô nhiễm môi trường. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội có nhiều công trình, dự án, đề án bảo vệ, cải thiện môi trường nước các sông nội thành, giúp làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường (đặc biệt là thông số TSS), tuy nhiên giá trị các thông số hữu cơ, nitơ vẫn khá cao, vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Trên sông Tô Lịch, đoạn chảy qua khu vực nội thành từ Nghĩa Đô đến Cầu Sét, chỉ số WQI luôn có giá trị thấp (< 25), nước thường xuyên bị ô nhiễm nặng và hầu như chưa có sự cải thiện qua các năm. Các sông nội thành khác như sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu... cũng ở trong tình trạng tương tự (Hình 2).

Hình 2. Diễn biến chỉ số WQI trên các sông nội thành Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020

    LVS Cầu, sông Ngũ Huyện Khê là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường nước sông Cầu (đoạn Bắc Giang - Bắc Ninh). So với giai đoạn trước, chất lượng nước sông Ngũ Huyện Khê đã có sự cải thiện nhưng vẫn thường xuyên bị ô nhiễm nặng (cầu Đào Xá, Văn Môn, Song Thát, Lộc Hà). Bên cạnh đó, việc điều tiết nước sông tại cống Đặng Xá của tỉnh Bắc Ninh (nơi tiêu thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu) tại một số thời điểm chưa hợp lý, xả quá lớn và vượt quá khả năng tự làm sạch của sông Cầu, gây nên hiện tượng cá chết tại vùng hạ lưu sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang (Hình 3).

        Hình 3. Diễn biến giá trị amoni trong nước sông Ngũ Huyện Khê giai đoạn 2016 - 2020

    Trong những năm gần đây, trên LVS Cầu, xuất hiện thêm một số điểm nóng ô nhiễm khác là khu vực suối Bóng Tối (tỉnh Thái Nguyên), có thể do ảnh hưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp và nước thải sinh hoạt của thành phố Thái Nguyên, các thông số hữu cơ, dinh dưỡng có giá trị vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

    Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, ô nhiễm tập trung tại khu vực hạ lưu sông Sài Gòn, đoạn chảy qua khu vực nội đô TP. Hồ Chí Minh, các điểm quan trắc tại cầu Ông Buông, cầu Chữ Y, cầu An Lộc cho thấy, các thông số COD, BOD5, Amoni có giá trị vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT, do chịu tác động từ các khu dân cư đông đúc và các cơ sở sản xuất phân tán nằm dọc lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật, Tàu Hũ - Bến Nghé và Tân Hóa - Lò Gốm thuộc các quận 6, 8, 12, Gò Vấp, Tân Phú và Tân Bình.

Hình 4. Diễn biến giá trị Amoni trên sông Sài Gòn giai đoạn 2016 - 2020

    Ngoài một số điểm nóng trên các LVS, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, đã ghi nhận một số sự cố môi trường không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân mà còn đe dọa đến an ninh nguồn nước quốc gia với một số sự cố điển hình như: Sự cố do vỡ bể chứa bùn thải chì kẽm tại thị trấn Pắc Miều (Cao Bằng) gây ô nhiễm sông Gâm (Hà Giang) năm 2016; vỡ cửa xả đáy hồ chứa nước thải nhà máy tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn (Công ty Apatit Việt Nam) năm 2018; xả dầu trên sông Đà năm 2019.

2. Đề xuất giải pháp BVMT nước thời gian tới

    Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BVMT LVS: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT, quản lý tài nguyên nước và hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan về quản lý các nguồn thải và chất lượng môi trường nước bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với luật pháp quốc tế; hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, nhất là các hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tài nguyên nước và BVMT nước theo quy định của Luật BVMT năm 2020. Bên cạnh đó, cần xây dựng nhóm chính sách, công cụ để tính toán được sức chịu tải của môi trường nước sông làm căn cứ cấp phép xả vào nguồn nước theo khả năng chịu tải, xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam.

    Quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để giám sát chặt chẽ, cảnh báo chất lượng môi trường trên phạm vi cả nước.

    Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường nước sông; quy chuẩn nước thải định hướng hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm thiết lập các hàng rào kỹ thuật bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

    Đẩy mạnh quản lý nhà nước về BVMT nguồn nước, chất lượng môi trường nước: Tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát các nguồn thải ra các lưu vực sông: Cầu, Nhuệ - Đáy, Hồng-Thái Bình, Sài Gòn - Đồng Nai và các dòng sông đã bị ô nhiễm trên phạm vi cả nước.

    Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về BVMT LVS từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là năng lực quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường nhằm theo dõi và phát hiện kịp thời những khu vực ô nhiễm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, đặc biệt là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm nước sông liên tỉnh vào mùa khô; các hoạt động gây ô nhiễm tại các điểm có nguy cơ ô nhiễm cao như khu vực nuôi trồng thủy sản, khu tiếp nhận nhiều nguồn thải, bến cảng, bến thủy nội địa trên sông... Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý LVS theo hướng tổng hợp, thống nhất, đảm bảo quản lý có tính chất liên vùng, liên ngành.

    Truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT LVS, chất lượng môi trường nước sông: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT nước, thu hút cộng đồng, các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ nguồn nước, đặc biệt, đề cao vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT nước...

ThS. Nguyễn Gia Cường, ThS. Phạm Thị Thùy

 Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)

 

Ý kiến của bạn