Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Diễn biến chất lượng môi trường khu vực miền Nam năm 2021

06/04/2022

    Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2021, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam đã triển khai 8 đợt quan trắc tại 100 điểm gồm 58 điểm nước mặt lục địa trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (bao gồm: lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Sài Gòn, lưu vực sông Thị Vải, lưu vực sông Vàm Cỏ) và lưu vực sông Mê Công (sông Tiền), 12 điểm nước biển ven bờ và cửa sông ven biển tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang và khu vực cửa sông Đồng Nai, cửa sông Sài Gòn, cửa sông Thị Vải, cửa sông Tiền, 30 điểm không khí xung quanh, tiếng ồn và cường độ dòng xe tại hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trên địa bàn các tỉnh/TP: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ.

    Từ kết quả phân tích các thông số ô nhiễm cơ bản của 8 đợt quan trắc năm 2021 cho thấy, chất lượng môi trường không khí xung quanh các điểm quan trắc khu vực miền Nam còn khá tốt, giá trị thông số NO2, SO2 tại tất cả các vị trí quan trắc của cả 8 đợt quan trắc đều dưới ngưỡng quy định của QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1 giờ). Một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ thông số tổng bụi lơ lửng (TSP) và tiếng ồn (Leq). Theo kết quả thống kê 8 đợt quan trắc năm 2021, tỷ lệ vượt chuẩn của tổng bụi lơ lửng (TSP) và tiếng ồn (Leq) tại đợt 1 (tháng 3) và đợt 2 (tháng 5) có xu hướng tăng tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng giảm tại vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Nguyên nhân của sự tăng giảm khác biệt giữa hai vùng và giữa các đợt trong năm không có sự tác động bởi nguồn ô nhiễm bất thường mà do các điểm quan trắc tập trung chủ yếu tại các vị trí gần đường giao thông mật độ cao, nơi đang có công trình xây dựng (KCN Mỹ Xuân A, KCN Sóng Thần II, Ngã ba Vũng Tàu) và quanh khu vực khai thác - sản xuất vật liệu xây dựng (ngã ba Châu Thới - phường Bình An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bãi khai thác đá Hòn Sóc, xi măng Hà Tiên) nên giá trị biến động phần lớn là do tăng giảm mật độ xe lưu thông, xe chở nguyên vật liệu, điều kiện khí tượng tại thời điểm quan trắc và thời tiết khác biệt giữa mùa nắng và mùa mưa trong năm. Ngoài ra, năm 2021 cả nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng chịu ảnh hưởng của dịch COVID - 19 nên chất lượng môi trường không khí có sự biến động lớn, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội (tháng 6 đến tháng 10 tương ứng với quan trắc đợt 4 (tháng 8), đợt 5 (tháng 9), đợt 6 (tháng 10)) chất lượng môi trường không khí và tiếng ồn có xu hướng giảm mạnh so với các tháng quan trắc còn lại trong năm.

    Kết quả quan trắc nước mặt năm 2021 cho thấy, lưu vực sông Tiền, lưu vực sông Thị Vải và lưu vực sông Đồng Nai có chất lượng môi trường nước vẫn duy trì khá tốt. Lưu vực sông Vàm Cỏ vẫn duy trì chất lượng nước ở mức trung bình (do đặc tính của vùng có nền địa chất đất phèn nên vào các tháng mùa mưa phèn bị rửa trôi làm cho giá trị pH thấp dẫn đến giá trị WQI thấp (không phải do tác động của hoạt động kinh tế xã hội). Chất lượng nước lưu vực sông Sài Gòn vẫn ô nhiễm nặng nhất và chưa có sự cải thiện. Ô nhiễm và suy thoái vẫn chủ yếu tập trung ở vùng hạ lưu (các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp), một số khu vực tình trạng ô nhiễm kéo dài cả 8 đợt quan trắc, điển hình như sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP. Hồ Chí Minh như cầu Bình Triệu, Ba Son, các kênh rạch nội ô (cầu Ông Buông trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm, cầu Chữ Y trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé và cầu An Lộc trên kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật). Nước sông tại các khu vực trên hầu hết chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy. Chất lượng nước bị ô nhiễm hữu cơ (BOD5, COD), ô nhiễm dinh dưỡng (N-NH4+, N-NO2-), hàm lượng TSS, Fe khá cao và giá trị DO thấp không đạt quy chuẩn.

Biểu đồ 1. Chất lượng môi trường nước khu vực miền Nam theo chỉ số WQI năm 2021

    Chất lượng nước lưu vực sông Đồng Nai nhìn chung còn khá tốt. Kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước WQI trong 8 đợt quan trắc năm 2021 tại 20 vị trí chủ yếu đạt chất lượng rất tốt và tốt (có 96,3% giá trị WQI từ 76 – 100), 3,7% giá trị WQI từ 51 - 75 (chất lượng nước ở mức trung bình) tại vị trí thượng lưu trạm bơm Nhà máy nước Thiện Tân (vào đợt 7 (tháng 11) và đợt 8 (tháng12)) và vị trí cầu Ông Tiếp (vào các đợt 4 (tháng 8), đợt 5 (tháng 9), đợt 6 (tháng 10) và đợt 7 (tháng 11)). Nhìn chung, giá trị WQI có xu hướng giảm từ thượng nguồn đến hạ nguồn và các đợt quan trắc trong mùa mưa (đợt 4 (tháng 8) và đợt 5 (tháng 9) có chất lượng môi trường nước suy giảm so với các đợt quan trắc còn lại. Do thượng nguồn của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là cao nguyên đất đỏ bazan nên khi đến mùa mưa trong khu vực chất lượng nước bị ảnh hưởng do rửa trôi lớp đất mặt bazan, nước sông chuyển sang màu nâu đỏ và giá trị TSS và Fe ở lưu vực sông tăng cao, tỷ lệ vượt chuẩn lần lượt là 43,1% và 63,1%.

    Kết quả quan trắc năm 2021 cho thấy, lưu vực sông Sài Gòn có chất lượng nước kém nhất trong 5 lưu vực sông thực hiện quan trắc tại khu vực miền Nam, mức độ ô nhiễm hữu cơ (đặc trưng bởi thông số COD) và ô nhiễm dinh dưỡng (đặc trưng bởi thông số N-NH4+) cao hơn các lưu vực sông còn lại. Kết quả thống kê giá trị WQI tại 15 vị trí quan trắc trong 8 đợt quan trắc trên lưu vực sông Sài Gòn năm 2021 cho thấy 15% giá trị WQI từ 91 - 100 (chất lượng nước ở mức rất tốt) chủ yếu tại vị trí Hồ Dầu Tiếng; 25,8% giá trị WQI từ 76 - 90 (chất lượng nước ở mức tốt) chủ yếu ở khu vực thượng lưu; 38,4% giá trị WQI từ 51 - 75 (chất lượng nước ở mức trung bình) và 20,8% giá trị WQI từ 26 - 50 (chất lượng nước ở mức xấu) thuộc các khu vực thuộc nội đô TP. Hồ Chí Minh. Khu vực thượng nguồn (từ vị trí cầu Tống Lê Chân đến hồ Dầu Tiếng) ít chịu tác động của nguồn thải nên có chất lượng nước khá tốt và ổn định. Riêng khu vực chân đập Dầu Tiếng và cầu Tàu, Dầu Tiếng chất lượng nước chỉ ở mức trung bình. Chân đập Dầu Tiếng chịu tác động của một số hộ nuôi cá bè và cầu Tàu, Dầu Tiếng là khu vực chịu tác động trực tiếp từ hoạt động sản xuất của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thượng lưu hai bên cầu và nước thải sinh hoạt của thị trấn Dầu Tiếng. Các vị trí từ cầu Tàu, Dầu Tiếng về hạ lưu bắt đầu tiếp nhận nước thải của các nhà máy sản xuất phân tán (chăn nuôi, chế biến mủ cao su,…), nước thải từ các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương (KCN Bàu Bàng, KCN Rạch Bắp, KCN An Tây, KCN Việt Hương II, KCN Mỹ Phước I - II - III) và nước thải sinh hoạt từ các đô thị, khu dân cư dọc lưu vực như thị xã Bến Cát, TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An, TP. Thuận An tỉnh Bình Dương và tiếp nhận nước thải từ kênh rạch nội ô TP. Hồ Chí Minh (tiếp nhận nước thải nội thị từ các kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hũ - Bến Nghé) chất lượng môi trường nước suy giảm nhanh.

    Trên lưu vực sông Vàm Cỏ chỉ số chất lượng nước mặt WQI dao động từ 48 – 85 và có xu hướng được cải thiện hơn so với năm 2020 (có 100% giá trị WQI tăng so với năm 2020). Tại thượng lưu sông (tỉnh Tây Ninh), môi trường nước sông có thể sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý. Tuy nhiên, chất lượng môi trường nước có xu hướng giảm dần về phía hạ lưu sông do tiếp nhận nước thải sinh hoạt TP. Hồ Chí Minh, trong đó mức độ ô nhiễm dinh dưỡng (tồn tại dưới dạng N-NH4+) và ô nhiễm hữu cơ (đặc trưng bởi thông số BOD5 và COD) tại khu vực cảng Phú Định rất cao dẫn đến giá trị DO ở vị trí này thấp nhất trên lưu vực sông Vàm Cỏ. Đồng thời, lưu vực sông Vàm Cỏ có đặc trưng địa chất đất phèn, vào mùa mưa phèn bị rửa trôi vào nước mặt làm cho nồng độ Fe trong nước mặt luôn cao.

Chất lượng môi trường nước sông Thị Vải 8 đợt năm 2021 khá tốt, hầu hết các giá trị WQI trong khoảng 75-100, ngoại trừ vị trí Cảng Vedan đợt 1 - tháng 3 có giá trị WQI = 40 (chất lượng nước do nước bị ô nhiễm dinh dưỡng (đặc trưng bởi thông số N-NO2-) và hàm lượng Pb trong nước khá cao, vượt QCVN 8-MT/BTNMT cột B1 (N-NO2- = 0,05 mg/L; Pb = 0,05 mg/L) lần lượt 1,7 lần và 1,5 lần.

    Chất lượng môi trường nước lưu vực sông Tiền năm 2021 duy trì ổn định, chất lượng nước còn khá tốt, giá trị WQI dao động từ 89 đến 96, trong đó có 69,4% giá trị WQI ở mức rất tốt và 30,6 %% giá trị WQI ở mức tốt,. Khu vực ngã ba kênh đào Nguyễn Tất Thành và Tân Mỹ Chánh có chỉ số WQI =89 thấp nhất so với các điểm quan trắc còn lại do chịu tác động một phần nguồn nước thải từ khu dân cư TP. Mỹ Tho, khu vực nuôi trồng thuỷ sản tập trung (nuôi cá, tôm), các công ty chế biến bột cá…

    Chất lượng nước biển ven bờ khu vực miền Nam (khu vực biển Cần Giờ, biển Bà Rịa - Vũng Tàu và biển Tân Thành, Tiền Giang) năm 2021 ít biến động so với năm 2020. Biển Cần Giờ và biển Tân Thành là khu vực bị ảnh hưởng của lũ và mưa rửa trôi phù sa đi theo ra biển và một phần tại thời điểm quan trắc thủy triều xuống kiệt làm xáo trộn bùn đất nên dẫn đến giá trị TSS và Fe một số đợt quan trắc cao bất thường. Một số vị trí do tiếp nhận nước thải đô thị như khu vực Sao Mai - Bến Đình, Bà Rịa - Vũng Tàu (nước thải từ TP. Vũng Tàu) ghi nhận giá trị thông số N-NH4+ vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

    Đối với chất lượng nước tại các khu vực cửa sông ven biển (cửa sông Đồng Nai, cửa sông Sài Gòn, cửa sông Thị Vải, cửa sông Tiền) khu vực miền Nam năm 2021 có xu hướng cải thiện so với năm 2020 (hầu hết các thông số quan trắc có tỷ lệ vượt quy chuẩn giảm). Trong đó, khu vực Tam Thôn Hiệp có chất lượng nước kém nhất, chất lượng nước khu vực này bị ô nhiễm dinh dưỡng (đặc trưng bởi thông số N-NH4+), hàm lượng TSS, Fe cao và oxy hòa tan trong nước thấp hơn quy chuẩn cho phép.

    Có thể nói, năm 2021, khu vực miền Nam chất lượng không khí xung quanh có sự chênh lệch rõ rệt giữa thời điểm không thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện giãn cách xã hội (từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2021). Chất lượng nước mặt có xu hướng cải thiện nhẹ so với năm 2020, trong đó sông Sài Gòn vẫn là sông có chất lượng nước ô nhiễm nặng nhất (đoạn chảy qua nội ô TP. Hồ Chí Minh). Chất lượng nước biển ven bờ tương đối ổn định và chất lượng nước khu vực cửa sông ven biển có xu hướng cải thiện so với năm 2020.

TS. Lê Hoài Nam, ThS. Đặng Thiên Hưng, ThS. Nguyễn Thị Bích Vân

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022) 

Ý kiến của bạn