Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Diễn biến chất lượng môi trường không khí và nước định kỳ khu vực phía Bắc các đợt đầu năm 2021

04/10/2021

    Thực hiện Quyết định của Tổng cục Môi trường, từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2021 Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc đã triển khai 5 đợt quan trắc môi trường không khí tại 31 điểm trên các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí ở khu đô thị, khu công nghiệp (KCN)… thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Quan trắc môi trường nước trên 5 lưu vực sông (LVS): Cầu, Nhuệ Đáy, Mã - Chu, Hồng - Thái Bình và LVS Lam, sông La).

    Chất lượng môi trường không khí  

    Thông qua kết quả quan trắc môi trường không khí định kỳ 5 đợt năm 2021 cho thấy, môi trường không khí các tỉnh miền Bắc chủ yếu bị ô nhiễm bởi tổng bụi lơ lửng (TSP), tiếng ồn và có sự biến động giữa các đợt quan trắc. Giá trị TSP cao, vượt ngưỡng ghi nhận tại các đợt quan trắc đầu năm (tháng 1, 3, 4) và giảm dần vào các tháng (5, 7), (đây cũng là khoảng thời gian một số tỉnh miền Bắc đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động giao thương bị hạn chế). Các thông số môi trường khác như NO2, CO, SO2, Pb đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

    Mức độ ô nhiễm bụi biểu hiện rõ nhất tại các trục giao thông và KCN trên địa bàn các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Vĩnh Phúc, ghi nhận tại các tháng đầu năm 2021 (tháng 1, 3, 4), giá trị TSP trung bình lớn nhất xác định tại điểm KCN Đại An - Hải Dương (tháng 4) là 334 µg/m3, vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h). Tuy nhiên, đến thời điểm quan trắc tháng 5,7, giá trị TSP giảm mạnh, trừ điểm quan trắc tại KCN Ba La (Hà Nội) vượt nhẹ so với giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h), các điểm quan trắc còn lại đều có giá trị TSP thấp, nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h).

Biểu đồ 1. Giá trị TSP tại KCN và Trục giao thông (tháng 1 - 7/2021)

    Tương tự như tại các KCN và trục giao thông, giá trị TSP tại các khu dân cư (KDC) cao vào thời điểm đầu năm 2021 (tháng 1, 3, 4) và giảm vào tháng (5, 7). Cụ thể, tháng 1 các điểm quan trắc gần KDC ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội và Quảng Ninh đều ghi nhận giá trị TSP vượt nhẹ giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT (TB 1h); đến tháng 7, toàn bộ các điểm quan trắc trong KDC ở miền Bắc có giá trị TSP thấp, nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.

Biểu đồ 2. Giá trị TSP tại các KDC (tháng 1 - 7/2021)

    Qua kết quả quan trắc cho thấy ô nhiễm tiếng ồn tập trung tại các điểm quan trắc gần KCN, các trục giao thông lớn, mức ồn giao động trong khoảng 70 - 80dBA, đã chạm và vượt giới hạn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT.

  Biểu đồ 3. Giá trị tiếng ồn các tỉnh miền Bắc (tháng 1 - 7/2021)

    Chất lượng môi trường nước trên các LVS

    Nhìn chung, chất lượng môi trường nước trên các LVS ở khu vực miền Bắc khá tốt, trong số 5 LVS thực hiện quan trắc có 3 LVS là LVS Hồng, Mã và Lam, sông La có chất lượng nước sông duy trì từ mức trung bình đến mức tốt trong cả 5 đợt quan trắc. Chất lượng môi trường nước sông ở mức xấu đến ô nhiễm, tập trung tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên LVS Nhuệ Đáy: đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận TP. Hà Nội, các sông nội thành Hà Nội; LVS Cầu: đoạn sông Ngũ Huyện Khuê; đoạn suối Loàng, cầu Bóng Tối. 

    LVS Cầu

    Trên thượng lưu sông Cầu, chất lượng môi trường nước sông duy trì mức tốt đến rất tốt trong cả 5 đợt quan trắc, giá trị chỉ số chất lượng nước (WQI) dao động từ 77-93, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt nhưng cần có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, chất lượng môi trường nước sông bị suy giảm khi chảy qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, tại đây thời điểm quan trắc đợt 2, 3 ghi nhận chất lượng nước sông ở mức trung bình, WQI: 51-75 và suy giảm xuống mức kém khi chảy qua địa phận tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang (WQI: 41-50), nước sông chỉ có thể sử dụng được cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác. Nguyên nhân một phần do tiếp nhận nguồn nước sông bị ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khuê và nước thải công nghiệp, làng nghề, dân sinh trên đoạn sông.

    So với thời điểm quan trắc đợt 2, 3 đến thời điểm quan trắc đợt 4, 5 (5, 7), chất lượng nước sông đã được cải thiện trên cả tuyến sông, nước sông đã có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt và các mục đích tương đương khác.

Biểu đồ 4. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Cầu (từ tháng 1 - 7/2021)

    Trên các phụ lưu sông Cầu, hạ lưu sông Công, sông Nghinh Tường, sông Thương tại Hải Dương, mặc dù có sự biến động giữa các đợt quan trắc song nhìn chung chất lượng nước sông luôn duy trì ở mức trung bình đến mức tốt, WQI: 60-95, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

    Các điểm Cầu Đào Xá trên sông sông Ngũ Huyện Khuê; điểm cầu Bóng Tối trên suối Bóng Tối là các điểm nóng ô nhiễm môi trường nước trên LVS Cầu. Trong đó tại điểm Cầu Đào Xá, nước sông bị ô nhiễm nặng trong cả 5 đợt quan trắc và chưa có dấu hiệu được cải thiện (WQI: 10-25), tại các điểm quan trắc còn lại (cầu Song Thát, Văn Môn) trên sông Ngũ Huyện Khê chất lượng nước sông cũng ở mức kém, nước sông chỉ sử dụng được cho hoạt động giao thông thủy. Đối với điểm cầu Bóng Tối đợt 4, 5 chất lượng nước sông được cải thiện so với thời điểm quan trắc đợt 1, 2 và 3, môi trường nước sông đã tạm thời thoát khỏi tình trạng bị ô nhiễm nặng, nước sông có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

Biểu đồ 5. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên phụ lưu sông Cầu (từ tháng 1 - 7/2021)

    LVS Nhuệ - Đáy

    Các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) là các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên LVS Nhuệ - Đáy. Chất lượng nước sông liên tục ở mức ô nhiễm nặng và chưa có dấu hiệu được cải thiện (WQI: 10-18) và cần có các biện pháp xử lý.

Biểu đồ 6. Diễn biến chất lượng nước trên các sông nội thành Hà Nội (từ tháng 1 - 7/2021)

    Trên dòng chính sông Nhuệ, chất lượng nước sông thường xuyên ở mức ô nhiễm, trên cả tuyến sông từ Phúc La đến Nhật Tựu, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nặng (WQI:10-16), các điểm qua Hà Nam chất lượng nước sông được cải thiện hơn song cũng chỉ ở mức kém hoặc mức trung bình (WQI:26-55). Do phải tiếp nhận nước ô nhiễm từ sông Tô Lịch và nước thải từ các làng nghề của TP. Hà Nội.

Biểu đồ 7. Diễn biến chất lượng nước trên sông Nhuệ (từ tháng 1 - 7/2021)

    Trên sông Đáy, đoạn qua TP. Hà Nội, kết quả quan trắc 5 đợt năm 2021 cho thấy chất lượng nước sông thường ở mức trung bình và mức kém (WQI:26-58). Chất lượng nước sông Đáy được cải thiện dần về phía địa phận tỉnh Hà Nam, Ninh Bình (WQI: 63-94), nước sông đã sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

     Các phụ lưu: sông Hoàng Long, sông Đào, chất lượng nước sông khá tốt, sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (WQI: 76-79). Riêng sông Châu Giang, do ảnh hưởng của nước ô nhiễm từ sông Nhuệ và nước thải của các cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt, khu vực Đầm Tái và Cầu Sắt chất lượng nước sông chỉ ở mức trung bình, một vài thởi điểm ghi nhận nước sông bị ô nhiễm nặng.

    LVS Hồng - Thái Bình

    Chất lượng nước trên LVS Hồng - Thái Bình đa phần trong các đợt quan trắc năm 2021 khá tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Tuy nhiên, cục bộ tại một số đoạn sông như đoạn Cầu Phố Lu (Lào Cai) đợt 4; đoạn từ Quy Mông đến Cầu Yên Bái (Yên Bái) đợt 1, 2 chất lượng nước sông giảm so với đợt các đợt quan trắc khác, chất lượng nước sông chỉ ở mức trung bình (WQI: 51-75).

    Trên sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình chất lượng môi trường nước sông vẫn duy trì trạng thái sạch và chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm.

Biểu đồ 8. Diễn biến chất lượng môi trường nước trên sông Hồng (từ tháng 1 - 7/2021)

    LVS Mã - Chu

    Chất lượng môi trường nước LVS Mã - Chu qua 5 đợt quan trắc cho thấy, đều duy trì ở mức trung bình đến mức tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, giá trị WQI >64.

    Các phụ lưu: Sông Chu và sông Bưởi, chất lượng nước sông tốt hơn dòng chính sông Mã, nước sông sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt.  

    LVS Lam, sông La và các sông phụ lưu

    Chất lượng môi trường nước LVS Lam, sông La và các sông phụ lưu qua 5 đợt quan trắc duy trì ở mức khá tốt, đa phần tại các điểm quan trắc chất lượng nước có giá trị WQI > 76, đạt mức tốt đến rất tốt, nước sông sử dụng tốt cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt, tuy nhiên tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực tập trung dân cư đông như cửa Hội, cầu Bến Thủy 2, chất lượng nước sông bị suy giảm, tại đây chất lượng nước sông chỉ ở mức trung bình, nước sông sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

    Kết luận

    Kết quả quan trắc môi trường không khí ở khu vực miền Bắc các đợt đầu năm 2021 cho thấy, chủ yếu bị ô nhiễm bởi tổng bụi lơ lửng (TSP) và có sự biến động giữa các đợt quan trắc. Mức độ ô nhiễm TSP biểu hiện rõ nhất tại các trục giao thông và KCN trên địa bàn các tỉnh, TP như Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Vĩnh Phúc trong thời điểm quan trắc đầu năm 2021. Các thông số khác (CO, NO2, SO2 và Pb) đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05-MT:2013/BTNMT.

    Chất lượng môi trường nước trên các LVS (Hồng - Thái Bình, Mã Chu và Cả La) duy trì ở mức tốt đến rất tốt, nước sông có thể dùng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Ô nhiễm vẫn tiếp diễn tại các điểm nóng về môi trường nước trên các LVS Cầu và LVS Nhuệ - Đáy và chưa có dấu hiệu được cải thiện. Nguyên nhân do phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ TP. Hà Nội, TP. Thái Nguyên và nước thải từ các làng nghề trên lưu vực. Cụ thể, đoạn sông Nhuệ chảy qua địa phận TP. Hà Nội, địa phận Hà Nam, các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ) trên LVS Nhuệ - Đáy; sông Ngũ Huyện Khê trên LVS Cầu.

ThS. Nguyễn Gia Cường, ThS. Phạm Thị Thùy
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2021)

 

Ý kiến của bạn