Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đề xuất trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn

25/10/2021

    Ngày 20/10/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức họp xem xét Dự thảo Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Xuân Huyên chủ trì cuộc họp, cùng tham dự có các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn.

    Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên nhấn mạnh, các đơn vị liên quan cần khẩn trương thực hiện 10 nhóm giải pháp, 14 nhiệm vụ đã được nêu trong Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Các huyện nằm trong Đề án cần cụ thể trách nhiệm trong xây dựng Công viên địa chất, xác định việc này không những bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị địa chất mà còn phát huy được cả các di sản đã có trong vùng, phát triển du lịch mang tính bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế.

    Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp các ý kiến đóng góp, rà soát lại Đề án thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, trình UBND tỉnh trước ngày 1/11/2021.

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

    Ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa - UNESCO, Bộ Ngoại giao cho rằng, công tác khảo sát, chuẩn bị hồ sơ phải tiến hành ngay từ bây giờ, tháng 12/2022 sẽ chính thức gửi hồ sơ đến UNESCO, để năm 2023 UNESCO có thể cử chuyên gia sang tìm hiểu thực tế và sẽ họp vào tháng 9/2023 để xem xét thông qua.

    Công viên địa chất toàn cầu là khu vực tự nhiên, độc đáo, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học cùng nhiều giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích thích hợp để phát triển du lịch, các dịch vụ phụ trợ được UNESCO công nhận. Qua khảo sát, Lạng Sơn được các chuyên gia đến từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới công viên địa chất Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trung tâm Karst và Di sản Địa chất đánh giá cao về tiềm năng di sản địa chất phong phú, đặc biệt là hệ thống hang động, thạch nhũ còn bảo tồn tốt… Các thung lũng giữa núi phân cách nhau bởi các cụm đỉnh dạng chóp nón, yên ngựa nối đỉnh, tạo nên địa hình của các kiểu phân rã đặc trưng thông thường được đánh dấu bởi hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất, nhiều phân vị địa chất, mặt cắt địa chất chuẩn, nhiều kiểu loại hóa thạch…

    Với chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng năm 2025, khách du lịch đạt 4,4 triệu lượt khách (trong đó có 900 nghìn lượt khách du lịch quốc tế và 3,5 triệu lượt khách du lịch nội địa) và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khách du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách (trong đó có 1,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 4,6 triệu lượt khách du lịch nội địa) được cụ thể hóa trong nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, việc thành lập Công viên địa chất, hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu là rất phù hợp. Đây là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị về di sản, nâng tầm du lịch Xứ Lạng.

    Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở đã chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn là Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT), các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, dự kiến Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn nằm về phía Tây Nam của tỉnh, bao gồm trọn vẹn khối đá vôi Bắc Sơn, thuộc địa bàn của 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8 km2, dân số 375.656 người, tương ứng chiếm khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh. Mục tiêu của việc thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, BVMT, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh - quốc phòng của khu vực công viên địa chất nói riêng, tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh Đông Bắc Việt Nam nói chung.

    Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan xác lập những căn cứ khoa học để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Thời gian tới, Sở cũng sẽ tổ chức tham quan, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế; xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng. Cùng với đó là xây dựng hệ thống biển bảng thuyết minh, trang web, tờ rơi, ấn phẩm, các trung tâm thông tin…

Hương Trần

Ý kiến của bạn