Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp khi ô nhiễm không khí ở mức nghiêm trọng

15/11/2021

    Theo quy định tại Dự thảo Nghị định quy định một số điều của Luật BVMT vừa được trình Chính phủ, khi tình trạng ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền có thể triển khai các biện pháp, gồm: Hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ; tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học; tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời.

    Dự thảo Nghị định cũng quy định thẩm quyền triển khai các biện pháp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cụ thể, trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp nói trên. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi nội tỉnh, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp.

Ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống con người

    Về khái niệm ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Dự thảo Nghị định quy định môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp liên vùng, liên tỉnh khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ngày có giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp ranh trở lên trong thời gian 3 ngày liên tục.

    Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp tỉnh khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN_AQI) ngày có giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trên địa bàn trong thời gian 3 ngày liên tục.

    Dự thảo Nghị định cũng quy định, trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố môi trường, việc triển khai các biện pháp khẩn cấp sẽ theo quy định về ứng phó sự cố môi trường.

    Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia về môi trường không khí, có 4 nhóm nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam bao gồm các hoạt động công nghiệp, xây dựng, giao thông và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ. Ô nhiễm không khí tại các tỉnh miền Bắc thường nghiêm trọng hơn các tỉnh miền Nam do đặc điểm về điều kiện khí tượng.

    Tại các tỉnh miền Bắc, ô nhiễm không khí thường diễn ra theo chu kỳ. Trong đó, thời gian ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thường tập trung vào mùa đông, trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Thời gian này thường xảy ra nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi điều kiện khí tượng không thuận lợi dẫn đến chất ô nhiễm không phát tán được mà tập trung ở sát bề mặt đất, gây ô nhiễm. Ô nhiễm không khí ở Việt Nam được xác định chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 - loại bụi được xác định là tử thẩn trong không khí khi có thể đi trực tiếp vào máu, gây ra nhiều loại bệnh liên quan đến hô hấp và tim mạch.

    Theo một nghiên cứu do Quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí. Trong khi đó, các nhà khoa học của Đại học Kinh tế Quốc dân ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82 - 13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45% - 5,64% GDP (năm 2018).

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn