Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Các tác động của ô nhiễm môi trường đối với với đa dạng sinh học Việt Nam

04/05/2022

Đa dạng sinh học của Việt Nam

    Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của thế giới với sự đa dạng các hệ sinh thái (HST) tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và nhiều loài đặc hữu. Đến nay, trong sinh giới Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm: 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; có trên 11.000 loài sinh vật biển. Trong số các loài sinh vật đã biết, số lượng loài đặc hữu cho Việt Nam chiếm một tỷ lệ khá lớn (khoảng 30% số loài thực vật bậc cao có mạch trên cạn; 4,6 số loài, phân loài chim; 27,4% số loài trai, ốc nước ngọt; khoảng 58% số loài tôm, cua nước ngọt…) [1].

Bảng: Số lượng các loài bản địa và đặc hữu của Việt Nam

 

Loài đặc hữu

Loài bản địa

Lưỡng cư

52

153

Chim

7

665

Động vật có vú

19

263

Bò sát

74

30

Thân mềm

0

3

Cá nước ngọt

214

37

Cá biển

10

131

Thực vật

27

261

Tổng

403

1.543

(Nguồn: Living National Treasures (http://Intreasures.com/vietnam.html))

    Trong hơn hai thập kỷ qua (2000-2020) có hơn 1.200 loài mới đã được phát hiện tại Việt Nam, trong đó có những phát hiện đã làm ngạc nhiên giới khoa học trên toàn cầu. Riêng trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến tháng 12/2020 đã thống kê 644 loài mới cho khoa học được mô tả và công bố trong các tạp chí khoa học có uy tín. Một điều rất đặc biệt mà cả thế giới quan tâm là chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ 1992 đến năm 2000, các nhà khoa học Việt Nam cùng phối hợp với Quỹ Động vật hoang dã Quốc tế (WWF) đã phát hiện thêm 3 loài thú lớn, 4 loài thú nhỏ mới cho khoa học, đó là: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) phát hiện năm 1992; Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis) phát hiện năm 1993; Bò rừng xoắn (Pseudonovibos spiralis) ở Tây Nguyên, phát hiện năm 1994; Mang Trường Sơn (Caninmuntiacas Truongsonensis) phát hiện 1996; Cầy Tây Nguyên (viverra tainguyenensis) phát hiện năm 1998; Mang Pù Hoạt (Muntiacus puhoatensis) năm 1997; Thỏ vằn (Isolagus timminsis) phát hiện năm 2000.

    Có thể khẳng định, HST tự nhiên cũng như nhân tạo có chức năng quan trọng trong giữ gìn sự cân bằng, ổn định môi trường tự nhiên, môi trường xã hội phục vụ cho sự bình an và hạnh phúc của con người, của các dân tộc, của đất nước bởi giá trị to lớn không có gì có thể thay thế được. Vai trò của HST rừng trên đất liền, rừng ngập mặn, vùng biển và ĐDSH trong lĩnh vực BVMT, nhất là HST khu vực rừng đầu nguồn ven sông, ven biển có tác dụng kiểm soát, ngăn chặn xói mòn, điều tiết khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, hỗ trợ cải tạo đất, lưu trữ cacbon, là lá phổi xanh, là bức bình phong khổng lồ cho an ninh môi trường, an ninh quốc phòng, cho an sinh xã hội, sức khỏe của con người và động vật, mà còn là một barie địa hóa góp phần lưu giữ, che chắn các chất thải từ vùng đất liền, từ các cửa sông ra biển.

Việt Nam đã và đang phải đối diện với những thách thức ngày càng gia tăng về vấn đề mất ĐDSH

Tác động của ô nhiễm môi trường đối với ĐDSH ở Việt Nam

    Hiện nay, trong cơ chế thị trường các hoạt động sản xuất về công nghiệp, nông lâm nghiệp, thủy sản, du lịch và các hoạt động xã hội đan xen dưới nhiều hình thức khác nhau có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng đáng kể, tạo tiền đề trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, một số các hoạt động về công nghiệp, xây dựng, giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, làng nghề, du lịch… đã gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) không khí, môi trường nước, môi trường đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng trên cạn, đất ngập nước và vùng biển, đến ĐDSH.

    Số lượng các loài động vật, thực vật hoang dã trong tự nhiên bị đe dọa đã gia tăng từ 906 loài (2007) tăng lên 1.211 loài (2020) gồm 600 loài thực vật và 611 loài động vật. Trong đó có khoảng 100 loài thực vật và gần 100 loài động vật với nguồn gen tự nhiên rất quý đang có nguy cơ tuyệt chủng [2]. Cụ thể như loài hổ Đông Dương (Pantheratigirs Corbetti) trước thập kỷ 1980 (TK XX) ước tính có khoảng từ 800-1.000 cá thể phân bố rộng vùng rừng núi từ Nam xuống Bắc, đến nay ước tính chỉ còn dưới 20 cá thể trong tự nhiên. Loài voi châu Á (Elephas maximus) trước năm 1980 ước tính có khoảng 1.000 cá thể trong tự nhiên phân bố từ vùng Tây Bắc đến dãy Trường Sơn vào tận Đông Nam Bộ - nhất là rừng các tỉnh Tây Nguyên (rừng cây họ dầu) thường gặp hàng đàn 20-30 con đủ các thế hệ thế mà ngày nay vùng phân bố chỉ gặp ở một số nơi với số lượng rất thấp không dưới 100 cá thể chủ yếu ở Bắc Trung Bộ, Quảng Nam - Kon Tum - Đắc Lắc và Đồng Nai - Bình Phước.

    Bên cạnh đó, Việt Nam còn lưu giữ một số ít những nguồn gen tự nhiên vô cùng quý không chỉ đối với Việt Nam, mà còn có ý nghĩa toàn cầu, như loài voọc mũi hếch (Rhinopithecus avanculus) là loài đặc hữu bản địa Việt Nam chỉ phân bố ở một số tỉnh Đông Bắc Việt Nam (Tuyên Quang, Bắc Cạn, Hà Giang) với số lượng khoảng dưới 200 cá thể tập trung chủ yếu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Khau Ca, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Loài sao la (Pseudoryx vuquangensis) loài thú mới phát hiện tại rừng Vũ Quang Hà Tĩnh (gần giáp với biên giới Việt - Lào) năm 1992. Đây là loài đặc hữu hẹp chỉ có ở Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với số lượng còn khoảng <50 cá thể phân bố rải rác ở Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (WWF 2021). Chim công (Povo munticus) là loài chim đẹp trong tự nhiên, trước đây phân bố rộng từ Nam xuống Bắc, nhưng hiện nay chỉ còn gặp ở một số địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ với số lượng rất thấp. Đây là nguồn gen quý có giá trị nhiều mặt trong đời sống văn hóa của người Việt.

    Đặc biệt đối với các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn vùng biển, các rạn san hô, thảm cỏ biển suy giảm nghiêm trọng do ÔNMT từ các loại rác thải, rác thải nhựa, chất thải rò rỉ từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tràn dầu từ các hoạt động khai thác dầu khí, giao thông vận tải… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái ven sông, ven biển. Điển hình sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm chết hàng trăm loài thủy hải sản ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; sự cố xả chất thải chưa qua xử lý do Công ty Mía đường Hòa Bình, Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng gây cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, Thanh Hóa (2016). Gần đây, tại hồ Tây, Hà Nội, hàng chục nghìn tấn cá và các loại rong, tảo trong hồ bị hủy diệt do môi trường nước hồ bị ô nhiễm nặng (2019). Bên cạnh hồ Tây (Tây Hồ) có sông Tô Lịch chảy qua 6 quận, huyện nội thành của Thủ đô Hà Nội (Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì) đã bị ÔNMT nghiêm trọng. Đây là những vùng đông dân cư, sầm uất cùng với các hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… đã xả các loại chất thải chưa qua xử lý ra dòng sông, biến dòng sông Tô Lịch từ dòng sông xanh thành dòng sông chết do môi trường bị ô nhiễm.

    Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km với diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2 với nhiều hệ sinh thái đặc thù và ĐDSH cao. Trong những năm gần đây, do khai thác quá mức và sử dụng các biện pháp đánh bắt có tính hủy diệt cùng với tình trạng ÔNMT đã làm nghèo kiệt các hệ sinh thái, các rạn san hô, thảm cỏ biển gây xáo trộn trong các hệ sinh thái tự nhiên vốn có, ảnh hưởng đến ĐDSH như các loài chim di cư trên biển, rùa biển, cá biển và thủ ở biển. Chẳng hạn quần thể các loài cá heo trắng trung hoa (sousa chinensis) trước năm 1990 còn gặp phổ biến ở các đảo, quần đảo Quảng Ninh - Hải Phòng, hoặc loài bỏ biển (Dugon dugon) thường xuất hiện ở đảo Phú Quốc…, nhưng nay không còn xuất hiện; các hệ sinh thái rừng ngập mặn từ Nam xuống Bắc suy giảm kéo theo suy giảm ĐDSH, ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe của cộng đồng nhất là cộng đồng sống ven biển.

    Trên đây là một vài ví dụ cụ thể phản ánh tình trạng ÔNMT ở một số khu vực của nước ta hiện nay đã làm ảnh hưởng đến ĐDSH. Rõ ràng khi môi trường bị ô nhiễm, môi trường có nhiều khí cacbonic trong không khí sẽ làm cho hiện tượng quang hợp gia tăng, dẫn tới sự phát triển mạnh của các loài cây cối nhưng không đồng đều, các loài cỏ dại phát triển mạnh hơn các loài cây trồng. Một số loài thực vật, động vật, các loài vi khuẩn, virus có khả năng thích ứng thì phát triển mạnh, trong khi đó có một số giống loài không có khả năng thích ứng thì phát triển chậm, thậm chí bị hủy diệt.

    Trong Báo cáo đánh giá toàn cầu của UNEP đã cảnh báo ÔNMT hiện nay làm suy giảm mạnh các hệ sinh thái tự nhiên trung bình là 47% và khoảng 25% các loài bị đe dọa. Dự báo nếu tình trạng ÔNMT không được cải thiện cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, thì sẽ có đến 1 triệu loài thực vật, động vật bị hủy diệt. Sự suy giảm và mất mát ĐDSH trong tự nhiên, cũng như trong nhân tạo đồng nghĩa với việc mất đi các kiến thức bản địa truyền thống của cộng đồng các địa phương do sự đa dạng các hệ sinh thái đã tạo điều kiện cho con người ở các vùng miền khác nhau hình thành nên các kiến thức truyền thống trong việc khai thác, sử dụng và bảo tồn các hệ sinh thái, bảo tồn loài, bảo tồn nguồn gen của ĐDSH. Ở Việt Nam có hàng trăm, hàng nghìn các mô hình tốt, hiệu quả trong sử dụng, bảo vệ da dạng sinh học thông qua kiến thức bản địa truyền thống ở các vùng miền cần được điều tra, kiểm kê, đánh giá nhằm lồng ghép ứng dụng vào công tác quản lý ÔNMT cũng như bảo tồn ĐDSH, phục hồi lại các hệ sinh thái bị nghèo kiệt.

Đề xuất các giải pháp ngăn chặn ÔNMT đối với ĐDSH

    Thứ nhất, ÔNMT chủ yếu do con người gây nên từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và du lịch... Vì vậy, con người cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình để ứng xử thân thiện, tôn trọng thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên. Do đó, giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của con người trong xã hội ở từng quốc gia là yêu cầu cần thiết và tiến hành thường xuyên.

    Thứ hai, lên án mạnh mẽ những hành vi gây ÔNMT trên cạn, vùng đất ngập nước, vùng biển, vùng thành thị hay nông thôn.

    Thứ ba, thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ CHXHCNVN “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Phải kiểm tra, giám sát ở mọi nơi, xử phạt nghiêm minh nếu vi phạm.

    Thứ tư, nghiêm túc, trách nhiệm thực hiện các điều khoản đã quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Lâm nghiệp năm 2017 về Bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH, bảo vệ nguồn gen sinh vật quý hiếm, phân loại thu gom, vận chuyển tái chế rác thải sản xuất, rác thải sinh hoạt, ngăn chặn tận gốc rác thải nhựa xuống các hồ, ao, sông và biển.

    Thứ năm, đầu tư khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ môi trường, đẩy mạnh nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

    Thứ sáu, hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh do Chính phủ phát động ở mọi miền của Tổ quốc - trồng, chăm sóc và bảo vệ.

    Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu các tác động của ÔNMT đối với ĐDSH và sức khỏe.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, 2021. Báo cáo Quy hoạch bảo tồn ĐDSH từ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045. Báo cáo khoa học.

2. Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, 2020. Tư liệu nghiên cứu bổ sung, tu chỉnh Sách đỏ Việt Nam. Báo cáo khoa học.

3. Nguyễn Kiêm Sơn, 2005 - Đánh giá môi trường nước bằng chỉ số Tổ hợp sinh học và chỉ số ĐDSH dựa vào thành phần loài cá thu được ở Sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Hội thảo Quốc gia về sinh thái và tài nguyên sinh vật. NXB Nông nghiệp.

GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2022)

 

Ý kiến của bạn