Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất một số giải pháp về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

12/04/2021

     Trong các năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có tốc độ phát triển nhanh và mạnh về nhiều mặt như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, du lịch… Tuy nhiên,sự phát triển đó cũng làm gia tăng sức ép lên môi trường, đặc biệt là các vấn đề quản lýchất thải rắn, ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, suy thoái tài nguyênsinh học…Để phục vụ cho việc xây dựng cácchương trình hành động cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, xây dựng và triển khaicác dự án để cải thiện, xử lý ô nhiễm môi trường ngày càng có hiệu quả, trong thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa đã đánh giá thực trạng môi trường, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường tạo sự chủ động cho công tác BVMT trên địa bàn toàn tỉnh.

     Đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường

      Chất lượng nước mặt

     Tỉnh Khánh Hòa có hai con sông thuộc loại trung bình hoặc nhỏ so với các sông khác ở Trung Bộ, đó là sông Cái Nha Trang và sông Cái Ninh Hòa (sông Dinh), nhưng có tổng diện tích lưu vực xấp xỉ 3.000 km2 - chiếm 3/5 diện tích của tỉnh. Chất lượng nước sông Cái Nha Trang, sông Dinh Ninh Hòa từ năm 2015 - 2019 khá tốt với phần lớn các thông số nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn, tuy nhiên tại một số vị trí có thời điểm vẫn còn một số thông số nằm ngoài giới hạn cho phép của quy chuẩn( Sông Dinh Ninh Hòa, vị trí Cầu Dục Mỹ thông số TSS có nồng độ TB 66,5; cực tiểu 7,0; cực đại 1,173,0mg/l. Các nồng độ TSS cao hơn mức 20mg/l được gặp vào tất cả các năm, giá trị cực đại được gặp vào năm 2019). Chất lượng nước tại 7 hồ gồm Hồ Hoa Sơn, Suối Dầu, Đá Bàn, Cam Ranh, Tiên Du, Tà Rục và hồ Suối Hành, theo kết quả quan trắc cho thấy có một vài chỉ tiêu có lúc không đáp ứng yêu cầu của Quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (Hồ Cam Ranh TSS có nồng độ TB 17,5; cực tiểu 3,0; cực đại 87,0. Nồng độ TSS cao hơn mức 20mg/l được gặp vào năm 2015, 2018 và 2019).

     Đối với các mương tiếp nhận nước thải, qua kết quả thống kê số liệu 5 năm (2015 - 2019) nồng độ (giá trị) của các chỉ tiêu pH, DO, Zn, Cu,Pb, Cr, As, Cd đều đạt yêu cầu của Quy chuẩn QCVN 39:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu. Tuy nhiên, trong số các trạm quan trắc nước mặt, nồng độ của nhiều kim loại trong số các kim loại nêu trên cao nhất tại trạm Mương Nhà máy Dệt  do đặc thù của hoạt động sản xuất tại Nhà máy Dệt.

     Chất lượng nước biển

     Đối với diễn biến môi trường biển ven bờ, hàm lượng DO trong môi trường nước biển ven bờ tại khu vực Đại Lãnh và Vịnh Vân Phong - Bến Gỏi, Đầm Nha Phu, Nha Trang - Bãi Dài¸Đầm Thủy Triều - Vịnh Cam Ranhđều có giá trị nằm trong khoảng cho phép quy định trong QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ, tuy chỉ có oxy hòa tan không đạt giới hạn cho phép tại Đỉnh Đầm Nha Phu và Đỉnh Đầm Thủy Triều.Hàm lượng Amoni, Dầu mỡ trong nước biển ven bờ tại Đại Lãnh và Vịnh Vân Phong – Bến Gỏi, Đầm Nha Phu đều đạt QCVN 10-MT:2015/BTNMT và có xu hướng giảm qua từng năm. Khu vực Vịnh Nha Trang - Bãi Dài, các thông số quan trắc nhưCOD, amoni, và dầu mỡ đều đạt QCVN 10-MT:2015/BTNMT, chỉ có thông số coliform tại Bãi Dài vượt quy chuẩn tần suất vượt 33%. Khu vực Đầm Thủy Triều - Vịnh Cam Ranh: các thông số quan trắc amoni, đều đạt quy chuẩn QCVN 10-MT:2015/BTNMTngoại trừ oxy hòa tan không đạt quy chuẩn tại Đỉnh Đầm Thủy Triều và Cầu Long Hồ (tần suất 8%), coliform vượt quy chuẩn tại Cảng Cam Ranh (33%), Nhà máy đường Khánh Hòa (8%).

     Chất lượng môi trường không khí

     Chất lượng môi trường không khí của tỉnh Khánh Hòa được cải thiện qua các năm do nồng độ bụi PM2,5, CO hay SO2 đều có xu hướng giảm từ 5% - 16% qua các năm. Diễn biến nồng độ bụi (TSP) trong năm 2016 - 2019 tại các trạm quan trắc cho thấy, tại phần lớn các khu vực chịu ảnh hưởng của hoạt động giao thông (điển hình là khu vực Ngã Ba Cây Dầu Đôi) với giá trị nồng độ bụi khá cao và cao hơn các khu vực Ngã Ba Ninh Hòa, Sân Bay Cam Ranh hay Bãi Dài, nhưng lại có xu hướng giảm dần vào năm 2019. Tại các khu dân cư hầu hết nồng độ bụi đều khá thấp, hầu như nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.Nhưng có thể nhận thấy nồng độ tại các khu vực này cũng chịu tác động một phần của giao thông vì vị trí lấy mẫu cũng gần các tuyến đường giao thông. Khu vực có chất lượng môi trường không khí ít biến động nhất và đạt quy chuẩn qua các đợt quan trắc chủ yếu là khu vực TT Vạn Giã, khu TĐC Ninh Thủy, Sân Bay Cam Ranh hay Thị trấn Khánh Vĩnh.

Chất lượng nước tại sông Cái Nha Trang đảm bảo sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt

     Đối với nồng độ NO2 tại các trạm quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn. Nồng độ NO2 trung bình trong năm 2019 tại hầu hết các khu vực khác trong tỉnh tăng so với năm 2016, nhưng giảm so với năm 2017 và 2018.Riêng tại 02 trạm Ngã Ba Cây Dầu Đôi và TP. Cam Ranh có xu hướng gia tăng qua các năm. Khu vực có nồng độ NO2 cao tập trung chủ yếu các trạm ven tuyến đường giao thông như Ngã Ba Ninh Hòa, Ngã Ba Cây Dầu Đôi hay TP. Cam Ranh.Nồng độ SO2 tại các trạm quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.Nồng độ SO2 trung bình trong năm biến động không nhiều qua các năm tại các trạm.Riêng tại 02 trạm Ngã Ba Cây Dầu Đôi và TP Cam Ranh cũng có xu hướng gia tăng qua các năm và cũng là 02 trạm có nồng độ SO2 cao nhất trong toàn tỉnh.

     Một số áp lực đối với môi trường địa phương

     Áp lực hoạt động phát triển công nghiệp

     Hiện nay, phát triển kinh tế ở nước ta nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng vẫn còn theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác BVMT ở một số ngành, lĩnh vực nói chung và kinh phí sự nghiệp môi trường dành cho ngành công thương vẫn còn hạn chế. Hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường ngành công thương vẫn còn đang trong quá trình xây dựng và đang được hoàn thiện.Do đó, các hoạt động công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển năng lượng vẫn tiềm ẩn nhiều tác động xấu đến môi trường.

     Áp lựchoạt động phát triển năng lượng

     Việc xây dựng các công trình phát triển năng lượng (thủy điện, điện mặt trời) các năm qua tập trung phát triển điện mặt trời đã mang lại nhiều lợi ích cho cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Vai trò tích cực của các dự án về phát triển năng lượng trước hết là phát huy mọi năng lực của địa phương, nhằm làm tăng khả năng đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của khu vực nơi xây dựng dự án. Ngoài tác động tích cực, việc phát triển năng lượng sẽ có những tác động xấu đến môi trường xung quanh như: đất đai, diện tích rừng do xây dựng nhà máy, rủi ro sự cố vỡ đập làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội dưới vùng hạ lưu, mất khả năng điều tiết nước dưới vùng hạ lưu.

     Tại tỉnh Khánh Hòa đang chịu áp lực về việc phát triển các dự án điện mặt trời dưới 01MW đầu tư dưới hình thức kết hợp trang trại sản xuất nông nghiệp và các hộ gia đình chưa được quy hoạch, chưa phù hợp với việc sử dụng đất; gây khó khăn cho công tác quản lý. Đối với các dự án điện mặt trời có công suất nhỏ 1MW được miễn thực hiện đăng ký kế hoạch BVMT theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT và được sửa đổi, bổ sung tại Điểm 2, Khoản 11, Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT.Tuy nhiên, đối với việc đầu tư quá nhiều dự án điện mặt trời sẽ phát sinh khối lượng chất thải phát sinh từ tấm pin mặt trời; hiện nay chi phí thu hồi, tái chế và xử lý đối với tấm pin mặt trời lớn; việc yêu cầu nhà sản xuất thu hồi và xử lý chưa rõ và chưa phù hợp với sản phẩm thải bỏ là các tấm pin mặt trời.

     Áp lực hoạt động phát triển nông nghiệp

     Trong thời gian qua hoạt động sản xuất của ngành nông nghiệp đã có những đóng góp rất tích cực cho kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống nông dân. Tuy nhiên, hoạt động của ngành nông nghiệp cũng đã góp phần làm gia tăng các nguồn gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nông thôn. Việc sử dụng, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thu gom bao bì thuốc BVTV chưa triệt để, chưa đúng quy định gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và nông sản với nhiều hậu quả đáng báo động. Nhận thức về sử dụng nông dược của một số hộ nông dân còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do dư lượng thuốc BVTV còn tồn lưu trong một số các loại rau quả bán trên thị trường.

     Bên cạnh đó, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa vẫn thiếu các bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các huyện.Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh, dân cư tập trung ngày càng đông dẫn đến khối lượng rác thải khu vực nông thôn ngày càng tăng, gây áp lực lớn cho các bãi rác tập trung ở các huyện. Các bãi rác ở khu vực nông thôn được xây dựng và hoạt động theo hình thức thủ công, không đảm bảo vệ sinh, gây ảnh hưởng xấu đến nguồn nước ngầm và môi trường xung quanh. Phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải còn thiếu và thô sơ phát sinh vấn đề ô nhiễm trong quá trình thu gom, vận chuyển.Nguồn vốn để thực hiện xây dựng các bãi rác hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn, mua sắm các trang thiết bị để thực hiện việc phân loại rác tại nguồn, thu gom phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ còn thiếu. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn chưa có nhiều tổ chức cá nhân tham gia.

     Áp lực hoạt động phát triển hoạt động du lịch, dịch vụ

     Bên cạnh các ngành kinh tế khác, dịch vụ - du lịch được chọn là ngành trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa trong suốt nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng hàng năm cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết, nhất là công tác quản lý, giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường.Hiện tượng rác thải bừa bãi ở các bến tàu, các tàu thuyền du lịch trên biển, bến xe... vẫn còn phổ biến, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, các dịp lễ tết có lượng du khách tăng cao. Ý thức của người dân về việc bỏ rác đúng nơi quy định, ứng xử văn hóa, văn minhnơi công cộng, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông vẫn còn một số hạn chế. Cùng với tốc độ phát triển du lịch quá nhanh nên đã vượt ngoài khả năng kiểm soát, tạo sức ép lớn đến môi trường nước, đa dạng sinh học và gia tăng chất thải rắn.

     Ngoài ra còn phải kể đến ảnh hưởng từ các dự án sân golf đến tài nguyên, môi trường. Lợi ích từ sân golf mang lại về kinh tế đã rõ nhưng những tác hại mà các dự án sân golf gây ra là không nhỏ, ảnh hưởng có thể kéo dài và cho nhiều đối tượng, tài nguyên đất, nước…. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 02 sân golf đang hoạt động là sân golf Vinpearl và sân golf Diamond bay. Hoạt động xây dựng sân golf đã làm thay đổi cảnh quan môi trường do chuyển đổi một diện tích lớn từ đất rừng hoặc đất nông nghiệp phục vụ cho việc xây dựng dự án. Ngoài ra, hoạt động của sân golf có thể gây thoái hóa môi trường, từ việc sử dụng nhiều nước cho sân golf có thể đe dọa những khu vực phải chia sẻ nguồn nước và không có nguồn nước dồi dào cho đến việc sử dụng một số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, phân bóngây áp lực lên môi trường mà còn có thể ảnh hưởng cho sức khỏe của con người.

     Đề xuất một số giải pháp về BVMT trong thời gian tới

     Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BVMT từ trung ương đến địa phương; có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa công tác BVMT nhằm giảm áp lực kinh phí sự nghiệp môi trường của Nhà nước trong các lĩnh vực: Ưu tiên đầu tư, mua sắm thực hiện các dịch vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xây dựng các dự án, công trình xử lý chất thải sinh hoạt, các công trình BVMT… Tìm kiếm, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ ngoài ngân sách trong và ngoài nước để hỗ trợ công tác BVMT.

     Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý môi trường: củng cố cơ cấu tổ chức, bộ máy cán bộ công chức làm công tác BVMTđể có thể thực hiện được chức năng nhiệm vụ theo phân cấp của LuậtBVMT. Đi đôi với việc củng cố nhân sự, triển khai ngay các chương trình nâng cao năng lực cho Sở TN&MT, Ban quản lý KKT Vân Phong, các phòng TNMT các huyện. Bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp thiết bị văn phòng để có thể lưu trữ dữ liệu và sử dụng các phần mềm quản lý có hiệu quả, các trang thiết bị đo nhanh một số chỉ tiêu môi trường… Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường các Trường, Viện nghiên cứu tổ chức các khoá học bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực để có thể đáp ứng yêu cầu trong nhiệm vụ mới.

     Nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường:nâng cao năng lực của Trung tâm quan trắc TN&MT;Đầu tư máy móc, thiết bị phân tích; lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục về nước mặt, nước biển ven bờ, không khí; nâng tần suất quan trắc và số điểm quan trắc theo mạng lưới quan trắc được duyệt; điều chỉnh mạng lưới quan trắc môi trường; nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức chuyên môn nhằm từng bước tăng cường năng lực trong hoạt động quan trắc môi trường, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường trong thời gian đến.

     Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh; rà soát, kiểm tra yêu cầu lắp đặt các trạm quan trắc tự động đối với các nguồn thải lớn và truyền về Sở TN&MT để giám sát và lập kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định.

     Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong BVMT. Đẩy mạnh sự phối hợp giữa các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác tuyền truyền nâng cao nhận thức về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;  Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng trong quá trình triển khai, áp dụng các quy định, chính sách về môi trường và cộng đồng trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc về môi trường; biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác BVMT.

Nguyễn Thị Nguyệt Hà - Chi cục trưởng

Chi cục BVMT tỉnh Khánh Hòa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2021)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn