Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Chỉ số Đổi mới sinh thái và đề xuất áp dụng ở Việt Nam

06/07/2021

     Chỉ số Đổi mới sinh thái (ĐMST) là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến ở châu Âu và từng bước được giới thiệu áp dụng tại các nước đang phát triển ở châu Á những năm gần đây. Trong Tạp chí số 5/2021 đã giới thiệu bài viết “Kinh nghiệm quốc tế về chỉ số ĐMST và bài học khuyến nghị cho Việt Nam”. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường tiếp tục đăng tải bài “Chỉ số ĐMST và một số đề xuất áp dụng ở Việt Nam” đề cập đến sự cần thiết của chỉ số ĐMST; các tiêu chí, các trụ cột, khung bộ chỉ số và phương pháp tính toán bộ chỉ số ĐMST cho các tỉnh, thành phố ở Việt Nam để bạn đọc tham khảo.

     Sự cần thiết của bộ chỉ số ĐMST ở Việt Nam

     ĐMST được coi là thước đo mức độ ĐMST của quốc gia hay của doanh nghiệp, đã được áp dụng ở châu Âu từ nhiều năm nay và bước đầu đã được áp dụng cho các nước thuộc diễn đàn kinh tế Á-Âu ASEM. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, ĐMST nói chung và chỉ số ĐMST nói riêng còn là những thuật ngữ còn mới mẻ. Việc áp dụng chỉ số ĐMST sẽ góp phần đánh giá, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, bảo vệ môi trường, khả năng tăng trưởng và góp phần thực hiện phát triển bền vững. Áp dụng chỉ số ĐMST cho phép đo lường xu hướng ĐMST của quốc gia hay doanh nghiệp,nâng cao nhận thức của xã hội và doanh nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.

     Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện đang tồn tại hai bộ chỉ số về ĐMST được kiến nghị sử dụng cho các quốc gia, đó là chỉ số ĐMST của ASEM (Eco-innovation Idex – viết tắt là ASEI) do Trung tâm ĐMST cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEM (ASEIC- Hàn Quốc) đề xuất và Bảng chấm điểm về ĐMST (Eco- innovation Scorboard- viết tắt là Eco-IS) do Bộ phận Quan sát về ĐMST (EIO – thuộc Liên minh Châu Âu) đề xuất. Như vậy, để phù hợp với xu thế chung của thế giới trong bối cảnh Hội nhập, Việt Nam cần có bộ chỉ số ĐMST có khả năng áp dụng cho Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế.

     Các tiêu chí áp dụng bộ chỉ số ĐMST cho Việt Nam

     Việc áp dụng bộ chỉ số ĐMST cho Việt Nam cần được xem xét kỹ lưỡng và nên xây dựng chỉ số này ở cấp tỉnh/thành phố và áp dụng thử ở phạm vi phù hợp trong một thời gian; sau đó xem xét đến hiệu quả, tác động của bộ chỉ số, hoàn thiện dần rồi mới áp dụng chính thức.

     Bộ chỉ số ĐMST áp dụng ở cấp tỉnh/thành phố cho Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chí: Bảo đảm phản ánh đúng và đầy đủ nội dung của ĐMST ở cấp tỉnh/thành phố; Bảo đảm tính chính xác, đáng tin cậy (các số liệu/thông tin được thu thập và sử dụng để xác định các chỉ thị và chỉ số ĐMST phải có cơ sở khoa học, dựa trên những số liệu thống kê chính thống, do các cơ quan/tổ chức có trách nhiệm thu thập/công bố); Bảo đảm có thể tính toán, đo lường và so sánh được; Việc xác định bộ chỉ số ĐMST và các chỉ thị không đòi hỏi quá tốn kém về tài chính, công sức, thời gian; Bảo đảm được xây dựng và duy trì có hệ thống, sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc thu thập, xử lý thông tin và bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin.  

     Đề xuất 4 trụ cột về ĐMST cấp tỉnh/thành phố

     Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và dựa trên những tiêu chí đề cập ở trên, có thể đề xuất khung bộ chỉ số ĐMST cấp tỉnh/thành phố cho Việt Nam gồm 4 lĩnh vực trụ cột với những nội dung sau:

     Năng lực ĐMST của tỉnh/thành phố được thể hiện ở khả năng củatỉnh/thành phố (qua các bên liên quan) có năng lực (về tài chính và con người) thực hiện những hoạt động ĐMST. Ở đây, bên có liên quan đến ĐMST của tỉnh/thành phố có thể kể đến như: chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực ĐMST. Năng lực ĐMST của địa phương được thể hiện thông qua năng lực cạnh tranh của địa phương, sự hiện diện của các bên liên quan thực hiện các hoạt động ĐMST; khả năng của các bên liên quan đầu tư và chi tiêu cho các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, hoạt động ĐMST…

     Môi trường hỗ trợ ĐMST của tỉnh/thành phố có thể được hiểu là việc xây dựng các luật lệ và các chính sách tạo thuận lợi hay khuyến khích các bên liên quan thực hiện các hoạt động ĐMST tại địa phương. Điều này có thể được thể hiện ở các hình thức như quy định, luật lệ của chính quyền địa phương và doanh nghiệp/tổ chức liên quan tới thúc đẩy hoạt động ĐMST; các kế hoạch, chiến lược của địa phương/doanh nghiệp khuyến khích hoạt động ĐMST...

     Các hoạt động ĐMST của tỉnh/thành phố được các bên liên quan thực hiện như hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững, việc đạt được các danh hiệu liên quan tới PTBV và ĐMST; các hoạt động cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, hoạt động tăng hiệu quả sử dụng đầu vào cho sản xuất, hoạt động tạo ra những công nghệ, dây chuyền hay sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường...

     Kết quả ĐMST của tỉnh/thành phố thể hiện thông qua kết quả/tác động cuối cùng từ các hoạt động ĐMST của địa phương. Điều này được thể hiện thông qua hiệu quả sử dụng năng lượng và nguồn đầu vào để sản xuất và sinh hoạt của địa phương; lượng khí thải nhà kính mà địa phương thải ra; kết quả xếp hạng của địa phương về PTBV (nếu có); đóng góp của các ngành sử dụng công nghệ xanh, công nghệ thân thiện môi trường vào kinh tế của địa phương; đóng góp việc làm được tạo ra bởi các ngành sản xuất sạch/xanh, thân thiện môi trường...

     Đề xuất khung bộ chỉ số ĐMST và các chỉ thị kèm theo bộ chỉ số ĐMST cấp tỉnh/thành phố

     Đề xuất khung bộ chỉ số

     Tương ứng với 4 trụ cột về ĐMST cấp tỉnh/thành phố sẽ có 4 nhóm chỉ số thành phần, gồm: Chỉ số năng lực ĐMST; Chỉ số môi trường hỗ trợ ĐMST; Chỉ số hoạt động ĐMST và Chỉ số kết quả ĐMST. Dựa trên những nội dung tương ứng với 4 trụ cột của chỉ số ĐMST cấp tỉnh/thành phố, hệ thống văn bản pháp luật và hệ thống thống kê hiện hành, nhóm tác giả đã đề xuất 23 chỉ thị cấu thành (Bảng 1).

     Khung bộ chỉ số về ĐMST cấp tỉnh/thành phố sẽ gồm 4 chỉ số thành phần và 23 chỉ thị cấu thành như trình bày ở sơ đồ 1:

Sơ đồ 1.  Đề xuất Khung bộ chỉ số ĐMST cấp tỉnh/thành phố cho Việt Nam

     Phương pháp tính điểm và xác định trọng số cho Chỉ số ĐMST cấp tỉnh/thành phố

     Chỉ số ĐMST chung cấp tỉnh/thành phố có số điểm tối đa là 100, được xác định từ số điểm đạt được của các chỉ số thành phần hoặc từ số điểm đạt được của các chỉ thị thành phần và trọng số của chúng theo công thức sau:

     PEcoII = EcoICI + EcoIEI + EcoIAI + EcoIPI,

     hoặc

     PEcoII = ∑EcoIi. Wi

     Trong đó:

     PEcoII – là số điểm đạt được của Chỉ số ĐMST chung của tỉnh/thành phố;

     EcoICI – là số điểm đạt được của Chỉ số về năng lực ĐMST; Công thức tính: EcoICI = ∑EcoIi. Wi, trong đó i có giá trị từ 1-7

     EcoIEI – là số điểm đạt được của Chỉ số môi trường hỗ trợ ĐMST; Công thức tính EcoIEI = ∑EcoIi. Wi, trong đó i = từ 8-13

     EcoIAI- là số điểm đạt được của Chỉ số về hoạt động ĐMST; Công thức tính:  EcoIAI = ∑EcoIi. Wi, trong đó i = từ 14-17

     EcoIPI – là số điểm đạt được của Chỉ số về kết quả ĐMST.  Công thức tính:  EcoIPI = ∑EcoIi. Wi, trong đó i = từ 18-23

     i - là các chỉ thị thành phần (theo đó, i có giá trị từ 1 đến 23).

     EcoIi - là điểm đạt được của từng chỉ thị thành phần i.

     Wi - là trọng số của chỉ thị thành phần I (theo đó, Wi = 1).

     Điểm đạt được của các chỉ thị thành phần được xác định căn cứ vào kết quả thực hiện các chỉ thị đó ở cấp tỉnh/thành phố, kết quả đạt cao nhất/hoặc thấp nhất trong số các tỉnh/thành phố hay kết quả thực hiện cao nhất có thể đạt được của chỉ thị thành phần đó. Mỗi chỉ thị thành phần có thể đạt số điểm cao nhất là 100.

     Bảng 1. Các chỉ thị, cách tính điểm và đề xuất trọng số cho từng chỉ thị thành phần

Nội dung

Các chỉ số và chỉ thị thành phần

Cách tính điểm đạt được cho từng chỉ số và chỉ thị thành phần (EcoIi) – điểm

Đề xuất trọng số cho từng chỉ thị thành phần (Wi)

Chỉ số năng lực ĐMST

 

 

1. PCI- chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Số điểm PCI đạt được của tỉnh/thành phố

0.01

2. Tỷ lệ chi ngân sách địa phương cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

+ Trong đó, chi cho các dự án/đề tài nghiên cứu về ĐMST

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100.

 

0.05

3. Tỷ lệ chi của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo

+ Trong đó, tỷ lệ chi của doanh nghiệp cho ĐMST

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0.05

4. Số cán bộ và viên chức nhà nước hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0.04

5. Số cán bộ, nhân viên hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0.05

6. Tỷ lệ doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0.05

7. Tỷ lệ KCN sinh thái (hoặc/và) Tỷ lệ doanh nghiệp sinh thái  

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0.05

Chỉ số môi trường hỗ trợ ĐMST

8. Tỉnh/thành phố ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh

Có –100 điểm

Không - 0

0,05

9. Tỉnh/thành phố ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động vì sự PTBV

Có –100 điểm

Không - 0

0,05

10. Tỉnh/thành phố ban hành và thực hiện Chương trình/kế hoạch/chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững

Có –100 điểm

Không - 0

0,05

11. Tỉnh/thành phố ban hành và thực hiện Chương trình/kế hoạch/chính sách về thúc đẩy đổi mới công nghệ

Có –100 điểm

Không - 0

0,05

12. Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0,05

13. Tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn có chứng chỉ ISO 14000 /14001

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0,05

Chỉ số hoạt động ĐMST

 

14. Số doanh nghiệp được nhận danh hiệu doanh nghiệp vì sự PTBV trong năm

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0,025

15. Tỷ lệ dự án/đề tài nghiên cứu KH và CN từ ngân sách địa phương về đổi mới sáng tạo được hoàn thành trong năm. 

+ Trong đó, tỷ lệ dự án/đề tài nghiên cứu về ĐMST được hoàn thành trong năm

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0,05

16. Số KCN/doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp sinh thái trong năm

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0,025

17. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo trong năm

+ Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong năm

+ Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện phát triển công nghệ/sản phẩm/dịch vụ xanh, nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo trong năm

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0,10

Chỉ số về kết quả ĐMST

18. Chỉ số PEPI của tỉnh/thành phố

Điểm số đạt được của địa phương

0,025

19. Hiệu quả tiêu thụ năng lượng – điện năng cho sản xuất và sinh hoạt của địa phương.

Kết quả thấp nhất trong số các tỉnh/thành phố/kết quả đạt được của địa phương x 100

0,025

20. Hiệu quả sử dụng nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của địa phương

Kết quả thấp nhất trong số các tỉnh/thành phố/Kết quả đạt được của địa phương x 100

0,025

21. Cường độ phát thải khí nhà kính

Kết quả thấp nhất trong số các tỉnh/thành phố/Kết quả đạt được của địa phương x 100

0,025

22. Tỷ lệ đóng góp vào kinh tế địa phương của các KCN/doanh nghiệp sinh thái

Kết quả đạt được của địa phương / kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0,05

23. Tỷ lệ lao động làm việc tại các KCN/doanh nghiệp sinh thái

Kết quả đạt được của địa phương /kết quả đạt cao nhất trong số các tỉnh/thành phố x 100

0,05

(Nguồn: Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (2021), Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng bộ chỉ số ĐMST (eco innovation index) hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam, Dự thảo Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ)

     Xác định trọng số cho các chỉ số và chỉ thị thành phần

     Về nguyên tắc, trọng số của các chỉ số và chỉ thị thành phần của Chỉ số ĐMST chung được xác định căn cứ vào mức độ ưu tiên, tầm quan trọng của các chỉ số và chỉ thị thành phần tạo nên Chỉ số ĐMST của tỉnh/thành phố. Tùy từng giai đoạn và thực tiễn công tác ĐMST của đất nước mà trọng số của các chỉ số và chỉ thị thành phần có thể được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế.

     Tại thời điểm hiện nay, khi ĐMST mới bắt đầu được chú ý và đang ở giai đoạn sơ khai, sẽ cần chú trọng hơn tới hai chỉ số sinh thái thành phần về năng lực và môi trường hỗ trợ ĐMST. Khi Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đã có nhận thức cao và triển khai rộng rãi ĐMST thì lúc đó, có thể coi cả 4 chỉ thị thành phần tạo nên Chỉ số ĐMST chung có mức độ quan trọng ngang nhau. Với quan điểm như vậy, trước mắt trọng số cho các chỉ số thành phần và 23 chỉ thị được đề xuất chi tiết như tại Bảng 1 và 2.

      Bảng 2. Trọng số cho các nội dung ĐMST

Chỉ số ĐMST cấp tỉnh/thành phố: W = 1

Chỉ số về năng lực ĐMST có trọng số W=0,3

Chỉ số môi trường hỗ trợ ĐMST có trọng số W=0,3

Chỉ số về hoạt động ĐMST có trọng số W=0,2

Chỉ số về kết quả ĐMST có trọng số W=0,2

     Kết quả đưa ra được tóm lược nội dung chính trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng bộ chỉ số ĐMST (eco innovation index) hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

     Tóm lại, việc xây dựng và ban hành Bộ chỉ số ĐMST là cần thiết đối với Việt Nam, với việc đề xuất Bộ chỉ số được xây dựng ban đầu với 23 chỉ thị thành phần là phù hợp. Để tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn cần thiết phải tiến hành áp dụng thí điểm cho các tỉnh/thành phố, từ đó làm căn cứ cho việc điều chỉnhcác chỉ thị và trọng số đã đề xuất ở bài viết này.

Vũ Xuân Nguyệt Hồng

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Nguyễn Ngọc Tú

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2021)

     Tài liệu tham khảo

     1. ASEIC SMEs Eco-Innovation Center and University College London (2016), Comparing Eco-innovation Indices: ASEM Eco-Innovation Index (ASEI) & Eco-Innovation Scoreboard (Eco-IS).

     2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019), Bộ Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban hành kèm theo Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 31/10/2019.

      3. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI. Tại trang web: https://pcivietnam.vn/.  

     4. Hanns Seidel Foundation Office of Vietnam and ASEM SMEs Eco-Innovation Center (ASEIC) (2017),  Eco-innovation and Sustainable Consumption and Production in Vietnam.

     5. http://www.aseic.org/fileupload/pblctn/14913691582228960081.pdf

     6. Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, (2019) Sổ tay hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tiêu chí gắn với tăng trưởng xanh lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

     7. Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (2021), Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng bộ chỉ số ĐMST (eco innovation index) hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam, Dự thảo Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ.

 

 

 

 

Ý kiến của bạn