Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Cần sớm đưa quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất vào thực hiện

20/09/2021

    Ngày 18/9/2021, Liên minh Không rác Việt Nam, Trung tâm GreenHub đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về tính cấp thiết trong việc đưa quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) vào thực hiện. Quy định này được đề cập trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo Nghị định).

Tọa đàm trực tuyến Tính cấp thiết trong việc đưa EPR vào thực hiện ở Việt Nam

    Trước đó, Liên minh Không rác Việt Nam, Trung tâm GreenHub, tổ chức CHANGE, trung tâm PanNature, Mạng lưới Một Sức Khỏe VOHUN cùng nhiều cá nhân và tổ chức đã soạn thảo thư kiến nghị đến Thủ tướng cùng các lãnh đạo cao cấp của Chính phủ nhằm đề nghị nhanh chóng đưa EPR vào thực thi. Theo đó, các tổ chức kiến nghị không lùi thời điểm thực hiện EPR ở Việt Nam, tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc trong Dự thảo Nghị định và làm rõ vai trò của các tổ chức xã hội ngoài công lập trong hội đồng EPR. Hiện thư kiến nghị đã được gửi cho hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cùng ký tên trước khi chính thức gửi đến Thủ tướng và các lãnh đạo của Chính phủ.

    EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR tuân theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” (PPP) đã được ghi nhận trong Hiến pháp và tất cả các Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam, đặc biệt là Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vừa mới được Quốc hội thông qua.

    Trên thực tế, EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom, tiền xử lý (phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm, (để chuẩn bị) cho tái sử dụng, thu hồi (tái chế, thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. Hệ thống EPR cho phép nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm của mình hoặc bằng cách cung cấp các nguồn tài chính cần thiết và/hoặc bắt đầu tiếp quản một số khía cạnh vận hành trong quy trình (quản lý chất thải rắn) từ các đô thị.

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu được lựa chọn một trong 2 hình thức sau để tái chế: tổ chức tái chế hoặc đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Đối với hình thức tổ chức tái chế, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thành 3 hình thức gồm tự tái chế; thuê đơn vị tái chế; ủy quyền cho bên thứ 3 để tổ chức tái chế; đồng thời cũng quy định điều kiện để lựa chọn và thực hiện theo các hình thức nêu trên.

    Mục tiêu của EPR là nhằm tạo ra những khuyến khích tài chính đủ lớn để các nhà sản xuất thay đổi thiết kế sản phẩm hướng tới giảm thiểu chất thải hoặc chuyển từ bao bì khó tái chế sang bao bì có giá trị tái chế cao. Chính sách EPR sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm chất thải rắn, đặc biệt là ô nhiễm nhựa hiện đang rất nghiêm trọng ở Việt Nam. Có thể nói, EPR là chính sách hướng đến các giải pháp đầu nguồn và mang lại lợi ích bền vững lâu dài cho Việt Nam.

    Tại các cuộc Hội thảo trực tuyến  tham vấn doanh nghiệp do Bộ TN&MT tổ chức, có một số đại diện thuộc doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, tái chế; hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, tái chế có ý kiến xin lùi thời điểm thực hiện EPR với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước tình hình đó, các tổ chức phi chính phủ nêu trên đã đồng kiến nghị không lùi thời điểm thực hiện EPR ở Việt Nam và cho rằng Việt Nam đã chậm 15 năm trong việc thực hiện EPR trong khi nhu cầu khẩn cấp cần phải giảm lượng chất thải phát sinh và tăng tỷ lệ tái chế để giảm xung đột môi trường. EPR đã được ghi nhận trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và đã liên tục bị lùi thời hạn thi hành. Nếu tiếp tục lùi và không có các chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa ra đại dương. Các nhà sản xuất cần phải có trách nhiệm đối với sản phẩm, bao bì mà họ sản xuất ra, đặc biệt là các sản phẩm có chứa thành phần nguy hại. Đồng thời, tránh trường hợp các nhà sản xuất biến Việt Nam thành bãi rác của thế giới.

    Mặc dù đang trong thời điểm khó khăn của đại dịch Covid19, nhưng các tổ chức phi chính phủ đều cho rằng, các ngành hàng tiêu dùng nhanh và đặc biệt các doanh nghiệp nhựa và phân phối hàng tiêu dùng có sử dụng bao bì nhựa lại đang có nhiều thuận lợi trong tăng trưởng kinh tế. Ô nhiễm nhựa ở Việt Nam đã đang rất đáng báo động, nếu không sớm đưa quy định EPR vào thực hiện, nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ tiếp tục gây ô nhiễm mà không có động lực cải thiện sản phẩm và hệ thống phân phối của họ.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn