Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

ASOEN Việt Nam: Chủ động, tích cực trong năm Chủ tịch ASEAN 2020

03/02/2021

    Năm 2020 - một năm nhiều biến động đối với cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng do phải đối diện với đại dịch Covid-19. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên Việt Nam đồng thời đảm nhận sứ mệnh Năm Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã đảm nhận Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong bối cảnh đòi hỏi những kỹ năng và sáng tạo mới chưa từng có tiền lệ của ASEAN và cả thế giới. Cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng ASEAN, thành công của Việt Nam với vai trò Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã góp phần tạo động lực mới để sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức trong bối cảnh mới của mỗi nước và toàn thế giới.

    Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường ngày càng được các quốc gia thành viên quan tâm. Trong năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, các nước thành viên ASEAN một mặt đã chung tay thực hiện các giải pháp để giảm thiểu các tác động do dịch bệnh mang lại, một mặt vẫn tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề môi trường ưu tiên của khu vực về biến đổi khí hậu (BĐKH), môi trường biển và đới bờ, hóa chất và chất thải, quản lý tài nguyên nước, giáo dục môi trường, thành phố bền vững môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH). Đặc biệt, các vấn đề hiện đang nổi lên hiện nay về BĐKH, rác thải biển và những vấn đề liên ngành, liên lĩnh vực cũng được các quốc gia thành viên ASEAN hết sức quan tâm.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (bên trái) phát biểu tại Hội nghị ASOEN 31

Một số kết quả nổi bật của ASOEN Việt Nam năm 2020

    Không nằm ngoài xu thế chung của khu vực, năm 2020, ASOEN Việt Nam cũng đã rất tích cực đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác, đóng góp tích cực vào các hoạt động của khu vực, góp phần vào sự thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu nói chung và khu vực ASEAN nói riêng, Việt Nam chủ trì tổ chức các Hội nghị quan trọng trong lĩnh vực môi trường theo hình thức trực tuyến, bao gồm các Hội nghị: Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ lần thứ 21 (ngày 10 -11/11/2020); Ban quản trị Trung tâm ĐDSH ASEAN lần thứ 22 (từ ngày 17-18/11/2020); Các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 31 và các Hội nghị khác có liên quan từ ngày (24-27/11/2020).

    Hội nghị ASOEN 31 đã ghi nhận các quyết định có liên quan đến hợp tác môi trường ASEAN và xem xét báo cáo tiến độ triển khai hoạt động của các Nhóm công tác ASEAN, bao gồm: Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (AWGNCB); hóa chất và chất thải (AWGCW); môi trường biển và đới bờ (AWGCME); thành phố bền vững môi trường (AWGESC); giáo dục môi trường (AWGEE); quản lý tài nguyên nước (AWGWRM); biến đổi khí hậu (AWGCC). Hội nghị ASOEN 31 cũng đã thông qua Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về bảo tồn ĐDSH tại COP 15 Công ước ĐDSH (CBD); ghi nhận Sáng kiến xanh ASEAN đã được khởi động tại Hội nghị ĐDSH ASEAN 2020, dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2021; xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động ASEAN về chống rác thải nhựa biển; thông qua Cơ chế giải thưởng sửa đổi ASEAN về tổ chức giải thưởng thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 5 vào năm 2021 và Chứng nhận các thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 4…

    Tại Hội nghị ASOEN 31 và các Hội nghị có liên quan, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia ý kiến đóng góp cho các vấn đề quan trọng, thể hiện trách nhiệm với khu vực, tăng cường mối quan hệ đa phương cũng như với từng quốc gia trong ASEAN, ASEAN+3. Đồng thời, Việt Nam cũng kiến nghị với các nước thành viên giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường, bao gồm: Ô nhiễm nước, không khí xuyên biên giới, rác thải nhựa đại dương, BĐKH để đảm bảo mang lại phúc lợi xã hội tốt hơn và môi trường sống an toàn hơn cũng như bảo tồn và quản lý bền vững ĐDSH của cộng đồng cho các thế hệ người dân ASEAN của hôm nay và mai sau. Việt Nam cũng kêu gọi các nước thành viên ASEAN, trong bối cảnh các nước trong khu vực và toàn cầu đang phải ứng phó với đại dịch COVID-19 cần hợp tác chặt chẽ, tập trung nguồn lực để từng bước đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh, đồng thời tiếp tục sát cánh cùng nhau giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực. Nhân dịp này, Đoàn Việt Nam cũng thông báo tới các nước ASEAN và đối tác quốc tế về thành tựu đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật BVMT vào ngày 17/11/2020.

    Năm 2020, với vai trò là đơn vị đầu mối các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường, Tổng cục Môi trường cũng đã trình Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt phương án kiện toàn các Nhóm công tác ASEAN Việt Nam để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác của ASOEN Việt Nam (Quyết định số 14/QĐ-BTNMT ngày 6/1/2020 của Bộ TN&MT); Tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Quyết định số 1233/QĐ-BTNMT ngày 23/5/2017 của Bộ TN&MT). Văn phòng ASOEN Việt Nam cũng đã hoàn thành việc xây dựng nhiệm vụ “Xây dựng trang web về các hoạt động của ASOEN Việt Nam” nhằm mục tiêu giới thiệu, chia sẻ, tăng cường công tác truyền thông về tình hình hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, ASOEN Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động chung có liên quan của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và các sự kiện do Việt Nam chủ trì tổ chức trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Đại diện các nước thảo luận trực tuyến tại Hội nghị ASOEN 31

Phương hướng hoạt động của ASOEN Việt Nam năm 2021

    Năm 2021 được xác định sẽ tiếp tục là năm nhiều thách thức và khó khăn đối với hợp tác ASEAN nói chung và hợp tác ASEAN về môi trường nói riêng nếu đại dịch COVID-19 không được giải quyết triệt để. Do đó, ASOEN Việt Nam cần phải  chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác của khu vực, đặc biệt tập trung vào các nhiệm vụ như:

    Thứ nhất, tập trung thúc đẩy hiệu quả triển khai các hoạt động trong khuôn khổ 7 Nhóm công tác ASOEN: Tiếp tục tham gia các hoạt động của các Nhóm công tác ASEAN về BĐKH theo Kế hoạch hoạt động của Nhóm công tác, đồng thời chủ động tổ chức triển khai các hoạt động Việt Nam hiện đang giữ vai trò quốc gia đầu mối; tham gia đầy đủ các Hội nghị thường niên trong khuôn khổ ASOEN, đặc biệt là Hội nghị ASOEN 32, Hội nghị AMME 16 và các Hội nghị khác có liên quan; xây dựng các văn kiện hợp tác ASEAN dự kiến sẽ trình cấp cao phê duyệt trong năm 2021, bao gồm: Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về BĐKH tại COP 26 UNFCCC; Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về bảo tồn ĐDSH tại COP 15 CBD; Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về hóa chất và chất thải tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm; xây dựng và góp ý đối với Báo cáo hiện trạng ASEAN về biến đổi khí hậu; Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ 6; phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN và các đối tác triển khai các dự án hợp tác có hợp phần quốc gia Việt Nam và các dự án hợp tác khác trong khuôn khổ các Nhóm công tác; đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kinh nghiệm trong 7 lĩnh vực hợp tác của ASOEN; thực hiện tốt vai trò quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về BĐKH lần thứ 11; tổ chức Giải thưởng các thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 5 tại Việt Nam năm 2021 và Chứng nhận thành phố tiềm năng bền vững về môi trường lần thứ 4.

    Thứ hai, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động hơn nữa đối với các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác môi trường ASEAN+3, Đông Á, các nước đối tác và các tổ chức quốc tế: Tham gia các hoạt động trong khuôn khổ khung Chiến lược hợp tác môi trường ASEAN-Trung Quốc (2021-2025); tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và các nước thành viên triển khai các hoạt động, dự án hợp tác ASEAN-Nhật Bản về môi trường, biến đổi khí hậu, rác thải biển; duy trì hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc và các nước thành viên để triển khai các chương trình, dự án hợp tác về môi trường, biến đổi khí hậu; phối hợp với các nước đối tác, các tổ chức quốc tế để triển khai các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường, đặc biệt là Na Uy, Đức, EU, GIZ, PEMSEA.

    Thứ ba, các hoạt động đối ứng ASOEN Việt Nam 2021 sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ các Nhóm công tác ASOEN Việt Nam: ASOEN Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thông tin, tuyên truyền về các hoạt động ASOEN Việt Nam, cụ thể: Thường xuyên đăng tải các thông tin trên trang website về ASOEN Việt Nam nhằm tuyên  truyền quảng bá về các hoạt động ASOEN Việt Nam; Xem xét, rà soát, đề xuất ban hành Quy chế tổ chức các Giải thưởng ASEAN về môi trường tại Việt Nam bao gồm: Giải thưởng các thành phố bền vững về môi trường; Giải thưởng trường học sinh thái ASEAN; Giải thưởng thanh niên môi trường ASEAN và các giải thưởng có liên quan; Tổ chức các Đoàn công tác của Việt Nam tham dự các Hội nghị, Hội thảo khu vực; Hỗ trợ triển khai các hoạt động đối ứng ưu tiên trong khuôn khổ các Nhóm công tác ASOEN Việt Nam.

Nguyễn Minh Cường, Nguyễn Thanh Nga

Văn phòng ASOEN Việt Nam, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2021)

 

Ý kiến của bạn