Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Xảy ra ô nhiễm, UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm

26/08/2016

     Đó là “tối hậu thư” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường, ngày 24/8. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng và đại diện bộ, ngành, các địa phương.

     Thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải y tế. Có 787 đô thị với 3.000.000m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý…   

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

 

     40/786 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn 

     Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ ra những nguồn tác động rất to lớn đến môi trường ở nước ta. Đó là mỗi năm cả nước có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. 

     “Hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế. Có 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí”- Bộ trưởng Trần Hồng  Hà dẫn chứng.

     Về nước thải sinh hoạt, theo Bộ trưởng, ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý; rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường: Hiện chỉ có 40/786 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn với tổng công suất xử lý khoảng 800.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ đạt 10%-11%; còn lại thải trực tiếp ra môi trường. Nhiều địa phương chưa có bãi chôn lấp chất thải công nghiệp. Tình trạng đổ thải, chôn lấp chất thải công nghiệp trái quy định còn xảy ra ở nhiều nơi.

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, hàng năm, có 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng. Trong đó, khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định; hiệu suất sử dụng chỉ đạt 25-60%. Hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan.

     Đến nay vẫn còn 160/240 điểm, khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg. Việc đầu tư cho xử lý ô nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu mới đáp ứng 21% so với kế hoạch đã đề ra. 

 

Làm sạch môi trường (Ảnh: TL)

 

     Tại sao FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn?

     Nói về nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, do nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế. Tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút FDI được ưu tiên cao và chưa tính toán đầy đủ các chi phí cơ hội về môi trường. 

     “Khu vực FDI hiện đóng vai trò đầu tàu xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 71% xuất khẩu và 59% nhập khẩu của Việt Nam. Không thể phủ nhận vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, song chúng ta cũng cần tỉnh táo để đánh giá xem rằng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam có phải vì môi trường đầu tư hấp dẫn, vì những lợi thế so sánh của đất nước, do chúng ta tạo ra hay vì những lý khác?”- Bộ trưởng nói. 

     Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặt vấn đề: Tại sao FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm? Có phải do các quy chuẩn về bảo vệ môi trường của nước ta chưa theo kịp với các yêu cầu, diễn biến mới của quá trình hội nhập? Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chưa chú trọng đúng mức tới công tác kiểm tra, giám sát? Phải chăng lợi ích mà FDI mang lại cho chúng ta không đủ bù đắp những phí tổn về khí hậu và môi trường đang hiện hữu? Và theo Bộ trưởng, “đã đến lúc chúng ta phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh” trong đánh giá tăng trưởng kinh tế thay vì khái niệm GDP đơn thuần như hiện nay, theo đó phải tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế”

     Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, sự cố Formosa huỷ hoại môi trường biển miền Trung là hồi chuông cảnh báo, là tối hậu thư để đánh giá lại toàn bộ vấn đề môi trường của đất nước. Nói về nguyên nhân, ông Bình cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận sau bài học Formosa và nhiều dự án khác như lỗ hổng pháp luật.Thứ hai là trách nhiệm của người đứng đầu chưa phát huy hết từ bộ, ngành đến địa phương dẫn đến hậu quả như vừa qua.  Sự vào cuộc của hệ thống pháp luật chưa mạnh, xử lý chưa thực sự nghiêm minh, đủ sức răn đe. Ý thức chấp hành pháp luật và sự quan tâm đến môi trường của nhà đầu tư có vấn đề.

     Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

     Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây bất ổn xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trên diện rộng chứ không chỉ trong một lĩnh vực. Nguyên nhân là do thực trạng quản lý môi trường vẫn còn yếu kém, chưa có giải pháp tập trung ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là các địa phương, là cơ quan trực tiếp cấp phép các dự án đầu tư và quản lý các lưu vực sông.

     Trước thực trạng đó Thủ tướng cho rằng, cần phải thay đổi tư duy phát triển, theo hướng tăng trưởng kinh tế gắn phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và nhất là kiên quyết không vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại môi trường, bảo vệ lợi ích và cuộc sống bình yên của người dân. “Cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, người đứng đầu các cơ quan phải có sự phân công trách nhiệm rõ hơn chứ không phải tình trạng cha chung không ai khóc, cứ nói qua nói lại”- Thủ tướng nhấn mạnh.

     Thủ tướng cũng khẳng định, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường, không cho phép đầu tư công nghệ lạc hậu, không cho phê duyệt các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

     Thủ tướng yêu cầu, các cấp quản lý phải chịu trách nhiệm về tình trạng môi trường trên địa bàn. “Ở đâu xảy ra ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân trước Chính phủ. Phải phát hiện, chỉ rõ ai chịu trách nhiệm? Ai cấp phép các dự án gây ô nhiễm môi trường? Vấn đề phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trong cả quá trình từ xét duyệt dự án tới kiểm soát hoạt động phải được tăng cường trong đó đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm cơ quan phê duyệt chịu trách nhiệm về dự án đầu tư”- Thủ tướng nêu rõ.    

Đầu tư tốn kém nên nhà đầu tư né

     Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhiều nơi rất nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ quan đều là “con người” và là nguyên nhân chủ yếu, đáng ngại là đang lan rộng. Đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp là thiếu và chưa hoàn thiện, đúng quy chuẩn, quy trình về xử lý nước và chất thải. “Hầu như dự án kinh tế đều “thủng” vấn đề đầu tư cho bảo vệ môi trường vì đầu tư tốn kém nên nhà đầu tư né. Trong khi quản lý vẫn chưa theo kịp được thực tiễn”- ông Vương đánh giá. 

 

Theo Việt Thắng - Daidoanket.vn

 

Ý kiến của bạn