Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

15/11/2019

     1. Cơ sở pháp lý và cơ chế phối hợp giám sát giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên

     Thực hiện “Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể chính trị - xã hội”; “Quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; đặc biệt từ khi Luật MTTQVN (sửa đổi) có hiệu lực và thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTW) MTTQVN, quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN, Ban Thường trực UBTW MTTQVN chủ trì, phối hợp với các cơ quan triển khai nhiều chương trình phối hợp giám sát, nội dung chủ yếu hướng tới những vấn đề mà xã hội và người dân quan tâm, trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

     Ngày 8/11/2017, Ban Thường trực UBTW MTTQVN, Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và Bộ TN&MT đã thống nhất ban hành Chương trình phối hợp số 25/CTPH-MTTW-TCTV-TNMT về phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH (Chương trình số 25/CTPH-MTTW-TCTV-TNMT). Trong đó đã phân công cụ thể: Ban Thường trực UBTW MTTQVN chủ trì giám sát công tác quản lý, xử lý vi phạm về quản lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện; BVMT khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dự án khai thác cát, sỏi trái phép tại các lòng sông; ứng phó với BĐKH và xâm nhập mặn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm giám sát việc quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trong doanh nghiệp. Hội Nông dân Việt Nam có nhiệm vụ giám sát việc xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì giám sát việc xử lý chất thải ở các chợ, trung tâm thương mại, lò giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở chế biến thực phẩm. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì giám sát việc xử lý chất thải trong sinh hoạt của hộ gia đình, cụm dân cư. Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực UBTW MTTQVN giám sát việc quản lý, xử lý vi phạm về khai thác cát, sỏi trái phép tại các lòng sông.

     2. Một số kết quả tổ chức giám sát theo Chương trình số 25/CTPH-MTTW-TCTV-TNMT

     Năm 2018, UBTW MTTQVN chủ trì, phối hợp với các cơ quan: Bộ TN&MT, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập Đoàn giám sát liên ngành tổ chức giám sát tại một số tỉnh, thành phố (Hải Dương, Lào Cai, Cà Mau và Cần Thơ). Qua giám sát cho thấy, các địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2013 - 2018 như: Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (Nghị quyết số 24-NQ/TW); ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn tỉnh, địa phương. UBND các tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các chỉ thị, đề án, kế hoạch để chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực TN&MT; đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực TN&MT vào cuộc sống.

 

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa khảo sát thực tế tại Công ty đường Biên Hòa - Ninh  Hòa

 

     Bên cạnh đó, các địa phương đã làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp về khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH; quan tâm đầu tư và đảm bảo các điều kiện để thực thi chính sách, pháp luật TN&MT; Tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức làm trong lĩnh vực TN&MT; kiện toàn tổ chức bộ máy; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Mặt khác, các địa phương đã quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản như: cấp phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt đề án đóng cửa mỏ; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác… Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018, tại tỉnh Lào Cai, các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và UBND tỉnh Lào Cai đã cấp 130 giấy phép, trong đó, số giấy phép hoạt động khoáng sản còn hiệu lực là 112 giấy phép (gồm: 7 giấy phép thăm dò và 105 giấy phép khai thác) của 93 tổ chức, cá nhân. Tại Hải Dương đã cấp 7 giấy phép khai thác khoáng sản, gia hạn 9 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó Bộ TN&MT cấp 3 giấy phép, gia hạn 1 giấy phép; UBND tỉnh cấp 4 giấy phép, gia hạn 8 giấy phép.

     Đối với việc quản lý chủ nguồn thải, chất thải rắn nguy hại cũng được quản lý chặt chẽ; việc thu gom, xử lý chất thải trong sinh hoạt và sản xuất được quan tâm; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp và dân cư; thực hiện hiệu quả việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường tại các cơ sở giết mổ gia súc, chế biến thực phẩm; lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động. Điển hình như việc quản lý cấp sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại tại tỉnh Hải Dương từ năm 2014 - 2018, Sở TN&MT đã thẩm định hồ sơ cấp mới 149 sổ, cấp lại 99 sổ, nâng tổng số cơ sở được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải lên 516; TP. Cần Thơ có tổng số cơ sở được cấp sổ đăng ký chủ nguồn chất thải là 798 cơ sở. Tính đến năm 2018, tỷ lệ chất thải y tế được xử lý, tiêu hủy, chôn lấp an toàn tại Lào Cai là 97%; tỉnh Cà Mau là 86,7%; Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom tại Lào Cai là 86%; Cà Mau là 87%...

     Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT. Theo báo cáo, tại Hải Dương, từ năm 2014 - 2018 đã tổ chức 22 cuộc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 11 tổ chức, cá nhân với số tiền trên 1,2 tỷ đồng; tại Lào Cai, tổ chức thanh, kiểm tra 76 cuộc theo kế hoạch và đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT trong khai thác khoáng sản đối với 435 tổ chức, cá nhân, trong đó đã xử phạt vi phạm với tổng số tiền là 8,5 tỷ đồng; tại Cà Mau, tính từ năm 2012 - 2017, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 300 cơ sở (243 cơ sở theo kế hoạch, 57 cơ sở đột xuất), số đơn vị vi phạm bị xử phạt hành chính là 75 cơ sở với số tiền trên 2,6 tỷ đồng.

     Nhìn chung, Chương trình phối hợp đã được các cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản có thời điểm chưa kịp thời; tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tuy đã giảm nhưng ở một số địa phương còn tái diễn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây bức xúc trong nhân dân; các hành vi vi phạm đổ, xả chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp; một số cơ sở chưa chấp hành nghiêm việc khắc phục vi phạm về BVMT; việc xử lý chất thải, nước thải y tế còn hạn chế... gây bức xúc trong nhân dân; công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực TN&MT của các ngành chức năng và chính quyền các cấp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất; một số tổ chức, cá nhân, địa phương chưa thể hiện trách nhiệm góp sức tham gia BVMT; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục.

     3.  Đề xuất, kiến nghị và một số nội dung triển khai giám sát trong thời gian tới

     Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT, ứng phó với BĐKH, trong thời gian tới, UBTW MTTQVN sẽ chỉ đạo các đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về BVMT, ứng phó với BĐKH; Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về TN&MT. Thực hiện công khai kết quả thanh tra, kiểm tra để tổ chức và nhân dân biết và giám sát thực hiện; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, thủ tục hành chính về TN&MT. Định kỳ các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả công tác BVMT cho các cơ quan liên quan và chính quyền cơ sở và công khai rộng rãi để nhân dân biết, giám sát; Các dự án sản xuất kinh doanh phải chú trọng đánh giá tác động môi trường, nhất là dự án thu gom, xử lý rác thải cần tổ chức tốt việc lấy ý kiến rộng rãi nhân dân vùng ảnh hưởng; phát huy vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; Chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình điểm khu dân cư BVMT; hướng công tác BVMT gắn với địa bàn dân cư, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

     Đối với công tác giám sát liên quan đến chất thải rắn, Ban Thường trực UBTW MTTQVN sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết, rút kinh nghiệm Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách và quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và sự đồng thuận xã hội về khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH. MTTQVN và các tổ chức thành viên phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức giám sát việc thực hiện công tác BVMT, trong đó chú trọng việc giám sát chuyên đề quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn đô thị và chất thải rắn công nghiệp; Triển khai hiệu quả phong trào "Toàn dân tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH" gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đặc biệt chú ý đối với các chất thải rắn nguy hại; Tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015 - 2020 theo nội dung chương trình phối hợp do Ban Thường trực UBTW MTTQVN, Bộ TN&MT và các tổ chức tôn giáo đã ký kết.

 

ThS. Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

Ý kiến của bạn