Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Vấn đề ô nhiễm kim loại nặng và tiềm năng về thiết bị xử lý asen quy mô phân tán

26/10/2017

     Nhằm trao đổi và chia sẻ các kết quả nghiên cứu ô nhiễm kim loại nặng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đồng thời đề xuất các giải pháp về xử lý asen và các thiết bị xử lý asen quy mô phân tán đang nghiên cứu và hiện có trên thị trường, ngày 24/10/2017, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức hội thảo khoa học “Vấn đề ô nhiễm kim loại nặng và tiềm năng về thiết bị xử lý asen quy mô phân tán”.

 

 

     Phát biểu tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình cho biết, ô nhiễm kim loại nặng nói chung và asen nói riêng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Kim loại nặng và asen theo đường nước sinh hoạt tiếp xúc qua da và hệ tiêu hóa tích tụ trong cơ thể sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Thực tế, hệ thống nước sạch chưa đảm bảo cung cấp cho người dân, tại hầu hết các vùng nông thôn việc sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khoan được xem là một giải pháp phổ biến để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các hộ gia đình. Việc sử dụng các biện pháp lọc nước ngầm bằng cát, đá, sỏi... theo phương pháp truyền thống, thô sơ nên không xử lý triệt để kim loại nặng như asen. Vì vậy, việc nghiên cứu, chế tạo vật liệu đơn giản, chi phí hợp lý quy mô hộ gia đình hoặc cụm dân cư nhỏ, trường mầm non nông thôn để xử lý nguồn nước ngầm nhiễm asen là việc làm thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. 

     Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đánh giá các nghiên cứu tổng quan công nghệ xử lý asen như phương pháp đánh giá khả năng hấp phụ asen trong dòng chảy đặc biệt ở quy mô nhỏ (hộ gia đình, nhà trẻ, trường học, trạm xá...); thử nghiệm và đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống pilot công suất 5 m3/ngày đêm. Cụ thể, ứng dụng triển khai tại các xã ở tỉnh Hà Nam và Hà Nội cho thấy hiệu quả xử lý asen tốt, đảm bảo nồng độ asen sau xử lý thấp hơn 0,01mg/l, giá thành hệ thống lọc phù hợp với điều kiện nông thôn Việt Nam, vận hành và bảo dưỡng đơn giản. Đồng thời, hệ thống tích hợp màng lọc áp suất thấp (MF, UF) có thể loại bỏ đồng thời vi sinh vật và chất thải chứa asen từ hệ thống lọc được quản lý an toàn nhằm ngăn ngừa asen phát tán trở lại môi trường. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đưa ra những giải pháp hữu hiệu như vật liệu tiềm năng hấp phụ asen nhằm loại bỏ mangan để xử lý asen; hệ thống lọc xử lý asen bền vững cho Đồng bằng sông Hồng - dự án Google DFAT... góp phần đảm bảo nguồn nước sạch, cải thiện sức khỏe cộng đồng.

 

Bảo Bình

Ý kiến của bạn