Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tỵ nạn môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long - Một tương lai rất gần

02/11/2016

   Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do BĐKH. Theo kịch bản phát thải cao, vào cuối thế kỷ XXI, toàn dải ven biển Việt Nam sẽ bị nước biển dâng từ 57-73cm, khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang có mực nước biển tăng nhiều nhất lên đến 105cm. Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) ước tính, Việt Nam có thể mất đến 2,5 triệu ha đất và 10 triệu dân buộc phải di cư.

   Tuy nhiên, trên thực tế, hàng triệu người dân ĐBSCL hiện đã và đang phải đối mặt với một thời kỳ hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua. Người dân ĐBSCL đứng trước nguy cơ mất sinh kế, mất việc làm, mất thu nhập và rất có thể sẽ trở thành dân tỵ nạn môi trường.

   Tỵ nạn môi trường

   GS. Essam El-Hinnawi thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia (Cairo) là người đầu tiên đã đưa ra khái niệm về “tỵ nạn môi trường” vào năm 1985. Ông cho rằng “tỵ nạn môi trường là những người buộc phải rời môi trường sống truyền thống tạm thời hoặc mãi mãi vì môi trường bị phá hủy (do thiên nhiên hoặc con người gây ra), làm cho sự tồn tại của họ gặp nguy hiểm, và/hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của họ”.

   Di dân không phải là hiện tượng mới trong lịch sử loài người. Từ nghìn xưa, rất nhiều cộng đồng đã di chuyển từ nơi này đến nơi khác, thậm chí đi rất xa, để tìm kiếm địa bàn sinh sống mới, thuận lợi hơn, tốt đẹp hơn. Chiến tranh, xung đột xã hội và các thảm họa môi trường có lẽ là những nguyên nhân chính của các làn sóng di cư. Trong quá khứ, khi biên giới quốc gia và địa giới hành chính còn mờ nhạt, tài nguyên thiên nhiên còn phong phú, việc di cư diễn ra dễ dàng hơn, không gây ra nhiều xáo trộn trong cộng đồng di cư cũng như cộng đồng tiếp nhận di cư.

   Di dân ngày nay có diện mạo khác rất nhiều so với trước đây. Thứ nhất, số lượng người trong mỗi làn sóng di cư có thể lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người. Thứ hai, do sự hạn chế của các biên giới hành chính và cơ hội sử dụng tài nguyên hay cơ hội việc làm, người di cư không có nhiều lựa chọn về điểm đến. Thứ ba, cho dù có được chính quyền địa phương hay cộng đồng tiếp nhận hỗ trợ thì việc khôi phục các loại sinh kế cũ là rất khó khăn. Các cộng đồng di cư sẽ phải đối mặt với một giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn.

   Theo các nghiên cứu của WB, UNDP, UNEP, UNHCR, ước tính trên thế giới có khoảng 25 triệu người đang di chuyển từ nơi này sang nơi khác vì những lý do liên quan đến môi trường; 50 triệu người đã mất nơi cư trú do thảm họa thiên tai như bão, lũ lụt và động đất; 90 triệu người bị tái định cư do các công trình, dự án hạ tầng. Những con số này đang có xu hướng tăng lên trong những thập kỷ tới do tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, BĐKH và nước biển dâng.

   Di dân và tỵ nạn môi trường tại Việt Nam

   Tại Việt Nam, chúng ta hiếm khi sử dụng khái niệm tỵ nạn môi trường, một mặt có lẽ do tính nhạy cảm của từ “tỵ nạn”, mặt khác, do chúng ta cho rằng việc thay đổi chỗ ở của các cộng đồng dân cư trong nước thường là có kế hoạch và được kiểm soát. Chính vì vậy, khái niệm thường được sử dụng là “tái định cư” hoặc được gọi chung là “di cư”.

   Theo kết quả điều tra về dân số và nhà ở của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 2009), từ năm 2004 - 2009, Việt Nam có 6,6 triệu người di cư trong nước trên tổng số 85.789.573 dân. Đến năm 2013, cả nước có 1.790.374 người di cư, tăng 33% so với giai đoạn 2004 - 2009. Nếu như vào năm 1999, tính trung bình cứ 1.000 dân thì có 29 người di cư thì đến năm 2009, tỷ lệ này là 43 người di cư trên 1.000 dân. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỷ lệ dân nhập cư hoặc người ngoại tỉnh ở các thành phố lớn hoặc các đô thị có khu công nghiệp, có thể ước tính số người di cư còn cao hơn nhiều so với con số thống kê nêu trên.

   Nguyên nhân di cư chính được xác định là vì lý do kinh tế. Ở đầu đi, lực đẩy chủ yếu là do nông dân mất mối liên kết với ruộng đất một phần, quá trình thươnng mại hóa, cơ giới hóa nông nghiệp dẫn đến tình trạng nông dân thiếu việc làm. Mặt khác do thu nhập từ các loại sinh kế truyền thống dựa vào đất và tài nguyên thiên nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, hay do thiên tai và các dự án hạ tầng. Ở đầu đến, lực kéo là cơ hội việc làm và thu nhập từ các khu kinh tế ở thành phố.

   Tuy nhiên, còn có một bộ phận không nhỏ người dân buộc phải di cư vì không còn lựa chọn khác, thường là bị tái định cư do thiên tai (trường hợp tái định cư để tránh lũ ở ĐBSCL) và các dự án hạ tầng lớn (thủy điện, hồ chứa, cầu đường…). Có những trường hợp người dân bị tái định cư nhiều lần do dự án chồng dự án hoặc do tác động không lường trước của các dự án thủy điện như việc tích, xả nước của các hồ thủy điện ở lưu vực Vu Gia – Thu Bồn đã thay đổi dòng chảy và dẫn đến hiện tượng sạt lở quy mô lớn khiến các thôn, làng ven sông phải di dời vào sâu hơn. Đối với công trình thủy điện Sơn La (2.400 MW) đã có 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu thuộc 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu bị tái định cư. Nếu tính cả số hộ bị tái định cư theo dự án đường tránh ngập Mường Lay-Nậm Nhùn, con số này lên đến 20.477 hộ. Trong khi đó, trên 10 hệ thống sông ngòi chính ở nước ta có đến 7.500 nhà máy thủy điện, đập dâng, hồ chứa, công trình thủy lợi. Như vậy, có thể thấy số dân bị tái định cư là rất lớn.

   Tái định cư thủy điện hoặc tránh lũ, ở phương diện nào đó có thể được xem là di dân có kế hoạch. Hàng trăm nghìn tỷ đồng được chi để hỗ trợ cho các chương trình tái định cư trên cả nước với các khoản chi như tiền bồi thường, xây dựng hạ tầng ở các khu, điểm tái định cư, hỗ trợ phát triển sản xuất… Mặc dù vậy, chưa có một chương trình tái định cư nào được xem là thành công. Khó khăn lớn nhất trong tất cả các chương trình tái định cư là đảm bảo sinh kế tại nơi ở mới. Nếu chiếu theo định nghĩa được thừa nhận rộng rãi về tỵ nạn môi trường, một bộ phận đáng kể cư dân tái định cư trong những năm qua có thể được xem là tỵ nạn môi trường.

   Bất ổn về môi trường ở ĐBSCL

   ĐBSCL là vùng đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng do luôn được một lượng lớn phù sa bồi đắp. Chính vì vậy, từ lâu, ĐBSCL đã được xem là vựa lúa, vựa trái cây của cả nước. Sản xuất lúa ở ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và góp phần tích cực trong xuất khẩu. Sản lượng lúa vùng ĐBSCL đạt 25,2 triệu tấn vào năm 2014, chiếm 56% sản lượng lúa cả nước, đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Các tỉnh đạt sản lượng lúa cao nhất vùng là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp với 11,7 triệu tấn.

   Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối diện với nạn hạn hán lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Cả vùng đồng bằng đang ở trong tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng, dẫn đến xâm nhập mặn trên diện rộng ở tất cả các tỉnh, gây thiệt hại nặng nề đến các ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, xâm nhập mặn đi sâu vào nội địa đến 60 km, thậm chí có chỗ lên đến 90 km. Hơn 300.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại nặng nề. 

Lúa chết do xâm nhập mặn ở Kiên Giang Hàu chết do thay độ mặn trong nước thay đổi đột biến ở Bến Tre

   Bên cạnh nguyên nhân El Nino, ĐBSCL còn chịu ảnh hưởng từ các đập thủy điện được xây dựng trên vùng thượng lưu, giữ lại lượng nước và phù sa vốn đã ít ỏi. Trong những năm qua, lượng phù sa đến được vùng cửa sông Cửu Long đang giảm nhanh chóng. Theo Ủy ban sông Mê Công ước tính, lượng phù sa đổ về ĐBSCL cách đây 30 năm là trên dưới 160 triệu tấn/năm. Lần ước tính gần nhất cho kết quả 75 triệu tấn/năm. Riêng giai đoạn 1992-2014, lượng trầm tích giảm gần một nửa. Hậu quả là hàng loạt các thay đổi nghiêm trọng đang xảy ra ở khu vực này: đáy sông sâu hơn, tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa; bờ sông, ven biển sạt lở với cường độ cao gây mất nhà cửa, đất sản xuất, phá hỏng đường xá. ĐBSCL đang chìm dần và sạt lở với tốc độ cao.

   Nguy cơ tỵ nạn môi trường ở ĐBSCL và đề xuất một số giải pháp

   Các vấn đề môi trường do thiên nhiên gây ra cũng như hoạt động của con người đang đặt hàng triệu người dân có nguy cơ trở thành dân tỵ nạn môi trường.

   Từ nhiều năm qua, người dân ĐBSCL đã di cư kiếm việc làm từ các tỉnh miền Tây sang các tỉnh miền Đông Nam bộ, tuy nhiên, chỉ ở quy mô vừa phải. Nghiên cứu của TS Lê Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ cho thấy, trong số hơn 900.000 người di cư từ ĐBSCL đến các vùng khác (điều tra dân số năm 2004 - 2009) thì có hơn 77% chọn điểm dừng là TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ.

   Đặc biệt, đợt hạn hán lịch sử năm 2016 có thể gây ra một làn sóng di cư mới, vẫn từ miền Tây sang miền Đông, với quy mô lớn hơn rất nhiều. Điều đáng lưu ý, những người tham gia vào đợt di cư mới này chưa được chuẩn bị đầy đủ cho việc tìm kiếm sinh kế mới. Trong số 10,4 triệu lao động trong vùng, chỉ có 10,4% lao động được đào tạo.

   Làn sóng di cư mới sẽ tạo áp lực lên cả nơi đi lẫn nơi đến. Ở nơi đi, việc di dân ồ ạt của nhóm dân cư trẻ và có sức lao động sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, gây khó khăn cho việc phục hồi sản xuất ở những vùng bị hạn hán, ngập mặn. Ở nơi đến, cơ hội việc làm không đủ cho lao động phổ thông. Các dịch vụ như y tế, giáo dục, an sinh xã hội chưa được chuẩn bị để tiếp nhận một lượng lớn dân di cư. Hậu quả là nhóm di cư sẽ trở thành nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cuộc sống đô thị, ít được bảo vệ, tiền lương được trả không tương xứng với sức lao động, khó tiếp cận các dịch vụ nhà ở xã hội nên sống trong môi trường chật hẹp, ô nhiễm và không được chăm sóc sức khỏe tốt khi ốm đau vì không có bảo hiểm y tế.

   Các giải pháp tạm thời như chính sách hỗ trợ hay cứu trợ đối với các cộng đồng bị thiên tai tác động không thể giúp giải quyết vấn đề tỵ nạn môi trường. Trong lúc làn sóng di cư vì môi trường chưa bùng phát, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn:

  • Cần xem xét lại các kịch bản BĐKH, làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược di dân, tái định cư có tổ chức và các chính sách hỗ trợ tương ứng. Vấn đề di cư và tái định cư cũng như các biện pháp tăng cường thích ứng với BĐKH cần được lồng ghép vào chính sách, chiến lược, quy hoạch ở Trung ương và địa phương, kể cả nơi đi và nơi đến.
  • Đẩy mạnh thực hiện các chương trình cấp quốc gia và cấp địa phương để cải thiện điều kiện sống, giải pháp sinh kế và khả năng chống chịu cho người di cư, tái định cư, cộng đồng di dời và cộng đồng tiếp nhận tái định cư.
  • Thực hiện các nghiên cứu cần thiết để đưa ra các mô hình sinh kế mới, phù hợp với điều kiện hạn hán, thiếu nước…
  • Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để xây dựng và thực hiện cơ chế chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý giữa các quốc gia vùng Mê Công mở rộng (Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam), trong đó có vấn đề xây dựng, vận hành các công trình thủy lợi, hồ chứa và thủy điện một cách có trách nhiệm.

Trần Lê Trà – WWF Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn