Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về công nghệ, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam 2019

09/12/2019

     Từ ngày 27 - 29/11/2019, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế (I.C.E) Hà Nội đã diễn ra Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về công nghệ, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam 2019 với sự tham gia của 200 đơn vị đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 6 nhóm gian hàng quốc tế gồm: Áo, Hàn Quốc, Qatar, Singapo, Trung Quốc, Ý, trưng bày và giới thiệu hàng loạt các thiết bị máy móc hiện đại, cùng với những giải pháp tân tiến nhất, nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển ngành công nghiệp nhựa.

     Việt Nam có nhu cầu lớn về tái chế nhựa

     Phát biểu tại Triển lãm, ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Vietnam cho biết, ở những quốc gia phát triển trên thế giới, công nghệ tái chế nhựa được chú trọng đầu tư và tỷ lệ rác thải nhựa gần như đạt mức tối đa.

     Cụ thể, Na Uy là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa hiện nay. Theo báo cáo của Tổ chức Tái chế nhựa Infinitum, Na Uy có khả năng tái chế 97% chai nhựa, trong đó có đến 92% sản phẩm nhựa tái chế có thể quay lại vòng đời là nhựa chất lượng cao. Tỷ lệ nhựa không thể tái chế đạt ở mức rất thấp, chỉ có 1%, đảm bảo an toàn để thải ra môi trường. Trung bình, một sản phẩm nhựa tại đất nước này có thể tái sử dụng hơn 50 lần. Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng đứng đầu trong danh sách các nước có tỷ lệ tái chế cao như: Thụy Điển (97 - 99%), Đức (65 - 86%), Bỉ (80 - 84%)…

 

Ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Vietnam

 

     Trong khi đó, ở Việt Nam trung bình mỗi năm tạo ra hơn 81 triệu tấn nhựa, chỉ tính riêng TP.HCM và Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 80 tấn chất thải nhựa và ni lông thải ra môi trường. Tuy nhiên, chỉ 27% túi nhựa được thu gom, tái chế đúng cách. Ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay từ Chính phủ, cơ quan ban ngành và doanh nghiệp. Khi tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn ở mức rất thấp, công nghệ lỗi thời dẫn đến hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường, do đó, ngành nhựa cần có một cuộc cách mạng lớn để cải tiến, đầu tư nghiêm túc vào công nghệ và thiết bị cho ngành tái chế. Mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là lời giải cho bài toán tái chế, đảm bảo 2 mục tiêu: Sử dụng tiết kiệm và hợp lí tài nguyên đầu vào và giảm ô nhiễm ở đầu ra.

     Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa và cao su tại Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn với mức tăng trưởng bình quân 12 - 15% mỗi năm, là nguyên vật liệu và thành phần quan trọng, khó thay thế trong ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với “ô nhiễm trắng” khi lượng tiêu thụ nhựa xếp thứ 3 tại khu vực ASEAN và thuộc hàng cao nhất thế giới - ông BT Tee cho biết.

 

Gian hàng trưng bày máy móc, thiết bị, sản phẩm phục vụ tái chế tại Plastics & Rubber Vietnam 2019 (Ảnh: Phong Lâm)

 

     Trong bối cảnh đó, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được khởi động, đặt ra mục tiêu tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín tránh tạo ra phế thải, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường. Ngành nhựa và cao su cần có một bước tiến mới trong việc cải tiến công nghệ và phương pháp sản xuất, đảm bảo sản phẩm từ nhựa có thể tối ưu hóa khả năng tái chế cũng như kích thích việc sử dụng nhựa tái chế. Đây được xem là mũi tên trúng 2 đích: Vừa phát triển được nguồn cung mới về nguyên liệu nhựa, vừa thể hiện vai trò tích cực trong phát triển bền vững của nền kinh tế.

     Cũng theo ông BT Tee, trong hơn một thập kỷ qua, ngành sản xuất chất dẻo tại khu vựa phía Bắc đã khẳng định vị trí quan trọng của mình trong nền công nghiệp Việt Nam, đặt ra nhu cầu mở mang cơ hội giao thương, tìm kiếm đối tác và bắt nhịp với những xu hướng mới nhất trong ngành nhựa Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung của các doanh nghiệp nhựa. Đó là động lực để Plastics & Rubber Vietnam 2019 - Triển lãm quốc tế công nghệ, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su, sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

     Tìm hướng phát triển bền vững cho ngành nhựa và cao su Việt Nam

     Không chỉ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc phát triển và mở rộng ngành công nghiệp nhựa, Triển lãm Plastics & Rubber Vietnam 2019 mong muốn tham gia tích cực vào các hoạt động môi trường và xã hội tại Việt Nam.

     Trong khuôn khổ Triển lãm, Hội thảo với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn: Công thức phát triển bền vững của ngành nhựa|”, diễn ra vào sáng ngày 28/11 do Công ty Informa Markets và Revival Waste tổ chức (đơn vị startup chuyên nghiên cứu từng chủng loại rác nhựa, đưa ra phương thức xử lý và phân loại phù hợp, sau đó xây dựng một kế hoạch khả thi cho các doanh nghiệp xử lý chất thải nhựa công nghiệp một cách hiệu quả nhất). Hội thảo là diễn đàn chia sẻ đa phương giữa các doanh nghiệp nhựa, doanh nghiệp tái chế và các cơ quan, ban, ngành Nhà nước về vấn đề phát triển bền vững ngành nhựa.

 

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn