Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Trang bị công nghệ hiện đại cho các nhà máy nhiệt điện đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường

24/03/2017

     Theo Quy hoạch phát triển điện của Chính phủ ban hành, Việt Nam đang có kế hoạch phát triển công suất nhiệt điện lên thêm 55 MW đến năm 2030. Đồng thời, với yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, quy hoạch cũng đề cập đến việc phải trang bị công nghệ hiện đại cho các nhà máy nhiệt điện.

     Theo Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương, cơ cấu nguồn điện của Việt Nam rất đa dạng với thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời… Hiện nay, nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, chỉ còn một số dự án mở rộng và các công trình thủy điện vừa và nhỏ có công suất dưới 30 MW. Tuy nhiên, dù có điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đi nữa cũng không thể cáng đáng được vai trò chủ lực trong hệ thống điện, vì điện gió chỉ có thể chạy được 5 - 6 tiếng/ngày, điện mặt trời 4-5 tiếng/ngày, không thể chạy 24/24h như nguồn thủy điện và nhiệt điện than.

     Hiện nay, phần lớn các nhà máy nhiệt điện trong nước sử dụng nguồn nhiên liệu là than. Năm 2015, ngành điện cần khoảng 33,3 triệu tấn than, đến năm 2020 con số này dự kiến là 79 triệu tấn và năm 2025 sẽ là 116 triệu tấn. Trong khi nhu cầu than ngày càng tăng nhưng sản lượng than trong nước cũng chỉ đáp ứng ở mức 32 triệu tấn/năm thì việc nhập khẩu than là tất yếu. Loại than nhập dự kiến là bitum.

 

Dây chuyền vận chuyển than từ cảng vào Nhà máy của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải

 

     Tuy nhiên, việc nhập khẩu than làm nảy sinh một số khó khăn. Các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam dùng than antraxit nội địa là chính và loại than này được chỉ định ngay từ khâu thiết kế, buộc sẽ phải dùng trong suốt vòng đời hoạt động của nhà máy. Nếu dùng cả hai loại than antraxit và bitum liệu có phù hợp với hệ thống thiết bị sẵn có? Hơn nữa, việc phối trộn than nội - ngoại như vậy có ảnh hưởng đến hiệu suất của nhà máy hay không?

     Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, phần lớn các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng than antraxit, là loại than rất khó cháy. Nếu đem trộn than antraxit này với loại than nhập ngoại cùng loại thường không gây trở ngại về kỹ thuật, nhưng nếu trộn với than khác loại có thể sẽ là một vấn đề lớn. Vì khi trộn hai chủng loại than khác nhau, nghĩa là thay đổi hẳn đặc tính than so với than thiết kế, sẽ cần nghiên cứu rất kỹ về sự đáp ứng của thiết bị, chế độ vận hành của nhà máy trong điều kiện mới.

     Hiện nay các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đã áp dụng công nghệ tiên tiến nên đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Bản thân trong lò đã khử được chất độc như COx, SOx, NOx. Trên ống khói lắp lọc bụi tĩnh điện để tránh được bụi bẩn ra ngoài nên gần như khắc phục được khói bụi ra môi trường. Việc phát triển nhiệt điện than phải song hành với công tác bảo vệ môi trường.

     Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ đã nêu rõ các giải pháp về giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu sử dụng chất thải tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than cho sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác nhằm giảm diện tích bãi thải, bảo đảm theo đúng quy định. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm giảm ô nhiễm môi trường như buồng đốt than phun thông số hơi siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, công nghệ tầng sôi tuần hoàn, chu trình tuabin khí hỗn hợp, công nghệ xử lý chất thải tiên tiến…; Thực hiện đầy đủ công tác theo dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu môi trường; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ngành điện.

     Về phía Bộ Công Thương, ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng Cục trưởng Cục Năng lượng, khẳng định việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than vẫn là giải pháp quan trọng và tối ưu trong tình hình hiện nay. Bởi, nhiệt điện than có chi phí thấp hơn các nguồn sản xuất điện khác (thủy điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu, điện từ năng lượng tái tạo…) và nguồn nguyên liệu cho các nhà máy này cũng dồi dào hơn, giúp Việt Nam giảm được giá thành trong sản xuất.

     Ông Phương cũng thừa nhận việc phát triển nhiệt điện than đang gây ra nhiều vấn đề môi trường do lượng chất thải (rắn, nước, khí) từ các nhà máy này. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng đây là vấn đề có thể giải quyết được và chi phí để giải quyết lượng chất thải này cũng không phải quá lớn. Để làm được việc này, cần thay đổi thói quen trong xã hội như chuyển từ sử dụng gạch nung sang gạch không nung được sản xuất từ tro, xỉ than hay sử dụng tro, xỉ để san lấp mặt bằng... Như vậy, sẽ xử lý được vấn đề môi trường mà vẫn bảo đảm được an ninh năng lượng quốc gia.

 

Phương Tâm

Ý kiến của bạn