Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tham vấn về tác động môi trường, đa dạng sinh học do hoạt động mở rộng tuyến đê biển Thái Bình

06/03/2017

     Ngày 25/2/2017, tại TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo Tham vấn về tác động môi trường, đa dạng sinh học (ĐDSH) do hoạt động mở rộng tuyến đê biển tại huyện Thái Thụy, tạo mặt bằng phát triển khu công nghiệp - dịch vụ Xuân Hải và để xuất các giải pháp giảm thiểu.

     Dự án nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ K26+700 đến K31+700, huyện Thái Thụy để kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp, dịch vụ, là Dự án nằm trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân cư của tỉnh. Việc thực hiện dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển khu kinh tế biển, thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường và cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực.

     Tuyến đê biển 8 (mới) đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch tuyến đê biển tại văn bản số 1797/TTg-KTN ngày 6/11/2013. Tỉnh Thái Bình cũng nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020, được Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 741/VPCP- KTTH ngày 9/2/2011.

     Mục tiêu của Dự án là đắp đê mới, đoạn từ K26+700 đến K31+700, cách đê cũ khoảng 800 m về phía biển; San lấp toàn bộ diện tích đất xen kẹp giữa đê cũ và đê mới, đảm bảo ổn định cho đê mới đắp; Kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp - dịch vụ, thu hút nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển khu kinh tế ven biển và làm thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường, cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực.

     Diện tích sử dụng đất 320 ha, Dự án sẽ chiếm chỗ diện tích gần 150 ha đất rừng trồng.

 


     Theo đánh giá của Cục Bảo tồn ĐDSH, Tổng cục Môi trường, vùng đất ngập ven biển huyện Thái Thụy là nơi có hệ sinh thái ngập mặn với nhiều giá trị cần được bảo tồn, cũng là nơi có hoạt động phát triển kinh tế năng động, nằm ở cửa sông Hồng, được hình thành và phát triển như bức tường xanh trải dài dọc bờ biển, bảo vệ đê biển và che chắn các cơn bão khi đổ bộ vào đất liền. Nơi đây cũng là địa điểm mà một số loài chim nước di cư, trú đông bị đe dọa trên toàn cầu, được ghi trong Danh mục đỏ IUCN đến trú ngụ và kiếm ăn như Cò Thìa, Mòng bể mỏ ngắn, Rẽ mỏ thìa, Quắm đầu đen…

     Tháng 12/2004, UNESCO đã công nhận “Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng,” gồm các vùng đất ngập nước phía Nam vùng Duyên hải Bắc bộ nằm ở cửa sông Thái Bình, sông Hồng và sông Đáy thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

     Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận về những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện Dự án như: Các vấn đề kỹ thuật và tác động môi trường (địa chất, bài toán thủy văn, thủy lực, tác động đến môi trường sinh thái…); giải pháp khi thực hiện Dự án (thiết lập các chốt bảo vệ rừng, quá trình thực hiện Dự án phải đo đạc kỹ các tham số, đào tạo kỹ năng làm việc, huy động mọi nguồn lực trồng mới các cây ngập mặn…); đề xuất những kiến nghị để Dự án mang tính khả thi cao.

     Theo GS.TS khoa học Đặng Huy Huỳnh, khi chuyển đổi 150 ha đất trồng rừng, nếu tính về lượng giá thì môi trường sinh thái, ĐDSH chưa mất hẳn, nguồn gen vẫn được bảo tồn vì tính vận động của sinh vật. Tuy vậy, nguồn gen mất nhiều hay không thì việc mất đi 150 ha rừng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề sinh kế của người dân. Hơn nữa, vùng đất Dự án nằm trong vùng di sản (vùng dự trữ sinh quyển) nên việc thực hiện Dự án phải được nghiên cứu, làm rõ thật thỏa đáng.

     TS. Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường cho rằng, tác động vào tự nhiên có được và có mất, song phải đánh giá được lợi ích thu về ở mức cao nhất. Việc trồng lại 150 ha rừng cũng là bài toán liên quan đến hậu kiểm (mức độ, tỷ lệ sống sót của rừng trồng mới). TS cũng lưu tâm đến việc thực hiện Dự án bởi nó liên quan đến Luật Đê điều, tính thủy văn, thủy lực của Dự án, nguồn và chất đất để đắp thân đê.

     GS. Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện điều tra, quy hoạch rừng ​chia sẻ, “băn khoăn nhất là Dự án của tỉnh chưa lượng hóa, làm rõ được những thiệt hại do mất rừng và việc xây dựng khu công nghiệp, dịch vụ liệu có hiệu quả hơn?”. Đây là rừng phòng hộ, nên việc phá diện tích rừng cần cân nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu.

     GS. Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật nêu quan điểm: “Trong quá trình lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, thực thi Dự án và hậu kiểm cần bổ sung, làm rõ các giải pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường sinh thái. Để có cái nhìn khách quan, cần tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư các xã ven biển, mặt khác, vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng được Tổ chức UNESCO công nhận năm 2004, do đó cần thận trọng trong việc bảo tồn với phát triển, không phá vỡ cảnh quan sinh thái khu vực.”

     Đồng quan điểm, nhiều đại biểu đã đánh giá Dự án mở tuyến đê Thái Thụy là cần thiết vì nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Tuy vậy, trong quá trình lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, thực thi Dự án và hậu kiểm cần bổ sung, làm rõ các giải pháp giảm thiếu tác đọng xấu đến môi trường sinh thái. Đồng thời, Dự án phải đánh giá đầy đủ hơn, cụ thể hơn đối với các đối tượng trong khu vực. Do đó, nên tham vấn ý kiến của cộng đồng người dân có sinh kế gắn với rừng ngập mặn và phải đánh giá được tác động của khu công nghiệp đến môi trường, hệ sinh thái rừng ngập mặn.

     Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch ​UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên đã làm rõ thêm những căn cứ thực hiện Dự án quai đê lấn biển ở Thái Thụy; giao các Sở, ngành liên quan lĩnh hội và tiếp thu những ý kiến của các nhà khoa học để tham mưu cho tỉnh có quyết sách phù hợp với thực tế, phát triển kinh tế hài hòa với việc BVMT tự nhiên.

 

Nguyên Hằng

Ý kiến của bạn