Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tập trung nguồn lực để xử lý dứt điểm các điểm nóng về môi trường

25/10/2017

     Phát biểu tại phiên Thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội sáng ngày 24/10/2017 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Quốc hội cần tập trung toàn tâm, toàn lực để xử lý các điểm nóng về môi trường vì sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững đất nước.

     Làm rõ thêm Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018 của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sáng ngày 23/10, Bộ trưởng - Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà cho biết, năm 2017 là năm đặc biệt của Chính phủ, có những dấu ấn rõ nét của sự chuyển biến trong chỉ đạo điều hành, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Các chỉ số về tình hình kinh tế - xã hội đã có sự đổi mới về cơ cấu, kinh tế phát triển nhưng tỷ lệ khai khoáng giảm dần; cơ cấu chế tạo điện tử có tỷ trọng lớn tăng lên; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tăng trưởng mạnh… Bên cạnh đó, vấn đề môi trường trong các dự án được quan tâm hơn, thông qua việc thanh tra, kiểm tra, bắt buộc các doanh nghiệp (DN) thực hiện cam kết BVMT; Công tác xử lý môi trường có những chuyển biến tích cực, một số ngành công nghiệp, công nghệ về môi trường đã tiến hành xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định, nhất là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 


Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà  (giữa) phát biểu tại Phiên thảo luận

 

     Đồng tình với kế hoạch năm 2018 của Chính phủ đề ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh việc quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đặt ra, cần tính đến những rủi ro do thiên thai, thời tiết và biến đổi khí hậu. Hiện tại, cùng với việc xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính vì người dân, DN, các Bộ, ngành đã và đang rà soát các bộ thủ tục hành chính. Riêng Bộ TN&MT, sắp tới sẽ loại bỏ 30% - 40% các điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và DN.

     Đề cập đến các nhà đầu tư lớn như: Lee & Man Hậu Giang, Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Samsung Việt Nam… Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra quan điểm, nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề môi trường thì các DN này sẽ có đóng góp rất đáng kể vào ngân sách nhà nước. 

     Về chỉ số độ che phủ rừng, hiện nay, độ che phủ của các loại rừng khác nhau, chất lượng các loại rừng khác nhau, vì vậy, theo Bộ trưởng, phải có đánh giá cụ thể, số liệu thống kê đảm bảo tính thống nhất.

     Đối với các chỉ số cho các DN ở các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), cần đưa các chỉ số về BVMT cao hơn, bởi hầu hết các KCN đều có hệ thống xử lý về môi trường nhưng chất lượng chưa cao, vẫn phải theo dõi, giám sát. “Đã là KCN, CCN, nếu năm 2018 mà không đảm bảo các chỉ số BVMT thì tạm thời cần xem xét xử lý…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

Các đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự Phiên thảo luận

 

     Việc các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng tại các làng nghề, bãi rác, điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, khu vực nhiễm dioxin… vẫn chưa được xử lý, Bộ trưởng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện để giảm hệ lụy cho đời sống và sức khỏe người dân.

     Về kinh phí sự nghiệp môi trường, từ năm 2004 đến nay, có 1% GDP chi cho công tác BVMT. Theo Bộ trưởng, trước tiên Nhà nước phải kiểm soát và giám sát về môi trường. Gần đây Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… rất quan tâm đến vấn đề này thông qua việc đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, nhờ vậy, kiểm soát được các KCN, DN có nguồn xử thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và có thể kiểm soát được chất lượng môi trường nói chung. 

     Cũng tại Phiên thảo luận, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tăng chi sự nghiệp môi trường; tăng cường năng lực quan trắc, giám sát về môi trường, đặc biệt là quan trắc môi trường xuyên biên giới, liên tỉnh, giúp cơ quan quản lý môi trường địa phương có đầy đủ năng lực để kiểm soát vấn đề môi trường của từng địa phương. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét, tính toán đầu tư cho các chương trình mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra như: Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng…

 

Long Hoàng (Theo Monre)

Ý kiến của bạn