Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tạo sức ép để bảo vệ môi trường

20/09/2016

     Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng nhất là ở khu vực xung quanh các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp… khiến người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân đã tìm đến Báo Đại Đoàn Kết để phản ánh những gì họ đang phải gánh chịu. Ngay lập tức Báo đã vào cuộc, cùng với nhân dân bảo vệ môi trường sống trong lành.

 

ĐĐK đã lên tiếng phản ánh các doanh nghiệp gây ô nhiễm tại KCN Tằng Loỏng

 

     Chuyển biến

     Thời gian qua, trên ĐĐK xuất hiện nhiều tin, bài phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều bài báo của ĐĐK đã góp phần tạo nên sức ép dư luận đối với ngành chức năng quản lý về môi trường và với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, ngành chức năng vào cuộc xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, các doanh nghiệp đã dần ý thức được trách nhiệm của mình về việc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.

     Có thể kể đến các trường hợp mà ĐĐK lên tiếng, có hiệu quả tích cực như trường hợp Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì (Phú Thọ). Lẽ thường, người ta xây dựng nhà máy xử lý rác để thu gom, xử lý rác thải góp phần làm cho môi trường xanh, sạch và cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhưng Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì của công ty TNHH MTV xử lý và chế biến chất thải tỉnh Phú Thọ lại hoàn toàn ngược lại. Hàng chục năm qua, nhà máy rác này không ngừng gieo rắc sự ô nhiễm, khiến hàng nghìn hộ dân xã Phượng Lâu và phường Vân Phú của TP.Việt Trì phải sống trong cảnh ngắc ngoải. Nằm giữa cánh đồng của bà con nông dân, Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì lại chọn phương pháp chôn lấp thô sơ để xử lý rác thải. Quá tải nhưng không tìm ra cách xử lý, nhà máy đã chọn phương án cứ “vỡ” thì lại “vá” khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng...

     Sau khi báo ĐĐK nêu sự việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo phản ánh. Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc kiểm tra, từng bước giải quyết sự việc.

     Cũng tại tỉnh Phú Thọ, nhận được đơn thư bạn đọc, phóng viên Báo ĐĐK đã tức tốc lên đường tìm hiểu nỗi thống khổ của người dân phải sống gần Công ty CP giấy Việt Trì. Nhiều năm qua Cty này đã liên tục xả thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn ra môi trường, khiến cuộc sống của người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và âm thầm đầu độc sông Hồng. Sau khi báo ĐĐK phản ánh, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) đã lập đoàn thanh tra và xác định, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì có hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400m3/ngày đến dưới 600m3/ngày và hàng loạt sai phạm về môi trường khác. Qua đó, Tổng cục Môi trường quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty này số tiền 374 triệu đồng; đồng thời buộc Cty phải đình chỉ ngay hành vi xả thải chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.

     Tương tự tại Nhà máy sắn Văn Yên thuộc Công ty cổ phần Nông lâm sản, thực phẩm Yên Bái (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Từ khi nhà máy này bước vào hoạt động sản xuất, mỗi ngày thải ra môi trường hàng trăm tấn bã sắn và hàng nghìn mét khối nước thải độc hại ra môi trường. 

     Từ phản ánh của Báo ĐĐK, Tổng cục Môi trường đã vào cuộc kiểm tra phát hiện hành vi nhà máy này chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn và liên tục xả chất thải độc hại vượt quy chuẩn ra môi trường. Tổng cục Môi trường đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với nhà máy này với tổng mức tiền phạt là hơn 509 triệu đồng. 

     Đặc biệt tại vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại đầu độc môi trường biển khiến cá chết hàng loạt dọc bãi biển miền Trung cũng được Báo ĐĐK lên tiếng mạnh mẽ. Phóng viên Báo ĐĐK đã bám sát, phản ánh chi tiết vụ việc. Đồng thời có những phản biện sắc xảo, cùng với các cơ quan chức năng vạch trần hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty này.

     Những thông tin, phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đăng tải trên ĐĐK đã góp phần tạo nên sức ép của dư luận đối với ngành chức năng phụ trách lĩnh vực môi trường và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, các doanh nghiệp đã dần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.

 

Ô nhiễm môi trường do Nhà máy chế biến rác thải đô thị Việt Trì gây ra.

 

Tổng cục Môi trường đã xử phạt Nhà máy sắn Văn Yên thuộc Công ty CP Nông lâm sản, thực phẩm Yên Bái

xả thải độc hại ra môi trường hơn 500 triệu đồng

 

     Chờ những câu trả lời

     Sau khi Báo ĐĐK phản ánh, bên cạnh những địa phương tích cực vào cuộc để kiểm tra, xử lý các DN gây ô nhiễm môi trường, thì còn nhiều địa phương, ngành chức năng thờ ơ, không vào cuộc xử lý khiến dư luận địa phương bức xúc. 

     Có thể kể đến việc Khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng (thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) gây ô nhiễm môi trường. Nhiều năm qua, KCN này không có quy hoạch tổng thể, không đánh giá tác động môi trường, thậm chí không có hệ thống thu gom để xử lý nước thải, chất thải… Đến gần KCN Tằng Loỏng, hình ảnh khiến ai cũng phải rùng mình đó là ống khói khổng lồ phun trào những cột khói đen xám xịt ra bầu trời khiến khu vực xung quanh trở nên ngộp thở. Đáng chú ý, tại các nhà máy sản xuất phốt pho, trên ống khói có cả cột lửa cháy ngùn ngụt suốt ngày đêm và lớp bụi tuôn trào dày đặc. Sát KCN Tằng Loỏng là cảnh tượng hàng trăm nhà dân đóng cửa im lìm như những căn nhà hoang. Xung quanh, vườn tược cây cối, hoa màu cũng héo úa, tiêu điều. Tất cả các loại nước thải của KCN dù đã được xử lý hay chưa xử lý đều xả trực tiếp ra các con suối và hệ thống kênh mương thôn Khe Chom (thị trấn Tằng Loỏng) và các khu vực lân cận gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Do quá ô nhiễm nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân các khu vực xung quanh KCN bị đình trệ, nhưng KCN chưa lần nào bồi thường cho dân. Theo thống kê, xung quanh KCN có hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

     Đáng nói là việc xử lý sai phạm ở đây lại chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Dân liên tục kêu cứu khắp nơi, Báo ĐĐK lên tiếng và nhiều cơ quan báo chí khác cũng phản ánh những dường như các DN vẫn cố tình xả thải độc hại ra môi trường, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.

     Trường hợp khác, từ năm 2014 đến nay, hàng trăm hộ dân và hơn 300 thầy, cô giáo, các em học sinh trường Tiểu học xã Trung Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) phải sống khốn khổ vì bị khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm từ Nhà máy xi măng Trung Sơn của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh gây ra. Khói bụi trắng xóa từ phía nhà máy xi măng phát tán ra xung quanh khiến khu vực này xơ xác nhuốm màu bụi đá, bụi xi măng. Mỗi ngày đều đặn hai lần, sau tiếng nổ mìn lớn  là cả vùng rộng lớn xung quanh rung chuyển, khói bụi mìn và đất đá bắn tung tóe theo gió phủ xuống ruộng đồng, làng mạc. Trong khi các sai phạm về môi trường chưa được khắc phục thì nhà máy này lại đề nghị nâng công suất lên gấp 6 lần so với hiện tại khiến nhân dân vô cùng lo lắng. Báo ĐĐK đã vào cuộc nhưng chính quyền địa phương vẫn thờ ơ.

     Tại thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam- tình trạng cũng không khá hơn. 4 nhà máy gồm: Nhà máy xi măng Xuân Thành, Hoàng Long, Thành Thắng và nhà máy vôi Tràng An nằm kế tiếp nhau kéo dài hàng cây số ngay đường trục giao thông chính của thôn Bồng Lạng. Khói, bụi cuồn cuộn từ các ống khói khiến bầu khí đặc quánh đến ngộp thở. Hàng trăm hộ dân Bồng Lạng phải lĩnh đủ hậu quả ô nhiễm môi trường do hoạt động của các nhà máy xi măng gây ra. Người dân liên tục kiến nghị, kêu cứu lên các cấp có thẩm quyền nhưng dường như tiếng kêu cứu của họ “lọt thỏm” dưới các ống khói nhà máy...

     Còn rất nhiều trường hợp gây ô nhiễm môi trường khác vẫn chưa được xử lý. Nhưng với trách nhiệm và quyết tâm, Báo ĐĐK vẫn sẽ tiếp tục đứng về phía nhân dân, đứng về sự phát tiển bền vững của đất nước để phản ánh, đấu tranh. Với niềm tin không bao giờ vơi cạn là lẽ phải sẽ chiến thắng, môi trường sống của chúng ta sẽ ngày một trong lành hơn.  

 

Theo daidoanket.vn

Ý kiến của bạn