Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường sự giám sát hoạt động khai thác và buôn bán chim hoang dã tại Việt Nam

02/11/2017

   Việt Nam là một trong những quốc gia có khu hệ chim giàu có nhất Đông Nam Á với hơn 850 loài chim đã được ghi nhận (chiếm khoảng 9% tổng số loài chim trên toàn thế giới), trong đó có 11 loài chim đặc hữu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng buôn bán chim tự do tại Việt Nam đang diễn ra phổ biến, đe dọa đến sự tồn tại của các loài chim, đặc biệt là các loài chim quý, hiếm.

Tình trạng buôn bán chim đang diễn ra phổ biến, đe dọa đến sự tồn tại của các loài chim, đặc biệt là loài chim quý, hiếm

   Trong thời gian qua, Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (Traffic) đã nghiên cứu về tình hình buôn bán chim ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu tiến hành khảo sát các thị trường buôn bán chim và phát hiện có 8.047 cá thể chim thuộc 115 loài bị bày bán tại 52 cửa hàng, trong đó có 99% là loài bản địa của Việt Nam. Theo khảo sát, di đá (21%) và chào mào (15%) là hai loài có số lượng cá thể bị bán nhiều nhất với gần 3.000 cá thể. Từ đó, nghiên cứu đưa ra cảnh báo hoạt động buôn bán chim hoang dã tại Việt Nam có thể gây nguy hại đến các quần thể ngoài tự nhiên.

   Trong số các loài bản địa được ghi nhận, chỉ 10% tổng số cá thể được bảo vệ bởi luật pháp quốc gia. Trong đó có tất cả 4 loài vẹt bản địa (chiếm 6% tổng số chim ghi nhận được) bị cấm khai thác vì mục đích thương mại theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về quản lý các loài động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, 4 loài này vẫn bị bẫy với số lượng lớn, dẫn đến suy giảm nghiêm trọng số lượng quần thể. Ngoài ra, có nhiều loài bản địa khác đang bị đe dọa nghiêm trọng nhưng không được bảo vệ bởi luật pháp quốc gia. Trong các loài mà khảo sát ghi nhận được, có 7 loài là chích chòe lửa, vành khuyên, chích chòe than, kim oanh tai bạc, yểng, sẻ Java và chim lam được Chiến lược Bảo tồn các loài chim hót thuộc bộ Sẻ của Đông Nam Á xếp vào loại đang bị đe dọa do buôn bán trong khu vực.

   Dựa trên tình trạng và hành vi của các cá thể chim quan sát được, đa số chim thuộc các loài bản địa đều nghi ngờ đã bị bắt ngoài tự nhiên. Đối với một số loài nhất định, số lượng lớn chim chưa trưởng thành cho thấy dấu hiệu nuôi sinh sản hoặc nhiều khả năng là chăn nuôi (trứng hoặc con non được lấy từ các tổ ở vị trí dễ tiếp cận ngoài tự nhiên rồi nuôi để bán). Điều này cho thấy, sự cần thiết tăng cường giám sát, đặc biệt là áp dụng hệ thống quản lý nhằm đảm bảo buôn bán chim hoang dã không tác động tiêu cực lên các quần thể ngoài tự nhiên.

   Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ theo luật hình sự đối với một số loài. Tuy nhiên cần thực hiện hiệu quả hơn nữa hoạt động thực thi pháp luật chống buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã tại Việt Nam. Điều này hiện đang bị cản trở bởi tình trạng thiếu kỹ năng nhận dạng loài của các cán bộ thực thi luật pháp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một thách thức mới cho các cán bộ thực thi pháp luật là sự gia tăng tình trạng buôn bán trực tuyến, với mức độ phức tạp và khó kiểm soát hơn so với buôn bán công khai tại các cửa hàng.

   Để tăng cường sự giám sát và quản lý hoạt động khai thác, buôn bán chim hoang dã nhằm đảm bảo không tác động tiêu cực lên các quần thể ngoài tự nhiên, nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị:

   Tăng cường hệ thống luật pháp hiện hành để bổ sung phương tiện giám sát và điều chỉnh việc khai thác, buôn bán các loài bị bắt từ tự nhiên, đảm bảo không tác động tiêu cực lên sự tồn tại của các loài này.

   Đẩy mạnh hợp tác với tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia để cập nhật danh sách các loài được bảo vệ và cơ chế quản lý theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; bổ sung các loài bị đe dọa do buôn bán tại Việt Nam như loài chim săn mồi, chim họa mi, kim oanh mỏ đỏ, chích chòe lửa, chào mào, các loài đặc hữu có vùng phân bố hẹp và các loài được Danh lục đỏ IUCN đánh giá là đang bị đe dọa.

   Tăng cường sự giám sát và thực thi pháp luật hiệu quả tại địa điểm bán chim; khi xảy ra vi phạm, cần đảm bảo các hình phạt mang đủ tính răn đe. Đồng thời, xây dựng năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật để phân biệt giữa loài chim phổ biến và loài bị đe dọa; giám sát chặt chẽ và phát hiện việc buôn bán xuyên biên giới tại các cửa khẩu chính và đường tiểu ngạch, đối với cả việc nhập khẩu, xuất khẩu.

   Cần tiến hành các cuộc khảo sát tổng thể để có cái nhìn toàn diện về loài và số lượng loài bị buôn bán. Tuy nhiên, các khảo sát này khó có thể tiến hành một cách thường xuyên. Vì vậy, chỉ nên tiến hành giám sát đều đặn một số loài ưu tiên và chỉ thị trong một thời gian nhất định. Điều này có ý nghĩa trong việc phát hiện các động lực thị trường, ưu tiên hành động quản lý hoặc quy định và hình thành cơ sở bằng chứng để đưa ra quyết định dựa trên thông tin về tình hình buôn bán.

   Tiến hành khảo sát thị trường tiêu dùng để hiểu về động cơ và thực tế mua bán chim cảnh trên thị trường, qua đó cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, xây dựng thông điệp thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với các loài chim có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc không bền vữngn          

                Phương Liên

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn