Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long

27/09/2016

     Sáng ngày 26/9/2016, tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Sơn Minh Thắng và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự Hội nghị có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cùng Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Lãnh đạo các Bộ, ngành; Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND 13 tỉnh vùng ĐBSCL.

 


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ

Sơn Minh Thắng và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình chủ trì Hội nghị

 

     BĐKH tác động rõ rệt đến ĐBSCL

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh BĐKH tác động rõ rệt đến đời sống, kinh tế, chính trị, an ninh xã hội của Việt Nam, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nước ngọt, hạn hán, xâm nhập mặn, xâm thực bờ biển diễn ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt ở các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, vào giữa tháng 11/2016, tại COP22 diễn ra ở Ma Rốc, các bên tham dự sẽ bàn phương án triển khai các cam kết đã ký trong Thỏa thuận Pari về BĐKH, trong đó phát triển ĐBSCL trước thách thức của BĐKH là một trong những nội dung quan trọng mà Việt Nam đưa ra trong việc thực hiện Thỏa thuận Pari.

     Theo Bộ trưởng, ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Được đánh giá là 1 trong 3 châu thổ lớn của thế giới, là dải đất đa dạng ẩn giấu nhiều bí tàng của trời đất; Đây đã từng là vùng đất trù phú mang lại sinh kế lâu đời cho người dân nơi này. Nhưng BĐKH đang tác động lên vùng đất này và đặt ĐBSCL trước những thách thức to lớn, những vấn đề hiện hữu theo kịch bản BĐKH đặt ra với mà Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đang gặp phải đó là bờ biển bị xâm thực và mặn hóa ngày càng xâm nhập sâu... Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê Công gây ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy, chuyển nước sang lưu vực sông khác, tăng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước… Điều này đòi hỏi phải có sự cam kết mạnh mẽ, mang tính pháp lý của các nước trong việc sử dụng bền vững tài nguyên nước, nhằm giải quyết các thách thức xuyên biên giới đối với vùng ĐBSCL. Đối với Việt Nam, cần có cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên ngành, liên vùng để hạn chế những bất cập trong quản lý sử dụng tài nguyên nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

      Cần tăng cường liên kết để ĐBSCL phát triển bền vững

     Trước tác động của BĐKH, ĐBSCL không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức, công nghệ để phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội để ĐBSCL phát triển lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặt vấn đề với các tỉnh ĐBSCL.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

 

     Dẫn lời một nhà văn, Bộ trưởng phân tích: “Suốt mấy nghìn năm, ông cha ta đã bám chắc mảnh đất quê hương, khai phá ruộng đất, cải tạo thiên nhiên và tạo ra một đồng bằng Cửu Long sông mẹ và những tặng phẩm của thiên nhiên vô cùng tuyệt diệu … Tiếp nói truyền thống đó của cha ông, lớp con cháu chúng ta phải có một tư duy phát triển mới song hành cùng các giải pháp dựa trên quy hoạch tổng thể, lâu dài cho khu vực để từ đó tránh được những xung đột về lợi ích giữa các địa phương và giữa các tiểu vùng, đồng thời hài hòa giữa các ưu tiên trước mắt và mục tiêu lâu dài cho phát triển bền vững khu vực này…”

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

 

     Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung phân tích cụ thể các tác động, ảnh hưởng của BĐKH và nuớc biển dâng đối với khu vực, hướng đến giải pháp để ĐBSCL thích ứng với BĐKH, thích ứng với xâm ngập mặn, coi đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội trong phát triển; Làm rõ các giải pháp thích ứng với BĐKH, trong đó xác định ĐBSCL phải chủ động nguồn nước ngọt, đồng thời đề xuất các biện pháp, phương án cụ thể để ứng phó với BĐKH và việc triển khai hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên nước; Thảo luận, kiến nghị cụ thể về các mô hình thích ứng hiệu quả và sinh kế bền vững, chống chịu với BĐKH. Theo đó, ĐBSCL phải thay đổi phương thức sản xuất, lựa chọn mô hình phát triển thay thế quy trình sản xuất cũ bằng mô hình sản xuất mới đặc biệt là phát triển dựa trên các mô hình kinh tế dựa trên nước mặn, nước lợ và nước ngọt… Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cần tăng cường liên kết cùng nhau phát triển, ứng phó với BĐKH trên cơ sở một quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ngoài ra, Hội nghị cũng cần tập trung bàn về định hướng các dự án, cách thức huy động nguồn lực trong và ngoài nước, giúp ĐBSCL phát triển. Các chương trình, công trình kỹ thuật ở ĐBSCL phải làm sao để vừa bảo tồn được các công trình văn hóa - xã hội, vừa ứng dụng được cơ chế sản xuất, ưu tiên BVMT và ứng dụng phát thải các bon thấp, đảm bảo phát triển bền vững… 

     Phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá và biểu dương sự nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương vùng ĐBSCL trong hơn một năm qua đã đương đầu với tình hình khó khăn, mặn xâm nhập sâu nhất trong lịch sử nhưng vẫn giữ ổn định và phát triển, kinh tế tăng trưởng khá.

 

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Monre)

 

     Về các giải pháp để thích ứng với BĐKH, Phó Thủ tướng đồng tình với các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học nêu ra. “Thách thức với ĐBSCL là rất nghiêm trọng nó tác động đến phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất, môi trường… trong cả vùng. Tuy nhiên, chúng ta không hoang mang trước BĐKH. Chúng ta tự tin ứng phó và thích ứng để tìm ra mô hình phát triển mới nhưng chúng ta cũng tuyệt đối không chủ quan trước những thách thức này…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

     Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể:

     Bộ TN&MT phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ xây dựng báo cáo để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương về tình hình BĐKH ở ĐBSCL và những giải pháp thích ứng. Đồng thời, chủ trì xuất bản kỷ yếu của Hội nghị để làm tài liệu, cẩm nang ứng phó với BĐKH của khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.

     Các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, GT&VT, KH&CN… tiếp tục cập nhật kịch bản BĐKH để hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tái cơ cấu nền nông nghiệp, chương trình, dự án cho ĐBSCL hướng tới phát triển bền vững.

     Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ chuyên ngành rà soát các nguồn vốn để bố trí cho các trương trình ứng phó BĐKH ở ĐBSCL.

     Các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục nghiên cứu các thách thức đặt ra với địa phương để đưa vào các chương trình BĐKH cho phù hợp.

     Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chương trình truyền thông phù hợp, làm sao để chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và mọi người dân đều hiểu tác động và chương trình ứng phó BĐKH ở ĐBSCL.

     Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT khẩn trương cập nhật trong việc ứng phó BĐKH đề xuất các dự án cụ thể, mang tính liên vùng, liên ngành, có tác động lan tỏa, tạo được sinh kế bền vững cho người dân, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo.

 

Thanh Huyền (Theo Monre)

Ý kiến của bạn