Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Quản lý tổng hợp chất thải - hướng đi mới mang lại hiệu quả

12/09/2016

Giám đốc Vụ Hợp tác quốc tế -
Trung tâm Môi trường toàn cầu (GEC) Tetsuo Minami

   Hiện nay, quản lý tổng hợp chất thải (QLTHCT) được xem là một định hướng mới trong công tác quản lý chất thải ở nhiều quốc gia. Trong đó, Nhật Bản là nước đi đầu trong việc xử lý chất thải, BVMT. Những điều Nhật Bản đã và đang làm trong công tác xử lý chất thải sẽ là bài học quý đối với Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Vụ Hợp tác quốc tế - Trung tâm Môi trường toàn cầu (GEC) Tetsuo Minami.

   Có ý kiến cho rằng, để công tác QLTHCT đem lại hiệu quả thì phải đối xử với chất thải như là nguồn tài nguyên phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

   Ông Tetsuo Minami: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến trên. Khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị cạn kiệt thì chất thải được xem là một loại nguồn tài nguyên quý mà con người có thể tái chế, tái sử dụng. Một số quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc tận dụng chất thải là tài nguyên tái sinh, với quy trình khép kín hiện đại từ định hướng sử dụng, thu gom, phân loại, tái chế và sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, đặc biệt, có thể xuất khẩu sang quốc gia khác.

   Trên thực tế, chất thải là nguồn tài nguyên phong phú, nếu khai thác hợp lý sẽ góp phần BVMT và đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn so với việc sản xuất mới. Chẳng hạn, để sản xuất 1 tấn bột giấy cần 100 m3 nước, nhưng nếu tái chế, 1 tấn giấy tái chế có thể tiết kiệm được 32 m3 nước, 4.200 kWh năng lượng điện (đủ dùng cho một gia đình 4 người/năm). Hơn nữa, tái chế giấy không chỉ tận dụng được tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm điện năng. Hay đối với vật liệu xanh như thủy tinh, nó có thể tái chế nhiều lần mà không làm giảm chất lượng. Thủy tinh sản xuất từ thủy tinh tái chế giúp giảm 20% ô nhiễm không khí và 50% ô nhiễm nước.

   Ông đánh giá thế nào về QLTHCT. Điều gì đã giúp Nhật Bản áp dụng thành công phương pháp này?

   Ông Tetsuo Minami: QLTHCT cho phép xem xét tổng hợp các khía cạnh liên quan đến quản lý chất thải như môi trường tự nhiên, xã hội, kinh tế, thể chế, với sự tham gia của bên liên quan vào các hợp phần của hệ thống quản lý chất thải (giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng, tái chế, chôn lấp). Phương pháp này là một giải pháp tích hợp, đảm bảo tính bền vững khi lựa chọn quy hoạch và quản lý môi trường trong điều kiện cụ thể.

   Trong QLTHCT thì phòng ngừa là nguyên tắc hàng đầu, giúp ngăn chặn phát thải hoặc tránh tạo ra chất thải. Khi phát thải được giảm tới mức bằng 0 thì đó là sự phòng ngừa tuyệt đối, là phương thức hiệu quả để giảm thiểu phát thải từ nguồn phát sinh. Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, nếu giảm thiểu được phát thải thì giảm được các chi phí cho các khâu tiếp theo để xử lý chất thải (tái sử dụng, tái chế, thu hồi, chôn lấp,...).

   Người dân Nhật Bản tiêu dùng hàng hóa nhiều và tất cả các hàng hóa đó sau một thời gian sẽ trở thành phế thải. Nếu không tái chế kịp thời sẽ cạn kiệt nguồn tài nguyên và năng lượng, môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ý thức được điều này, người dân Nhật Bản luôn coi trọng BVMT, nhất là vấn đề xử lý chất thải. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật Xúc tiến sử dụng những tài nguyên tái chế năm 1992 và Luật Xúc tiến thu gom, phân loại, tái chế các loại bao bì năm 1997. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng những sản phẩm tái chế bằng cách quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

   Sự thành công trong việc QLTHCT ở Nhật Bản xuất phát từ kết quả của 3 yếu tố gắn bó hữu cơ với nhau. Trước hết là sự tham gia của cộng đồng, thể hiện từ khi xác định các vấn đề, biện pháp, cách thức cụ thể giải quyết vấn đề môi trường do chất thải gây nên. Vì thế, sẽ tăng quyền làm chủ và trách nhiệm của cộng đồng trong việc BVMT nhằm đảm bảo cho họ quyền được sống trong môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, đồng thời được hưởng những lợi ích do môi trường đem lại. Để làm được việc này, Chính phủ Nhật Bản đã vận động, tuyên truyền và cưỡng chế người dân phân loại rác tại nguồn.

   Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự đầu tư của Nhà nước và xã hội vào các cơ sở tái chế rác thải. Như vậy, sự phát triển kinh tế - xã hội cùng với nhận thức của cộng đồng, sự đầu tư cơ sở hạ tầng để xử lý, tái chế rác thải có vai trò quan trọng.

Phân loại rác đã trở thành thói quen của người dân Nhật Bản

   Theo ông, những giải pháp trên khi áp dụng tại Việt Nam có khả thi không?

   Ông Tetsuo Minami: Việt Nam đang phát triển theo hướng công nhiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến lượng phế thải phát sinh ngày càng lớn. Tuy nhiên, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước tiên tiến khác trong việc QLTHCT. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến pháp luật, thể chế, nguồn lực, hiện trạng chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải rắn của các địa phương cũng như phương thức thu thập dữ liệu để có định hướng xử lý chất thải rắn phù hợp trong tương lai.

   Nhật Bản luôn quan tâm tới rác thải điện tử và coi đây là nguồn thu nhập cho quốc gia. Đối với không ít người nó chỉ là rác thải nhưng người Nhật Bản lại coi nó là mỏ vàng. Đó là những chiếc điện thoại di động, ti-vi, máy tính, máy nghe nhạc số..., nói chung là các thiết bị điện tử cũ đã bị vứt bỏ. Chúng ta có thể “đào” lấy vàng, bạc, đồng và nhiều kim loại khác trong ruột của các thiết bị. Kiểu tái chế này được gọi là “đào mỏ đô thị”, tức là tháo rời các thiết bị điện tử cũ để thu hồi kim loại quý hiếm như iridium, vàng... Đây là ngành công nghiệp đang “hốt bạc” ở Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh giá nhiều loại kim loại liên tục phá kỷ lục.

   Việt Nam đang trên đường phát triển bền vững, con người Việt Nam chịu khó nghiên cứu, học hỏi, nếu xem xét tính khả thi, nhu cầu thị trường, lợi ích các bên liên quan và điều kiện thực tế của từng địa phương thì tôi tin rằng, Việt Nam có thể áp dụng phương pháp QLTHCT mang lại hiệu quả.

   Xin cảm ơn ông!

                Mai Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2016)

Ý kiến của bạn