Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch

25/02/2020

     Nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch không phải là câu chuyện mới mà đã được nhấn mạnh trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2013 - 2017 và vẫn được duy trì trong thời điểm hiện tại cũng như những năm tiếp theo. Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch là xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, được đầu tư hạ tầng đầy đủ, qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch. Mô hình này khác với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp. Du lịch sinh thái là tìm đến những vùng thiên nhiên nhiều tiềm năng về môi trường sinh thái để khám phá cái mới, sự trong lành của thế giới tự nhiên...; du lịch nông nghiệp là tạo ra sản phẩm trải nghiệm cuộc sống nhà nông phục vụ du khách...

     Gần đây, trên địa bàn TP. Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Hiện toàn TP có 8 trang trại, hợp tác xã phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch có quy mô lớn và một số hợp tác xã, trang trại đã manh nha phát triển theo hướng này, trong đó có mô hình của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín) là ví dụ điển hình, với gần 10 ha trồng hoa cây cảnh, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm hợp tác xã đón khoảng 20.000 lượt khách về tham quan, trải nghiệm với doanh thu từ du lịch đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Những tín hiệu bước đầu rất đáng ghi nhận, nhưng cũng có một thực tế là, hầu hết các trang trại, hợp tác xã phát triển mô hình này mang tính tự phát, nhỏ lẻ và hiện chưa có quy chuẩn nhất định cho loại hình này,  trong khi đó, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch cần quỹ đất lớn, mô hình sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao… vì vậy, thực tế phát triển vẫn chưa như mong muốn, còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để đưa mô hình này phát triển tương xứng với tiềm năng.

 

 

     Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, các địa phương đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp. Tại Ba Vì, tận dụng lợi thế đồi gò và truyền thống trồng, sản xuất chè, địa phương đang đầu tư hạ tầng cũng như tạo cơ chế khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã xây dựng mô hình home stay để thu hút du khách… Huyện Thanh Oai đã có kế hoạch xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái; các khu trải nghiệm trong các vùng sản xuất, gắn với thu hút khách từ các làng nghề truyền thống…

     Theo ông Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì), các trang trại, hợp tác xã của Hà Nội theo mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch cần khắc phục 2 điểm yếu để thu hút du khách nhiều hơn. Đó là liên kết chặt với các doanh nghiệp lữ hành và thiết kế sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa riêng có của địa phương.

     Dưới góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ thông tin, Sở đang lên kế hoạch phối hợp với Sở Du lịch xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm du lịch nông nghiệp (từ tên gọi đến nội dung hoạt động); đồng thời xây dựng chương trình quảng bá và liên kết với các công ty du lịch, hỗ trợ kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ… Đặc biệt, Sở sẽ cùng các địa phương rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trước khi kiến nghị với thành phố để có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình này phát triển, đặc biệt trong vấn đề quy hoạch, bảo đảm hài hòa với các quy hoạch xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất nông nghiệp tập trung đã được phê duyệt.

 

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn