Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phát triển bền vững - Chủ trương nhất quán trong các thời kỳ phát triển của Việt Nam

22/11/2019

     Là năm bản lề cho thập niên 2020-2030, năm 2019 được kỳ vọng là thời điểm Việt Nam thừa hưởng những thuận lợi từ kết quả phát triển kinh tế ấn tượng đạt được trong các năm trước, đồng thời tận dụng lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn sắp tới, nhằm hoàn thành Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV). Tại Hội nghị Toàn quốc về PTBV năm 2019 do Hội đồng Quốc gia PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các Hội thảo chuyên đề đã tập trung thảo luận những chủ đề được quan tâm hiện nay như: Nhân rộng ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam; Thúc đẩy mô hình đối tác công - tư để PTBV; Xây dựng nguồn vốn nhân lực trong thời đại mới và vai trò của Chỉ số Vốn con người. Để hiểu rõ hơn về những nội dung này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI.

     PV: Với chủ đề “Vì một thập niên PTBV hơn”, Hội nghị Toàn quốc về PTBV năm 2019 đã tập trung thảo luận những nội dung gì và kết quả đạt được như thế nào, thưa ông?

     Ông Nguyễn Quang Vinh: Năm nay, Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ban/ngành, đoàn thể, doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, đây là lần đầu tiên có sự tham gia của lãnh đạo Quốc hội. Tại Hội nghị, các Bộ, ngành và đại biểu đã cùng thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong những năm tới, chuyển đổi số, cách sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, liên quan đến vấn đề KTTH… Mặt khác, Hội nghị có những hội thảo chuyên đề về 3 vấn đề trọng tâm: KTTH; Hợp tác công tư để PTBV; Phát triển nguồn vốn con người.

 

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI

 

     Đồng thời, đại diện các Bộ, ngành đưa ra kế hoạch PTBV của Việt Nam, sự tăng tốc và đột phá của Việt Nam trong kỷ nguyên số… Hay về gia tăng ảnh hưởng về mặt xã hội của DN thông qua việc sáng tạo những mô hình kinh doanh bền vững, sử dụng khoa học công nghệ đem đến sinh kế cải thiện cuộc sống cho người dân, qua đó cũng cải thiện năng lực cạnh tranh, quản trị, cũng như nâng cao năng suất của DN.

     Bên cạnh các chia sẻ từ các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, Hội nghị còn mang đến những thông tin và kiến nghị hữu ích từ các tham luận của đại diện cộng đồng DN: Heineken Việt Nam - Ứng dụng tư duy KTTH trong thực tiễn sản xuất - kinh doanh; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư: Xu hướng của các nhà đầu tư có trách nhiệm; PwC Việt Nam - Tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội thông qua thực hiện PTBV: Kinh nghiệm tốt từ DN; Ericsson Việt Nam - Tương lai của công nghệ là hôm nay: Tăng cường năng lực DN theo định hướng hiện đại và nhân văn; Tập đoàn TH - Đưa PTBV thành lợi thế cạnh tranh: Chiến lược quản trị hoạt động DN hiệu quả trong thập niên mới.

     Có thể nói, PTBV vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Do đó, chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ. Kết quả Hội nghị đúng như mong đợi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, sẽ có Nghị quyết về PTBV năm 2019 với những nội dung mới, sát thực tế hơn trong bối cảnh mới.

     PV: Tại Hội nghị, lãnh đạo VCCI đã trao cho Thủ tướng “Cúp Năng suất” và bản cam kết của các DN đang đi tiên phong trong xử lý rác thải nhựa (RTN), thực hiện mô hình nền KTTH, vậy ý nghĩa của hoạt động này là gì?

     Ông Nguyễn Quang Vinh: Từ năm 2016, Hội đồng DN vì sự PTBV (VBCSD) đã khởi xướng chương trình hỗ trợ cộng đồng DN triển khai nền KTTH, từ việc nâng cao nhận thức đến triển khai thực hiện. Năm 2018, Dự án “Không xả thải vào thiên nhiên” nhằm hỗ trợ DN triển khai nền KTTH đầu tiên được ra đời, với sự cam kết ủng hộ của cả DN và chính quyền địa phương về việc thí điểm phân loại RTN tại nguồn ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, sắp tới có thể triển khai rộng rãi tại Đà Nẵng và Hà Nội. Một dự án nữa mà tôi muốn nhắc tới là Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp, đây là sân chơi để các DN có thể trao đổi, mua bán các nguyên vật liệu thứ cấp. Rác thải là tài nguyên thì nguyên vật liệu thứ cấp cũng là tài nguyên…

     Tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã trao tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Cúp Năng suất và bản Cam kết của các doanh nghiệp triển khai sáng kiến giải quyết thách thức từ RTN nói riêng và hướng đến thực hiện nền KTTH nói chung tại Việt Nam. Cúp Năng suất thể hiện cho sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ trong phong trào năng suất mà Thủ tướng phát động ngày 7/8 vừa qua, với tinh thần “tăng năng suất để tạo ra một cuộc bứt phá mới, đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh, bền vững”. Các sáng kiến bao gồm: Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam; Sáng kiến Không xả thải vào thiên nhiên; Dự án Hợp tác phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; Chương trình thử nghiệm sử dụng RTN để tái chế làm đường giao thông; Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp tại Việt Nam. Bản Cam kết triển khai các sáng kiến cho thấy bước đi tiên phong của cộng đồng DN hướng tới xây dựng nền KTTH tại Việt Nam trong tương lai gần nhất, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng “chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do RTN gây ra”.

     PV: Để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giúp thực hiện thành công các mục tiêu PTBV, theo ông cần những giải pháp gì?

     Ông Nguyễn Quang Vinh: Thúc đẩy KTTH, DN đóng vai trò trung tâm và VCCI sẵn sàng hợp tác với Bộ TN&MT, cơ quan Chính phủ và các tổ chức quốc tế để xây dựng triển khai chương trình hành động.

     Về vai trò nền kinh tế tư nhân trong PTBV, không nên chuyển các hộ kinh doanh thành DN mà công nhận các hộ kinh doanh có đăng ký là DN để minh bạch hóa, nâng cấp, kết cấu được khu vực kinh doanh với các DN khác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thay vì nói đến vai trò tách bạch cạnh tranh giữa khu vực tư nhân và Nhà nước, cần nói nhiều hơn đến đối tác công tư, sự hợp tác giữa hai khu vực này. Đối tác công tư không chỉ cần cho các dự án cơ sở hạ tầng mà còn cần cho lĩnh vực dịch vụ công, phát triển ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt và đạt yêu cầu tự chủ của nước ta.

 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Cúp Năng suất

và bản Cam kết của các doanh nghiệp triển khai sáng kiến giải quyết thách thức từ RTN

 

     Để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp thực hiện thành công các Mục tiêu PTBV (SDGs), thì cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn, như sớm ban hành Luật đầu tư theo hình thức PPP, thay đổi mô hình PPP hiện nay - các cơ quan quản lý PPP phải thay đổi cách thức quản lý và nâng cao năng lực để tạo điều kiện cho đầu tư theo hình thức PPP, thu hút các nhà đầu tư mới, phát huy hiệu quả vai trò của Ủy ban Quan hệ Đối tác Công tư trong việc thúc đẩy PPP bền vững.

     Ngoài ra, VCCI đề xuất, kiến nghị là cần xây dựng một Bộ luật về nền KTTH, trước mắt cần rà soát lại khung pháp lý của các quy định, các luật để hỗ trợ DN thực hiện KTTH. Hiện nay, thách thức trong câu chuyện này cũng đang ở ngay trong chính DN. VCCI sẽ hỗ trợ DN chuẩn bị hành trang tốt, “vũ khí” tốt, công cụ quản trị tốt và đặc biệt là ý tưởng kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ để triển khai KTTH thành công.

     Trong thời gian tới, VBCSD sẽ phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới và Bộ TN&MT cùng các cơ quan chính phủ để triển khai Chương trình quốc gia về xử lý RTN ở Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng về xử lý chất thải nhựa. Chẳng hạn như việc thành lập Liên minh chống RTN là ví dụ điển hình mà không chỉ các DN lớn mà đặc biệt là các DN vừa và nhỏ Việt Nam, thậm chí những DN siêu nhỏ nhưng trong chuỗi giá trị của những DN lớn đang bước đầu nhận thức và áp dụng triển khai.

     Bên cạnh đó, muốn KTTH có thể “cất cánh” tại Việt Nam thì cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan tổ chức quốc tế, đặc biệt động lực chính là từ các DN. Khi DN nhận thức rõ lợi ích từ mô hình này, DN sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và triển khai.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Vũ Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 

Ý kiến của bạn