Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý cho việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng

18/10/2017

     Tại Việt Nam thời gian gần đây cát nhân tạo bắt đầu được nói đến nhiều một phần do giá cát tự nhiên tăng đột biến, phần khác, trong tương lai nguồn cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nên cần tìm một loại vật liệu để sử dụng thay thế. Trong khi đó tại Nhật Bản hiện này hầu hết các công trình đều sử dụng hoàn toàn cát nhân tạo. Cách đây 40 năm, người Nhật đã dùng cát nhân tạo sử dụng thay thế cho cát tự nhiên.

     Theo thống kê, hiện cả nước có 331 mỏ cát vàng với tổng trữ lượng khoảng 2.079,72 triệu m³. Nếu dùng để san lấp thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ hết cát và cát dùng trong bê tông chỉ đáp ứng được thêm 15 - 20 năm. Mỗi năm nhu cầu cát xây dựng cần khoảng 120 triệu m³, lượng cát khai thác được 28,985 triệu m³/năm (của 559 cơ sở được cấp phép) cũng chỉ đáp ứng được 24,2% nhu cầu.

     Đối với cát san lấp, nhu cầu cần từ 525 - 575 triệu m³, hiện trên cả nước có 71 cơ sở khai thác cát san lấp được cấp phép với tổng công suất đạt 4,58 triệu m³/năm, mới đáp ứng được 1,5% nhu cầu hàng năm.

     Theo Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng Lương Đức Long, chính việc sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu hụt cát, nếu dùng như hiện nay thì chỉ khoảng 10 năm nữa là hết trữ lượng.

     Thị trường cát nhân tạo và kinh nghiệm từ Nhật Bản

     Không phải bây giờ cát nghiền mới được nói đến và sử dụng, từ năm 2001, Viện Vật liệu xây dựng đã có công trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch sản xuất cát nghiền cho xây dựng, đến nay dự án cát nghiền từng bước đi vào thị trường đang thay thế cho cát tự nhiên trong việc làm cốt liệu bê tông, vữa xây trát, vật liệu dạng hạt san lấp xây dựng công trình cũng như sản xuất vật liệu không nung.

     Hiện nay, việc sử dụng cát nghiền đang được sử dụng tại các công trình thủy điện đã nâng lên từ 60 - 90% nhu cầu cát bê tông. Thủy điện Hòa Bình sử dụng 40 - 50%, thủy điện Sơn La sử dụng 410.000/630.000 m³ cát, năm 2011 tăng lên 540.000/765.000 m³ cát.

     Theo GS. Nobuaki Otsuki - Học viện Công nghệ Tokyo cho biết: Việc dùng cát nhân tạo tại Nhật Bản tính đến nay đã được 40 năm. Việc dùng cát nhân tạo bởi cát tự nhiên bị đánh thuế cao, vì vậy người dân chuyển qua cát nhân tạo như một quy luật tất yếu của thị trường. Hiện nay chúng tôi đã phát triển thêm sản phẩm bê tông dùng nước biển, sản phẩm được sử dụng trong một số công trình đặc biệt do không dùng thép hoặc nếu có dùng thì phải dùng thép không gỉ, vừa tận dụng tái chế lại các loại bê tông, tro xỉ đã qua sử dụng, vừa tiết kiệm được nguồn nước ngầm. Loại vật liệu này thích hợp cho khu vực không có nước ngọt như hải đảo, cảng biển… làm cầu cảng tại đảo, khối bê tông chắn sóng…

 

 

Dây chuyền sản xuất cát nhân tạo của Công ty CP Thiên Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn ngành Xây dựng

 

     Để định hướng phát triển, nghiên cứu, sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên cũng như việc sử dụng cát nhiễm mặn cho nhu cầu sử dụng trong nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đề xuất các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu sử dụng các vật liệu thay thế cát san lấp, tiến tới chấm dứt việc sử dụng cát nước ngọt để san lấp các công trình xây dựng; nghiên cứu khả năng sử dụng cát nhiễm mặn trong xây dựng; xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, tạo hành lang pháp lý cho việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng.

     Cần chính sách thuế cao đối với nguồn cát tự nhiên

     Cát tự nhiên là khoáng sản thành phẩm, nguồn tài nguyên của quốc gia hạn chế không tái tạo. Việc khai thác, sử dụng cát tự nhiên có nhiều tác động hệ lụy đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, hoạt động sản xuất của người dân tại những khu vực khai thác cát lòng sông.

     Để hạn chế tình trạng khai thác cát lòng sông, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 9/6/2017, trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2017, chỉ đạo Bộ Xây dựng có giải pháp sản xuất vật liệu mới thay thế cát tự nhiên. Hiện tại, Nhà nước đang thực hiện biểu mức thuế suất thuế tài nguyên theo Nghị quyết số 1084/2015/UBTVQH13 ngày 10/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, khung giá tính thuế tài nguyên áp dụng theo Thông tư số 44/2017/NĐ-CP ngày 12/05/2017 của Bộ Tài chính quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, áp dụng phí BVMT theo Nghị định 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.

     Nhận thấy hiệu quả của việc sản xuất, sử dụng cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên vào các công trình xây dựng đã mang lại giá trị về môi trường, chất lượng các công trình, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 9096/VPCP-ĐMDN ngày 25/8/2017 giao Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương về việc kiến nghị của Công ty Cổ phần Thiên Nam đối với sản phẩm cát nhân tạo.

     Theo đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2214/BXD-VLXD ngày 18/9/2017 về việc kiến nghị của Công ty Cổ phần Thiên Nam. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị các cơ quan và UBND tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện để sản phẩm cát nghiền của Công ty Cổ phần Thiên Nam thay thế cát tự nhiên trong sản xuất bê tông, vữa được ứng dụng rộng rãi các công trình trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo theo thẩm quyền như sau: Các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng cường sử dụng cát nhân tạo, kiên quyết không nghiệm thu công trình đối với trường hợp cát không có nguồn gốc hợp pháp; hoặc sử dụng cát tự nhiên với giá cao hơn cát nghiền tại thời điểm theo Thông báo giá của Sở Xây dựng. Các Sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích để sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên vào các công trình xây dựng ngay từ công tác thẩm định, phê duyệt Dự án và thiết kế, Dự toán xây dựng công trình và thanh quyết toán.

     Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ nên xem xét ban hành quy định mức thuế suất cao đối với tài nguyên cát tự nhiên, tăng mức thuế suất thuế đối với cát từ 15% theo Nghị quyết số 1084/2015/UBNTVQH13 ngày 10/12/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội lên 30%; giữ nguyên khung giá thu thuế tài nguyên theo Thông tư 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính, tăng mức phí BVMT đối với cát vàng từ 3.000 - 5.000 đồng/m3 theo Nghị định số 164/2015/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ lên 9.000 - 15.000 đồng/m3, để phòng ngừa ô nhiễm - sự cố - suy thoái môi trường, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cạnh tranh lành mạnh theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường trong ngành Xây dựng.

     Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, họ thu thuế cát tự nhiên rất cao và khuyến khích người dân sử dụng cát nhân tạo thay thế. Do đó, đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, tính mức thuế dành riêng cho tài nguyên cát tự nhiên, nhằm tạo sự công bằng cho sản phẩm cát nhân tạo.

 

Phạm Tuyên

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn