Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực an toàn sinh học và đề xuất các quy định tại Việt Nam

20/07/2016

     Ngày 19/7/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường phối hợp với Chương trình Hệ thống an toàn sinh học (ATSH) Hoa Kỳ (PBS) tổ chức Hội thảo Nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực ATSH và đề xuất các quy định tại Việt Nam.

     Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), Tổng cục Môi trường Phạm Anh Cường cho biết, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 23 của Nghị định thư bổ sung Nagoya-Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena về ATSH vào năm 2014 và tính đến nay đã có 63 quốc gia, vùng lãnh thổ gia nhập Nghị định thư bổ sung. Điều này sẽ giúp các quốc gia tăng cường năng lực, xây dựng các chính sách, Luật ATSH, các quy định hướng dẫn thực hiện…

     Nghị định thư bổ sung về nghĩa vụ pháp lý, bồi thường quy định nguyên tắc và quy trình giải quyết các tổn hại được áp dụng trong luật hiện hành của quốc gia; Xây dựng các nguyên tắc và quy trình về trách nhiệm dân sự tại 63 quốc gia tham gia ký kết, 36 quốc gia đã phê chuẩn. Tuy nhiên, Nghị định thư bổ sung chỉ có hiệu lực khi 40 quốc gia phê chuẩn, gia nhập. Vì vậy, khi gia nhập Nghị định thư bổ sung Nagoya-Kuala Lumpur, Việt Nam phải có trách nhiệm quy định trong luật pháp quốc tế về mối quan hệ nhân quả giữa sinh vật biến đổi gen và thiệt hại; Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải thực hiện các biện pháp ứng phó khi tổ chức, cá nhân không thể không kiểm soát được; Cùng với đó cơ quan thẩm quyền cần xác định tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại, đánh giá trách nhiệm dân sự… TS. Greg Jaffe, Chuyên gia pháp lý Chương trình Hệ thống ATSH Hoa Kỳ cho biết.

 

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Báo TN&MT)

 

     Đa số các đại biểu tham gia Hội thảo đều cho rằng, để thực hiện nghĩa vụ xây dựng các quy định, thủ tục quốc gia về xử lý thiệt hại và thực hiện trách nhiệm dân sự đối với tài sản, người bị thiệt hại do sinh vật biến đổi gen gây ra, Việt Nam có thể áp dụng các quy định hiện hành trong nước về thiệt hại, trách nhiệm dân sự hoặc ban hành thêm cả văn bản quy phạm pháp luật mới điều chỉnh riêng vấn đề thiệt hại và trách nhiệm. Nếu xây dựng luật và quy định mới về trách nhiệm dân sự, văn bản quy phạm phạm pháp luật của Việt Nam cần phải điều chỉnh ít nhất các yếu tố liên quan đến thiệt hại, điều kiện xác định trách nhiệm (trách nhiệm khi có lỗi), chuyển giao trách nhiệm (nếu có) và quyền khởi kiện (yêu cầu thực hiện trách nhiệm dân sự).

     T.S Hoàng Ly Anh, trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Việt Nam cần khuyến khích cung cấp thông tin các hoạt động có khả năng gây ảnh hưởng tới môi trường hoặc ĐDSH do vận chuyển xuyên biên giới sinh vật biến đổi gen. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tính đến các thiệt hại tiềm ẩn của ngành công nghiệp công nghệ sinh học. Một số vấn đề cụ thể cần được xem xét bổ sung như việc uỷ quyền tại thời điểm nhập - xuất khẩu GMOs, đánh giá rủi ro đối với môi trường và ĐDSH, giám sát việc thực hiện biện pháp ứng phó và khôi phục…

     Để Nghị định thư bổ sung Nagoya-Kuala Lumpur mang tính nghĩa vụ pháp lý cao, Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện từ nay đến năm 2010. Trong đó, chú ý rà soát nhu cầu tăng cường năng lực thực hiện Nghị định thư bổ sung; Xây dựng Nghị định của Chính phủ về nghĩa vụ và bồi thường; Đồng thời tăng cường năng lực và tập huấn cho các Bộ, ngành về trách nhiệm, bồi thường thiệt hại do vận chuyển xuyên biên giới sinh vật biến đổi gen gây ra - PGS.TS Phạm Văn Toản, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ bên lề Hội thảo.

 

Quang Ngọc

Ý kiến của bạn