Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật về môi trường nhằm thực hiện cam kết trong Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương

08/12/2016

   Ngày 4/2/2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được đại diện của 12 quốc gia (Ôxtrâylia, Brunây, Canađa, Chilê, Nhật Bản, Malaixia, Mêxicô, Niu-Di-lân, Pê-ru, Singapo, Mỹ và Việt Nam) ký kết. Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho sự phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

   1. Các vấn đề môi trường trong Hiệp định TPP

   Trong Hiệp định TPP dành một chương riêng về môi trường nhằm khẳng định môi trường là một nhân tố quan trọng trong hoạt động thương mại cũng như những đóng góp của thương mại đối với sự phát triển bền vững. Mục tiêu của Chương môi trường là thúc đẩy hỗ trợ giữa chính sách thương mại và chính sách môi trường, thúc đẩy BVMT mức độ cao và thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường, cũng như tăng cường năng lực của các bên để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại.

   Hiệp định đưa ra cam kết chung, trong đó quy định, mỗi quốc gia thành viên phải nỗ lực để bảo đảm pháp luật môi trường quy định và khuyến khích việc BVMT ở mức độ cao. Mặc dù đây không phải là một quy định mang tính bắt buộc, song Hiệp định TPP yêu cầu các quốc gia thành viên phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT theo hướng nghiêm ngặt hơn và cần phải nỗ lực trong việc thực thi các quy định đó. Đặc biệt, Hiệp định khẳng định không đánh đổi môi trường lấy kinh tế và yêu cầu các quốc gia miễn áp dụng hoặc cho phép áp dụng pháp luật môi trường ở cấp độ thấp hơn nhằm thu hút đầu tư hoặc thương mại giữa các nước thành viên. Theo đó, các vấn đề môi trường trong Hiệp định đề cập các nội dung sau:

   Bảo vệ tầng ôzôn: Điều 20.5 Hiệp định TPP yêu cầu các quốc gia có biện pháp kiểm soát sản xuất, buôn bán và tiêu thụ các chất gây suy giảm tầng ôzôn. Phụ lục 20-A của Hiệp định TPP đã liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ tầng ôzôn mà Việt Nam đã ban hành và có nghĩa vụ duy trì, bao gồm: Luật BVMT năm 2014; Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT ngày 30/12/2011 giữa Bộ Công Thương và Bộ TN&MT quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ôzôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn và Quyết định số 15/2006/QĐ-BTNMT ngày 8/9/2006 của Bộ TN&MT về việc ban hành Danh mục thiết bị làm lạnh sử dụng môi chất lạnh CFC cấm nhập khẩu. Như vậy, pháp luật Việt Nam cơ bản đã tuân thủ các quy định tại Điều 20.5 của Hiệp định TPP về bảo vệ tầng ôzôn.

   BVMT biển khỏi ô nhiễm từ tàu: Điều 20.6 Hiệp định TPP yêu cầu Việt Nam thực hiện các biện pháp BVMT biển khỏi ô nhiễm từ tàu. Trên thực tế, vấn đề này đã được Việt Nam quy định trong 4 văn bản Luật BVMT năm 2014; Bộ luật Hàng hải năm 2005 (từ ngày 1/7/2017 là Bộ luật Hàng hải năm 2015); Thông tư số 50/2012/TT-BGTVT ngày 19/12/2012 của Bộ Giao thông vận tải về quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải chứa dầu từ tàu biển tại cảng của Việt Nam; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 26:2014/BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 30/6/2014 về hệ thống chống ô nhiễm của tàu biển. Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương thích với yêu cầu của Hiệp định TPP. Tuy nhiên, vấn đề thực thi các quy định về BVMT biển khỏi ô nhiễm từ tàu còn nhiều bất cập như quy định chất thải từ hoạt động của tàu biển phải được thu gom, xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường là khó thực thi bởi việc giám sát tuân thủ còn hạn chế. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có quy chuẩn kỹ thuật môi trường riêng đối với nước thải từ tàu biển.

   Đa dạng sinh học (ĐDSH): Điều 20.13 Hiệp định TPP công nhận tầm quan trọng của việc tiếp cận nguồn gen và yêu cầu được thông báo trước thông qua các biện pháp của nước thành viên cho phép tiếp cận nguồn gen. Các nước thành viên phải công bố các thông tin có liên quan đến các chương trình và hoạt động về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, bao gồm chương trình hợp tác quốc tế, bảo tồn và sử dụng có hiệu quả ĐDSH. Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về ĐDSH nên các yêu cầu của Hiệp định TPP đã được thể hiện trong pháp luật Việt Nam. Việt Nam đã ban hành Luật ĐDSH vào năm 2008 với đầy đủ các nội dung cần thiết, đáp ứng Công ước quốc tế về ĐDSH, trong đó có các yêu cầu về tri thức truyền thống của cộng đồng, giấy phép tiếp cận nguồn gen, sự tham gia của công chúng, công bố thông tin và hợp tác quốc tế.

   Phòng ngừa, phát hiện, kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại: Điều 20.14 Hiệp định TPP đề cập đến vấn đề loài ngoại lai xâm hại nhưng lại không đưa ra yêu cầu cứng về việc các quốc gia thành viên phải áp dụng biện pháp phòng ngừa, phát hiện, kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại. Do Mỹ không phải là một thành viên của Công ước về ĐDSH nên các cam kết ở điều luật này chỉ mang tính ghi nhận.

   Phát triển nền kinh tế phát thải thấp và mau phục hồi: Điều 20.15 Hiệp định TPP đề cập đến nền kinh tế ít phát thải, tuy nhiên, các quy định ở đây chỉ mang tính tuyên ngôn mà không có cam kết cụ thể. Về vấn đề này, Hiệp định TPP chỉ nhấn mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực. Việt Nam là thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Việt Nam cũng tham gia Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Pari. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện các quy định về giảm thiểu phát thải, chống biến đổi khí hậu.

   Khai thác hải sản là một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định. Việt Nam cam kết sẽ vận hành một hệ thống quản lý khai thác hải sản đối với việc đánh bắt các loài động vật biển hoang dã và ngăn chặn việc đánh bắt cá quá mức; giảm đánh bắt các loài sinh vật khác và con non, thông qua việc quản lý ngư cụ, thiết bị đánh cá, quản lý khu vực đánh cá; khuyến khích phục hồi nguồn lợi thủy sản tại các ngư trường bị khai thác quá mức.

   Hiệp định TPP yêu cầu hệ thống quản lý đánh cá này phải dựa trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế như: Thỏa thuận về việc thực hiện một số nội dung của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển liên quan đến bảo tồn và quản lý các ngư trường; Bộ quy tắc ứng xử của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc về đánh cá có trách nhiệm; Thỏa thuận của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc về khuyến khích tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý quốc tế bởi các tàu cá tại vùng biển quốc tế và Kế hoạch hành động quốc tế về ngăn ngừa và loại bỏ đánh cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

   Như vậy, hệ thống quản lý khai thác thủy sản trên biển của Việt Nam đã có nhiều quy định tương đối phù hợp với cam kết trong Hiệp định TPP. Một số vấn đề như đối tượng áp dụng của Luật Thủy sản, hay quy định về trợ cấp đánh bắt thủy sản, nghĩa vụ ghi nhật ký khai thác của tàu cần được xem xét để sửa đổi, bổ sung.

   Bảo tồn động thực vật hoang dã (ĐTVHD): Điều 20.17 Hiệp định TPP về bảo tồn ĐTVHD quy định hầu hết các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài ĐTVHD nguy cấp (CITES). Ngoài các nghĩa vụ đã cam kết theo Công ước này, các bên còn cam kết một số nội dung khác về bảo vệ ĐTVHD như: Thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ và bảo tồn các loài ĐTVHD thuộc diện nguy cấp, thông qua các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái của các khu bảo tồn tự nhiên đặc biệt (đất ngập nước); Duy trì và nâng cao năng lực của chính phủ và các khung thể chế nhằm khuyến khích quản lý rừng bền vững và bảo tồn các loài ĐTVHD, thu hút sự tham gia của cộng đồng và sự minh bạch của các khung thể chế này; Khuyến khích phát triển, củng cố hợp tác và tham vấn với các tổ chức phi chính phủ quan tâm nhằm tăng cường thực thi các biện pháp chống săn bắt, buôn bán ĐTVHD.

   Hàng hóa và dịch vụ môi trường: Điều 20.18 Hiệp định TPP quy định về hàng hóa và dịch vụ môi trường. Quy định này không mang tính bắt buộc nên việc điều chỉnh pháp luật nội địa là không nhất thiết phải thực hiện. Nội dung duy nhất đáng chú ý là việc một quốc gia khác có thể nêu ý kiến về các hàng rào thương mại của Việt Nam cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ môi trường và cần thực hiện các biện pháp để tháo gỡ. Do đó, về lâu dài, các quy định quản lý trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường có thể sẽ bị nước khác kiến nghị điều chỉnh.

   Có thể thấy rằng, tuân thủ các cam kết về môi trường trong Hiệp định TPP đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức. Chẳng hạn như ngành khai thác thủy sản xa bờ và các hoạt động xuất khẩu thủy sản từ đánh bắt của Việt Nam sẽ chịu tác động do các yêu cầu về loại bỏ các trợ cấp đối với hoạt động đánh bắt và các quy định, tiêu chuẩn về chứng chỉ sản phẩm đánh bắt đạt tiêu chuẩn bền vững. Các hoạt động vận tải biển cũng sẽ gặp nhiều thách thức đối với sự gia tăng các tiêu chuẩn xả thải và các yêu cầu đáp ứng môi trường. Việt Nam cũng sẽ bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa đối với nhóm hàng hóa và dịch vụ môi trường và nhóm hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp do mở cửa tự do hóa thương mại.

   Thực tế cho thấy, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức về môi trường, trong đó có buôn bán trái phép động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép, đánh bắt trái phép và ô nhiễm biển. Chính vì vậy, Chương Môi trường của Hiệp định TPP là thành tựu cao nhất đạt được trong hiệp định thương mại, giải quyết các thách thức về môi trường phát sinh.

BVMT biển khỏi ô nhiễm từ tàu là một nội dung quan trọng trong Hiệp định TPP

   2 Đề xuất hoàn thiện pháp luật môi trường của Việt Nam

   Là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam sẽ hoàn thiện pháp luật về môi trường để thực thi có hiệu quả Hiệp định TPP. Việt Nam sẽ tiến hành nội luật hóa các quy định để thực thi các cam kết về môi trường của Hiệp định TPP. Theo đó, các cơ quan nhà nước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

   Một là, sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật BVMT năm 2014; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và kế hoạch BVMT; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT, theo hướng: ĐTM sơ bộ phải thực hiện trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án hoặc đề xuất dự án đầu tư đối với các dự án đầu tư có tiềm ẩn nguy cơ gây tác động lớn đến môi trường trong danh mục dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư; ĐTM chi tiết phải thực hiện trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư; Hồ sơ BVMT của doanh nghiệp phải được công khai để cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cộng đồng dân cư giám sát; Áp dụng các quy định về kiểm toán môi trường; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động BVMT.

   Hai là, sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật ĐDSH năm 2008 và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này về tiếp cận nguồn gen theo hướng cắt giảm bước đăng ký tiếp cận nguồn gen, chuyển bước xin giấy phép tiếp cận nguồn gen thành thông báo tiếp cận nguồn gen; Xây dựng tiêu chí từ chối tiếp cận nguồn gen như trong trường hợp loài quý hiếm, loài có nguy cơ ngoại lai xâm hại, có nguy cơ về kiểm dịch, vệ sinh dịch tễ.

   Ba là, xây dựng Luật về biến đổi khí hậu để cụ thể hóa các cam kết về bảo vệ tầng ôzôn trong Hiệp định TPP và thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu.

   Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải có quyết tâm rất cao để cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật môi trường nói riêng nhằm tận dụng được các cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại. Khi đó sức ép từ các cam kết quốc tế sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư gắn với BVMT vì sự phát triển bền vững.

ThS. Nguyễn Văn Hưng

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn