Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Một số ý kiến về Chương XIX các tội phạm về môi trường - Bộ Luật Hình sự 2015

04/10/2016

   Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS 2015) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Tuy vậy, do phát hiện một số lỗi kỹ thuật làm ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai thực hiện nên ngày 29/6/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 94/2015/QH13. Theo Nghị quyết này, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và sẽ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai. Bài viết đề xuất sửa đổi một số nội dung tại Chương XIX các tội phạm về môi trường thuộc BLHS 2015.

   I. Xác định tội phạm môi trường (TPMT)

   Điều 8 BLHS 2015 đưa ra khái niệm tội phạm: “1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự; 2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.”

   Để xem xét một hành vi có được coi là tội phạm hay không thì căn cứ vào 4 yếu tố: tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự, tính phải chịu hình phạt. Qua đó, có thể xác định TPMT là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện cố ý hoặc vô ý, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người được sống trong môi trường trong lành, quyền lợi ích hợp pháp của công dân trong bảo vệ và hưởng dụng những ích lợi từ môi trường mang lại và sẽ phải chịu các hình phạt nhất định được quy định theo pháp luật hình sự.

   Trong lĩnh vực môi trường, cần thống nhất quan điểm hành vi nguy hiểm cho xã hội được xác định là những hành vi gây thiệt hại đến môi trường và xâm phạm quyền con người được sống trong môi trường trong lành. Các vi phạm trật tự quản lý nhà nước về môi trường nếu không gây thiệt hại đến môi trường thì được xử lý bằng các biện pháp khác. Do vậy, việc quy định hành vi nào là TPMT cần phải căn cứ vào mức độ thiệt hại đối với môi trường của hành vi đó gây ra chứ không nên truy cứu những hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước về BVMT.

   Việc phân định hành vi được coi là TPMT nên chia thành 2 loại lỗi: cố ý và vô ý. Lỗi cố ý để xử lý đối với những hành vi cố tình gây thiệt hại đến môi trường nhằm mục đích tư lợi cho cá nhân, tổ chức của mình như các hành vi cố ý xả thải ra môi trường thông qua các hệ thống ống xả ngầm nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Lỗi vô ý chỉ áp dụng trong trường hợp có gây thiệt hại đối với môi trường. Do đặc thù môi trường có khả năng tự làm sạch và có khả năng tự phục hồi nếu như có những tác động không thực sự nghiêm trọng. Đặc điểm của hoạt động môi trường không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người mà còn phụ thuộc vào kỹ thuật, công nghệ, như nhà máy xử lý nước thải vận hành tốt, thực thi đầy đủ các quy định về quản lý nhưng có một sự cố bất ngờ xảy ra đối với cán bộ vận hành mà không kiểm soát được gây vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tại thời điểm đó nhưng chưa gây thiệt hại cho môi trường thì có thể chỉ xử lý hành chính; trường hợp phát thải ra môi trường, gây thiệt hại môi trường ở mức độ nhất định thì mới xử lý hình sự.

   II. Đề xuất sửa đổi một số nội dung về TPMT

   1. Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 BLHS 2015, các hành vi bị coi là tội phạm gây ô nhiễm môi trường bao gồm các nhóm hành vi đối với việc xử lý chất thải nguy hại (CTNH); chất thải rắn (CTR); nước thải; bụi, khí thải và chất phóng xạ.

   Điều 235 BLHS 2015 được thiết kế theo hướng quy định tội phạm dựa trên những hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Việc quy định tội danh dựa trên khung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT chưa phản ánh đúng bản chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi có những hành vi vi phạm quy định nhưng có thể không gây hậu quả, thiệt hại đối với môi trường nên không thể coi là TPMT. Trong quy định của hành vi này cần phân định những hành vi vô ý và cố ý. Hành vi cố ý quy định để xử lý đối với những hành vi cố tình xả trộm, che giấu hành vi xả thải của mình trước các cơ quan chức năng với mục tiêu tiết giảm chi phí đầu tư cho hoạt động BVMT, gia tăng lợi nhuận. Hành vi vô ý chỉ xác định là tội phạm khi gây mức độ thiệt hại nhất định đối với môi trường.

   Đối với hành vi xả nước thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật (QCKT), chỉ nên xử lý hành vi xả thải vượt quá QCKT với lưu lượng thải lớn mà gây ô nhiễm môi trường hoặc hành vi cố ý xả thải mà không được phép của cơ quan chức năng, các hành vi này bao gồm: Xả nước thải với lưu lượng từ 5.000 m3/ngày, đêm trở lên có chứa ít nhất một thông số môi trường nguy hại vượt QCKT về chất thải từ 10 lần trở lên hoặc có độ pH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12 đến 14 mà gây ô nhiễm môi trường; Xả nước thải được thực hiện với việc xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường nhằm che giấu sự phát hiện của cơ quan chức năng.

   Đối với hành vi chôn lấp, đổ, thải CTR thông thường, chỉ nên áp dụng xử lý đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải CTR thông thường trái quy định pháp luật mà gây ô nhiễm môi trường.

   Đối với hành vi liên quan đến nước thải có chứa chất phóng xạ, trong quy định về quản lý chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, việc quản lý chất phóng xạ, chất thải phóng xạ theo mức cho phép thải ra môi trường mà không quy định về quy chuẩn kỹ thuật. Do vậy, việc quy định QCKT đối với chất phóng xạ tại Điều 235 BLHS 2015 là không phù hợp. Nên sửa lại điểm c khoản 1 như sau: “Xả nước thải có chứa chất phóng xạ vượt quá mức cho phép thải ra môi trường theo quy định về quản lý chất thải phóng xạ từ 2 lần đến dưới 4 lần” .

   Đối với quy định tại điểm g, Khoản 1 Điều 235 “g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép;”. Quy định này thiếu hành vi thực hiện. Trong trường hợp liền mạch với hành vi quy định tại điểm e trước đó là “chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật” thì quy định này cũng không hợp lý vì:

   - Việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ được quy định tại Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, có hiệu lực kể từ ngày 12/2/2011, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN ngày 21/7/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-KHCN ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2015. Theo đó, quy định việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hành động tiếp cận bất hợp pháp, đánh cắp, chiếm đoạt, phá hoại và chuyển giao trái phép nguồn phóng xạ; bảo mật thông tin liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ. An ninh nguồn phóng xạ được chia cấp độ quản lý theo các quy định về phân nhóm nguồn phóng xạ.

   - Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng được quản lý theo Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN ngày 25/8/2014 của Bộ KH&CN về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Tại Thông tư này không phân chia nguồn phóng xạ đã qua sử dụng theo các nhóm như quy định về an ninh nguồn phóng xạ. Thông tư này quy định yêu cầu về chuyển giao nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; Điều kiện hóa nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; Lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; Hồ sơ quản lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Thông tư này cũng quy định mức cho phép thải ra môi trường của các chất thải phóng xạ dạng khí, nước, rắn.

   - Chất thải có chứa tác nhân phóng xạ phát sinh trong một công việc bức xạ có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường với điều kiện nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải không lớn hơn mức thanh lý hoặc tổng hoạt độ các nhân phóng xạ trong thành phần chất thải dạng khí, dạng lỏng không vượt quá mức hoạt độ phóng xạ cho phép để được thải vào môi trường do cơ quan quản lý nhà nước quy định và phải được cho phép theo giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

   - Chất thải phóng xạ được phân thành nhiều loại theo đặc tính nhân phóng xạ có trong chất thải (Phụ lục I Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN). Đối với chất thải phóng xạ dạng rắn, chỉ có loại chất thải phóng xạ dạng rắn thuộc loại mức thấp, sống rất ngắn được lưu giữ tại cơ sở tiến hành công việc bức xạ để chờ phân rã đến mức nồng độ hoạt độ nhỏ hơn hoặc bằng mức thanh lý quy định tại Phụ lục II Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN và thải bỏ như chất thải không nguy hại. Chất thải phóng xạ dạng rắn thuộc các loại khác không được phép thải bỏ như chất thải phi phóng xạ.

   - Đối với chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế được quản lý theo Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 9/6/2014 về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế do Bộ trưởng Bộ KH&CN - Bộ Y tế ban hành.

   Do vậy, quy định như tại điểm g khoản 1 của Điều 235 là chưa phù hợp và khó có thể triển khai trên thực tế. Vì vậy, nên sửa lại điểm g khoản 1 như sau: “Thải bỏ trái phép vào môi trường chất thải phóng xạ dạng rắn, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng không có mức thanh lý hoặc thải bỏ, phát thải trái phép vào môi trường chất thải phóng xạ dạng rắn, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng có mức nồng độ hoạt độ trên mức thanh lý đến 2 lần đối với chất thải phóng xạ dạng rắn có mức thanh lý theo quy định về quản lý chất thải phóng xạ.”

Xử lý hình sự đối với hành vi xả thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật với lưu lượng thải lớn gây ô nhiễm môi trường

   2. Tội vi phạm quy định về quản lý CTNH

   Điều 236 BLHS 2015 tội vi phạm quy định về quản lý CTNH: “Người nào có thẩm quyền mà cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật CTNH thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stốckhôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 3.000 kg đến dưới 5.000 kg; chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép”. Với quy định này thì đối tượng bị xử lý ở đây sẽ là người có thẩm quyền cho phép xử lý CTNH. Người có thẩm quyền cho phép xử lý CTNH là người được giao thực hiện nhiệm vụ cấp giấy phép xử lý CTNH.

   Quy định nêu trên là không hợp lý vì sẽ giới hạn nhóm đối tượng có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường từ việc quản lý CTNH. Hành vi cho phép chôn, lấp, đổ, thải CTNH có thể là do những người quản lý, lãnh đạo cơ sở phát sinh CTNH hoặc cơ sở vận chuyển, thu gom, xử lý CTNH- đây mới là nhóm đối tượng tiềm ẩn khả năng làm trái các quy định của pháp luật CTNH. Mặt khác, với nhóm cán bộ có chức vụ, quyền hạn mà làm trái quy định pháp luật đã bị xử lý theo quy định tại Chương XXIII- các tội phạm về chức vụ với các tội danh cụ thể như Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... Do vậy, cần thay thế cụm từ “người nào có thẩm quyền mà cho phép” bằng cụm từ “người nào chỉ đạo”.

   Ngoài ra, các quy định về chất phóng xạ cũng sẽ bị vướng khi thực hiện như đã phân tích tại mục 1 về tội gây ô nhiễm môi trường.

   3. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường được quy định tại Điều 237 BLHS 2015 để xử lý hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa và vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường. Trong đó, hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường sẽ bị xử lý khi để xảy ra sự cố môi trường, còn hành vi vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường sẽ xử lý hành vi khi gây hậu quả làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

   Khoản 10, Điều 3 Luật BVMT năm 2014 quy định: “Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng”. Việc quy định này mang tính định tính và không rõ ràng khi xác định thế nào là “nghiêm trọng”.

   Do vậy, nếu chỉ quy định như tại Điểm a, Khoản 1, Điều 237 là “để xảy ra sự cố môi trường” đã bị xử lý hình sự thì sẽ không hợp lý và không rõ trường hợp nào sẽ phải xử lý. Sự cố môi trường có thể có nhiều cấp độ khác nhau và theo quy định về TPMT là những hành vi nguy hiểm cho môi trường cần phải loại bỏ thì nhất thiết phải xác định được hậu quả trong trường hợp này. Điều khoản này nên gộp điểm a, điểm b thành 1 điểm với việc quy định “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng”.

   4. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại

   Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại được quy định tại Điều 246 với việc xử lý hình sự hành vi nhập khẩu và phát tán loài ngoại lai xâm hại, trong đó quy định xử lý hành vi “Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng”.

   Phát tán trong sinh vật được hiểu là hiện tượng trải rộng các sinh vật hoặc bộ phận sinh sản của sinh vật ra xung quanh. Sự phát tán có thể do sinh vật tự phát tán, phát tán nhờ gió, nhờ động vật hoặc con người.

   Việc phát tán do con người có thể là phát tán có chủ đích- tức là khi con người chủ ý đem sinh vật/bộ phận sinh sản của sinh vật nuôi, trồng, phóng thích; hoặc phát tán không có chủ đích là khi sinh vật/bộ phận sinh sản của sinh vật vô tình bám dính vào đồ vật, cơ thể người và lây lan vào môi trường.

   Việc sử dụng thuật ngữ “phát tán” tại điều khoản này là không phù hợp vì phát tán có thể có chủ đích hoặc không chủ đích và không nêu rõ được nội hàm của hành vi này. Ngoài ra, trong quy định của Luật Đa dạng sinh học 2008 không sử dụng thuật ngữ “phát tán” đối với loài ngoại lai xâm hại mà chỉ có quy định nghiêm cấm “nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại” (theo khoản 7 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học 2008).

   Do vậy, với quy định như BLHS 2015 thì không thể xử lý được hành vi phát tán loài ngoại lai xâm hại mà cần điều chỉnh thành hành vi “Nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại, trong trường hợp không kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng mà gây thiệt hại về tài sản từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng”.

Lê Anh Xuân

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn