Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Kinh tế chất thải - xu hướng tất yếu

20/04/2020

 

     "Kinh tế chất thải" vừa giải quyết được chất thải BVMT vừa phát triển kinh tế bền vững theo xu hướng xanh và tuần hoàn mà thế giới đang hướng đến. Khái niệm này có thể còn mới ở Việt Nam nhưng lại là xu hướng tất yếu.      

     Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương, tác giả của giáo trình Kinh tế chất thải, kinh tế chất thải nghiên cứu về sự lựa chọn của con người trong việc giảm lượng phát thải và xử lý chất thải nhằm phục vụ lợi ích của con người đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường sống của con người.

     Kinh tế chất thải nghiên cứu hành vi ứng xử kinh tế của người tiêu dùng, nhà sản xuất, cộng đồng và Chính phủ đối với chất thải, giải quyết chất thải dưới góc độ kinh tế ở các khâu của quá trình xử lý chất thải. Khách hàng của dịch vụ vệ sinh môi trường là các hộ gia đình và người dân. Giá cả cho dịch vụ vệ sinh môi trường là phí vệ sinh rác thải được chính quyền địa phương quy định. Việc thu gom, xử lý chất thải và tạo ra các sản phẩm tái chế từ chất thải cũng được trao đổi trên thị trường theo một mức giá nhất định. Giá của các sản phẩm tái chế dựa trên quy luật cung - cầu quyết định.

     Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương, kinh tế chất thải được thực hiện theo quy trình quản lý tổng hợp chất thải từ khâu phòng ngừa, giảm thiểu chất thải phát sinh, phát triển thị trường cho các sản phẩm từ tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và thực hiện thu phí, thuế phù hợp.Qua việc nghiên cứu, tham khảo các khái niệm về kinh tế chất thải ở một số nước trên thế giới và một số khái niệm có liên quan ở Việt Nam, mặc dù có những nội dung và cách tiếp cận vấn đề khác nhau, có thể hiểu “kinh tế chất thải là hoạt động mang lại lợi ích kinh tế từ chất thải”.

     Tóm lại, trong nền kinh tế tuần hoàn, rác cũng chính là nguồn tài nguyên. Nền kinh tế này đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những doanh nghiệp đã triển khai mô hình này đang dần minh chứng cho hiệu quả về chi phí của việc tái sử dụng tài nguyên so với khai thác mới từ đầu. Từ đó, cắt giảm chi phí sản xuất cũng như hạ giá thành sản phẩm và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

     Các chuyên gia kinh tế chất thải nhận định: “Việc thực hiện kinh tế chất thải mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cả lợi ích về tài chính và lợi ích về môi trường. Lợi ích về môi trường được thể hiện qua việc giảm thiểu lượng thải phát sinh, cải thiện chất lượng môi trường tại cơ sở sản xuất”.

     Theo đó, lợi ích về tài chính được thể hiện qua việc thực hiện các giải pháp kinh tế chất thải đề xuất mang lại lợi ích tính được bằng tiền, đó là việc giảm chi phí phải xử lý chất thải do giảm lượng chất thải phát sinh; do cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các biện pháp quản lý nội vi, để từ đó giảm lượng nguyên, nhiên vật liệu bị mất mát, tổn thất, nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nước… Bên cạnh đó là lợi ích từ việc thu hồi và bán năng lượng từ chất thải và đó là lợi ích từ việc tham gia các thị trường tái chế, thị trường tái sử dụng hay thị trường mua bán tín chỉ carbon.

 

Sản xuất bao bì từ rác thải

     Thực hiện kinh tế chất thải còn là giải pháp hiệu quả để giảm gánh nặng chi phí trong quản lý chất thải từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua việc áp dụng chính sách về thuế, phí chất thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

     Theo TS. Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức - VIDEBRIDGE, tại Đức, châu Âu, ngành kinh tế chất thải thu hút sự đầu tư của hàng ngàn doanh nghiệp với doanh thu hơn 50 tỷ euro/năm.

     Tại Việt Nam, Bộ TN&MT cho biết, trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà Việt Nam phải thực hiện vì mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

     Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 nhằm hình thành nên ngành công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của kinh tế tuần hoàn. Bộ TN&MT được Chính phủ giao là đầu mối để quản lý, thống nhất về chất thải rắn trong cả nước tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019.

     “Việt Nam cũng đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy... Trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi..., các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ... Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng các mô hình này đã bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định.

     Tuy nhiên, thách thức với Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng; thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng của xã hội hiện nay đổi với nhiều sản phẩm để sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Theo đó, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của các nước, các tổ chức quốc tế về kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, chuyển giao các thực tiễn tốt về kỹ thuật, công nghệ cũng như hỗ trợ về tài chính.

     Tại Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh tái chế bao bì Việt Nam. Các điển hình này khi được tổng kết, đánh giá dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cơ bản sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.

 

Phương Linh (Theo Petro Times)

 

Ý kiến của bạn