Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Kinh nghiệm của một số nước về tổ chức bộ máy thực hiện chức năng kiểm soát, giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường liên tỉnh

14/05/2020

    Sự cố môi trường (SCMT) do phát thải các chất thải độc hại cũng như thiên tai khi xảy ra sẽ gây ra những tác động xấu tới sức khỏe con người, tài sản và môi trường tự nhiên… đặc biệt là những sự cố ô nhiễm lớn, ảnh hưởng diện rộng đã thay đổi đối với các yếu tố mang tính tự nhiên như nước, đất, không khí, hệ thực vật, động vật. Trước những tác động và thiệt hại môi trường từ SCMT lớn các quốc gia trên thế giới đã cho thấy có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện bộ máy và năng lực quản lực quản lý cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và xử lý hậu SCMT, thiên tai, thảm họa.

Tại Philipin

    Philipin trong quá trình xây dựng Bộ luật môi trường năm 1977 đã lồng ghép các vấn đề SCMT. Philipin cũng đã xây dựng khung quản lý toàn diện của Hội động điều phối thảm họa quốc gia, xây dựng mạng lưới cơ quan/tổ chức về quản lý rủi ro, các sự cố cũng như thảm họa môi trường, lập bản đồ nguy hiểm và cảnh báo sớm SCMT dựa vào cộng đồng. Lồng ghép quản lý giảm thiểu rủi ro do thảm họa, SCMT vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

   Hiện nay, Philippin phân cấp 6 loại hình các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện công tác quản lý và giảm thiểu rủi ro, sự cố thảm họa quốc gia, cụ thể: 1 Hội đồng quản lý thảm họa quốc gia; 16 Hội đồng điều phối quản lý và giảm thiểu rủi ro thảm họa khu vực; 80 Hội đồng điều phối quản lý và giảm thiểu rủi ro thảm họa cấp tỉnh; 117 Hội đồng điều phối quản lý và giảm thiểu rủi ro thảm họa cấp thành phố; 1.496 Hội đồng điều phối quản lý và giảm thiểu rủi ro thảm họa cấp đô thị; 41.945 Hội đồng điều phối quản lý và giảm thiểu rủi ro thảm họa cấp xã. Hệ thống mang lưới cơ quan quản lý, tổ chức quản lý và giảm thiểu rủi ro do thảm họa, SCMT được phân công phân cấp rõ ràng. Các cơ quan tập trung nhiều ở cấp địa phương hơn cấp Trung ương, nơi trực tiếp xảy ra các sự cố, thảm họa.

Ôxtrâylia

    Tại Ôxtrâylia, Công ty Santos, dự án Santos GLNG đã phát triển một kế hoạch chuẩn bị ứng phó khẩn cấp như là một phần của hệ thống quản lý và ứng phó khẩn cấp SCMT. Kế hoạch bao gồm nhiều kế hoạch chi tiết được xây dựng và duy trì ở ba cấp độ: Ứng phó khẩn cấp; quản lý sự cố; quản lý thảm họa. Các kế hoạch đều phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý quốc gia.

   Các SCMT được phân chia theo 5 cấp độ dựa mức độ ảnh hưởng đến con người, môi trường và xã hội, các trường hợp khẩn cấp mức độ 4 và 5 về môi trường là những trường hợp gây tử vong/ thương tật vĩnh viễn cho con người, ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến môi trường và xã hội.

   Các dự án của Santos có cấu trúc đáp ứng 4 cấp để quản lý các SCMT: Đội phản ứng tại hiện trường, đội phản ứng nhanh, đội quản lý sự cố (và đội quản lý thảm họa). Mỗi đội có chức năng nhiệm vụ riêng và phối hợp với nhau trong  ứng phó, khắc phục SCMT. Đội phản ứng nhanh sự cố và đội phản ứng hiện trường được thiết lập trong kế hoạch và được kích hoạt khi có sự cố xảy ra. Hai nhóm này có sự kết hợp chặt chẽ với nhau theo quy trình trong kế hoạch thực hiện. Cấu trúc quản lý SCMT tại Santos GLNG thể hiện trong sơ đồ sau:

 

Sơ đồ cấu trúc quản lý SCMT tại Santos GLNG

 

Trung Quốc

   Cơ chế quản lý của Trung Quốc, xử lý hậu quả SCMT/thảm họa kết hợp quản lý giữa các Bộ, ngành liên quan và có sự kết hợp giữa các cấp Trung ương với địa phương. Luật Ứng phó Khẩn cấp năm 2007 phân các sự cố/ thảm họa bằng các màu khác nhau dựa vào mức độ nghiêm trọng gồm: Xanh dương, vàng, cam hoặc đỏ, với màu đỏ tượng trưng cho cấp độ nghiêm trọng nhất. Trong trường hợp xảy ra thảm họa, tuyên bố quốc gia sẽ được ban hành kèm theo màu sắc cụ thể. Theo đó, tổ chức bộ máy phân cấp, phân công quản lý sự cố/thảm họa cũng được chia thành các giai đoạn: Tiền thảm họa tập trung vào việc phân quyền; giai đoạn thảm họa, tập trung vào việc thành lập hệ thống quản lý khẩn cấp; giai đoạn hậu thảm họa nhằm mục tiêu đảm bảo phối hợp giữa chính quyền Trung ương và địa phương. Cụ thể ở một số hoạt động như:

   Ứng phó khẩn cấp: Hệ thống này được thiết lập cho các thiên tai và sự cố khẩn cấp về môi trường bao gồm một kế hoạch ứng phó khẩn cấp chung của quốc gia, các kế hoạch ứng phó khẩn cấp chuyên biệt cấp quốc gia và các kế hoạch ứng phó khẩn cấp bộ phận. Trong tình trạng khẩn cấp, Hội đồng Nhà nước sẽ giám sát việc thực hiện tất cả các kế hoạch ứng phó khẩn cấp của từng bộ phận. Chính quyền địa phương bị ảnh hưởng sẽ thành lập các ban ứng phó khẩn cấp, do lãnh đạo chính quyền làm Chỉ huy, vạch ra kế hoạch khẩn cấp, điều phối công tác cứu trợ và báo cáo cho các cơ quan chính quyền cấp cao hơn.

   Cung cấp thông tin: Các cấp chính quyền Trung ương và địa phương hợp tác đảm bảo việc cung cấp thông tin kịp thời liên quan đến thảm họa đến công chúng thông qua báo chí, phỏng vấn và họp báo. Trung Quốc có ít nhất 10 kho dự trữ các nguồn cứu trợ khẩn cấp ở cấp Trung ương cùng với một số các kho chứa khác ở cấp tỉnh. Để đảm bảo rằng các nguồn cung cấp có thể được trưng thu khẩn cấp, có một danh sách các nhà sản xuất được ủy quyền cung cấp hàng cứu trợ và các hợp đồng mua bán khẩn cấp mẫu để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này.

    Dự báo, tham vấn và chia sẻ thông tin: Các ngành như nội vụ, đất và tài nguyên, tài nguyên nước, nông nghiệp, lâm nghiệp, thống kê, địa chấn, hàng hải và khí tượng được yêu cầu thường xuyên chia sẻ thông tin liên quan đên dự báo.

   Cứu trợ và cứu nạn thảm họa lớn: Đối với công tác tìm kiếm cứu nạn và cứu trợ khẩn cấp, các ngành liên quan sẽ điều phối các nhóm làm việc thực hiện đánh giá thiệt hại và nhu cầu và điều hối công việc cứu trợ. Những nhóm này cũng được Hội đồng Nhà nước yêu cầu điều phối với các ngành khác liên quan để vạch ra kế hoạch cứu nạn, tham gia vào công việc cứu trọ thảm họa và giảm thiểu thiệt hại cũng như ngăn chặn bất kỳ thảm họa thứ yếu nào.

   Huy động xã hội khẩn cấp: Hiện tại, Trung Quốc  có một hệ thống đảm bảo sự tham gia của các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức quần chúng, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức tự quản ở cấp xã và các tình nguyện viên để ngăn chặn thảm họa, cứu nạn khẩn cấp, cứu trợ và quyên góp, các công tác cách ly, vệ sinh và y tế, tái thiết hậu thảm họa, hỗ trợ tâm lý.

Braxin

 

Sông Doce ở Brazil bị ô nhiễm nghiêm trọng do vụ vỡ đập của Công ty khai thác quặng sắt Samarco

 

   Braxin là một nhà nước liên bang với truyền thống dân luật. Tất cả các vụ việc môi trường đều được xét xử bởi tòa án và không có một quy trình hành chính để xử lý các tranh chấp môi trường do ô nhiễm môi trường. Hầu hết các vụ việc về môi trường về bản chất là dân sự và được khởi kiện chủ yếu bởi các công tố viên, những người có thẩm quyền pháp lý để khởi kiện. Tòa án môi trường cấp quận đầu tiên được thành lập năm 1996 tại bang Mato Grosso. Tòa phúc thẩm cấp bang đầu tiên được thành lập tại Sao Paulo năm 2005 với 360 thẩm phán và chỉ xét xử các vụ việc thiệt hại dân sự. Năm 2010, 4 tòa án môi trường cấp quận của liên bang đã được Hội đồng tư pháp liên bang thành lập ở vùng Amazon.

   Điển hình gần đây nhất, vụ ô nhiễm môi trường liên bang được giải quyết tại tòa án là vụ khởi kiện Công ty khai thác quặng sắt Samarco số tiền 44 tỷ USD do vụ vỡ đập khiến 19 người chết và làm ô nhiễm cả con sông lớn, vụ vỡ đập xảy ra đầu tháng 11/2015 tại làng Bento Rodrigues, bang Minas Gerais. Ước tính hơn 60 triệu m3 bùn đất chứa các chất thải độc hại sau quá trình khai thác quặng sắt đã bị tràn ra ngoài. Con sông lớn Doce gần đó cũng bị ô nhiễm trên diện rộng đến hơn 500 km. Ngày 27/12/2015, Công ty Samarco đã chấp nhận bồi thường hơn 25.300 USD cho mỗi nạn nhân của vụ vỡ đập chứa chất thải độc hại, ngoài ra mỗi gia đình buộc phải rời bỏ chỗ ở cũng sẽ nhận thêm 5.000 USD và sẽ được nhận lương tháng cũng như thực phẩm cần thiết trong thời gian chờ đợi xây dựng nhà mới. Samarco và hai công ty khác phải trả trước 2,2 tỷ USD trong vòng 30 ngày để khắc phục ô nhiễm. Viện Môi trường Braxin (Ibama) phụ trách việc giải quyết thiệt hại và khắc phục hậu quả.

 

TS. Bùi Hoài Nam, Th.S. Lưu Thị Hương, Th.S Nguyễn Thị Thu Thảo

Viện Khoa học môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Ý kiến của bạn